Một ngày ở Phong Dụ Thượng

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cơn bão số 4 làm tuyến đường từ Đông An vào Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) bị hư hỏng, nhiều đoạn ngập ngụa bùn đất. Vậy mà, chỉ mất khoảng gần hai giờ đồng hồ, ngược theo dòng suối Hút bằng xe máy, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm Phong Dụ Thượng, một xã vùng thượng huyện Văn Yên.

Người dân Phong Dụ Thượng được chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã.
Người dân Phong Dụ Thượng được chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã.

Đúng như lời giới thiệu của anh bạn làm việc tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, vượt qua đất Dụ Hạ, Dụ Thượng hiện ra với một mầu xanh của rừng, bao bọc quanh những ruộng lúa chín vàng, những thôn bản của người Tày, người Dao bên dòng suối Hút, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.

Trung tâm xã có vị trí khá đẹp, một bên là cánh đồng lúa, một bên là núi thấp. Tuy là xã vùng cao nhưng trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND, trạm y tế, bưu điện văn hoá xã... được xây dựng liên hoàn và khá khang trang. Con đường chính dẫn vào trung tâm mới được xây dựng nên nhiều hộ dân đã về quần cư, mở dịch vụ buôn bán. Nghe các cụ kể lại, không biết có phải do Phong Dụ Thượng nằm ở vị trí trung tâm giữa: Sùng Đô, Sài Lương, Gia Hội, Nậm Có và các xã vùng thượng huyện Văn Yên, huyện Văn Bàn (Lào Cai) hay không, hay vì một lý do nào đó mà những năm 49, 50 của thế kỷ trước, giặc Pháp đã xây dựng đồn tại đây. Tuy không lớn bằng Đại Bục, Đại Phác, Tú Lệ... nhưng tháng tháng, tàu bay Pháp lại đáp xuống cánh đồng làng Chạng để đem nhu yếu phẩm, đến tiếp tế, phục vụ lính đồn. Ngày đó, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, người Tày, người Dao Phong Dụ Thượng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại phải lao dịch khốn khổ, nuôi được con trâu béo, con vịt ngon lại bị lính đồn, lính dõng xuống cướp phá. Chỉ sau khi đồn Đại Bục, Đại Phác... bị bộ đội ta hạ, giặc Pháp đóng ở nơi đây mới rút lui lên Điện Biên. Cuộc sống người dân nơi đây sang trang mới.

Biết chúng tôi đến, Chủ tịch UBND xã Siều Ngọc Tân dừng công việc dành thời gian tiếp. Anh cho biết: Dưới ánh sáng của Đảng, người dân Phong Dụ Thượng đang phát huy tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã từng bước được nâng lên.

Nghe anh Tân thông báo, thật mừng. Vì chỉ cách đây dăm năm, do đường giao thông đi lại khó khăn, cách trở nên cách trung tâm huyện vài chục kilômét mà ô tô, xe máy phải mất nửa ngày trời. Đó là vào mùa khô, còn mùa mưa, tắc đường là chuyện bình thường. Mãi năm 2006, đường từ Dụ Hạ vào Dụ Thượng mới được rải cấp phối. Năm 2007, tuyến đường Đông An – Phong Dụ Thượng thông, dù vẫn còn cách trở nhưng đây chính là “cú huých” để người dân trong xã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội.

Từ trung tâm xã, phóng tầm mắt ra cánh đồng Làng Chạng, đồng Pinh Cại..., lúa chín đã ngả vàng hứa hẹn một mùa no ấm. Dù gặp khó khăn về thời tiết nhưng 100% diện tích lúa nước đã được cấy hai vụ bằng giống lúa năng suất cao. Bên cạnh đó, diện tích ngô hè thu tăng nhanh với hàng trăm héc ta.  Từ chú trọng phát triển chăn nuôi mà trong xã có đàn trâu 1380 con, đàn bò 258 con, đàn lợn 4126 con, đàn gia cầm 14.805 con.

Với thế mạnh là rừng, nên gần 7000 ha rừng tự nhiên của xã đã được giao cho 172 hộ và tổ bảo vệ rừng quản lý, người dân còn mạnh dạn trồng nhiều quế, bồ đề, keo... Vì vậy, đến nay, trong xã đã có 1487 ha quế, mỗi năm đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho dân. Nhiều hộ có thu nhập cao từ quế như gia đình ông Đặng Thái Tài ở Khe Mạng có 20 ha, nhà Chủ tịch Siều Ngọc Tân cũng có 18 ha... Trong xã đã có nhiều hộ khá giàu, 70% hộ dân có điện nước sử dụng, 50% dân có xe máy đi lại.

Rời UBND xã, chúng tôi lên thăm đồn Chạng, dấu tích một thời đô hộ dưới ách thống trị khi xưa nay đã được thay bằng đồi quế xanh tốt.Thú vị hơn, ngay cạnh đó mọc lên 2 ngôi trường, một tiểu học, một THCS khang trang, vang tiếng  học bài. Đưa chúng tôi thăm trường, Chủ tịch Tân phấn khởi giới thiệu: Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh đến trường của Phong Dụ Thượng đều đạt gần 100%. Năm học này, toàn xã có 611 học sinh cấp I, 384 học sinh cấp 2, trong xã đã có 147 cháu được đi học mẫu giáo.

Tôi nhẩm tính, với 827 hộ, 4879 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc là Tày, Dao, Mông và Kinh, sinh sống ở 11 thôn bản, giao thông cách trở, địa hình phức tạp vậy mà thường xuyên có gần 1/4 dân số được đi học, đây quả là điều đáng mừng! Tuy nhiên, chuyện học hành mới chỉ dừng lại ở đó, rất hiếm học sinh của xã sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học THPT vì muốn học THPT phải ra tận xã An Bình, hay trung tâm huyện cách nhà 60- 70 kilômét. Điều này đã giải thích tại sao, sau nhiều năm mà phần lớn cán bộ giáo viên đang giảng dạy ở Phong Dụ Thượng đều là người địa phương khác. Hiện chỉ có 3 giáo viên người Dụ Thượng: Siều Quốc Vụ dạy cấp I, Siều Thị Toản và Lò Văn Hoan đều dạy cấp II. Còn đội ngũ cán bộ xã, phần lớn trình độ tiểu học, chỉ có 4 người đang học đại học tại chức trong đó có: 2 nông lâm, 1 luật, 1 hành chính tại tỉnh. Nâng cao trình độ dân trí, trình độ cán bộ, quả là một thách thức không nhỏ!

Lang thang tại Dụ Thượng, chúng tôi tạt vào Trạm Y tế xã. Cơ sở vật chất của trạm ngoài tưởng tượng của chúng tôi, có đủ phòng chờ, phòng sản, khám bệnh, dược, giao ban, bếp và 6 giường bệnh. Tráng A Giàng, người Mông bản Khe Táu đang đưa vợ là Giàng Thị Cợ xuống khám bệnh. Gặp tôi, Giàng bảo: Nó mệt nên phải đưa xuống đây bác sỹ khám bệnh cho. Có bác sỹ khám mới yên tâm!  Còn Mai Sơn Tác - Trạm trưởng Trạm Y tế xã, người có gần 40 năm gắn bó với nơi này cho biết: “ Giờ thì hầu hết bà con đã xoá bỏ tập tục cũ, hạn chế cầu cúng mỗi khi ốm đau, khi bị bệnh đã biết xuống các cơ sở y tế để khám bệnh”. Giở sổ theo dõi, ông bảo: “Chỉ trong 9 tháng, Trạm đã khám cho trên 3500 lượt người đấy!”.

Đêm Phong Dụ Thượng, trong tĩnh lặng của núi rừng, dòng suối Hút như càng tuôn chảy mạnh mẽ. Chúng tôi ăn cơm, uống rượu, xem ti vi... dưới ánh sáng của đèn điện được lấy từ trạm thủy điện nhỏ. Trước khi đi ngủ, anh bạn cùng đường định dắt xe máy cất vào nhà, nhưng mọi người cười bảo: Cứ yên tâm, không mất đâu mà sợ. Ở đây thiếu nhiều thứ nhưng an ninh trật tự tốt, không có trộm cắp, thuốc phiện! Sáng hôm sau thức giấc, đúng là xe vẫn nguyên ngoài sân!

Cái được của Phong Dụ Thượng đã nhiều, nhưng còn tồn tại? Đúng vấn đề trăn trở, Chủ tịch xã Siều Ngọc Tân trầm ngâm: “ Phong Dụ Thượng vẫn còn nhiều khó khăn, đó là cơ sở hạ tầng còn kém, xã chưa có điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc thì phập phù. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao mà lại tập trung ở bản người Dao: Làng Thi, Khe Mạ, Khe Mạng, Khe Dẹt và các hộ người Mông di cư. Trong khi đó, cơn bão số 4 vừa qua đã làm hỏng hoàn toàn công trình thuỷ lợi ở bản Lùng và Pinh Cại làm nhiệm vụ tưới tiêu cho gần 70 ha lúa đến nay vẫn chưa khắc phục được”. Còn Trưởng Công an xã Nguyễn Xuân Vạn thì lo lắng: "Giao thông cách trở, địa bàn rộng, liên lạc không có nên tình trạng phá rừng tự nhiên, xâm canh vẫn diễn ra, nhà báo à! ".

Điều anh Tân, anh Vạn trăn trở là sự thật. Có diện tích tự nhiên đến trên 19.800 ha, trong đó 10.790 ha là đất lâm nghiệp, 6.960 ha rừng tự nhiên. Trên lý thuyết, Phong Dụ Thượng là kho báu mà thiên nhiên ban tặng, tuy nhiên, đến nay vẫn có tới 60% hộ nghèo. Nguyên nhân chính vẫn do điều kiện tự nhiên khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém và do trình độ nhận thức của người dân còn thấp, chưa nỗ lực vươn lên. Đây thực sự là bài toán khó đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương!

Bên cạnh đó, dù đã được giao cho các hộ dân quản lý, nhưng do diện tích rừng quá lớn, trung bình mỗi hộ quản lý 15 ha rừng, hộ nhiều đến 42 ha từ đó dẫn đến tình trạng dân cũng không biết rừng của mình ở đâu. Trong khi đó, mức khoán bảo vệ rừng rất thấp (trên dưới 20 ngàn đồng/năm), cộng với nhận thức của một số người dân chưa tốt, địa bàn lại giáp ranh với Sùng Đô, Sài Lương, Gia Hội, Nậm Có là những nơi rừng đã hết. Vì vậy nhiều vụ phá rừng, xâm canh, di cư vẫn diễn ra, mặc dù xã đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Biết được những gì đạt được để phát huy, những gì còn yếu kém cần phải khắc phục – còn vô vàn những công việc mà Đảng bộ và chính quyền, đoàn thể phải làm. Tạm biệt Phong Dụ Thượng, mong sao ngày trở lại, cuộc  sống của người dân nơi đây nhanh chóng đổi thay như sức mạnh của dòng suối Hút vượt qua mọi thác ghềnh. Nhưng cũng mong những gì thuộc về thiên nhiên sẽ mãi được người dân nơi đây gìn giữ nguyên vẹn, như dòng nước mát từ khe suối tuôn chảy đã bao đời!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La.

YBĐT - Sơn La - vùng đất của núi Mường Hung và dòng sông Đà, sông Mã; cây đào Tô Hiệu bên ngục tù năm xưa và hiện nay là nhà máy thuỷ điện lớn nhất vùng Đông Nam Á. Đảng bộ cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XII đề ra, để sớm đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo...

Đường vận chuyển gỗ.
Một phần số gỗ khai thác bị Trạm Kiểm lâm Cao Phạ thu hồi.

YBĐT - Trong chuyến công tác vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái), tình cờ chúng tôi được cán bộ Trung tâm bố trí cho gặp Lù Bản Dơ, người xã Tú Lệ (Văn Chấn), một đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Vừa cắt cơn, còn yếu, gặp chúng tôi, Dơ khóc: “Tao nghiện hút khi đi khai thác pơ mu, bây giờ ân hận lắm. Mày xin cán bộ cho tao về với vợ con đi!”. Theo những gì Dơ kể, chúng tôi vượt đường để đến với mảnh đất nơi Lù Bản Dơ và nhiều người đã sa vào con đường tội lỗi.

Vợ chồng Lý Anh Tuấn và Phạm Thị Mận cảm thấy rất hạnh phúc khi được tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

YBĐT - “...Trong buổi lễ ra mắt tại trụ sở UBND phường Nguyễn Thái Học, hàng chục cặp vợ chồng “có H” (người nhiễm virút HIV) ấy vừa mừng lại vừa lo. Lo mọi người biết mình bị nhiễm HIV có tăng thêm mức độ kỳ thị không? Mừng vì được ra mắt, được tự tin đứng trước mọi người”. Đó là tâm trạng chung mà các thành viên nhóm Hoa Ban Trắng của thành phố Yên Bái vừa trải qua sau buổi lễ ra mắt...”.

YBĐT - Bây giờ, người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gọi Nguyễn Quang Huy là "Huy cá hồi". Cái tên chẳng liên quan gì tới "biệt tài" buôn bán, pha chế "cơm đen" một thời nức tiếng vùng Tây Bắc. Khép lại những trang đời lầm lỡ trong sự bao dung, nhân ái của cộng đồng, một trang đời mới được viết bằng chính đôi tay, trái tim, nghị lực của Huy đang mở ra trước mặt trời...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục