Bài ca trên núi

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng Sáu, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đẫm ướt áo và túa ra trên mặt thợ. Bền bỉ, hăng say, những người thợ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn đang viết lên bài ca ca ngợi sức sáng tạo và lòng nhiệt thành của con người chinh phục thiên nhiên, làm giàu cho quê hương đất nước...

Những kỹ sư trẻ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn.
Những kỹ sư trẻ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn.

Hàng chục cột bê tông đã được dựng lên sừng sững trên núi Suối Quyền. Tôi ngả mũ chào tỏ lòng khâm phục những người thợ của Công ty TNHH Tân Tiến khi leo lên tới vị trí cột 17 của đường điện 35 Kv. Anh em  công nhân ồ lên, mồ hôi tong tỏng, mặt đen cháy sạm nhưng miệng cười thì loang loáng, sảng khoái. Kỹ sư Hiệp ở Ban điều hành dự án rít một hơi thuốc lào thật sâu rồi giới thiệu cho tôi tên tuổi từng người một.

Để đưa được những cột bê tông dài ngoằng và nặng chịch kia lên núi, những người thợ của Công ty TNHH Tân Tiến đã phải dùng tời thép kéo ngược độ dốc mấy chục phần trăm trong hàng tháng trời, mưa rừng, nắng núi đủ cả. Bền bỉ như kiến thợ, toàn tuyến 53 vị trí cột phục vụ thi công đã hoàn thành, nhà thầu tập trung nhân lực để rải xong dây và căng kéo, lắp đặt tiếp địa để có thể phục vụ thi công đồng bộ các hạng mục vào tháng7 tới theo đúng kế hoạch.

Giải phóng mặt bằng là phần việc rất quan trọng, quyết định tiến độ thi công của dự án. Rất thuận lợi cho chủ đầu tư - Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn - là toàn bộ mặt bằng của công trình thủy điện công suất 57 MW, vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng này đã được chính quyền địa phương và nhân dân các xã Suối Quyền, An Lương, thị trấn Nông trường Liên Sơn đồng lòng giúp đỡ. Kỹ sư Vũ Mạnh Phong ở Ban điều hành dự án đã tham gia thi công nhiều dự án thủy điện ở miền Trung tâm sự rằng, nhiều công trình rất chật vật, làm nản lòng nhà đầu tư vì mắc giải phóng mặt bằng, đền bù. Với dự án này, 1,6 tỷ đồng tiền đền bù đã tới dân, dân đã giao mặt bằng thuận lợi cho dự án.

Thi công đường cấp  điện 35 Kw tại xã Suối Quyền huyện Văn Chấn.

Ông Phan Văn Xô ở thị trấn Nông trường Liên Sơn bộc bạch, mấy trăm mét vuông đất của cha con ông cũng quý đấy nhưng nhường cho công trình để đem lợi lớn hơn cho quê hương thì ông sẵn sàng. Thuận lợi thế, nên trên 200 hộ trong vùng triển khai dự án đã bàn giao mặt bằng cho công trình mà không mấy ai cấn cá, khó dễ gì.

Kỹ sư Bùi Khắc Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện Văn Chấn khi có mặt trên công trường, gặp Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường thì tay bắt mặt mừng vì địa phương đã giúp đỡ tận tình doanh nghiệp lắm lắm. Bây giờ, cầu Ngòi Thia bê tông cốt thép dài 213m đã bắc nối hai bờ. Có cầu mới có thể vượt suối đưa máy móc, thiết bị, vật tư vào công trường được. Thực ra, cầu Ngòi Thia theo tính toán ban đầu đặt kề quốc lộ 32, đã giải phóng mặt bằng, đên bù và triển khai thi công hố móng trị giá tiền tỷ. 30 tỷ đồng đã được đầu tư cho cây cầu, theo anh Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện Văn Chấn, phục vụ thi công nhưng cây cầu cũng phục vụ nhu cầu giao lưu kinh tế xã hội của địa phương, nối vùng thị trấn Nông trường Liên Sơn với các xã vùng cao An Lương, Suối Quyền của huyện, đó gọi là lợi ích hài hoà giữa nhà đầu tư và địa phương.

Giữa tháng Sáu, các anh Phong, Hiệp, Sang ở Ban điều hành dự án cùng chúng tôi thăm cầu Thia, cờ Tổ quốc phần phật trong gió núi, mồ hôi đẫm ướt áo và túa ra trên gương mặt thợ, trời như đổ lửa trên công trường hối hả. Các anh cho biết nhà thầu đã khoan 537m với 37 cọc khoan nhồi, đổ trên 2.000 m3 bê tông, lắp đặt trên 200 tấn cốt thép, đào đắp gần 40.000 m đất; rằng riêng mố M0, M1 và các trụ T1, T2, T3, T4, T5 đã ngốn trên 1.000 m3 bê tông, gần 100 tấn thép; rằng dầm dự ứng lực 18 dầm, dài 479m khi lao lắp thành công vui như ngày hội, bà con và lãnh đạo mấy xã đều có mặt chúc mừng. Toàn bộ hệ mặt cầu đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để thông cầu, phục vụ thi công đồng bộ các hạng mục trong tháng tới.

Cầu xong, đường thi công vận hành đã thi công toàn bộ nền đường từ Km0 - Km 7+500. Trên 41.000 m3 đất đá được san gạt, đào đắp, hiện nhà thầu đang hoàn thiện đường hai đầu cầu để chính thức thông tuyến trong cuối tháng này. Thực tế mà nhận xét, dự án Thuỷ điện Văn Chấn là một trong những dự án có tiến độ chậm trong số 20 dự án thủy điện ở Yên Bái. Công suất 48 MW rồi lại điều chỉnh nâng lên 57 MW, chủ đầu tư lại có sự thay đổi, vốn đầu tư và vốn đối ứng mất nhiều thời gian thu xếp nên làm tiến độ chậm lại.

Khi chúng tôi lên núi cùng thợ đường dây cũng là lúc nhận điện của Giám đốc Bùi Khắc Sơn. Anh hồ hởi lắm: “Hôm nay chính thức ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng nhé!” – chỉ ngắn gọn vậy. Nghe thì biết anh phấn khởi thế nào, trên 1.000 tỷ đồng đã được xác định trong hợp đồng tín dụng giữa Công ty với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đây là cái nút quyết định để Công ty triển khai đồng bộ các hạng mục của dự án. Ký xong vốn, chủ đầu tư khẩn trương bắt tay vào lập hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị công nghệ, chọn lựa nhà thầu xây lắp. Theo anh Sơn, sẽ chạy tổ máy đầu tiên vào cuối năm  2011 thay vì cuối năm 2012 như kế hoạch và công trình sẽ mang tên Công trình chào mừng Đại hội XI của Đảng...

Cầu Ngòi Thia được gấp rút hoàn thiện phục  vụ thi công các hạng mục chính  của dự án.

Tất cả đã sẵn sàng cho ngày động thổ các hạng mục lớn. Kia là đập dâng, kênh dẫn; chỗ này là đường áp lực, nhà máy... Trong vòng 800 ngày nữa, một nhà máy thủy điện sẽ chính thức vận hành. Dòng điện từ ngọn nguồn đại ngàn Văn Chấn sẽ hoà lưới quốc gia, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước, một biểu tượng của lòng dân ý Đảng, một bài ca ca ngợi sức lao động và sáng tạo của con người- bài ca trên núi.

Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Như một lời hẹn ước, cứ mỗi lần đến vùng chiến khu Vần - Hiền Lương tôi lại đến bằng được Khe Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Lần này trở lại vẫn cứ theo con suối nhỏ mà ngược lên. Mùa này, nước cạn chỉ còn nghe tiếng róc rách xa xa, người ta gọi đấy là khe Đó. Thì ra cái đèo hiểm trở mà ai muốn vào Khe Đồng cũng phải vượt qua mang cái tên Đèo Đó cũng là bắt nguồn từ cái tên của con suối cạn kia mà ra.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái (đứng giữa) thăm Trường tiểu học xã Chế Tạo.

YBĐT - Chế Tạo (Trêr Tâuv), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là kho đậu. Tổ tiên người Mông ở Chế Tạo đến ở đây đã vài trăm năm, bây giờ dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng.

YBĐT - Giữa “Non xa xa, nước xa xa” Pác Bó, tôi rưng rưng nhìn cảnh mà nhớ Người. Không thể cầm lòng, tôi quì bên ngọn nguồn suối Trời- suối Lê nin, vốc nước uống ba ngụm, tỏ lòng đứa con đất Việt hiếu thảo uống nước nguồn ông cha, cho thoả ước ao đi trảy nước non Cao Bằng.

Cô dâu và phù dâu trong trang phục áo chàm.

YBĐT - Những ngôi nhà sàn xinh xắn; các thiếu nữ Tày xúng xính trong trang phục áo chàm, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng xà tích, đầu vấn khăn đen, má ửng hồng say trong làn điệu hát khắp, hát coọi đã theo tôi suốt trong những năm tháng tuổi thơ trên quê hương Lục Yên. Vậy mà hôm nay trở lại, những bản làng của người Tày vẫn con người ấy, cảnh vật ấy mà "hương rừng, gió núi" đã "bay đi rất nhiều"; áo chàm sắp chỉ còn là "niềm thương nhớ"!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục