Quê nội Bích Tràng

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ly quê tròn Bốn lăm năm, tôi mới thấm nỗi nhớ thương. Thế nên mỗi lần về quê thể nào tôi cũng ra bến sông Thi, nơi có ngôi Chùa Cỏ bóng xanh lặng giữa chiều quê một mình, nơi in dấu vết cái bến đò ngang của nhà tôi còn xôn xao mái chèo đôi khua động sóng nước, nơi dòng sông mở rộng thêm đã xoá hết dấu vết mảnh đất riêng mà cha mẹ từng xây tổ ấm gia đình.

Xưa, nhà tôi với ngôi Chùa Cỏ ở tách riêng hẳn ra phía đầu làng Bích Tràng, ngay bên bến sông Thi ấy. Phải nói, đấy là nơi cư ngụ vào loại đẹp nhất làng, bởi không gian rộng thênh thênh với dòng sông xanh mát uốn lượn như một dải lụa mềm. Nhớ lắm, ngôi nhà cha mẹ trình tường đất, mái rạ, cửa hướng ra dòng sông Thi, quanh năm mát mẻ. Nhà tôi nghèo lắm nhưng không hiểu sao cha mẹ lại sắm được con thuyền nhỏ để làm nghề chở đò ngang. Thế nên từ bé, tôi không chỉ biết làm một số việc ngoài đồng như kéo bừa thay trâu, gánh rơm rạ, trồng khoai lang, trồng dưa gang, đánh giậm, úp lơm, đánh rọ cá rô, thả ống lươn, câu cá, bắt châu chấu, đánh nhậy, móc cua, mò ốc, tát lổ,... mà còn biết thêm một việc nữa như là một  nghề phụ sau nghề nông, là nghề chở đò ngang. Tôi tuy bé nhỏ nhưng bơi đò bằng chèo đôi rất dẻo tay. Đò nhà tôi đông khách. Thường là khách giao thương hai bên dòng sông Thi, khách từ bên kia thôn Năm đi chợ Cầu chợ Thi, khách đi lễ Chùa Cỏ. Xin thưa, Chùa Cỏ rất thiêng! Ngày bé, tôi tận mắt chứng kiến bao nhiêu chuyện kỳ lạ ở ngôi chùa này. Như chuyện chị Thế ở làng Cầu bỗng nhiên bị điên, suốt ngày thơ thẩn, miệng lảm nhảm những chuyện đẩu đâu, những chuyện ma quỉ, thỉnh thoảng lại hát những câu hát nhì nhằng chẳng có đầu có đuôi, vớ vẩn, mù mờ, chị ít ăn, ít ngủ, người cứ rạc rài. Gia đình kinh hãi đem đi chữa trị khắp các bệnh viện Hà Nội, không khỏi. Rồi ai đó mách bảo,... gia đình phải đem về nương nhờ cửa Phật, vái lạy Sư thầy ra tay cứu giúp. Chẳng biết Sư thầy đã thuốc thang và hương hoa cầu khấn thần linh, Đức Phật thế nào mà chỉ một thời gian ngắn chị Thế khỏi hẳn bệnh điên. Một phụ nữa tên là Lộng quê ở mãi đâu Phù Cừ, cũng bị điên, suốt ngày lang thang, người nhà đi theo bắt về thì bỏ chạy, mà chạy nhanh như trâu lồng. Gia đình cũng đem đi điều trị khắp các bệnh viện Hà Nội mà không khỏi. Ai đó mách bảo,... gia đình phải đem về Chùa Cỏ, vái lạy Sư thầy cứu giúp. Vốn thương người, Sư thầy lại khuya sớm thuốc thang và hương hoa cầu khấn thần linh, Đức Phật. Cũng chỉ thời gian ngắn, người phụ nữ kia khỏi hẳn bệnh điên. Thật kỳ lạ! Còn chuyện ngay trong làng Bích Tràng mới khiếp. Đấy là chuyện ông Chủ nhiệm Hợp tác xã tên Dị cho người đến phá Tam quan làm lớp học. Bao người can ngăn, Sư thầy cũng có ý kiến để khấn xin Đức Phật đã. Ông Dị không nghe, cứ sai người ra tay. Việc xong, bỗng nhiên ông Dị bị đổ bệnh bụng trướng, mắt mờ, nằm bất động, chữa chạy mất bao nhiêu tiền thuốc cũng không khỏi. Dân làng bảo phải lên Chùa Cỏ cầu khấn Đức Phật tha cho nhưng ông Dị lắc đầu, thế là ông chết, chết trẻ. Còn ông anh họ của tôi là ông Nhưng, lần ấy chót tháo dỡ bức hoành phi ném xuống ao, ngay hôm sau bỗng hai tay như bị ai đó bẻ quặt ra sau, rồi suốt ngày đi lang thang quanh làng, vừa đi vừa lảm lảm rủa xả chính mình. Gia đình vội lên Chùa Cỏ cầu khấn. Mấy ngày sau ông Nhưng duỗi được tay, trở lại bình thường, gia đình được phen khiếp vía. Nhiều chuyện nữa về Chùa Cỏ linh thiêng mà dân làng Bích Tràng còn lưu truyền như những chuyện thần thoại, như chính chuyện xuất xứ của Chùa Cỏ mà mãi sau này tôi mới được biết. Chuyện kể đại ý rằng, trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà Hán phương Bắc, có một nữ tướng tên là Thảo từng lập công xuất sắc và hy sinh vô cùng oanh liệt. Thảo quê làng Bích Tràng, nhà nghèo. Thảo có dáng cao lớn và khoẻ mạnh hơn người. Mỗi lần Thảo ra đồng cắt cỏ thì hàng đàn chim bay theo hót vang trời, rồi chúng thi nhau bắt cào cào, châu chấu, vì Thảo cắt cỏ nhanh đến nỗi cào cào, châu chấu không kịp bay, bị đứt đầu la liệt, làm mồi cho chim. Năm Thảo mười tám tuổi thì tên phú hộ trong làng muốn lấy Thảo làm lẽ. Thảo không chịu liền bị tay chân của hắn bắt trói vào chuồng trâu, bỏ đói mấy ngày liền. Một đêm mưa gió, hai ông cháu nhà bên - tên ông là Bạch, tên cháu là Nhật – giúp Thảo trốn thoát, rồi tìm đến với nghĩa quân, xin đầu quân bà tướng tiên phong Thánh Thiên của Hai Bà Trưng. Biết sức vóc và tài lao động của Thảo, bà Thánh Thiên liền giao cho Thảo cùng ông cháu Bạch – Nhật trông coi và dựng thêm nhiều trại cỏ cho nghĩa quân. Có tới gần năm trăm trại cỏ bao quanh một trại lớn, đều do các nữ binh canh giữ, ngay trên đất Bích Tràng, một nơi rất thuận tiện cho giao thông đường bộ và đường thuỷ. Kháng chiến chống giặc Hán, các trại cỏ của Thảo đã góp công vào chiến thắng chung. Khi lên ngôi vua, Hai Bà Trưng đã phong chức tướng cho Thảo và đặt cho bà tên mới là Hương Thảo – tức là Cỏ Thơm. Ba năm sau, Mã Viện ồ ạt kéo đại quân sang chiếm nước ta. Không chống cự nổi, Hai Bà Trưng phải trẫm mình tuẫn tiết ở Hát giang. Sau đấy, tuỳ tướng của Mã Viện là Mã Hắc Trì tiến quân về trại cỏ, bức Hương Thảo phải dâng trại cỏ cho chúng. Bà Hương Thảo liền lập mưu qui hàng và hẹn ngày giao nộp trại cỏ cho giặc. Đúng ngọ ngày mồng Tảm tháng Giêng, tuỳ tướng Mã Hắc Trì nghênh ngang dẫn năm trăm quân vào trại cỏ, được già Bạch khoản đãi rượu thịt no say. Đúng lúc ấy bà Hương Thảo ra lệnh cho bé Nhật nổi trống báo hiệu, nhất loạt các nữ binh châm lửa khắp trại cỏ rồi rút ra ngoài. Lửa cháy ngút trời. Biết không đường thoát, Mã Hắc Trì phải quì gối van lạy bà Hương Thảo mở đường sống, nhưng bà đã rút gươm chém Mã Hắc Trì làm hai mảnh. Lửa trại cỏ đã thiêu cháy tất tật lũ giặc cướp nước. Bà Thảo cùng ông Bạch và cháu Nhật cũng hy sinh oanh liệt. Đời sau người ta đã dựng lên ngôi chùa tại trại cỏ làng Bích Tràng, gọi là Chùa Cỏ, để tưởng nhớ công lao bà Hương Thảo, cùng già Bạch, cháu Nhật và các nữ binh dũng cảm. Chùa Cỏ nằm giữa vườn nhãn lồng sum suê bóng xanh mát, ngay bến sông Thi. Ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc,  Chùa Cỏ còn là nơi làm việc bí mật của Trung ương Đảng và Chính phủ ta. Cạnh chùa phía Đông có con Rùa Đá bị khoét một lỗ trên lưng. Nghe các cụ già kể xưa có hai con, vì lí do gì đấy mà một con bò đi mất, một con bị kẻ xấu khoét lấy mất vật báu trên lưng nên không bò đi được, đành nằm lại mãi mãi bên chùa. Còn phía Tây ngôi chùa có một cây duối to, trên hốc cây đặt một con Chó Đá, rất lạ, nay con Chó Đá biến mất, chỉ còn cây duối già lặng lẽ. Ngày nay trên điện thờ của Chùa Cỏ, tượng bà Hương Thảo tay trái chống nạnh, tay phải cầm gươm, trông thật oai phong lẫm liệt. Phía ngoài, tượng già Bạch quắc thước với bộ râu trắng ba chòm, hai tay chắp vào nhau như đang chờ lệnh. Phía trái là tượng bé Nhật mặt mũi khôi ngô, tay cầm trống có cán, tay kia cầm dùi giơ cao như sắp truyền lệnh nổi lửa thiêu lũ giặc xâm lăng. 

 Như thế, sự hy sinh cao cả vì nước vì dân đã khiến bà Hương Thảo, già Bạch, bé Nhật trở nên bất tử và hồn thiêng còn mãi cùng đất trời sông núi nước Nam. iều đó đã khiến cho Chùa Cỏ rất thiêng! Ngôi chùa thiêng và  Sư thầy với tấm lòng bao dung vô bờ, đã cứu giúp bao người tai qua nạn khỏi. Riêng chị em tôi- chị Vân, chị Tú, anh Thúc, em Hoài- thực lòng nếu không có Chùa Cỏ, không có Sư thầy thì không thể nào sống sót qua những ngày đói khổ. Tôi không bao giờ quên năm Sáu hai, Sáu ba. Cả huyện đói. Cả làng Bích Tràng đói. Đói xác xơ ruộng đồng. Đói rũ bờ tre. Đói quắt queo bờ rào mồng tơi. Đói mắt xanh mắt vàng. Đói thoi thóp ngõ xóm. Nhà tôi không vào hợp tác xã, càng đói to. Thế mà một mình mẹ phải tần tảo ruộng đồng- gồng gánh ra đồng một bên là gầu sòng với các thứ giống má còn một bên thúng cho em út Hoài ngồi, gồng gánh khắp chợ Cầu chợ Thi chợ Dốc Lã- một bên thúng là em út Hoài còn  một bên là thúng khoai hoặc dưa gang dưa đò, để nuôi sống cả bố tôi với năm chị em tôi. Bởi bố tôi không phải người trụ cột gia đình. Quanh năm ông chỉ chèo đò, thỉnh thoảng theo phường chèo, phường kèn, rồi trống phách, rồi hát í a, rồi uống rượu bí tỉ. Ông có đức tính quí nhất là hay cho người nghèo hơn mình, hay cho người ăn mày. Có hôm còn hai bơ gạo mẹ dành nấu cháo cho chúng tôi tạm qua bữa tối thì ông xúc béng mất một bơ cho người ăn mày. Tra ra, mẹ tôi kêu trời! Bố tôi thủng thẳng nói: “Tao gửi người ta thì đã sao!”. Ý ông nói rồi cũng sẽ có lúc tao phải đi ăn mày, chứ không à.(Thế mà mãi năm mươi tuổi tôi mới hiểu câu nói của bố, rằng “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!”. Thấm thía biết bao!). Năm Sáu ba, bố tôi ốm liệt giường. Bao nhiêu lúa, khoai, lợn, gà đều vào tiền thuốc cho bố. Một ngày kia bố chết. Càng đói to hơn. Đã qua cả những ngày cơm độn khoai lang, độn sắn khô, độn rau má, độn củ chuối, chín phần độn một phần cơm thôi. Hết cả độn thì ăn thính trấu, ăn cháo cám cầm hơi. Còn neo mãi trong đầu tôi hình ảnh anh trai Hoàng Xuân Thúc bưng bát quay mặt vào tường, nước mắt lã chã rơi xuống bát cháo cám. Anh vừa xúc cháo cám, nghẹn ngào nuốt, vừa khóc thầm. Tôi nhìn anh, buồn cười, thầm nghĩ được ăn thì làm sao phải khóc cơ chứ. Khổ thế! Bé con như tôi chả biết khổ nhục là gì, cháo cám cũng được, chỉ cần no bụng. (Lớn lên, tôi nhớ lại chuyện này, mới thương anh, thì anh đã là một người chiến sĩ chiến đấu tung hoành nơi mặt trận miền tây Nam Bộ rồi!). Không bao giờ quên những năm tháng chị em tôi đói tưởng chết, thì may thay, Sư thầy thường cứu giúp, lúc bát gạo, khi rổ khoai lang, lúc đĩa xôi, khi phẩm oản, quả chuối. Đói thế mà tôi vẫn đi học. Nói ngọng líu ngọng lo mà tôi vẫn đi học. Chị Tú thường cầm roi tre dong tôi đi học qua làng, đố đứa nào dám bắt nạt tôi vì chúng sợ chị Tú lắm. Tôi có nhiều bạn thân cùng học. Bạn Khoa. Bạn Dương. Bạn Tĩnh. Bạn Tỵ. Bạn Xệ. Bạn B. Bạn C... Toàn những đứa không biết đói khổ là gì, cứ vui như tết và nghịch ngợm quá thể. Còn nhớ năm học lớp Một ở đình làng- từng là một căn cứ cách mạng hồi kháng chiến- đang giờ học, tự dưng tôi khèo tay thằng B, thằng C ra hiệu cầm con diều giấy có dán đuôi, rồi vùng dậy chạy ra ngoài sân, vừa chạy vừa a a reo hò. Ông Ký Thảo- chính là bố đẻ của thằng B, thằng C- người thầy giáo già hiền lành chỉ còn biết đứng nhìn theo lũ trẻ tinh nghịch và nở nụ cười móm mén. Năm học lớp Ba nhiều lần tôi chui qua kẽ cửa sổ vào lớp, mở cửa cho các bạn vào lớp trước. Cô giáo Nghìn tóc phigiê giận lắm, cô mắng cả lớp, các bạn im lặng không khai một lời. Không may một lần cô giáo Nghìn bắt quả tang tôi đang chui qua kẽ cửa sổ, liền bị cô bắt đứng trên bục giảng, lấy thước kẻ bảng quất cho quắn đít, khiến tôi khiếp sợ mãi. Trò leo trèo cây và bơi sông, tôi cũng xếp hạng đại ca. Cứ học về là tôi với Khoa chơi đánh trận giả, nhiều lúc tôi trèo lên cây nhãn ngay đầu ngõ Chùa Cỏ, đu mình trên cành cây chỉ bằng hai ngón chân cái chẳng khác gì con dơi dơi, để bất ngờ chĩa hai ngón tay “bắn” khừ, tiêu diệt đối phương. Có lần mải thả diều, mải thòng chuồn chuồn ngô và đi dính ve sầu, về muộn, sợ mẹ Xuyến đánh đòn, tôi liền trèo lên cây nhãn ngay cạnh mái Chùa Cỏ, nằm vắt ngang hai cành cây, cho đến khi mẹ cùng với chị Tú xách đèn chai đi tìm, vừa đi mẹ vừa gọi tha thiết “Sinh ơi! Về nhà thôi con ơi! Mẹ không đánh con đâu!”, mãi tôi mới chịu xuống. Con đường suốt từ chợ Thi về tận chợ Cầu, qua làng Bích Tràng, xưa, hai hàng nhãn lồng hai bên đường đến mùa trĩu quả. Ông Cột khét tiếng là “hắc” nhất làng, được giao cho bảo vệ nhãn. Những chùm nhãn lồng mọng trĩu cứ đong đưa trong gió khiến lũ trẻ đói khổ chúng tôi thèm rỏ rãi. Tôi bèn nghĩ kế lừa ông Cột. Tôi bảo thằng Dương, thằng Xệ ra đầu làng đón ông Cột và bảo với ông ấy rằng mấy cây nhãn phía Bích Tây đang có đứa bẻ trộm. Ông Cột hớt  hải chạy ngược lên Bích Tây, thế là ở dưới xóm Chùa – Bích Tràng, tôi và thằng Khoa thoắt leo cây bẻ ngoéo mấy chùm nhãn, đem ra bờ sông, đợi thằng Xệ, thằng Dương về, cùng hỉ hả chén. Ăn xong, chúng tôi cởi phăng quần áo, nhảy ùm xuống sông Thi, vừa đua nhau bơi lặn vừa dận trai trai, trèm trẹm, chỉ một lúc cũng đủ bữa canh chiều. Dòng sông Thi không chỉ là nơi gia đình tôi chở đò kiếm sống, không chỉ là niềm hãnh diện của bọn trẻ ham bơi lặn, mà còn là nơi cứu giúp gia đình tôi những lúc nguy nan. Sự thể là, cái ngày xưa ấy nhà tôi không chỉ làm ruộng, chở đò mà còn nấu rượu, tất nhiên là nấu rượu lậu rồi. Mấy lần chẳng biết ai đó máy mồm báo cho phòng thuế, tay Trương khét tiếng chuyên đi bắt rượu lậu cùng với vài người nữa trên huyện về định ập vào nhà tôi để bắt quả tang. Chẳng biết làm sao mà lần nào mẹ tôi cũng biết trước, nhanh tay đổ bỗng rượu vào các chum to, quấn kín miệng chum bằng vải nilon rồi vần xuống sông Thi, còn nồi, chậu, ba ba, ống dắm đem tẩu tán giấu khắp ao vườn. Tay Trương tìm không thấy gì, bèn cầm thuốn chọc xuống sông, có lần hắn bắt được các chum to đựng bỗng rượu. Thế là mẹ tôi bị gọi lên huyện, cũng chẳng biết bằng cách nào mà mẹ được nhà chức trách tha về, không bị phạt. Lạy Giời lạy Đức  Phật, vợ chồng tôi sau này lại nhờ cậy vào chính cái nghề khốn kiếp là nấu rượu lậu chỉ để lấy lãi bỗng rượu nuôi lợn mà cứu nguy cho cuộc sống nhà giáo trường công đói nghèo khốn khổ còn hơn cả nhà chị Dậu trong truyện “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, nhờ nấu rượu hơn mười năm mà vợ chồng tôi “neo” lại được với nghề dạy học cao quí, còn giữ được nhân cách, được sống làm người lương thiện, sống đẹp cho đến ngày nay.

Bây giờ, con đường nhãn lồng qua làng Bích Tây – làng Bích Tràng – làng Cầu đã được rải nhựa phẳng phiu, ô tô, xe máy vù vù, chẳng kém gì đường thành phố, nhưng hàng nhãn lồng thì gần như biến mất. Cây nhãn lồng thân sần sì nứt nẻ mốc thếch thời gian, dáng gù khù, khoằng khoèo, lác đác đó đây, lặng lẽ như mấy ông già buồn thỉu giữa chiều hôm đỏ nắng. Mà cây nhãn lồng vốn là một biểu tượng đẹp của đất và người Hưng Yên về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, về hoa trái ngọt lành. Thật tiếc! Lần này về quê, tôi dành nhiều thời gian lên Chùa Cỏ. Chỉ ở đây, vườn nhãn lồng sum suê cùng với mái chùa rêu phong lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông Thi trong xanh, với tiếng chuông chùa boong – boong – boong thỉnh lên không gian mênh mang, mới làm cho lòng tôi thật sự thanh thản. Tôi ngồi im lặng rất lâu bên bến sông Thi, trái tim bỗng gọi về nỗi niềm của đứa con xa xứ, bằng những lời thơ giản dị: Lần theo nỗi nhớ tôi tìm/ Ngõ quanh quanh nắng tiếng chim bồi hồi/ Bến sông Thi đất cha tôi/ Còn xôn xao mái chèo đôi đưa đò/ Ngang sông trôi một cánh cò/ Buồn vui ai nhớ chuyến đò tôi đưa/ Nhà tôi xưa bến sông xưa/ Đôi bờ khách vẫn nhặt thưa đi về/ Vẫn đây Chùa Cỏ sum suê/ Bóng xanh lặng giữa chiều quê một mình/ Vẫn kia lớp học ngôi đình/ Mái cong cong níu chút tình trẻ thơ/ Trở ra đường nhãn nắng thưa/ Hương mùa như đón như đưa chẳng rời/ Đã xa mấy chục năm trời/ Cốm xanh gói lá sen mời ngọt thơm/ Chân quê mộc mạc bữa cơm/ Nồi riêu cua với tép đơm bờ ngòi/ Chị giằng bát xới mãi thôi/ Ăn sao hết được tôi ngồi rưng rưng/ Thương anh bạc tóc còng lưng/ Với chị tôi tuổi có chừng bẩy mươi/ Nắng mưa trọn một đời người/ Đồng quê nâng cả trên mười ngón tay/ Bâng khuâng đón gió heo may/ Gặp mênh mông lúa dâng đầy đồng quê/ Hỡi em quẩy gánh trên đê/ Chợ Cầu họp hay em về chợ Thi/ Đợi tôi em nhé cùng đi/ Đồng bằng trăm ngả mấy khi tôi về/ Tự  trong hương sắc bộn bề/ Tôi say sưa lọc lấy quê riêng mình/ Bích Tràng máu thịt tôi sinh/ Nghìn năm xa nặng nghĩa tình quê cha. 

Ngồi bên bến sông Thi, lòng tôi ngổn ngang bao nỗi nhớ thương. Bây giờ, anh chị tôi- người đã đi về cõi vĩnh hằng, người thì lụ khụ bảy tám mươi rồi. Các bạn quỉ sứ của tôi, chỉ còn Khoa vẫn “Đồng quê nâng cả trên mười ngón tay”, mấy bạn nữa chẳng biết phiêu giạt phương trời nào, còn bạn Tỵ, bạn Tĩnh, bạn Xệ, bạn Dương đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thương biết bao nhiêu! Bây giờ, làng Bích Tràng của tôi xanh tươi, no lành lắm. Con đường nhựa phẳng phiu, lượn vòng theo bìa làng. Cánh đồng xôn xao mùa màng. Nhiều nhà xây, nhà cao tầng thấp thoáng trong luỹ tre xanh. Nhà nhà sum vầy bên chiếc ti vi, xem bao chuyện từ đông sang tây, từ Việt Nam sang đến Anh – Pháp – Mỹ – Nhật – Trung Hoa,... chứ đâu có chờ cả đêm chỉ để nghe trộm máy ga – len của ông Sót như lũ chúng tôi ngày xưa. Bây giờ, tuổi Sư thầy đã ngót trăm, bằng tuổi mẹ Xuyến của tôi. Cả Sư thầy và mẹ Xuyến thường ngồi dưới gốc cây nhãn lồng sần sì thời gian mưa nắng, đăm đắm nhìn ra khung trời chiều tím rịm- nơi hai người bạn từng sống một thời đói khổ, nơi hai người bạn  chắc sẽ cùng bay theo tiếng chuông Chùa Cỏ về cõi Phật. Còn tôi- đứa con xa xứ, lang thang mãi nơi núi cao rừng thẳm- chợt đêm, giữa đất trời mênh mông vẫn nghe thoảng tiếng chuông Chùa Cỏ boong – boong – boong thanh thản vô cùng.

Bút ký của Hoàng Thế Sinh
                                            Bích Tràng, 5 - 2008

Các tin khác
Vòng xòe đêm hội (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ ngày 17/10/2008).

YBĐT - Tháng 10-2008, sau hơn 25 năm tôi mới có dịp trở lại vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái - miền đất cội nguồn của người Thái Tây Bắc.

Cô Ngọc đang luyện chữ cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình ngoài giờ tại hiệu sách nhỏ của mình.

YBĐT - Nét chữ là nếp người – đó là suy nghĩ của Ngọc khi cô trao đổi với học sinh của mình trong ngày đầu lớp học luyện chữ. Theo cô, luyện chữ là rèn luyện tính cách, sự nhẫn nại, kiên trì… để hoàn thiện mình. Có lẽ với suy nghĩ như vậy mà 8 năm công tác của mình cô vẫn chưa được chính thức đứng trong một tập thể nào của ngành giáo dục song hàng ngày cô vẫn tâm huyết, bám trụ với nghề dạy học cao quý.

YBĐT - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tháng 3 năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đưa cây gấc vào trồng tại 16 xã. Đã hơn 8 tháng trồng thử nghiệm, cây gấc lại không cho quả, vậy đâu là nguyên nhân?

Giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên.

YBĐT - Róc rách,
Róc rách,
Huýt – chà -  huýt – chà,
Chà - chà - huýt – chà...

 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục