Gửi Nha Trang
- Cập nhật: Thứ ba, 4/11/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Bồng bềnh. Bồ - ồng bề - ềnh. Như gối đầu lên sóng biển, tôi miên man mơ mộng. Lúc tỉnh dậy đã thấy mặt trời như một khối cầu lửa tròn trịa rực hào quang đang trôi dập dềnh mãi đường chân trời.
Muôn trùng sóng đua nhau vỗ dồn đẩy mặt trời bay tít mãi không gian xanh thẳm. Tôi ngước nhìn, đưa ánh mắt thâu tóm cả vòm trời, từ núi Chúa phía Bắc xuống núi Cầu Hin phía Nam, ra khơi xa, chợt ngay phía trước là hòn Ngọc Việt chẳng khác gì một con cá voi khổng lồ đang bơi. Nha Trang bỗng bừng lên, mênh mông, dạt dào, biếc xanh.
Không thể chờ đợi, ngay sớm mai từ Nhà sáng tác Nha Trang vù xe đến cảng du lịch Cầu Đá, tôi cùng các bạn văn nghệ sỹ Yên Bái lên chiếc tàu du lịch Hoàng Anh 07, rẽ qua thăm Khu du lịch Trí Nguyên, rồi nhằm hướng hòn Mun rẽ sóng. Được ngày nắng rực và gió lộng, đến ngang hòn Mun, con tàu cưỡi trên những ngọn sóng lớn, sóng ập vào mũi tàu bắn toá lên như pháo hoa.
Con tàu chòng chành nghiêng ngả. Mọi người ùa ra mũi tàu đón sóng, cười ha hả. Trong kia, những chiếc lều canh tổ yến treo trên vách đá hòn Mun thật giống những tổ chim đại bàng. Ống kính máy ảnh, camera thi nhau chĩa về phía ngọn sóng trắng đang vờn lên lưng đảo đá.
Càng ra xa, gió càng lộng, sóng càng lớn, đến nỗi anh Dương Soái - Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái lo ngại, hét tàu phải quay lại. Người chủ tàu cười hì hì, bảo: “Đáng kể gì!”, nhưng vẫn cho tàu quay lại phía sau hòn Mun. Cứ tưởng sóng lớn thế này thì chỉ có những kẻ lãng tử mới liều chơi biển, đâu ngờ cả chục chiếc tàu đã neo ngay bến hòn Mun, rất nhiều khách ta khách Tây đang bì bõm bơi lặn xem san hô.
Tàu Hoàng Anh 07 vừa dừng thì một chiếc thuyền thúng nhéo vào. Lão ngư còm nhom sém rạm nắng gió biển khơi, đầu chông chênh chiếc nón mê, một tay khua khua mái chèo, một tay huơ lên, mời mọc: “Các anh xuống thuyền, tôi chở đi xem san hô, đẹp lắm!”.
Mấy anh em vốn máu lãng tử, liền cởi phăng quần áo dài, bước nhẹ xuống chiếc thuyền thúng bé nhỏ. Tôi ngạc nhiên vì lần đầu tiên đi chiếc thuyền thúng có đáy kính thuỷ tinh trong suốt. Hỏi ra mới biết, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trang bị cho những gia đình ngư dân nghèo chiếc thuyền thúng kính lúp để kiếm ăn.
Lão ngư thấy khách hào hứng xuống đầy thuyền thúng kính lúp, lão mừng quá, mắt sáng lên, vừa bơi vừa chỉ tay xuống đáy kính lúp, liền liền giới thiệu, rằng ở đáy biển Nha Trang này có tới 350 loài san hô. Có cả trăm loài cá sống quanh rừng san hô nữa. Mà phải đi thuyền thúng thế này mới thấy cá, chứ đi cái tàu đáy kính to kia, động biển, cá chạy hết mất. Nếu thấy cả san hô và cá bơi quanh thì thích lắm!
Đấy đấy! Kia kìa! Lão ngư reo lên. Chúng tôi cùng ngó xuống đáy thuyền thúng, qua kính lúp như dán ngay vào mắt rõ nét là vô vàn những cây san hô bám trên đá: san hô polip, san hô cứng, san hô sừng giống như chiếc gạc nai, san hô mềm như lau sậy lả lướt theo nước biển, san hô nấm linh chi thật giống những chiếc nấm linh chi lớn, san hô cúc chẳng khác gì một cụm hoa cúc vàng tươi tỏa sáng cả đáy biển..., nhiều loài san hô nữa, đẹp một cách lạ lùng, lại có từng đàn cá bơi quanh san hô, bơi hút vào trong rừng san hô, lại chợt hiện ra, chẳng khác gì chuyện trong thần thoại ấy.
Tôi bỗng thảng thốt. Bởi rừng san hô kia đã khiến tôi cảm nhận về một thế giới khác. Một thế giới kỳ ảo, như thực như mơ. Một thế giới mà không có nó, con người sẽ trở nên đơn điệu, cằn cỗi. Thú thật, lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy cả rừng san hô tươi nguyên dưới đáy biển hòn Mun Vịnh Nha Trang, đúng là Giời cho, mới hiểu tại sao người ta bảo đây là rạn san hô đa dạng nhất, nó giống như “rừng mưa nhiệt đới” của biển.
Cũng mới hiểu, tại sao Việt Nam cùng với Ngân hàng thế giới/Quỹ môi trường toàn cầu(WB/GEF) - Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch(DANIDA) - Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), ra sức bảo vệ nó. Rời biển lên thăm hòn Mun thăm Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, nhà thơ Ngọc Bái và các bạn chăm chú xem tấm Bằng chứng nhận: LES PLUS BELLETBAIET DUMONDE, Jdaussac(Canada) 5-6-2003- chứng nhận Vịnh Nha Trang là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.
Còn tôi thì nghểnh lên xem mấy chữ trên tấm pano “Kẻ thù nguy hiểm nhất của san hô và nghề cá là gì?- Hãy mở cửa ra và bạn sẽ biết!”. Tôi lật mặt sau tấm pano, thật bất ngờ, là một chiếc gương to. Ô, tôi sừng sững ở trong gương, giật thót người, thì ra chính ta, chính con người là kẻ thù của san hô và nghề cá, chứ không ai khác.
Một sự cảnh báo và cảnh cáo thật chính xác! Không thể chối cãi, bởi còn đấy việc thế giới đang đánh bắt tới 82 triệu tấn cá một năm bằng 13kg/người, còn đấy việc mười nước cùng quây vào đánh bắt cá ở biển Đông như: Việt Nam - Thái Lan - Trung Quốc - Mianma - Philippin - Campuchia - Malaisia - Inđônesia - Brunây - Singapo, còn đấy cả thế giới có trên 3,5 triệu tàu đánh cá thì riêng Khánh Hoà và Phú Yên đã có tới trên 10 ngàn tàu đánh cá!
Phải nói, Sao biển gai là mối đe doạ lớn đối với san hô, nhưng không thể chối cãi rằng, chính hoạt động đánh bắt cá quá mức thế kia, cùng với việc khai thác san hô bừa bãi và không có ý thức giữ gìn môi trường trong sạch, con người sẽ dần tiêu diệt các loài cá, dần tiêu diệt các tập đoàn san hô quí giá trong biển Vịnh Nha Trang và trên khắp đại dương bao la.
Tôi biết, Vịnh Nha Trang rộng trên 500 km2, nằm trong vòng cung bờ biển Thành phố Nha Trang từ mũi Khe Cây(Kê Gà) đến mũi Đông Ba(Cù Hin), có sự hài hòa giữa hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ dập dềnh cưỡi sóng, với những dãy núi ven bờ nghênh nghênh nắng gió, với những thềm cát trắng cát vàng mơ mộng ánh trăng khuya, với những con sóng biếc xanh dạt dào muôn thuở.
Còn biết bao sản vật quí hiếm trong lòng vịnh xanh kia. Đấy là cả một tài sản vô giá không chỉ của Nha Trang, của Việt Nam, mà còn là của cả thế giới, của chính mỗi người chúng ta nữa. Vì thế, người ở núi như tôi hiểu sâu sắc rằng, khi mất đi một loài cá, mất đi một vùng rừng san hô dưới biển cũng chẳng khác gì mất đi một loài cây, mất đi một cánh rừng nguyên sinh trên núi- nguy hiểm cho tự nhiên cho con người lắm, đau xót lắm, tiếc lắm!
Bởi vậy, lời kêu gọi bảo vệ tự nhiên phải bắt đầu từ tình yêu cuộc sống của con người. Có phải thế chăng mà khi trở về, con tàu Hoàng Anh 07 chỉ lướt nhẹ trên sóng như sợ đánh động đàn cá đang vui chơi trong rừng san hô dưới kia.
Nghĩ thế, tôi hãnh diện nhìn khắp vùng biển đảo long lanh. Tôi mơ màng nhìn ra hòn Mun, hòn Một, hòn Nọc, hòn Tằm, hòn Dung, hòn Yến, hòn Miễu, hòn Chồng, hòn Tre (hòn Ngọc Việt) - nghĩ, duyên cớ gì mà Giời lại cho Vịnh Nha Trang cả một đàn “cá voi” khổng lồ, luôn bảo vệ cho Thành phố Nha Trang sự bình yên trước bão tố biển khơi.
Cũng nên nhớ rằng, nhờ chính đàn “cá voi” khổng lồ kia mà miền đất Ea Trăng - theo thổ âm Chăm xưa thì Ea là con sông, Trăng là lau sậy- miền đất xửa xửa nơi con sông um tùm lau sậy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, mà nay đã trở nên thành phố biển tươi đẹp và hấp dẫn.
Thì đấy, rời tàu rồi, từ Cảng du lịch Cầu Đá cứ theo đại lộ Trần Phú xuôi êm xuống Đại lộ Phạm Văn Đồng đến Đồng Đế, suốt 15 km lướt trong lung linh ánh đèn, biển ạt ào kể chuyện ta nghe về Thành phố biển Nha Trang. Rằng chưa có một nơi nào, chỉ trong vòng hơn 250 km2 với chừng 350 ngàn dân mà có tới 40 đền chùa, 15 nhà thờ và tu viện, để thấy từ bao đời, con người nơi đây đã thật có tự do tín ngưỡng, con người không kể phương trời, dòng tộc và tôn giáo đã hoà thành một cộng đồng thân thương của dân tộc Việt.
Thành phố Nha Trang còn có những nơi nổi tiếng mà không mấy ai không biết, như: Biệt thự Bảo Đại, Viện Hải dương học, Viện Pasteur, Viện Vật lý, Đại chủng viện Sao biển, chợ Đầm, Trung tâm du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà, Nhà thờ đá, chùa Long Sơn, Tháp Bà Ponagar bên cầu Xóm Bóng. Kể vậy nhưng tôi chưa thể đi hết. Mới hai lần lòng vòng mãi trong Viện Hải dương học, mê mải với lịch sử ngành hàng hải, mê mải với bao nhiêu loài sống dưới đại dương, bao nhiêu loài cá của biển khơi mặn mòi: cá mập, cá mú, cá đuối, cá ngừ, cá chim, cá đé, cá song, cá chình, cá thu, cá chuồn...
Một đêm cùng bạn Xuân Vệ nghiêng ngả say trong khuôn viên Biệt thự Bảo Đại, cứ cười ngất cái ông vua lắm tiền, xây biệt thự sang trọng khắp nơi, để bây giờ cho gió thổi lang thang, thật lãng phí xương máu, mồ hôi nước mắt của dân.
Buổi mai, tôi cùng các bạn lên chùa Long Sơn. Ngôi chùa lớn nhất trong các ngôi chùa ở Nha Trang. Thắp hương cúi đầu vái Đức Phật với bao lời cầu khấn tốt lành, lòng tôi thanh thản lạ, bước lên 289 bậc đá cứ nhẹ thênh thênh. Lên đến đỉnh núi Long Sơn, tôi lại thắp hương cúi đầu trước Kim Thân Phật Tổ với gương mặt sáng rỡ từ bi - Người đang ngồi toà sen giữa lưng trời xanh thẳm.
Lúc trở xuống, tôi với bạn Thế Quynh rẽ sang gác chuông, cùng chui vào trong lòng quả chuông nặng 1500 kg. Bà từ ba lần khấn, cứ sau mỗi lần khấn lại một lần thỉnh chuông. Tiếng chuông rung ngân mê mê lạ lùng, cảm giác không chỉ qua thính giác mà như thấm hết vào từng tế bào, mạch máu, rồi nhẹ bỗng lên, bảng lảng. Tôi không nghe rõ lời cầu khấn của bà từ, nhưng khi ra khỏi lòng chuông tôi đọc được mấy câu khắc trên thành chuông: Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới/ Khắp nơi u tối mọi loài nghe/ Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử/ Giác ngộ tâm tư một hướng về. Chắc là câu khấn của bà từ.
Tôi vốn được coi là con của Đức Phật từ khi còn nhỏ ở Chùa Cỏ làng Bích Tràng - Hưng Yên, nên tiếng chuông chùa đối với tôi như một thứ âm thanh linh diệu hoá giải mọi ưu sầu. Tôi cũng hiểu rằng “Giác ngộ tâm tư một hướng về” là về cõi Phật, sau khi con người đã làm xong bổn phận hành đạo Thiện trên cõi nhân gian này.
Chiều, tôi một mình lên Tháp Bà Ponagar. Nắng vàng đổ nghiêng Xóm Bóng. Mới rón chân được mấy bậc thềm, tôi như lạc vào trong huyền thoại. Hai hàng trụ uy nghiêm như hai hàng tráng sỹ đứng gác lối lên thềm Ponagar khiến trái tim tôi đập rộn lên. Vẫn biết ba tháp nhỏ thờ thần Cricambhu, thần Sandhaka, thần Ganeca, còn tháp lớn thờ thần Ponagar- vị thần tượng trưng cho lòng nhân ái, sắc đẹp, ca vũ và sự sáng tạo văn minh vật chất- vậy mà khi vào trong tháp lớn, ngước nhìn tượng thần Ponagar với vẻ mặt thông tuệ, nhân từ và đẹp một cách dân dã, tôi bỗng run rẩy, hồn bảng lảng trong khói hương bảng lảng.
Ôi, xửa xưa cả ngàn năm mà con người đã biết tôn vinh những giá trị đích thực là lòng nhân ái, sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo! Vậy là, Ponagar không còn là một nữ thần trong thần thoại Chămpa nữa, mà Người đang bước ra giữa cuộc đời này với một chân dung đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Tôi bước lùi ra khỏi Ponagar, chợt nghe chim hót líu ríu trên vòm cây xanh, nắng nhuộm vàng cả núi Tháp Bà. Không bỏ ý tưởng riêng, xuống chân Tháp Bà, tôi liền tít xe đến Ga cáp treo sang hòn Ngọc Việt, không phải để xuống Thủy cung Vinpearl, đi Shopping Mall, chơi Indoor Games, Outdoor Games & Activities, thưởng thức nhạc nước trong Amphitheatre, hay tìm miếng ngon ở Food Village.
Từng đi cáp treo Đà Lạt, Chùa Hương, Côn Minh (Vân Nam -Trung Quốc), tôi còn lạ gì cảm giác vừa thích vừa run. Lần này tôi đi cáp treo sang hòn Ngọc Việt là để dành lấy cái “cảm giác nhất” khi ngồi trên cáp treo biển dài nhất thế giới, cũng là dịp để ngắm những con sóng biếc Vịnh Nha Trang - một trong những con sóng đẹp nhất thế giới.
Thật không hề lãng phí thời gian và tiền bạc, ở trên cao 60m, tôi đăm đắm nhìn thành phố biển đang mờ dần trong chiều tím. Rồi tôi mê mải ngắm những con sóng biếc giờ được viền ánh hoàng hôn nên cứ lấp lánh vàng lấp lánh vàng. Xôn xao vịnh biển là những chiếc tàu về bến, đua nhau cưỡi lên những con sóng lấp lánh vàng lấp lánh vàng. Đây là giây phút đem lại cảm xúc tuyệt diệu về Vịnh biển Nha Trang.
Mới hiểu vì sao từ xưa Yersin - bác sỹ người Pháp - yêu Nha Trang đến thế, yêu đến mức ông nguyện sống trọn đời ở Nha Trang, hiến dâng tất cả đức tài cho cuộc sống Nha Trang.
Ban mai,
Mặt trời hồng,
Rực ánh hào quang,
Long lanh sóng biếc,
Chia tay Nha Trang,
Bước chân lãng du trên thềm biển cát vàng.
Biển bỗng dạt dào lời thơ Xuân Diệu: Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng/ Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt...
Ôi, thật là..!
Tôi đã từng đắm đuối trước biển xanh Sa Vỹ- biển Cát Bà- biển Thiên Cầm- biển Nhật Lệ- biển Thuận An- biển Lăng Kô- biển Sa Huỳnh- biển Mỹ Khê- biển Mũi Né- biển Vũng Tàu- biển Mũi Cà Mau, nhưng chưa bao giờ thấy con sóng biếc dạt dào gọi thơ Xuân Diệu như ở biển Nha Trang.
Vẫn biết, Xuân Diệu viết bài thơ "Biển" không lấy cảm hứng từ biển Nha Trang, nhưng sóng biếc ấy, cát vàng ấy, nụ hôn êm đềm và mãnh liệt ấy, cứ như là của biển Nha Trang trong sớm mai nay.
Hoàng Thế Sinh - Nha Trang tháng 5 năm 2008
Các tin khác
YBĐT - Đầu giờ sáng, Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) bộn bề công việc. Đứng trước cửa Phòng kế hoạch, tôi thấy băn khoăn cho công việc của mình. Đi vắng hết cả, chỉ còn một thanh niên trẻ đang giải quyết cả đống giấy tờ, vây quanh là giáo viên từ các trường về nộp báo cáo kế hoạch đầu năm.
YBĐT - Cơn bão số 4 làm tuyến đường từ Đông An vào Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) bị hư hỏng, nhiều đoạn ngập ngụa bùn đất. Vậy mà, chỉ mất khoảng gần hai giờ đồng hồ, ngược theo dòng suối Hút bằng xe máy, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm Phong Dụ Thượng, một xã vùng thượng huyện Văn Yên.
YBĐT - Sơn La - vùng đất của núi Mường Hung và dòng sông Đà, sông Mã; cây đào Tô Hiệu bên ngục tù năm xưa và hiện nay là nhà máy thuỷ điện lớn nhất vùng Đông Nam Á. Đảng bộ cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XII đề ra, để sớm đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo...
YBĐT - Trong chuyến công tác vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái), tình cờ chúng tôi được cán bộ Trung tâm bố trí cho gặp Lù Bản Dơ, người xã Tú Lệ (Văn Chấn), một đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Vừa cắt cơn, còn yếu, gặp chúng tôi, Dơ khóc: “Tao nghiện hút khi đi khai thác pơ mu, bây giờ ân hận lắm. Mày xin cán bộ cho tao về với vợ con đi!”. Theo những gì Dơ kể, chúng tôi vượt đường để đến với mảnh đất nơi Lù Bản Dơ và nhiều người đã sa vào con đường tội lỗi.