Nghĩa Lộ: Đường gần nối bản xa

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xa rồi những con đường sống trâu gồ ghề, lầy lội... những cây cầu vững chắc, những con đường bê tông thẳng tắp, những tuyến đường vừa mở còn thơm mùi đất mới như một dải lụa mềm ôm lấy bản làng đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phố núi Nghĩa Lộ hôm nay. Làm đồng cũng đi xe máy

Nông dân phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tham gia làm đường giao thông.
Nông dân phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tham gia làm đường giao thông.

Đã hơn hai năm nay, vợ chồng anh Lường Văn Tiên và chị Hoàng Thị Yến thôn Đêu 2, xã Nghĩa An không còn phải vất vả lội bộ hơn 1km đường lầy lội để chăm lo việc đồng áng. Hơn 2km đường bê tông nối liền bản Vệ với bản Đêu đã giúp anh chị và bà con dân bản dễ dàng ra đồng cấy lúa, trồng ngô, chăm rau bằng xe máy. Đến vụ thu hoạch cả tấn sản phẩm chỉ một chốc đã từ ruộng theo xe về nhà thay vì phải nhờ dân bản gồng gánh cả ngày như trước. Chị Yến phấn khởi khoe: “Ngày mùa đường bản tấp nập xe máy, xe vận tải nhỏ chở đầy ngô, lúa nối đuôi nhau về bản, chuyện làm ruộng giờ nhàn đi nhiều lắm, anh ạ, tất cả nhờ có đường bê tông này đấy”.

Làm đồng cũng đi xe máy, chuyện không còn lạ lẫm với nông dân Nghĩa Lộ từ nhiều năm trở lại đây. Phát triển giao thông nông thôn đã và đang trở thành một phong trào thi đua rộng lớn ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thị xã.

Chủ tịch UBND thị xã - ông Bùi Xuân Đinh tâm đắc nhất là việc nhân dân đồng thuận tham gia cùng Nhà nước xây dựng đường bê tông. Việc đồng thuận này là nhờ thị xã đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để dân được bàn, được tham gia xây dựng với mục tiêu “Đường ta, ta làm, ta đi”.

Thi đua mở đường

Càng gần tết Kỷ Sửu, không khí làm đường bê tông nông thôn ở bản Nà Vặng – Nghĩa An càng khẩn trương, gấp rút. Là bản xa xôi và khó khăn của xã, chỉ có 35 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái, kinh tế chỉ trông vào vài ha ruộng lúa và mấy vạt rừng, nhưng nhận thức được lợi ích thiết thực của việc kiên cố hoá đường giao thông, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đã hăng hái đóng góp vật liệu và ngày công để làm đường.

Đoạn đường đất chật hẹp, khấp khểnh, lầy lội đã nhanh chóng được thay thế bằng 412m đường bê tông trị giá 340 triệu đồng thoáng đãng, phẳng phiu, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân nơi đây. Ông Lường Văn Chựa – Trưởng bản Nà Vặng cho hay: Khi xã có chủ trương làm đường bê tông, dân bản hồ hở đón nhận ngay, ngày ra quân san nền làm đường như một ngày hội của bản, chẳng vậy mà từ lúc khởi công đến lúc hoàn thành con đường chỉ gói gọn có 2 tuần.

Công tác phát triển giao thông nông thôn ở Nghĩa An được đưa vào chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền xã hàng năm. Đến Nghĩa An hôm nay “đường xa hoá gần” nhờ 6km đường nối liền 6 thôn bản đã bê tông hóa, trị giá gần 3 tỷ đồng. Các phương tiện xe máy, ôtô vận tải nhỏ đã vào từng xóm nhỏ, từng hộ dân vận chuyển thông thương hàng hóa, những ngôi nhà sàn khang trang đua nhau khoe dáng bên đường mới.

Nghĩa An được coi là đơn vị đi đầu trong phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Kinh nghiệm ở đây cho thấy khâu quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong nhân dân. Vậy nên nhiều hộ đã tự nguyện hiến hàng chục, thậm chí cả trăm mét đất để làm đường như ông Vì Văn Chanh, bà Đào Thị Mận ở thôn Đêu 4, ông Hoàng Văn Xôm ở thôn Đêu 1 cùng nhiều hộ khác.

Ông Lường Lãng – Bí thư Đảng ủy xã nói về kinh nghiệm của xã: Làm tốt công tác dân vận, thực hiện đúng Quy chế dân chủ, trước khi làm đường, các thôn bản tổ chức họp dân bàn việc làm đường, bầu ban xây dựng huy động đóng góp của nhân dân và giám sát thi công theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên việc làm đường thực hiện rất suôn sẻ. Điển hình như bản Vệ có 67 hộ gia đình thì có đến 13 hộ nghèo, cả bản chỉ có 19 ha đất nông nghiệp, nhưng toàn bộ đường trong bản đã được kiên cố hoá. Bí thư Chi bộ bản Vệ Lò Văn Tinh khoe khéo: “Bây giờ có muốn làm đường bê tông, bản cũng không còn đoạn đường đất nào nữa để mà làm”.

Hoa mận, hoa mơ đã nở trắng sườn đồi gọi tết đến, xuân về. Bà con bản Tân – phường Pú Trạng; Nà Vặng – xã Nghĩa An; bản Pưn, Ả Hạ, bản Bay – xã Nghĩa Phúc; bản Pá Khết – phường Trung Tâm; tổ dân phố 1, 2 – phường Cầu Thia; tổ 21 –  phường Tân An; bản Nà Làng, Phán Thượng – xã Nghĩa Lợi cũng đang khẩn trương hoàn thành những mét đường bê tông cuối cùng để kịp sắm tết vui xuân, con đường mới là niềm mơ ước của dân bản từ nhiều năm nay.

Ông Hà Văn Còng – Trưởng bản Tân (Pú Trạng) phấn khởi nói: Tết này vui xuân mới, dân bản không còn nơm nớp nỗi lo trời mưa, đường trơn và bẩn, trẻ nhỏ tha hồ vui đùa và điều quan trọng là từ nay mọi hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp thu hoạch sẽ được vận chuyển về nhanh chóng bằng mọi phương tiện.

Những con đường “ý Đảng – lòng dân”

Nhìn những con đường bê tông đang vươn dài theo từng ngày mới thấy sự đổi mới ở Nghĩa Lộ trong xuân này, bởi gần 30km đường bê tông đang được làm nên từ ý Đảng - lòng dân, từ mong muốn xây dựng cuộc sống mới xóa dần cái đói, cái nghèo.

Phong trào kiên cố hoá đường giao thông ở Nghĩa Lộ bắt đầu từ khi Nhà nước chủ trương hỗ trợ 200 triệu đồng/km rồi đến cơ chế “70 – 30” giai đoạn 2003 – 2005 và nay là cơ chế “60 – 40”. Vậy nên, thị xã từ chỗ đường ô tô chỉ đến trung tâm xã thì nay đã vào mọi thôn bản, cơ bản các tuyến đường đã được bê tông hóa hay nhựa hóa. Ấy là nhờ Nghĩa Lộ đã biết phát huy nội lực trong dân.

Tuỳ từng điều kiện cụ thể của từng địa phương để vận động nhân dân tham gia phù hợp, nơi gần suối thì đóng góp cát sỏi, nơi góp tiền đánh đất mở đường. Từ chỗ chỉ có hơn 5km quốc lộ, 4km tỉnh lộ và một số tuyến nội thị được nhựa hóa đến nay gần 30 km đường nội thị và giao thông nông thôn Nghĩa Lộ đã bê tông hóa, trị giá hơn 12 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 6 tỷ đồng. Riêng năm 2008, thị xã đã làm mới gần 5km đường bê tông, trị giá gần 3,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Bùi Xuân Đinh – Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Năm 2009 này, tỉnh sẽ đầu tư lớn cho 3 xã, mỗi xã 3 tỷ đồng để phát triển đường bê tông. Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi rất lớn sự đóng góp của nhân dân, thị xã sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của nhân dân phấn đấu đến năm 2010, 100% đường nội thị, 80% đường trục xã, phường được bê tông hóa, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo đề án phát triển giao thông miền núi của tỉnh.

Trong ngày đầu xuân mới, đi trên những con đường còn thơm mùi bê tông mới này mới thấy hết giá trị của nó, những tuyến đường bê tông ngày một nối dài và dần vươn đến tất cả thôn bản xa xôi, đường thôn, đường bản, đường nội thị hoà nhập vào tỉnh lộ, quốc lộ tạo nên một mạng lưới giao thông thuận tiện trên khắp các thôn xóm, bản làng, tạo cho Nghĩa Lộ một vẻ đẹp hiện đại của một đô thị đang trên đà phát triển.

Mạc Khải

Các tin khác
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền.

YBĐT - Thanh Miền đến với nhiếp ảnh như một cái duyên với nghệ thuật. Với lòng say mê, chắt chiu từng ý tưởng cùng với nguồn cảm hứng bất chợt thăng hoa, anh đã “thai nghén” được những tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời và những khoảnh khắc đó đã tạo nên một “thương hiệu” Thanh Miền - cái tên mà đồng nghiệp Báo Yên Bái mến tặng anh - người đam mê săn tìm cái đẹp...

YBĐT - Ly quê tròn Bốn lăm năm, tôi mới thấm nỗi nhớ thương. Thế nên mỗi lần về quê thể nào tôi cũng ra bến sông Thi, nơi có ngôi Chùa Cỏ bóng xanh lặng giữa chiều quê một mình, nơi in dấu vết cái bến đò ngang của nhà tôi còn xôn xao mái chèo đôi khua động sóng nước, nơi dòng sông mở rộng thêm đã xoá hết dấu vết mảnh đất riêng mà cha mẹ từng xây tổ ấm gia đình.

Vòng xòe đêm hội (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ ngày 17/10/2008).

YBĐT - Tháng 10-2008, sau hơn 25 năm tôi mới có dịp trở lại vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái - miền đất cội nguồn của người Thái Tây Bắc.

Cô Ngọc đang luyện chữ cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình ngoài giờ tại hiệu sách nhỏ của mình.

YBĐT - Nét chữ là nếp người – đó là suy nghĩ của Ngọc khi cô trao đổi với học sinh của mình trong ngày đầu lớp học luyện chữ. Theo cô, luyện chữ là rèn luyện tính cách, sự nhẫn nại, kiên trì… để hoàn thiện mình. Có lẽ với suy nghĩ như vậy mà 8 năm công tác của mình cô vẫn chưa được chính thức đứng trong một tập thể nào của ngành giáo dục song hàng ngày cô vẫn tâm huyết, bám trụ với nghề dạy học cao quý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục