Học chữ ở Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đầu giờ sáng, Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) bộn bề công việc. Đứng trước cửa Phòng kế hoạch, tôi thấy băn khoăn cho công việc của mình. Đi vắng hết cả, chỉ còn một thanh niên trẻ đang giải quyết cả đống giấy tờ, vây quanh là giáo viên từ các trường về nộp báo cáo kế hoạch đầu năm.

Khá lâu sau, khi công việc đã xong, anh mới hướng mắt sang phía tôi đầy vẻ bối rối: “Chị thông cảm, đầu năm mà... Các anh trong Phòng đi họp hết, chỉ mình tôi ở nhà nên nhiều việc quá. Hôm qua, Phòng Nghiệp vụ Huyện ủy đã trao đổi về việc của chị, cần gì chị cứ bảo tôi”. Nói được một câu, anh lại quay ra dán mắt vào màn hình vi tính, tranh thủ cóp dữ liệu vào máy. Thật là ngại, nhưng nhất định tôi phải lên Suối Giàng để tìm hiểu mô hình bán trú dân nuôi. tôi nói nhanh:

- Biết anh bận nhưng vẫn phải nhờ anh đưa lên thăm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Giàng.

- Vâng, chị đợi tôi một lát - Anh đáp.

Tôi nghe loáng thoáng lời nói của anh vọng từ phòng bên cạnh. Anh đang nhờ người giải quyết nốt những việc còn lại trong khoảng thời gian mình vắng mặt. Không nghe tiếng người trả lời, chỉ thấy bóng anh chạy ra phía nhà để xe rồi dắt xe máy ra. Sau cái gật đầu hiểu ý, tôi nhanh chóng lên đường. Mưa vẫn đều hạt. Văn Chấn vào thu. Tiết trời hiu hiu, dịu mát. Quãng đường chỉ độ hơn chục cây số nhưng Suối Giàng có vẻ xa hơn, cao hơn bởi những khúc cua liên tục. Qua tiếng gió giật áo mưa phần phật, tôi nghe rõ tiếng trả lời của anh khi nghe hỏi về mô hình bán trú dân nuôi:

- Mô hình này khác hẳn với hình thức học bán trú của các em ở ngoài tỉnh chị ạ. Các cháu học bán trú chỉ ở trường buổi trưa, đến chiều là bố mẹ đón về. Học nội trú dân nuôi thì các cháu ở lại trường trên cơ sở gia đình tự túc. Thường thì cuối tuần hoặc cuối tháng, học sinh mới về nhà chuẩn bị mọi thứ cần thiết rồi xuống trường. Mọi việc từ học hành, ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân... đều phải tự giác cả. Không phải vì chị mới lên mà tôi khen mô hình bán trú dân nuôi ở đây, nhưng quả thực nếu không có mô hình này thì giáo dục Văn Chấn không thể bảo đảm được chỉ tiêu đến lớp và chất lượng phổ cập giáo dục cấp I, cấp II đâu. 

- Anh cứ nói tiếp đi - Tôi giục.

- Trước kia, mô hình chỉ mang tính tự phát cho mãi đến năm 1997, huyện mới nhất trí cho xây dựng khu nhà cấp bốn bằng gỗ cho các cháu ở tạm. Năm 2006, nhờ có Dự án Chia Sẻ của Việt Nam và Thụy Điển hợp tác, cùng với sự đóng góp của nhân dân thì khu nội trú dân nuôi mới được xây dựng. Năm vừa rồi, cả huyện có 3 trường tiểu học, 10 trường THCS với 1.562 học sinh nội trú dân nuôi. Văn Chấn dự tính trong năm học tới sẽ cố gắng chiêu sinh 1.557 em.

Quãng đường vẫn đều đều với những vòng xoáy trôn ốc giữa ngút ngàn của đồi núi, của sương giăng. Sau hai mươi phút đi liên tục, chiếc xe dừng trước cổng Trường Tiểu học Suối Giàng. Các thầy cô trong Ban Giám hiệu trường đã đứng đón chúng tôi.

Không vội, tôi tha thẩn một vòng quanh trường. Đang giờ học, không khí im phắc, chỉ có tiếng giáo viên giảng bài, nhắc nhở học sinh. Anh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

- Hệ thống các trường tiểu học và trung học ở đây không giống như ngoài tỉnh. Do điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn nên các trường phải đặt rải rác nhiều điểm trường ở nhiều nơi. Trường tôi có ba điểm ở thôn trung Tâm, Cang Kỷ và Tập Lăng. Tại điểm Trung Tâm này thu hút học sinh nội trú của bốn thôn là Cang Kỷ, Suối Lóp, Tập Lăng I, Tập Lăng II.

Thì ra là vậy, hèn chi lúc mới bước vào, tôi cứ thắc mắc tại sao cả trường lại chỉ có bốn phòng, học sinh đến lớp không được đông. Lớp nào nhiều cũng chỉ được hai mươi em, còn lại chừng trên dưới mười học sinh.

- Mới đầu năm nên học sinh còn vắng nhiều lắm chị ạ. Số có mặt chủ yếu là nhà gần đây, các cháu ở nội trú chắc phải sang tuần mới đến đủ vì cần thời gian để chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân, gạo, tiền... mang xuống trường.

Mặt anh Sơn hơi đỏ:

- Ở tỉnh, khoản đóng góp này không đáng là bao nhưng với các gia đình nơi đây thì đều đã phải cố gắng lắm rồi. Nhất là đợt giáp hạt, một yến gạo nếu trộn thêm ngô, thêm sắn có thể đủ ăn cho cả nhà trong tháng. Nhưng để con mang đi rồi, có khi ở nhà cũng chưa biết sẽ ăn bằng gì nữa. Chúng tôi hiểu thế nên rất thông cảm, cho các em có thêm thời gian chuẩn bị để xuống trường.

Anh chỉ tay về phía mấy cậu bé Mông đang nép sau cánh cửa nhìn chúng tôi:

- Các em này học ca chiều. Ở đây, học sinh thì đông trong khi số phòng học lại ít nên nhà trường phải tổ chức học hai ca. Các cháu học ca chiều thì buổi sáng ở nhà ôn bài hoặc đi kiếm củi, tham gia lao động vệ sinh. Đợt nào chưa tìm được người nấu ăn thì những em học chiều còn có nhiệm vụ nấu ăn cho các bạn học sáng. Đến chiều thì ngược lại. Thời gian còn lại, các em được tổ chức vui chơi, tập nghi thức Đội, tập văn nghệ...

Nhìn các cháu nhỏ xíu, ánh mắt ngơ ngác, tôi không giấu nổi ngạc nhiên. Ở thành phố, tầm tuổi này, trẻ vẫn hoàn toàn dựa vào gia đình, còn nơi này thì tất thảy mọi việc các em đều phải tự lập. Cô Tư - Hiệu phó nhà trường tâm sự:

- Học trò càng nhỏ, trách nhiệm của chúng tôi càng lớn. Bình thường, khi các em khỏe mạnh thì chúng tôi lo rèn giũa nếp ăn, nếp ở. Lúc đau ốm thì lại lo đưa các cháu đi khám bệnh, thuốc thang. Nói anh chị đừng cười, có hôm đang đứng giảng bài cho lớp Một, tự nhiên thấy tất cả chạy túa ra cửa lớp, tròn mắt ngó ngoài đường. Tưởng chuyện gì xảy ra, nhưng không, chỉ là vì lần đầu tiên chúng nghe thấy tiếng còi xe máy nên chạy ra xem. Hay ngay như việc đi dép thôi, nói nghe thì đơn giản nhưng cũng phải mất một thời gian dài mới giúp các cháu làm quen được. Thường khi phụ huynh đưa con em đến trường, chúng tôi đều dặn mua dép đầy đủ. Song chỉ đi được một, hai hôm, bọn trẻ đã bỏ ra, cất ở đầu giường.

Hỏi tại sao thì các em chỉ bảo là đi đất quen rồi. Ngày nào chúng tôi cũng dặn phải thường xuyên đi dép, rửa chân tay, hay việc đánh răng, rửa mặt trước khi đi ngủ, dần rồi các cháu cũng nghe. Thành thói quen, đến khi về nhà, trẻ lại hướng dẫn bố mẹ, anh chị em làm theo. Phụ huynh gặp các thầy cô đều bảo rất vui vì nhờ được đi học, con nó biết thêm nhiều điều hay, điều phải, thích nhất là việc các con nó biết đọc cái chữ, biết đọc cái tờ đơn. Nhiều gia đình khác cũng dẫn con đến xin ở nội trú nhưng do điều kiện hạn chế nên chúng tôi không thể đáp ứng hết được.

Cô Tư nói một cách say sưa, không giấu nổi sự tự hào, bởi công việc mà các thầy cô đang làm không chỉ là cho học sinh mà còn giúp cho cả gia đình các trò nữa. Các cháu chính là cầu nối, đưa tri thức, văn hóa, tiến bộ vào tận những thôn bản xa xôi, heo hút nhất. Điều đó giúp tôi hiểu rằng, tại sao ở đây, Huyện ủy Văn Chấn cũng như nhà trường dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mô hình bán trú dân nuôi.

Thầy hiệu trưởng nói thêm:

- Lên đây, các thầy cô phải thực sự yêu nghề, yêu trẻ, coi trò như con thì mới làm việc được. Thầy cô đã đi dạy cả ngày, tối lại thay nhau trực, lắm khi con cái phải nhờ ông bà trông hộ. Nhưng nếu mình không chăm lo tốt cho trẻ thì phụ huynh không yên tâm, các cháu lại bỏ học. Nhiều phụ huynh dẫn con đến chỗ chúng tôi dặn mỗi một câu: “Tao dẫn thằng này sang, các thầy cô phải xem cho tao. Nếu không, sau này, tao sẽ không cho nó đi học nữa đâu”.

Tôi bật cười, thật chẳng bù cho các phụ huynh nơi thành thị. Con không đến lớp thì bố mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên. Còn chốn này thì nếu học sinh không đến lớp đủ, chính thầy cô giáo lại là người lo nhất.

Tôi hỏi anh Sơn về khu nội trú dân nuôi của Trường. Anh dẫn tôi đến trước khu nhà gỗ được dựng cách đây nhiều năm đã ngả màu cũ xỉn. Khu trái là dãy nhà tập thể giáo viên, liền đó là khu nhà ở học sinh. Khu nhà gỗ được chia làm đôi, một nửa dành làm chỗ ở cho học sinh nữ, một nửa là khu nấu ăn cho học sinh của cả Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Giàng. Bên khu giáo viên, vài ba phòng đã có người ở. Các thầy giáo mình trần, lấm tấm mồ hôi, bắc ghế, đóng lại cửa cho các cô giáo. Rẽ qua khu nhà ở học sinh, thấy phòng vẫn trống nhiều, chưa dọn dẹp. Còn giữa gian bếp tối, bọn trẻ đang quây quần bên nồi cơm sôi dở. Bí ngô xanh được một cậu bé lớn nhất đám xào làm thức ăn mặn. Thấy người lạ, các em ngượng ngùng, nép vào nhau, có cháu bỏ chạy ra ngoài.

Nhìn cảnh ấy, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng... biết làm sao được khi mà gia đình các cháu chỉ có thể lo được mười cân gạo và mười nghìn đồng mỗi tháng để nộp thêm cho nhà trường. Mười nghìn đồng ở phố chỉ đủ mua một bát phở ăn sáng, thế mà ở đây các cháu phải dành cho cả một tháng vừa để mua thức ăn, vừa nhờ người nấu hộ. Kham khổ là vậy mà trên lớp sáng nay, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh các học sinh ngồi im, chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Nhớ hình ảnh những cháu nhỏ lon ton vác từng bó củi trên vai, nói cười vui vẻ...

Các thầy gọi, động viên mãi, đám trẻ mới quay vào. Với câu hỏi của chúng tôi, chúng chỉ cười cười, bẽn lẽn. Câu trả lời duy nhất mà chúng tôi nhận được khi hỏi các em: “Học ở đây có thích không?” là “Thích chứ” rồi ù té chạy...

Nắng đã đứng bóng. Các thầy cô mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Chúng tôi đồng ý với điều kiện về ăn cơm cùng các cháu. Mâm cơm đã được dọn sẵn để chờ chúng tôi. Chúng tôi mỗi người một bát, ăn với bí xào. Lần đầu tiên, tôi được ăn một bữa cơm ngon đến thế. Không khí thật đầm ấm! Thầy, trò và khách quây quần bên bếp, cùng ăn uống, chuyện trò. Bọn trẻ cơm dính đầy miệng, và cơm một cách ngon lành, vừa ăn vừa bẽn lẽn. Ngồi được một lát, chúng lần lượt bê bát chạy ra sân đứng ăn. Ngó ra, thấy có cháu đang ngồi bên bể nước, tôi hỏi:

- Anh Sơn này, các cháu chạy ra đó làm gì thế?

Anh cười:

- Để lấy nước làm canh.

Tôi giật mình:

- Ấy chết, nhỡ các cháu đau bụng thì sao?

- Không sao đâu, chị ạ. Chúng tôi rèn mãi mà vẫn chưa được. Cháu lớn còn nghe chứ các cháu nhỏ chắc phải mất một thời gian nữa.

Cô Tư phân trần:

- Mùa này, có cơm để ăn còn là tốt đấy. Vào kỳ giáp hạt, có cháu phải mang ngô đi nộp, không thì lại đi kiếm củ ráy thái ra trộn lẫn với gạo thổi ăn. Thức ăn có khi chỉ là bát gừng thái nhỏ rang với muối. Nhiều khi lên lớp, thấy số học sinh cứ thưa dần, hỏi ra mới biết vì không có gạo để nộp nên các cháu nghỉ ở nhà. Bố mẹ thì ngại không dám nói, cứ đợi đến khi nào chuẩn bị đủ gạo mới cho con đến lớp.

- Thấy như vậy, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn, chỉ tự đóng góp mua ít gạo, cải thiện phần nào cho các cháu. Anh chị cũng biết đấy, theo tiêu chí mới thì Suối Giàng có đến hơn 60% hộ nghèo. Như thế này, các gia đình đã cố gắng hết sức trong điều kiện của mình rồi...

Chỉ nói đến vậy, khóe mắt cô đã rưng rưng... Cô cúi xuống, lấy chiếc que gẩy đống than củi đã cháy gần hết, chỉ còn le lói chút ánh hồng:

- Gắn bó lâu nay, nhìn các cháu như vậy, nhiều khi tôi thấy mình như có lỗi. Dù có đi đâu, tôi đều nghĩ đến chúng. Dù có được ăn sơn hào hải vị mà nhớ đến bọn trẻ là tôi thấy không còn gì ngon nữa...

Thấy mọi người đã xong bữa, đám nhỏ bảo nhau dọn dẹp. Cháu bưng nồi, cháu bưng bát ra bể rửa. Cháu nào học ca chiều thì lui về phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị sách vở để đến lớp. Những cái bóng nhỏ bé khuất dần sau các cánh cửa, chỉ còn bao ánh mắt thơ ngây, trong sáng vẫn sáng lại phía sau. Tiễn chúng tôi ra về, các thầy cô vẫn tươi rói những nụ cười hiền, thật hiền.

Cái nắng đã dịu lại, không còn gay gắt nữa.

N.N.Y

Các tin khác
Người dân Phong Dụ Thượng được chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã.

YBĐT - Cơn bão số 4 làm tuyến đường từ Đông An vào Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) bị hư hỏng, nhiều đoạn ngập ngụa bùn đất. Vậy mà, chỉ mất khoảng gần hai giờ đồng hồ, ngược theo dòng suối Hút bằng xe máy, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm Phong Dụ Thượng, một xã vùng thượng huyện Văn Yên.

Công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La.

YBĐT - Sơn La - vùng đất của núi Mường Hung và dòng sông Đà, sông Mã; cây đào Tô Hiệu bên ngục tù năm xưa và hiện nay là nhà máy thuỷ điện lớn nhất vùng Đông Nam Á. Đảng bộ cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XII đề ra, để sớm đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo...

Đường vận chuyển gỗ.
Một phần số gỗ khai thác bị Trạm Kiểm lâm Cao Phạ thu hồi.

YBĐT - Trong chuyến công tác vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái), tình cờ chúng tôi được cán bộ Trung tâm bố trí cho gặp Lù Bản Dơ, người xã Tú Lệ (Văn Chấn), một đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Vừa cắt cơn, còn yếu, gặp chúng tôi, Dơ khóc: “Tao nghiện hút khi đi khai thác pơ mu, bây giờ ân hận lắm. Mày xin cán bộ cho tao về với vợ con đi!”. Theo những gì Dơ kể, chúng tôi vượt đường để đến với mảnh đất nơi Lù Bản Dơ và nhiều người đã sa vào con đường tội lỗi.

Vợ chồng Lý Anh Tuấn và Phạm Thị Mận cảm thấy rất hạnh phúc khi được tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

YBĐT - “...Trong buổi lễ ra mắt tại trụ sở UBND phường Nguyễn Thái Học, hàng chục cặp vợ chồng “có H” (người nhiễm virút HIV) ấy vừa mừng lại vừa lo. Lo mọi người biết mình bị nhiễm HIV có tăng thêm mức độ kỳ thị không? Mừng vì được ra mắt, được tự tin đứng trước mọi người”. Đó là tâm trạng chung mà các thành viên nhóm Hoa Ban Trắng của thành phố Yên Bái vừa trải qua sau buổi lễ ra mắt...”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục