Một ngày ở Nậm Có
- Cập nhật: Thứ tư, 1/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nậm Có là xã có địa bàn rộng nhất huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng lại nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo đang được Huyện uỷ, các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm sâu sát để xây dựng chính quyền cơ sở Nậm Có đủ mạnh cùng địa phương phát triển.
Chúng tôi khởi hành từ thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải khi mặt trời chưa lên khỏi lưng núi. Sau hơn một giờ đồng hồ ngồi xe, đoàn công tác liên ngành của huyện đã có mặt tại trung tâm xã Nậm Có và tiếp tục hành trình thị sát cơ sở. Chưa hết tuần trà nghỉ ngơi, đoàn công tác bổ sung thêm mấy cán bộ xã rồi xốc lại đội hình bắt đầu hành quân bộ ngược bản Tà Ghênh. Tới đầu bản, một tốp công nhân đang thi công đoạn mương.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện nói nhỏ:
- Con mương gồm 2 đoạn khoảng 100m thuộc công trình thuỷ lợi Bản Lìm - Nậm Có nhưng trị giá 450 triệu đồng đấy. Tôi đoán nếu ở dưới xuôi, suất đầu tư một công trình như thế có lẽ chỉ mất khoảng 1/3 số tiền trên.
Tuy trời nắng thuận cho việc tiếp cận bản, nhưng sau vài con dốc, cả đoàn ai nấy đã nhễ nhại mồ hôi. Đoạn đường hơn 3 cây số mất tới 45 phút leo bộ. Dừng bước trước một hộ dân đang xuống núi, mấy đồng chí trong đoàn công tác tranh thủ thăm hỏi tình hình đời sống, sinh hoạt của người dân. Gặp tốp trẻ chừng 4-5 tuổi, tôi hơi bất ngờ khi nghe Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Khánh phát ra câu hỏi tiếng Mông:
- Chor nhuôs mos môngl cơưv tsi môngl? (Các cháu có đi học mẫu giáo không?)
- Môngl cơưv haz! (Có đi học đấy!) - một cháu nhanh nhảu trả lời.
Tiếp chúng tôi tại nhà, chị Giàng Thị Pla rất vui cho biết, gia đình được Nhà nước cấp cho 90 tấm lợp và 1,8 triệu đồng để làm lại mái nhà mới. Vừa rồi cũng được đội công tác của Bộ CHQS tỉnh giúp làm chuồng trâu, nhà vệ sinh, rồi đến vận động bà con xây dựng nếp sống văn hoá, tăng gia lao động sản xuất.
Đi tiếp, trung tá Hà Long Giang phụ trách đội công tác hồ hởi cho hay: “Sau 3 tháng triển khai xây dựng cơ sở chính trị tại Tà Ghênh, đội đã tiến hành san gạt được trên 300m3 đất đá và làm được 53/76 chuồng trâu nền xi măng, 25/50 nhà tiêu hợp vệ sinh, khám chữa bệnh cho 105 lượt người. Tối tối, đội lại tổ chức chiếu phim video, đồng bào rất thích...”.
Riêng bộ đội Giang đã đem gần trăm gốc sắn của gia đình ở Yên Bái lên trồng thử nghiệm tại bản. Kết quả, việc trồng sắn cũng rất khả quan, nhiều hộ thấy vậy đã tới xin giống về trồng. Rồi anh còn tập hợp được một tải quần áo cũ của gia đình lên tặng vài hộ nghèo khó khăn ở bản. Đến nay, đội đã triển khai trồng được trên 1 ngàn gốc sắn, với diện tích cộng lại khoảng hơn 4 sào. Mặc dù chỉ có 20 người nhưng đội công tác tham gia rất nhiều việc, kể cả việc ma chay, cưới xin của đồng bào, anh em đều có mặt. Đồng bào đã thực sự có chuyển biến về mặt nhận thức, đoàn kết cùng bộ đội xây dựng gia đình, bản làng sạch đẹp, phát triển kinh tế một cách cơ bản.
Điều khiến mọi người trăn trở khi tới bản vẫn là đường giao thông. Sau nữa là việc không biết tiếng địa phương. Như các cụ vẫn thường dạy “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, nhưng đến vùng cao hỏi người già và trẻ nhỏ bằng tiếng phổ thông thì bạn chỉ có thể nhận được câu trả lời “chi pâu” (không biết) mà thôi. Bởi đa phần người già dân tộc Mông không biết chữ, trẻ thì nhiều em học tới lớp 4, lớp 5 vẫn chưa đọc thông viết thạo.
Đến với đồng bào, sâu sát cơ sở nhưng không hiểu, không tiếp xúc được với dân bản thì quả là rất khó giúp người dân thấm nhuần được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rất may, để nắm được thông tin ở bản, tôi đã có Bí thư huyện ủy, nhất là anh Hờ A Cớ - phóng viên Đài Truyền thanh huyện nhiệt tình phiên dịch.
Gần trưa, đoàn công tác rời bản trở về làm việc với lãnh đạo và các ban, ngành trong xã. Bí thư Đảng uỷ xã Hàng A Sa thông báo nhanh: từ đầu năm đến nay, tình hình chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Nậm Có nhìn chung ổn định. Cơn lốc đầu tháng 2 đã làm tốc 10 mái nhà, hỏng 35 tấm lợp, hơn 10m trần nhà bán trú Trường Lý Tự Trọng, địa phương đã hỗ trợ và huy động lực lượng khắc phục kịp thời. Xã đã tiếp nhận 4.560 kg giống, nhân dân tự túc 250 kg giống lúa để gieo trồng hết 170 ha diện tích vụ xuân.
Đối với cây màu, xã tiếp nhận và cấp cho nhân dân 900 kg đậu tương, 1.800 kg giống ngô, 25.400 kg phân bón các loại; chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa xuân để gieo cấy vụ mùa cùng việc phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh tăng vụ lúa, ngô, đậu tương, chăn nuôi cho 50 phụ nữ ở bản...
Các ngành tổ chức 4 tổ công tác với 30 đồng chí tiến hành 3 đợt kiểm tra, triệt phá được gần 600m2 cây thuốc phiện. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã đã thành lập mới 4 chi bộ (Huy Pao, Háng Cơ, Làng Giàng, Phình Ngài). Với việc tập trung điều động, cán bộ, đảng viên đến sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản và tiến hành tách chi bộ ghép, 100% các bản trong xã đã có chi bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng bộ huyện. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng thừa nhận, trên địa bàn còn để xảy ra 5 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 184 ha; lừa đảo, buôn bán ma tuý; khai thác vận chuyển lâm sản trái phép; còn có việc ăn thử và tự tử bằng lá ngón.
Quá trình làm việc với địa bàn cơ sở, huyện Mù Cang Chải thấy rằng, việc chỉ đạo thường xuyên sâu sát cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bước đầu tham quan mô hình xây dựng cơ sở chính trị tại bản Tà Ghênh do Bộ CHQS tỉnh triển khai, huyện đã học tập được nhiều kinh nghiệm, biện pháp quí như: làm chuồng nuôi nhốt gia súc, xây dựng nếp sống văn hoá, ăn ở hợp vệ sinh, cung cấp giống cây cần thiết cho đồng bào... để triển khai trong toàn huyện. Thấy rằng để việc xây dựng có hiệu quả các cấp, ngành trong huyện, các xã cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Đồng thời thường xuyên bám nắm địa bàn, tham gia tích cực với các lực lượng của tỉnh kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho Mù Cang Chải phát triển.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Tháng Sáu, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đẫm ướt áo và túa ra trên mặt thợ. Bền bỉ, hăng say, những người thợ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn đang viết lên bài ca ca ngợi sức sáng tạo và lòng nhiệt thành của con người chinh phục thiên nhiên, làm giàu cho quê hương đất nước...
YBĐT - Như một lời hẹn ước, cứ mỗi lần đến vùng chiến khu Vần - Hiền Lương tôi lại đến bằng được Khe Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Lần này trở lại vẫn cứ theo con suối nhỏ mà ngược lên. Mùa này, nước cạn chỉ còn nghe tiếng róc rách xa xa, người ta gọi đấy là khe Đó. Thì ra cái đèo hiểm trở mà ai muốn vào Khe Đồng cũng phải vượt qua mang cái tên Đèo Đó cũng là bắt nguồn từ cái tên của con suối cạn kia mà ra.
YBĐT - Chế Tạo (Trêr Tâuv), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là kho đậu. Tổ tiên người Mông ở Chế Tạo đến ở đây đã vài trăm năm, bây giờ dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng.
YBĐT - Giữa “Non xa xa, nước xa xa” Pác Bó, tôi rưng rưng nhìn cảnh mà nhớ Người. Không thể cầm lòng, tôi quì bên ngọn nguồn suối Trời- suối Lê nin, vốc nước uống ba ngụm, tỏ lòng đứa con đất Việt hiếu thảo uống nước nguồn ông cha, cho thoả ước ao đi trảy nước non Cao Bằng.