Bản Mù sẽ sáng!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Làm gì để giải quyết căn bản bài toán Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái? Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ ngày 21/7/2006 với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính là chiếc gậy chỉ đường, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế vùng cao.

Người dân ở 8 thôn đã nhận trên 2300 kg lúa giống và 650 kg ni lông che mạ.
Người dân ở 8 thôn đã nhận trên 2300 kg lúa giống và 650 kg ni lông che mạ.

Cách đây hơn chục năm, cánh cán bộ tăng cường lên Trạm Tấu thường truyền tai nhau câu thơ: “Bao giờ Trạm Tấu có kem, Bản Mù có điện thì em chuyển vùng”. Câu thơ tếu nhưng nó cũng không kém phần chua xót về sự khó khăn, thiếu thốn và lạc hậu nơi vùng cao này. Nhưng thời gian trôi đi, thị trấn Trạm Tấu đã dần mang dáng dấp một đô thị miền núi với đầy đủ các loại dịch vụ, trong đó kem chỉ là thứ bình thường! Còn địa danh xã Bản Mù, điện cao thế đã kéo về trung tâm, đường ô tô đã mở để người dân đi lại thuận tiện… Dẫu vậy, cuộc sống người dân nơi này vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Trung tâm xã chót vót ngang sườn núi Mù Cao. Mùa này gió lào triền miên hú từng đợt, đập phành phành vào những tấm tôn lợp mái nhà. Nhìn những lá chuối tả tơi trong gió,  kỹ sư Đỗ Thành Giang - cán bộ nông nghiệp lo lắng, cả mấy tháng nay đã chẳng có hạt mưa nào, gió lào thế này, nước ruộng lại bốc hơi hết.

Giang là Phó trưởng phòng Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lên tăng cường cho huyện Trạm Tấu từ tháng 11/2008, được huyện bố trí làm Phó phòng Nông nghiệp, đồng thời trực tiếp phụ trách sản xuất tại Bản Mù. Anh được tăng cường đúng dịp Trạm Tấu đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2006 – 2010.

Bản Mù  lại là một trong hai xã được chọn chỉ đạo điểm, do vậy, công việc của anh cán bộ tăng cường lại “nặng” thêm. Năm nay, xã được huyện giao kế hoạch làm 75 ha lúa xuân. Nhận kế hoạch rồi, từ cán bộ xã đến cán bộ tăng cường đều lo lắng bởi tập quán canh tác lạc hậu đã ăn sâu trong đồng bào. Hơn nữa, năm ngoái rét đậm kéo dài, nhiều hộ gia đình không muốn làm vì sợ sẽ ảnh hưởng đến vụ mùa nên không biết có hoàn thành kế hoạch giao.

Vì vậy, xã đã phải thành lập ban chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân, gồm 20 thành viên, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó chủ tịch UBND làm Phó ban thường trực, các ban, ngành đoàn thể và 8 trưởng thôn là thành viên. Ban chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; phân công Đảng uỷ viên phụ trách thôn trực tiếp làm tổ trưởng phối hợp với tổ công tác chỉ đạo của huyện tiến hành triển khai họp thôn, trực tiếp đến vận động nhân dân khắc phục kịp thời những mương hỏng…

Về huyện công tác, xuống xã chỉ đạo sản xuất gần 4 tháng, anh Giang đã đi khoảng 2 vạn kilômét bằng xe máy, bằng cả năm công tác ở tỉnh cộng lại. Anh bảo, có ngày đi hết đúng 50 ngàn đồng tiền xăng! Nghĩ lại đoạn đường 14 kilômét từ huyện vào xã không khỏi sởn da gà. Dốc ơi là dốc! Nhiều đoạn nghĩ, chắc không phải là đường dành cho phương tiện cơ giới. Xe máy cài số một, bò như rùa. Người cầm lái phải ghì chặt về đằng trước không sẽ ngã bổ ngửa.

Là cán bộ nông nghiệp, trải qua thực tế, đã quen với khó khăn nhưng những gì diễn ra tại vùng cao thật sự gây khó khăn cho anh cán bộ tăng cường. Không chỉ là việc trực tiếp phải ăn, làm với dân mà vấn đề phải tìm hiểu dân. Ngôn ngữ bất đồng là rào cản chính, làm gì cũng phải có người phiên dịch. Hơn thế, nếp làm ăn cũ đã ngấm sâu, đâu dễ thay đổi trong ngày một, ngày hai. Đến vùng cao, ở vùng cao mới thấy có nhiều việc ngoài sức tưởng tượng. 

Đơn cử như việc họp dân, thường họp đêm chứ không phải họp tối, nhiều khi kéo dài đến 2, 3 giờ sáng. Đơn giản là vì dù đã được trưởng thôn, trưởng bản báo trước, nhưng do đi  làm nương xa, nhập nhoạng tối về đến nhà, lợn, gà, cơm nước xong là đã 10 giờ. Hai, ba giờ sáng là còn nhanh để bà con về nghỉ cho có sức mai đi làm. Cùng với việc triển khai sản xuất, trong cuộc họp, anh cán bộ tăng cường còn triển khai nhiều nội dung tới bà con như: không phá rừng, đốt rừng, trồng thuốc phiện, vận động dân làm nhà vệ sinh…

Họp đêm cũng không ngại, tuy nhiên cũng có nhiều băn khoăn vì hiệu quả tuyên truyền không biết có được bao nhiêu, bởi cán bộ nói phải có người phiên dịch lại, chắc nội dung cũng rơi rụng một phần! Sau vài lần họp khuya nên cũng có kinh nghiệm “ngay từ chập tối, đánh một bụng cơm no, lên giường ngủ một giấc dậy họp là vừa!” - anh Giang kể.

Loanh quanh ở Bản Mù, thế nào tôi lại gặp người quen - anh Phương, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, nay là đặc phái viên, cũng là một dạng cán bộ tăng cường xuống giúp xã. Nhà ở thị trấn, sống ở vùng cao, đã quen với đồng bào, nói và hiểu được một số tiếng của bà con, vì vậy, xuống xã cũng đỡ khó khăn. Gặp tôi anh bảo: “Ở cơ sở mình nhận thấy, trong một năm, anh cán bộ xã chỉ làm ba việc là hết thời gian, đó là vận động dân tăng vụ, chống cháy rừng và chống tái trồng thuốc phiện”.

Quá hiểu tình hình cơ sở, anh bảo, thời tiết thuận lợi hơn năm trước, xã lại có kế hoạch cụ thể, cấp giống lúa cho từng thôn nên kế hoạch có thể đạt được! Chẳng vậy mà sau khi họp dân ở 8 thôn đã có 53 hộ ở Giàng La Pán, 22 hộ ở Mù Cao, 34 hộ ở Mông Si, 17 hộ ở Mông Đơ, 60 hộ ở Khấu Ly, 58 hộ ở Păng Dê, 25 hộ ở Háng Chi Mua và 56 hộ ở Tàng Ghênh đã nhận trên 2300 kg lúa giống và 650 kg ni lông che mạ. Đến đầu tháng 2, đã có 75% diện tích đã xuống mạ, còn lại đã làm xong đất. Đây thật sự là dấu hiệu đáng mừng!

Theo thống kê mới nhất, Bản Mù còn 325 hộ đói, nghèo, chiếm tỷ lệ 68,73%. Đất rộng, tài nguyên nhiều, nhất là lại được sự đầu tư của Nhà nước mà nghèo quả là điều vô lý! Bên cạnh nguyên nhân do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn… Sâu xa hơn như lời già làng Mùa Chống Hồ, ở bản Giàng La Pán thì: “Do một bộ phận lớn không có ruộng để canh tác và một bộ phận khác có nhiều ruộng nước nhưng lại không muốn làm. Bên cạnh đó, một số bà con lười lao động, nhận thức kém và vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu!”.

Với những gì đang diễn ra, Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu đang có những vấn đề nội tại cần sớm được giải quyết. Thực tế, trong thôn bản đã bắt đầu có sự phân hoá giàu nghèo. Một bộ phận người dân có điều kiện bao chiếm đất đai sản xuất và đất lâm nghiệp ngày càng giàu lên, còn một bộ phận lớn do nhận thức kém, không biết làm ăn ngày càng nghèo đi. Thậm chí vì miếng ăn hàng ngày, nhiều hộ đã bán ruộng, trâu, bò…với giá rẻ cho những người giàu.

Hết tư liệu sản xuất, người nghèo quanh năm làm thuê, làm mướn. Do đó, mới có chuyện có những gia đình lúa để trên gác bếp năm này qua năm khác bồ hóng bắt đen sì, nhưng đa số nhà lại chạy ăn từng bữa. “Dân đói, năm nào Nhà nước cũng phải cứu trợ. Năm 2008, riêng gạo cứu đói, tỉnh đã phải cấp trên 14 tấn” - Bí thư Đảng uỷ xã Giàng A Phông thông tin như vậy.

Đói nghèo nên nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng trên địa bàn vẫn diễn ra, đó là việc tái trồng thuốc phiện, buôn bán lâm sản, di dịch cư tự do, sinh đẻ không kế hoạch... Cụ thể, niên vụ 2006-2007 và 2007-2008, diện tích tái trồng thuốc phiện trong xã tới vài chục ha. Vụ xuân 2008 - 2009, dù đã kiểm tra gắt gao nhưng vẫn phát hiện gần 2 ha tái trồng. Còn nạn cháy rừng do phát rừng làm nương, khai thác lâm sản đã đẩy những cánh rừng đại ngàn Bản Mù ngày càng xa. Năm 2008, có 3 hộ trong xã bỏ bản di cư vào Nam… 

Làm gì để giải quyết căn bản bài toán Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu? Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ ngày 21/7/2006 với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính là chiếc gậy chỉ đường, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế vùng cao.  Nhưng đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân, sau hai năm, việc triển khai Nghị quyết còn quá chậm.

Với quyết tâm đưa vùng cao thoát khỏi khó khăn, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các ban, ngành, đoàn thể và huyện Trạm Tấu đang từng bước triển khai kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo của người cán bộ vùng cao; tiến hành đo đạc, kiểm kê, quy hoạch để sắp xếp lại đất đai sản xuất, đất lâm nghiệp, sau đó sẽ tiến hành giao đất giao rừng, phấn đấu để mọi người dân đều có đất sản xuất, có rừng để trông coi giúp, bà con thâm canh tăng vụ đảm bảo an ninh lương thực; hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống văn hoá, xoá bỏ tập quán sinh hoạt, lạc hậu...

Những chủ trương, chính sách của Đảng mà cụ thể là Nghị quyết 03 đã hợp và đúng ý bà con. Trong buổi họp lấy ý kiến các già làng, trưởng họ của hai xã Bản Mù và Trạm Tấu, già làng Giàng Nủ Giao ở thôn Mông Si đại diện cho mọi người đã nêu mong muốn của mọi người là mong tỉnh cần khẩn trương chia lại đất rừng cho mọi người, để ai cũng có đất rừng bảo vệ. Về phần mình, các già làng, trưởng dòng họ với uy tín của mình sẽ về bản để vận động bà con trong họ chia lại đất ruộng cho anh, em trong dòng tộc, trong gia đình… Đồng thời, thực hiện nếp sống mới, loại bỏ những hủ tục cũ, lạc hậu, tốn kém.

Rời Bản Mù, sương đã tan trên những đỉnh núi. Những thửa ruộng bậc thang lúa mới cấy đã bắt đầu bén rễ lên xanh. Một cuộc sống mới đang về với vùng cao. Dẫu biết rằng, để đạt được mục tiêu chống lại đói nghèo, chống lại những gì cũ kỹ và lạc hậu thì phải vượt qua chặng đường lâu dài, đầy khó khăn gian khổ. Nhưng trong lúc này rất cần sự nỗ lực vượt lên chính mình của mỗi người dân vùng cao, rất cần sự hy sinh của những cán bộ tăng cường như anh Phương, anh Giang… để một ngày gần đây, Bản Mù sẽ sáng!

Nguyễn Đình Tứ

Các tin khác
Hệ thống mương nội đồng được đầu tư từ chương trình kích cầu Nhà nước 60%, nhân dân 40% khô cạn, bỏ phí khi con mương Tây Sơn - Nà Cáy không đưa nước được về đồng ở Thoóc Phưa.

YBĐT - Vụ xuân này, cũng như những vụ xuân trước, nông dân thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lại “nóng” hơn chuyện mua nước cấy lúa dù nông dân đã được Nhà nước miễn thuỷ lợi phí. Đây là hậu quả của sự tắc trách trong công tác quản lý, cũng như thiếu ý thức của một số đơn vị và người dân sống liền kề, đã khiến con mương Tây Sơn – Nà Cáy ngừng hoạt động.

Trên đỉnh Suối Giàng.

YBĐT - Những tôm chè tuyết cổ thụ hái khi mặt trời mọc, được làm héo bằng gió trời rồi sao khô trong những chiếc chảo gang trên bếp lửa một cách kỳ công với bí quyết riêng đã làm ra một sản phẩm mới trên đất Suối Giàng: chè xanh "5 cực". Lê Quang Tùng, người làm ra loại chè này, cho hay, đó là, cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt. Còn tôi thì nghĩ, chè xanh "5 cực" chính là sự ngợi ca nhiệt huyết, ý chí và sáng tạo của con người, những người đã nguyện gắn bó đời mình với vùng chè cổ thụ …

Nông dân phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tham gia làm đường giao thông.

YBĐT - Xa rồi những con đường sống trâu gồ ghề, lầy lội... những cây cầu vững chắc, những con đường bê tông thẳng tắp, những tuyến đường vừa mở còn thơm mùi đất mới như một dải lụa mềm ôm lấy bản làng đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phố núi Nghĩa Lộ hôm nay. Làm đồng cũng đi xe máy

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền.

YBĐT - Thanh Miền đến với nhiếp ảnh như một cái duyên với nghệ thuật. Với lòng say mê, chắt chiu từng ý tưởng cùng với nguồn cảm hứng bất chợt thăng hoa, anh đã “thai nghén” được những tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời và những khoảnh khắc đó đã tạo nên một “thương hiệu” Thanh Miền - cái tên mà đồng nghiệp Báo Yên Bái mến tặng anh - người đam mê săn tìm cái đẹp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục