Nông dân mua nước... cấy lúa!
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vụ xuân này, cũng như những vụ xuân trước, nông dân thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lại “nóng” hơn chuyện mua nước cấy lúa dù nông dân đã được Nhà nước miễn thuỷ lợi phí. Đây là hậu quả của sự tắc trách trong công tác quản lý, cũng như thiếu ý thức của một số đơn vị và người dân sống liền kề, đã khiến con mương Tây Sơn – Nà Cáy ngừng hoạt động.
Hệ thống mương nội đồng được đầu tư từ chương trình kích cầu Nhà nước 60%, nhân dân 40% khô cạn, bỏ phí khi con mương Tây Sơn - Nà Cáy không đưa nước được về đồng ở Thoóc Phưa.
|
Mua cả nước sạch cấy lúa!
Vào vụ xuân năm ngoái, năm kia thường có trận mưa rào sớm, nông dân trong thôn chủ động cấy được nhiều diện tích hơn. Nhưng vụ xuân này, chuyện nước cho cấy lúa càng trở nên nóng bỏng, do từ đầu vụ tới giờ vẫn chẳng có mưa. Qua thực tế cho thấy, trên các cánh đồng của thôn Thoóc Phưa rất nhiều thửa ruộng bỏ hoang do thiếu nước; trong đó có những thửa ruộng đã được cày lên và… bỏ đó!
Ông Phạm Xuân Hải – Trưởng thôn Thoóc Phưa cho biết: “Cả thôn có tổng diện tích 32,26 ha lúa đều trông vào nguồn nước của con mương Tây Sơn – Nà Cáy. Cách đây vài ba năm trước, tuyến mương Tây Sơn – Nà Cáy hoạt động, toàn bộ diện tích này cấy được 2 vụ. Thậm chí một số diện tích người dân còn làm thêm vụ 3 (vụ đông). Nhưng kể từ khi con mương ngừng hoạt động đến nay, nông dân chỉ cấy được dưới 50% diện tích. Bà con tận dụng nước bơm, tát từ ao và đọng lại tại các khe suối, hốc nước và một phần nguồn nước thải của nhà máy nước sạch và mua nước của nhà ông Toán Trưởng ở xã Minh Xuân cũng chỉ cấy được khoảng 16 ha. Còn lại một số hộ chuyển sang trồng rau, màu hoặc chờ nước mưa để cấy, không mưa thì… bỏ”.
Lúc này, chúng tôi mới biết tới sự xuất hiện của nhà kinh doanh thuỷ lợi Toán Trưởng ở xã Minh Xuân. Tranh thủ ruộng của thôn Thoóc Phưa có địa bàn giáp ranh, nằm cạnh một con suối với xã Minh Xuân, nhà ông Toán Trưởng đã đắp một đập đất lớn chắn ngang suối, trồng tre gai. Vào mùa mưa ông nắn dòng chảy sang phía ruộng của thôn Thoóc Phưa bắt cá làm ngập một số diện tích dọc theo mương suối Vạc. Còn vụ xuân tranh thủ con mương Tây Sơn không có nước, ông bán nước thu tiền 70.000 đồng/sào đối với các hộ ở thôn Thoóc Phưa có ruộng liền kề. Để có hướng tháo gỡ khó khăn về giá nước cho nông dân và nhà ông Toán Trưởng chấm dứt tình trạng nắn dòng đập sang Thoóc Phưa bắt cá làm ngập ruộng của dân, ông Hải - Trưởng thôn Thoóc Phưa đã kiến nghị lên HĐND xã Minh Xuân can thiệp nhưng chưa thấy hồi âm.
Như ông Tăng Văn Hát – nông dân ở thôn Thoóc Phưa tâm sự: “ Hiện có 6 sào lúa thì vụ xuân này nhà tôi chỉ cấy được 4 sào mua nước từ đập nhà ông Toán Trưởng với giá 13 kg thóc/sào; còn lại 2 sào gần ruộng nhà ông Vi Xuân Ngoan trước có nước từ mương Tây Sơn – Nà Cáy cấy được 2 vụ giờ chỉ làm được một vụ nhưng cũng chỉ trông chờ vào nước mưa thôi!”. Đến khu vực này, điều dễ nhận thấy là không phải chỉ có riêng ruộng nhà ông Hát mà cả 4 sào ruộng nhà ông Vi Xuân Ngoan cũng đang bỏ hoang. Nhưng buồn hơn cả là nhà bà Vũ Thị Yến cũng ở thôn Thoóc Phưa. Do 2 sào ruộng ở xa đập nước nhà ông Toán Trưởng nên muốn mua nước cũng không được; bà đành xót xa nói khó với một gia đình có nhà gần ruộng để lại cho 100 m3 nước sạch dùng để sinh hoạt với giá 2.500 đồng/m3 cấy lúa. Vậy là tính ra bà đã chi phí hết 250 nghìn đồng cho nước cấy, chưa kể đầu tư giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc. Không hiểu còn lời lãi gì không, hay sẽ mất trắng nếu như trời không mưa?
Nhiều diện tích ruộng ở thôn Thoóc Phưa bị bỏ hoang trong vụ xuân do con mương Tây Sơn - Nà Cáy bị tắc không đưa được nước vào ruộng.
Bài học cho công tác quản lý
Thực trạng việc mua nước cấy lúa do mương thuỷ lợi Tây Sơn – Nà Cáy ngừng hoạt động ở thôn Thoóc Phưa đang diễn ra như vậy. Nhưng vấn đề đặt ra là, vì sao con mương này ngừng hoạt động? Theo chỉ dẫn của ông Phạm Xuân Hải - Trưởng thôn Thoóc Phưa, chúng tôi đã đi thực địa trên tuyến mương. Thực tế cho thấy hiện cả đoạn mương dài khoảng 300 m từ nhà ông Dương Công Luân đến nhà ông Vi Xuân Ngoan nhiều điểm ách tắc do đất cát sạt lở xuống. Hơn nữa, đơn vị quản lý chợ, nhà máy nước sạch, và cả các hộ dân thiếu ý thức bảo vệ công trình phúc lợi xả rác thải, nước thải từ chợ huyện, công trình vệ sinh của dân sống hai bên đều đổ xuống mương nên nhiều điểm bị rất nặng như: ngõ nhà ông Dương Công Luân, Phạm Văn Liên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Vì mương được đầu tư từ nguồn vốn Tổ chức Bánh mì thế giới tài trợ nên khá hiện đại. Lòng mương được xây dựng kiên cố, sâu tới 1m trên có nắp đậy nhưng hiện ở các điểm này đất, cát bùn đen thập cẩm bẩn nhét đầy tới 80 cm nên nước không thể lưu chuyển được.
Vẫn theo ông Hải Trưởng thôn, những năm trước, hàng năm vào tháng 12, thị trấn Yên Thế phối hợp với Trạm Thuỷ nông huyện và các thôn có mương đi qua được hưởng lợi vận động nhân dân nạo vét công trình nhưng dân không làm. Vì vậy, lượng chất thải trong mương theo năm tháng ngày ngày một đầy lên và tắc tịt. Năm 2006, thôn huy động được dân lật nắp cống khu nhà ông Dương Công Luân đến khu nhà ông Đỗ Văn Tiện, vét và thông được nước chảy khoảng 80 m nhưng sau đó dân thấy không được thanh toán tiền công, không làm nữa. Vừa rồi, ông cũng đã báo cáo thuỷ nông xin kinh phí của huyện để vét mương, nhưng trong khoảng thời gian này dân bận làm mùa nên chưa làm được. Nhằm tìm hiểu kỹ thêm về con mương cũng như giải pháp khắc phục đưa nước về đồng ruộng Thoóc Phưa, giúp nông dân sản xuất, chúng tôi có trao đổi với ông Hoàng Văn Thon – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Lục Yên. Và thật bất ngờ về câu trả lời quan liêu đến vô tâm của ông rằng: “Nước ở con mương này vẫn chảy bình thường”.
Việc đã rồi, giờ đây đầu tư cho nạo vét đoạn mương này khá tốn kém phức tạp do mương chạy qua địa hình các khu dân cư sống 2 bên bờ. Thêm nữa mùi xú uế lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống nhưng không thể không đầu tư để người dân bớt khổ trong cảnh mua nước cấy lúa. Đó là giải pháp trước mắt, nhưng để con mương thông chảy lâu dài, thị trấn cần giao từng đoạn mương cụ thể cho trưởng các thôn hưởng lợi để duy tu bảo dưỡng. Đồng thời, thị trấn cũng như Trạm Thủy nông huyện giải thích rõ cho trưởng thôn xem hiện nay Nhà nước đã miễn thuỷ lợi phí thì việc huy động dân hàng năm vào đầu các vụ xuân và mùa đi nạo vét mương máng có được thanh toán tiền công không? Như vậy trưởng thôn mới dễ bề giải thích vận động dân tham gia. Vì hiện nay ông Hải - trưởng thôn vẫn cho rằng sau khi Nhà nước miễn nộp thuỷ lợi phí cho dân, Thuỷ nông huyện hàng năm vẫn có nguồn đầu tư cho dân nạo vét kênh mương.
Muốn công trình hiệu quả, bền vững Trưởng thôn phải tích cực hơn nữa vận động người dân hưởng lợi tham gia nạo vét kênh mương; lên danh sách những hộ sử dụng nguồn nước, họp thôn ra qui ước vào đầu các vụ sản xuất, hộ nào không tham gia nạo vét sẽ không được hưởng nguồn nước từ con mương. Người dân cũng phải tự giác hơn trong việc tham gia nạo vét mương. Thêm nữa, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cũng cần vào cuộc, yêu cầu các đơn vị quản lý chợ, nhà máy nước và các tổ dân phố nơi có công trình đi qua nâng cao ý thức không xả rác thải ra mương. Nước thải ở chợ và nhà máy nước khi chảy xuống mương phải qua khâu ngưng, lắng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị này ký cam kết nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo qui định. Còn công trình đập nước nhà ông Toán Trưởng ở xã Minh Xuân tự xây dựng, kinh doanh thuỷ lợi có sai không? Làm sao để người dân không bị thiệt thòi khi phải mua nước từ đập thuỷ lợi này ? Câu trả lời chúng tôi xin nhường cho những người có trách nhiệm.
Dù công trình thuỷ lợi được quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” như con mương ở Lục Yên này khiến nhiều cánh đồng khát nước như thế này trên địa bàn Yên Bái hiện nay không phải là hiếm. Nhưng chỉ mong, đây là bài học quí cho công tác quản lý các công trình thuỷ lợi ở Yên Bái ngày thêm hiệu quả.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Những tôm chè tuyết cổ thụ hái khi mặt trời mọc, được làm héo bằng gió trời rồi sao khô trong những chiếc chảo gang trên bếp lửa một cách kỳ công với bí quyết riêng đã làm ra một sản phẩm mới trên đất Suối Giàng: chè xanh "5 cực". Lê Quang Tùng, người làm ra loại chè này, cho hay, đó là, cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt. Còn tôi thì nghĩ, chè xanh "5 cực" chính là sự ngợi ca nhiệt huyết, ý chí và sáng tạo của con người, những người đã nguyện gắn bó đời mình với vùng chè cổ thụ …
YBĐT - Xa rồi những con đường sống trâu gồ ghề, lầy lội... những cây cầu vững chắc, những con đường bê tông thẳng tắp, những tuyến đường vừa mở còn thơm mùi đất mới như một dải lụa mềm ôm lấy bản làng đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phố núi Nghĩa Lộ hôm nay. Làm đồng cũng đi xe máy
YBĐT - Thanh Miền đến với nhiếp ảnh như một cái duyên với nghệ thuật. Với lòng say mê, chắt chiu từng ý tưởng cùng với nguồn cảm hứng bất chợt thăng hoa, anh đã “thai nghén” được những tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời và những khoảnh khắc đó đã tạo nên một “thương hiệu” Thanh Miền - cái tên mà đồng nghiệp Báo Yên Bái mến tặng anh - người đam mê săn tìm cái đẹp...
YBĐT - Ly quê tròn Bốn lăm năm, tôi mới thấm nỗi nhớ thương. Thế nên mỗi lần về quê thể nào tôi cũng ra bến sông Thi, nơi có ngôi Chùa Cỏ bóng xanh lặng giữa chiều quê một mình, nơi in dấu vết cái bến đò ngang của nhà tôi còn xôn xao mái chèo đôi khua động sóng nước, nơi dòng sông mở rộng thêm đã xoá hết dấu vết mảnh đất riêng mà cha mẹ từng xây tổ ấm gia đình.