Trên Suối Giàng có chè “5 cực”
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những tôm chè tuyết cổ thụ hái khi mặt trời mọc, được làm héo bằng gió trời rồi sao khô trong những chiếc chảo gang trên bếp lửa một cách kỳ công với bí quyết riêng đã làm ra một sản phẩm mới trên đất Suối Giàng: chè xanh "5 cực". Lê Quang Tùng, người làm ra loại chè này, cho hay, đó là, cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt. Còn tôi thì nghĩ, chè xanh "5 cực" chính là sự ngợi ca nhiệt huyết, ý chí và sáng tạo của con người, những người đã nguyện gắn bó đời mình với vùng chè cổ thụ …
Trên đỉnh Suối Giàng.
|
Tùng tuổi Dần, sinh năm 1974, phong thái điềm đạm, nói chuyện theo cách chia sẻ, tìm hiểu, không tranh luận theo kiểu thắng thua, biết mình biết người. Oanh - vợ Tùng là người dân tộc Dao ở Minh An (Văn Chấn) hoạt bát, khéo, pha trà rất sành. Thưởng trà trong ngôi nhà gỗ của Tùng ở thôn Giàng A, xã Suối Giàng, tôi tự hỏi, nguyên cớ gì để anh bảo vệ của Xưởng chè Suối Giàng năm xưa xin thôi việc, cực khổ lần hồi mất mấy năm mới làm ra được thứ trà có tên cực lạ này? Tùng nói: "Thì ngay khi lên Suối Giàng, nhìn những cây chè tuyết cổ thụ lừng lững như những chú gấu trên núi em đã mê tít, rồi trăn trở khi thấy phận chè cổ thụ bao phen lận đận, thau vàng lẫn lộn, hoài của trời cho, rồi cái máu làm chè ngấm vào người khi nào chẳng biết, rồi…" Nhìn Tùng tôi ngờ ngợ, thấy quen quen là. Họ hàng gì với Giàng A Chiến không? Tùng cười: "Ông Chiến là người làm ở Xưởng chè Suối Giàng (nay thuộc Công ty cổ phần chè Văn Hưng). Ông gắn bó với vùng chè này lâu tới mức, người Mông gọi ông là Giàng A Chiến thay cho Lê Quang Chiến. Tùng gọi ông Chiến là bác". Ra vậy, cái máu làm chè cũng có nguồn cơn của nó!
Chè Suối Giàng một thời rộ lên với những quảng cáo, sẵn tới mức toàn dân có thể uống trà mang tên Suối Giàng. Cả xã có 80.000 gốc chè cổ thụ, sản lượng ổn định ở mức trên dưới 60 tấn chè búp tươi, lấy đâu ra lắm chè khô Suối Giàng thế? Đấy là người ta trộn chè, đánh đồng thau lẫn lộn, kiếm lời. Thương hiệu chè Suối Giàng cũng vì thế mà trở nên nhoà nhạt. Ý tưởng về một loại chè tuyết cổ thụ Suối Giàng không thể lẫn lộn, độc đắc chế biến, có giá trị cao đã thôi thúc anh bảo vệ xưởng chè. Tùng xin nghỉ việc, nhờ bạn bè tìm kiếm, rồi sang tận Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) xem cách làm chè chất lượng cao. "Vạn sự khởi đầu nan", về Suối Giàng, anh quyết định làm chè xanh một tôm. Lên núi tự tay hái chè, về nhà tự tay chế biến, nhưng hàng chục rồi nhiều hơn thế, những mẻ chè một tôm sao bếp củi đều hỏng bét. Mẻ cháy, mẻ sống, mẻ có hương, mẻ mất hương, mất tuyết. Hơn hai năm, có lúc muốn buông lơi, mãi tới đầu năm 2008, những mẻ chè "5 cực" mới ổn định chất lượng và giờ thì đã đạt đỉnh. Đại khái thế, cái duyên cớ và hành trình làm chè "5 cực" là vậy! Tùng cười.
Anh Giao - Phó chủ tịch UBND xã Suối Giàng cũng cười, còn tôi thì chưa thoả mãn. Rót ly trà pha nước thứ 7, mời khách, xem vẻ háo hức của tôi chừng mực ra sao, thấy say sưa, Tùng từ từ kể tôi nghe thấu cái sự cầu kỳ tới mức khắc nghiệt của quy trình làm chè 5 cực. Chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng tập trung ở 5 thôn, là: Giàng Cao, Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A, Giàng B. Chè thu hái để làm "5 cực" chỉ hái ở Giàng Cao. Giàng Cao ở hướng Đông - phía mặt trời mọc, là nơi có những cây chè tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, có cây chè "Tổ" mấy vòng tay người ôm, cao cả chục mét, quanh năm hứng gió, tuyết, sương, hút tinh khí đất trời. Tôm chè tuyết ở Giàng Cao là độc đắc nhất Suối Giàng.
Chè phải hái khi mặt trời mọc, tôm chè hái xong được đựng trong bề (tiếng Mông gọi là can - chua), rồi đem ngay xuống chế biến. Tôm chè khi đó, cầm tay thấy ấm, tươi cứng như trên cây, để quá trưa là không còn hương chất Giàng Cao tinh túy. Chè bốc từ bề ra được rải mỏng trong những chiếc nong tre, để trong bóng mát, nhờ gió trời làm se chứ không dùng quạt gió, khoảng 2 tiếng là đưa vào chảo gang, sao trên bếp củi. Một kỹ nghệ làm chè xanh độc đáo bắt đầu: dùng tay đảo chè nhẹ nhàng, lửa đều, sau khoảng 2 tiếng, chè bắt đầu khô, điều chỉnh lửa để chè lên hương.
Tất cả, trong một quy trình liên tục, không ngắt quãng, nghiêm ngặt, cảm nhận bằng đôi tay và kinh nghiệm của hai năm trầy trật, thử nghiệm, tìm tòi. Chỉ một li, là chè cháy hết tuyết, hoặc chè sống, không lên hương, cả mẻ chè quý giá bỏ đi như chơi. Mỗi lần sao chế, chỉ trên dưới 1 kg chè tươi, hết mẻ này, mới làm mẻ khác. Một kg tôm chè tươi, sau chế biến được 0,7 kg chè khô. Một ngày, chỉ mua 5 - 6 kg chè nguyên liệu, làm vài cân 5 cực là cũng thấy cực rồi. Tôm chè, khi ra chảo, vẫn giữ được dáng hình như lúc trên cây, lông tuyết trắng như sương, thật đẹp.
Thưởng trà là một sự công phu. Tuỳ số người thưởng mà chọn ấm, chén cho phù hợp. Nước sôi 100 độ, tráng ấm, tráng chén. Dùng thìa gỗ cho chè vào ấm, tráng chè, lượng nước cho vào ấm vừa đủ số người uống, rót ra chén vừa đủ, không để thừa trong ấm. Xong, cho nước vào ngay, nước hai, nước ba, cho tới nước bảy, nước tám, hương vị trà vẫn đậm đà, còn rõ 18 vị tinh tuý của thứ trà được thu hái, chế biến từ những cây chè cổ thụ của một trong những vùng chè Tổ của cây chè thế giới.
Thưởng thức trà xanh "5 cực" tại Suối Giàng.
Cuối năm, khi tôi lên thì đã có rất đông người đặt chè "5 cực" của Tùng rồi. Một kg giá 1,6 triệu đồng. Ừ thì chè "5 cực" mà! Tôi nâng niu mãi những gói chè Shan tuyết được hút chân không, nhẹ bẫng. Cái anh Tùng này cũng khôn đáo để đây. Trong hàng chục loại chè, mỗi loại một giá, nhưng cao ngất ngưởng thế này thì không nhiều. Đây là loại chè chỉ dành cho một số ít khách hàng, những người sành chè, những người có tiền, hoặc mua biếu tặng nhau làm quà, chút tình ý hay thể hiện sự kính trọng. Thứ chè mà "người mua không uống, người uống không mua" này xem ra đang được lòng thiên hạ không chỉ cái tên khác lạ với sự tuyệt hảo về chất lượng của nó mà còn vì sự yêu mến, ngưỡng mộ Giàng Cao - Suối Giàng.
Chuông điện thoại reo, cô vợ Tùng tất bật nghe máy. "Lại khách hỏi chè "5 cực", ngại quá anh ạ! Bây giờ chúng em trữ không nhiều, chè thì đã hết vụ, toàn khách quen cả!". Đôi vợ chồng này cho hay, đã có khách hàng người Mỹ quan tâm tới chè xanh "5 cực" của họ. Chè xanh "5 cực", nhiều người ở ngay Văn Chấn -Yên Bái còn chưa nghe tên thì nhiều khách quý ở Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… đã thưởng thức và mê mẩn rồi. Tùng cho biết, anh đang hoàn thiện các thủ tục công nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm để thuận tiện cho việc giới thiệu sản phẩm của mình và cũng là bước đầu để tính chuyện mở rộng sản xuất, vươn lên khỏi hộ làm ăn cá thể….
Chè xanh "5 cực", ai lên Suối Giàng thưởng trà xuân này thì lên! Cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt - không chỉ là một sản phẩm tuyệt hảo của Giàng Cao - Suối Giàng - Văn Chấn - Yên Bái, với tôi, đó còn là sự ngợi ca nhiệt huyết và sức sáng tạo của con người, những người đã nguyện gắn bó đời mình với cây chè tuyết cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng huyền thoại.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Xa rồi những con đường sống trâu gồ ghề, lầy lội... những cây cầu vững chắc, những con đường bê tông thẳng tắp, những tuyến đường vừa mở còn thơm mùi đất mới như một dải lụa mềm ôm lấy bản làng đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phố núi Nghĩa Lộ hôm nay. Làm đồng cũng đi xe máy
YBĐT - Thanh Miền đến với nhiếp ảnh như một cái duyên với nghệ thuật. Với lòng say mê, chắt chiu từng ý tưởng cùng với nguồn cảm hứng bất chợt thăng hoa, anh đã “thai nghén” được những tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời và những khoảnh khắc đó đã tạo nên một “thương hiệu” Thanh Miền - cái tên mà đồng nghiệp Báo Yên Bái mến tặng anh - người đam mê săn tìm cái đẹp...
YBĐT - Ly quê tròn Bốn lăm năm, tôi mới thấm nỗi nhớ thương. Thế nên mỗi lần về quê thể nào tôi cũng ra bến sông Thi, nơi có ngôi Chùa Cỏ bóng xanh lặng giữa chiều quê một mình, nơi in dấu vết cái bến đò ngang của nhà tôi còn xôn xao mái chèo đôi khua động sóng nước, nơi dòng sông mở rộng thêm đã xoá hết dấu vết mảnh đất riêng mà cha mẹ từng xây tổ ấm gia đình.
YBĐT - Tháng 10-2008, sau hơn 25 năm tôi mới có dịp trở lại vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái - miền đất cội nguồn của người Thái Tây Bắc.