Ấn tượng Tây Nguyên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ đã in đậm trong trái tim và trí nhớ của tôi. Là bởi tôi từng say mê đọc Trường ca Đăm Sam, Trường ca Xing Nhã, Trường ca Y Ban- những bản anh hùng ca bất diệt, phản ánh tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm, thông qua các nhân vật lí tưởng, cho khát vọng tự do của con người trong buổi bình minh của lịch sử.

Nhà Rông Tây Nguyên.
Nhà Rông Tây Nguyên.

Đọc Trường ca Đăm San, tôi mê ngay anh chàng Đăm San quấn cái khố màu sặc sỡ như hoa kơu, chít trên đầu một cái khăn màu ême, mặc cái áo của Trời thả xuống cho. Mặt Đăm San đỏ như hừng hơi men, hay vì giận dữ. Lúc Đăm San cười, miệng đỏ như dưa hấu, môi mỏng như lá tỏi. Cổ trơn tru như quả cà chín. Râu cằm mềm dẻo như dây guốl pàng, râu mọc lên từ cằm đến tận lỗ tai. Đăm San đi thoăn thoắt như con rắn prao-huê, ngồi giữa nhà như con hùm bên bờ suối, tiếng nói tiếng cười nghe như sấm vang sét đánh, hơi thở khi ngủ như sấm vang, đổ thiếc vào lỗ tai chưa tỉnh. Đăm San dũng mãnh, khát vọng tự do hôn nhân nên dám chặt cây thần, rồi đi bắt Nữ thần Mặt Trời chỉ vì Nữ thần Mặt Trời là người đẹp nhất. Xing Nhã thì ngay từ khi lọt lòng mẹ đã có vẻ đẹp hơn người. Chàng có nước da màu nâu đồng, tóc đen như rắn than, cặp mắt óng ánh như mắt ong xây, bước đi hùng mạnh chao đều như sóng nước. Chàng phải đánh con quay bằng sắt do ông Gỗn(Trời) thả cho. Con quay thần làm cho mọi muông thú và con người đều khiếp hãi, không một thế lực nào cản được, chỉ có sợi tóc mỏng manh dài hơn suối nước, đen hơn rắn than của nàng Bơra Tang mới trói được con quay ấy. Khi chiến đấu, Xing Nhã múa phía trước một mảng gianh bay theo gió, múa phía sau một mái nhà bay theo bão. Nhà Gia Rơ Bú nghiêng đằng tây ngả đằng đông. Gió từ núi Mơđan tới, bão từ núi Hơmu đến, thổi xô nhà cửa làng Giơ Ra Bú. Gà, heo bay như lá rụng. Xing Nhã bỏ chiếc khiên, trời ngừng gió. Còn Y Ban, chàng cũng là một anh hùng dị thường. Lọt lòng mẹ, Y Ban đã khóc mãi không thôi, cho đến khi đặt tên đúng tên Trời đặt cho mới thôi khóc. Rồi Y Ban uống hết bảy bát hạt sương, cắn đứt bảy dùi nung đỏ. Lớn lên, Y Ban đánh con quay nào cũng vỡ, múa khiên đao nào cũng gãy. Lúc chiến đấu, Y Ban tung chiếc khiên lên cao, đưa con đao về phía mặt trời, nghe như cơn giông, trông như ánh chớp đầu mùa. Y Ban nhẩy một nhẩy, cả mặt đất rung rinh về phía bắc bảy lần, về phía nam bảy lần. Y Ban nhẩy phía tây, sông suối đều chạy theo, múa phía đông, núi đồi đều ngã theo. Y Ban múa đến đâu cây cối bị cuốn đi đến đó. Gió của khiên Y Ban bay tới nhà Y Kơ Ri, làm sập cả nhà Y Kơ Ri, sập cả thành đá mới xây xong. Tiếng khiên gầm thét như sấm sét. Chỉ nghe tiếng khiên gầm, chỉ thấy đao chớp nhoáng và chỉ thấy cơn bão thổi thành ùn mây đen mây trắng trên trời, còn Y Ban thì người ta chẳng nhìn thấy chàng đâu... Người anh hùng thì đẹp và dũng mãnh như thế, còn bản làng Tây Nguyên thời ấy cũng giàu đẹp lắm. Làng được cất lên trên một ngọn đồi lum lum như mu rùa. Các rẫy lưng chừng trên sườn núi. Tớ trai đi lại chen chúc nhau, ngực sát ngực, tớ gái vú sát vú. Trâu bò nhi nhúc như bầy mối bầy kiến. Dấu chân ngựa nhiều như dấu chân con rết. Dấu chân voi to và sâu như đáy cối. Nồi đồng nhiều như ốc sên ở trong rừng. Nhà dài như tiếng chiêng. Hiên nhà dài bằng sức bay một con chim. Trên sàn trước hiên, chim vàng anh và chim sáo nhảy đi nhảy lại. Các khăn ngũ sắc phơi đầy sào... 

 

Cứ đọc như thế và thả cho trí tưởng tượng bay bổng, tôi hình dung ra Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ, với nào tù trưởng, ông Gỗn, Nữ thần Mặt trời, với mênh mông rừng già, cây thần, với những đàn voi to lớn, những đàn ngựa  đàn dê đông như bầy mối bầy kiến, với bao nhiêu là hươu, nai, hổ, báo- cả một thế giới xửa xưa thật kỳ diệu. Rồi đọc Đất nước đứng lênRừng xà - nu của nhà văn Nguyên Ngọc. Rồi hát những bài hát về Tây Nguyên, nhất là những bài hát của Nguyễn Cường. Tôi khao khát lên Tây Nguyên để được đến với những người anh em Ba Na, Cơ Tu, Ê Đê, Mơ Nông, Gia Jai,... như khao khát tìm gặp hoa dã qùi, hoa mimoza, hoa pơ lang,... thương quí! Mãi, cũng thỏa nỗi khao khát! Mùa Hạ  năm 2004, tôi đưa mười hai nhà báo Yên Bái đi Cà Mau, lúc quay ra, chiếc Mecsedec Ben dông thẳng lên Đà Lạt – Lâm Đồng, theo đường đèo Bảo Lộc. Ở Đà Lạt, có sự hướng dẫn của các bạn Báo Lâm Đồng, tôi đã đến đập Đa Thiện, chơi thung lũng Tình Yêu, thác Pren, thác Cam Ly, hồ Than thở, hồ Hồ Xuân Hương, xem dinh Bảo Đại, “nhà điên” Hằng Nga, đi xe điện treo sang hồ Tuyền Lâm. Đà Lạt xanh ngút ngàn thông. Đà Lạt muôn hoa long lanh khoe sắc. Đà Lạt mơ màng sương giăng. Năm sau, từ nhà sáng tác Vũng Tàu, chúng tôi qua Đồng Nai - Bình Dương - Bình Phước, lên Đak Nông, Đăk Lăk. Chiều, trời Tây Nguyên xanh tít, bồng bềnh mây trắng. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chính Hữu đưa chúng tôi đi xem mấy nhà dài Tây Nguyên lẫn giữa phố sá. Tôi xem xong, rồi đứng giữa phố đông Buôn Ma Thuột mà ngước nhìn đăm đắm bốn phương trời, xa mờ là những chót đỉnh cao nguyên. Cao nguyên Di Linh, đỉnh BraiAn- 1864 m. Cao nguyên Lâm Viên, đỉnh Lang Bian- 2167 m và Chư YangSin- 2405 m. Cao nguyên Mơ Nông, đỉnh Nam DecBri- 1580 m. Cao nguyên Đắk Lăk, đỉnh Chư Pha- 992 m. Cao nguyên Pleiku, đỉnh KonKaKinh- 1761 m. Cao nguyên Kon Tum, đỉnh Ngọc Krinh- 2025 m và Ngọc Linh- 2598 m.

 

Nhớ rồi, núi Ngọc Linh mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết trong truyện Rừng xà- nu. Tnú nói rằng, trên đỉnh núi Ngọc Linh có mỏ đá mài để mài dao, rựa, lao, đủ dùng cho một trăm cuộc khởi nghĩa. Núi Ngọc Linh cao vút trời Tây Nguyên. Tôi làm sao có thể đi chơi núi Tây Nguyên, để mặc sức thả trí tưởng tượng về với Tây Nguyên thời của Đăm San, Xing Nhã, Y Ban! Thôi thì, một đêm Buôn Ma Thuột với bạn văn nghệ sỹ Đak Lak. Chị Linh Nga NiêĐam- Chủ tịch Hội văn nghệ Đak Lak, em  Niê Thanh Mai phóng xe máy cả mấy chục cây số từ Trường phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng về, cùng một số anh em văn nghệ sỹ đón chúng tôi, rất vui. Hội còn nghèo khó mà anh chị em văn nghệ sỹ vẫn dành  thời gian gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ, mời cơm, để lại trong chúng tôi bao tình cảm thân thương. Năm nay 2008, chúng tôi từ Nhà sáng tác Nha Trang băng đèo Phượng Hoàng qua Đak Lak, về thẳng Pleiku. Hút mắt, đường Hồ Chí Minh như một dòng sông chảy nuột trên giông núi Trường Sơn. Chiếc Mecsedec Ben bay trên sóng núi trùng trùng. Xa mờ dưới kia là là cả miền Trung nắng gió với dạt dào sóng biển Đông. Chiếc Mecsedec Ben nhiều lúc như chìm nghỉm trong mênh mông rừng cao su, rừng cà phê, rừng hồ tiêu. Đất Tây Nguyên hừng hực đỏ tươi đất bazan- thứ đất cảm giác như được chắt ra từ vô cùng vô tận “huyết mạch” Trường Sơn. Giời đã thương người miền cao gian khó mà cho Tây Nguyên thứ đất màu lạ lùng, để bốn mùa cây trái sum suê. Tôi mê mải ngắm nhìn, rồi khe khẽ hát: Trời Tây Nguyên xanh. Hồ trong nước xanh. Trường Sơn xa xanh. Ngút ngàn cây xanh. Bài ca Tây Nguyên em yêu trọn đời. Cầm tay anh đưa em đi trên đường dài. Ê ê! Những con đường đất đỏ. Lượn vòng trên cao nguyên. Những đêm dài thương nhớ. Những phút giờ vinh quang. Yêu em! Anh đã từng xông pha trong lửa đạn. Yêu anh! Miền đất đỏ cao nguyên che chở anh. Hạt muối năm xưa từng trông chờ đỏ mắt. Anh gùi muối về trong cái chết cận kề. Dòng nước hôm nay màu xanh hằng ngóng trông. Công trường tấp nập anh thấy đông vui quá. Đất chờ nước, nước theo anh về. Đất chờ nước, nước theo anh về. Cho Tây Nguyên thêm xanh. Cho tình em thêm xanh. Cho Tây Nguyên thêm xanh. Cho tình em thêm xanh (Tình ca Tây Nguyên - Hoàng Vân). Tôi bồng bềnh theo bản tình ca về tận Pleiku. Một đêm với Đại tá Quốc(Binh đoàn 15)- em trai của Xuân Vệ trong đoàn văn nghệ sỹ Yên Bái, với anh em văn nghệ sỹ Gia Lai, cùng hát và đọc thơ cho nhau nghe. Sớm mai, nhà thơ Bảo Vân trẻ trung xinh đẹp đưa chúng tôi đi xem hồ Tơ Nưng, còn gọi là Biển Hồ. Ô, đây mới thật là hồ trên núi! Tôi chưa được chơi hồ Yaly, hồ Thác Mơ, hồ Lăk, nhưng đã chơi hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở, hồ Hồ Xuân Hương, bây giờ là hồ Tơ Nưng. Hồ Tơ Nưng gồm ba miệng núi lửa tạo thành, không lớn, nhưng nghe nói đáy của nó chưa một nhà thám hiểm nào đo được. Hồ không thấy có con sông con suối nào chảy vào mà nước vẫn dâng cao, xanh trong lạ. Chơi Tơ Nưng một lúc rồi về Công viên Đồng Xanh- một công viên rộng giữa cánh đồng xanh bát ngát. Công viên đẹp, có một thứ lạ. Đó là cây gỗ hoá đá. Cây gỗ hóa đá được tìm thấy ở Chư A Thai - Ayun Pa - Gia Lai. Cái cây gỗ hoá đá do núi lửa- đang được dựng trong công viên cho khách du lịch chiêm ngưỡng. Một số mảnh vỡ được trưng bày trong nhà hàng, để bán làm quà lưu niệm. Tôi thấy một khúc gỗ hoá đá, ưng ý, liền mua ngay với giá 500.000 đồng. Khúc gỗ hoá đá 100.000 năm tuổi. Trọng lượng – WEIGHT: 146,187gr. Kích thước – MEASUREMENT: 70,33x34,41x53,55 mm. Dạng - SHAPE: ROUGH. Kiểu cắt – CUTTING STYLE: NONE. Độ trong – TRANSPARENCY: OPAQUE. Màu – COLOR: BLACK – WHITE. Số giấy giám định - REPORT N0 : 5.05.15, tháng 12 năm 2005. Chia tay đại tá Quốc và gia đình, chia tay  Pleiku, chia tay nhà thơ Văn Công Hùng- người mãi “liêng biêng phố nhỏ đìu hưu/ chân đăm díu đổ bước chiêu vô hình”, về Kon Tum chả gặp được “đặc sản” nhà thơ - xe ôm Tạ Văn Sỹ, đành xuống đèo Lò Xo. Tôi gặp ngay ngút ngàn rừng già- rừng Trường Sơn xanh rợp một góc trời. Phải nói dọc Tây Nguyên, ngoài một ít rừng khộp, tôi chưa gặp những cánh rừng như rừng quanh đèo Lò Xo. Chợt nhớ hôm ở Buôn Ma Thuột, tôi ngỏ ý đi xem voi Bản Đôn, xem rừng già Tây Nguyên có còn đại thụ, có còn cây thần như trong trường ca kể không. Các bạn Buôn Ma Thuột bảo phải đi hơn năm mươi cây số nữa mới tới Bản Đôn, mới nhìn thấy rừng già. Rừng già với những đại thụ, những cây thần đã "ngã" xuống nhường chỗ cho trang trại rồi. Bây giờ, Tây Nguyên mênh mông rừng cao su, rừng cà phê, rừng hồ tiêu, cứ xanh mướt mát. Tây Nguyên lung linh phố sá. Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku- thành phố cao nguyên lộng lẫy với những đường phố thênh thênh, nào quán sá, khách sạn, nhà hàng, bao công sở, bảo tàng, trường học, chất ngất những  ngôi nhà cao tầng lộng gió, chẳng khác gì hoa Pơ Lang đang nở ra rực rỡ giữa trùng trùng núi Trường Sơn. Tây Nguyên mỗi ngày thêm giàu đẹp. Thực lòng, Tây Nguyên lần nào tôi lên cũng có ấn tượng đẹp, cứ lấp lánh mãi ánh mắt và nụ cười bạn bè, cứ xanh rợp mắt những cánh rừng cao su, rừng cà phê, rừng hồ tiêu, cứ hừng hực miền đất đỏ bazan. Tây Nguyên cũng để lại ấn tượng buồn. Là bây giờ, rừng già Tây Nguyên- nơi trú ngụ ngàn đời yên lành của các bộ tộc, của các bầy voi, của muông thú, là “áo giáp” thần diệu chở che cho quân dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù- nay đã bị chém chặt mất nhiều. Thật buồn, "mái nhà" của Tổ quốc đã bị "thủng" nhiều mảng lớn! Bởi thế, rất có thể mai đây sông Đa Nhim, sông Krông Ana, sông Krông Knô, sông Đăk Dung, sông Krông Pơkô, sông Ba, sông Pô Kô- những "huyết mạch" Trường Sơn có nguy cơ cạn kiệt, sẽ khiến cho sông Hàn, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Cái, sông Đà Rằng, sông Lũy, sông Phan, sông La Ngà, sông Đồng Nai- những "con rồng" lớn đương phun nước cho đồng bằng cây trái sum suê kia, sẽ dần dần chết khô chết khát vì rừng Tây Nguyên vơi cạn. Lên Tây Nguyên, tôi cũng chỉ thấy thấp thoáng các em gái em trai mặc y phục Tây Nguyên. Bạn NSNA Chính Hữu đưa đi xem mấy nhà dài Tây Nguyên nằm khuất lấp giữa phố sá nhà cao tầng. Cảm nhận, "sắc màu" Tây Nguyên đang mờ nhạt dần trong cơ chế thị trường, có lễnh loãng đôi phần giữa ào ạt hoà nhập bốn phương. Tôi nghĩ, phải trồng và giữ lấy rừng Tây Nguyên! Phải giữ lấy "sắc màu" Tây Nguyên như giữ lấy "máu" Tây Nguyên vậy!

 

 Dù sao, chia tay Tây Nguyên với những cánh rừng ngút ngàn ở đèo Lò Xo đã làm dịu bớt nỗi buồn của tôi. Chỉ ao ước một kỷ nguyên nào đó, rừng Tây Nguyên lại mênh mông rậm rạp những đại thụ, những cây thần, cho người Tây Nguyên sống dũng mãnh, sung túc và vui vầy bên những đàn voi, đàn ngựa đông như bầy mối bầy kiến, cho tiếng cồng chiêng vang xa chín núi mười sông. 

 

 

Rừng Khộp - nét đặc trưng Tây Nguyên.

 

 

Rừng cao su Đắc Lăk.

 

Hồ Tơ Nưng (Biển Hồ) ở tỉnh Gia Lai.

 

 Hoàng Thế Sinh   - Tây Nguyên, tháng 5 năm 2008

Các tin khác
Người dân ở 8 thôn đã nhận trên 2300 kg lúa giống và 650 kg ni lông che mạ.

YBĐT - Làm gì để giải quyết căn bản bài toán Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái? Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ ngày 21/7/2006 với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính là chiếc gậy chỉ đường, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế vùng cao.

Hệ thống mương nội đồng được đầu tư từ chương trình kích cầu Nhà nước 60%, nhân dân 40% khô cạn, bỏ phí khi con mương Tây Sơn - Nà Cáy không đưa nước được về đồng ở Thoóc Phưa.

YBĐT - Vụ xuân này, cũng như những vụ xuân trước, nông dân thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lại “nóng” hơn chuyện mua nước cấy lúa dù nông dân đã được Nhà nước miễn thuỷ lợi phí. Đây là hậu quả của sự tắc trách trong công tác quản lý, cũng như thiếu ý thức của một số đơn vị và người dân sống liền kề, đã khiến con mương Tây Sơn – Nà Cáy ngừng hoạt động.

Trên đỉnh Suối Giàng.

YBĐT - Những tôm chè tuyết cổ thụ hái khi mặt trời mọc, được làm héo bằng gió trời rồi sao khô trong những chiếc chảo gang trên bếp lửa một cách kỳ công với bí quyết riêng đã làm ra một sản phẩm mới trên đất Suối Giàng: chè xanh "5 cực". Lê Quang Tùng, người làm ra loại chè này, cho hay, đó là, cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt. Còn tôi thì nghĩ, chè xanh "5 cực" chính là sự ngợi ca nhiệt huyết, ý chí và sáng tạo của con người, những người đã nguyện gắn bó đời mình với vùng chè cổ thụ …

Nông dân phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tham gia làm đường giao thông.

YBĐT - Xa rồi những con đường sống trâu gồ ghề, lầy lội... những cây cầu vững chắc, những con đường bê tông thẳng tắp, những tuyến đường vừa mở còn thơm mùi đất mới như một dải lụa mềm ôm lấy bản làng đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phố núi Nghĩa Lộ hôm nay. Làm đồng cũng đi xe máy

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục