Gặp gỡ Đồng Văn

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C với những con đèo quanh co chạm mây trời, chúng tôi đến cao nguyên Đồng Văn. Cao nguyên Đồng Văn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, bao trùm cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, với tổng diện tích tự nhiên trên 2.300 km2, dân số trên 250.000 người. Mỗi chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đây là miền đất có vị trí cực kỳ quan trọng trong giữ gìn chủ quyền nơi cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam.

Đường lên Mèo Vạc - Hà Giang.
(Ảnh: Thanh Miền)
Đường lên Mèo Vạc - Hà Giang. (Ảnh: Thanh Miền)

Từng đến đồng bằng sông Cửu Long thẳng cánh cò bay, vùng đất đỏ bazan Tây nguyên mầu mỡ, bây giờ không khỏi rợn ngợp trước đá và đá Đồng Văn. Đá mọc thành núi cao trùng trùng điệp điệp, đá phơi mình lởm chởm những thạch lâm viên, đá dựng đứng vách thành, đá vươn mình ngăn sông làm thác... Lạ kỳ thay, những phiến đá cứ xoay thành cụm ôm ấp lấy nhau, đen nhánh như than, đầu bàng bạc màu nắng gió.

Gần đây, đọc tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học mới biết thêm địa chất cao nguyên Đồng Văn phần lớn là núi đá vôi với các trầm tích cổ sinh địa tầng và cấu trúc địa chất có tuổi từ Cambri đến Trias. Trên cao nguyên Đồng Văn có khoảng 40 loại đất, đá với thành phần hoá học khác nhau, nhiều loại có niên đại trên 600 triệu năm. Cao nguyên đá còn rất đa dạng về các loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh học với hàng nghìn loại thuộc 120 giống của 17 nhóm sinh vật.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học cũng phát hiện gần 40 điểm di sản thiên nhiên có giá trị tài nguyên mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế. Trong đó có 7 di sản về tiến hoá trái đất; 3 điểm quan sát toàn cảnh; 7 vườn đá, rừng đá; 6 điểm di sản về vách đá dốc đứng cao từ 200 - 600m; 7 di sản hang động; 5 di sản về các trũng kiến tạo karst; 3 điểm bảo tồn cổ sinh học. Cao nguyên đá Đồng Văn thực sự là một bức khảm về thực thể địa chất có tầm quan trọng khoa học đặc biệt, hiếm có và đẹp. Ở đây còn bảo tồn được các giá trị văn hoá lưu truyền qua nhiều đời, nhiều thế hệ của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo, Pà Thẻn...

Mới đây, Cục Di sản văn hoá đã chấp nhận 5 di tích trên cao nguyên đá Đồng Văn là quần thể danh thắng Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, quần thể lịch sử - danh thắng Mã Pì Lèng (huyện Đồng Văn); chợ tình Khau Vai (huyện Mèo Vạc); danh thắng Núi Đôi (huyện Quản Bạ) đủ tiêu chí lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá - Thông tin và Du lịch công nhận di tích quốc gia.

Quý vậy đấy, nhưng bao đời nay những cư dân của vùng đất khắc nghiệt này hằng ngày phải đánh vật với đá để mà tồn tại. Địa hình ba phần tư là núi đá tai mèo nên thiếu đất sản xuất lương thực. Ruộng nước ít, đồng bào phải đập đá, xếp đá tạo thành ruộng bậc thang; tận dụng từng vạt đất nhỏ giữa các hẻm đá, có chỗ phải gùi đất từ dưới thung lũng lên núi bỏ vào từng hốc đá để gieo trồng ngô, rau, đậu. Lại thêm tình trạng thiếu nước, trầm trọng nhất là vào mùa khô.

Ở những nơi có nguồn nước, bà con phải khoét những hố nhỏ để chứa nước chảy ra từ trong kẽ đá. Gia đình nào cũng phải đào vài cái hố sâu và rộng sau nhà hoặc trên nương để chứa nước vào mùa mưa dùng trong mùa đông. Thậm chí nơi núi cao còn phải dùng vải ni lon hứng những giọt sương đêm gom góp lại làm nước sinh hoạt. Đất và nước thiếu như vậy, lại thêm nắng hạn cùng rét giá khiến cây ngô, cây đậu còi cọc chẳng đủ lực mà vươn cao hơn đá. Cái đói đã trở thành thường trực với mỗi gia đình đâu chỉ mùa giáp hạt. Gian khó là vậy mà đồng bào các dân tộc vẫn trụ vững, vươn lên.

Càng khổ thì tình đồng bào càng gắn bó keo sơn, họ bảo: "Người Hà Giang không làm cho các ngọn núi đá đến gần với nhau thì con người nắm tay kéo nhau lại gần hơn". Chính vì vậy khi thực dân Pháp và phát xít Nhật chiếm đóng Hà Giang, đặt ách đô hộ của chúng trên mảnh đất này thì đồng bào các dân tộc Đồng Văn đã theo tiếng gọi của Đảng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập. Rồi nạn thổ phỉ nổi lên chống phá cách mạng, quấy nhiễu dân lành đã có sự phối hợp chặt chẽ của nhân dân với bộ đội mà dẹp được yên. Thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho vùng cao nguyên đá. Năm 1959, con đường mang tên Hạnh Phúc dài trên 160km nối thị xã Hà Giang với Đồng Văn được mở. Mồ hôi và cả máu của hàng ngàn thanh niên xung phong đã đổ xuống để con đường như tạc vào sườn đá hình thành. Tấm bia lớn dựng trên đỉnh Mã Pí Lèng còn khắc sâu dòng chữ: "Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959; ngày hoàn thành 10/3/1965. Thành phần mở đường gồm bà con của 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao, Bắc, Lạng - Hà, Tuyên, Thái - Nam Định - Hải Dương. Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường".

Ngần ấy năm, đường Hạnh Phúc vẫn được coi là cung đường đá kỳ vĩ nhất Việt Nam. Có đường, khoảng cách giữa cao nguyên đá và vùng thấp như xích gần lại, ô tô vận chuyển hàng hoá dần thay thế cho bước chân ngựa thồ với người đi bộ. Bây giờ thì mặt đường đã trải nhựa đẹp hơn, những Lùng Pù, Lao Và Chải, Xín Cái, Sà Phìn, Lũng Cú, Khau Vai... đường nhựa kéo dài về tận trung tâm xã. Độc đáo nhất vẫn là các đoạn đường "Xã hội chủ nghĩa" theo cách gọi của người Hà Giang.

Mặt đường mở rộng hơn, có vỉa hè và điện chiếu sáng, lại còn hàng cột cờ quy cách cùng nước sơn giống hệt nhau trước cửa mỗi gia đình. Người vùng cao ít chữ, họ nhận thức về chế độ xã hội tốt đẹp qua những gì mình nhìn thấy và thụ hưởng. Phải thế chăng mà dù nghèo, tỉnh miền núi vùng cực Bắc này vẫn mạnh dạn đầu tư cho các công trình trung tâm cụm xã thật khang trang. Ở đây có đủ điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá. Dân cũng theo thế mà xây cất nhà cửa, dần hình thành phố thị giữa đại ngàn đá tai mèo. Rồi các công trình nước sạch cho cộng đồng và ngôi nhà vững chãi cho hộ nghèo.

Riêng chương trình hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc đã đi vào cuộc sống để làm giàu cho nhiều gia đình. Dọc tuyến đường Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, đâu đâu cũng gặp những đàn bò béo mượt và những vạt cỏ voi, cỏ Guatêmala xanh mỡ màng. Cây ngô, cây đậu bây giờ dường như cũng tốt tươi hơn nhờ đủ nước, đủ phân và giống mới.

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Theo đường Hạnh Phúc, chúng tôi về xã địa đầu Lũng Cú. Vượt qua 283 bậc đá để lên đỉnh núi Rồng cao 1.600m so với mặt nước biển, nơi có cột cờ được xây dựng năm 2001 với hình dáng giống cột cờ ở Thủ đô Hà Nội. Trời nắng, gió thổi mạnh, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam tung bay phần phật. Không ai bảo ai mà tất cả đứng nghiêm chào lá quốc kỳ, có người rưng rưng nước mắt. Thiêng liêng lắm, dẫu là đá cũng đất cha ông để lại và thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn cho muôn đời cháu con mai sau.

Như hiểu lòng du khách, cô hướng dẫn viên dân tộc Dao Đặng Thị Thanh, người địa phương kể trong giọng đầy xúc động: "Lũng Cú hay Long Cư là đất rồng ở. Một ngày kia rồng bay về trời song thương người dân thiếu nước mà để lại đôi mắt, chính là hai hồ nước hình bán nguyệt ở bản Thèn Phả của người Mông và Lô Lô Chải của người Lô Lô. Lạ kỳ thay, dù trời khô hạn thế nào hai hồ nước không bao giờ cạn". Truyền thuyết đấy mà cũng thật hiện thực. Trong cái khô cằn núi đá vẫn tồn tại những mạch ngầm nuôi dưỡng con người, để họ vững vàng "sống trên đá, chết vùi trong đá". Đến đây còn được nghe nói nhiều về vẻ đẹp của loài hoa tam giác mạch, một loại cây trồng thuộc họ ngũ cốc. Hoa nở bừng trong nắng hửng sau mưa, cánh màu hồng chụm lại thành hình chóp nón giữ ở giữa một hạt mạch quý.

Tam giác mạch là đặc trưng của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gắn với cuộc sống của người Mông, người Lô Lô như cây ngô, cây đậu. Trên trang phục của người phụ nữ Lô Lô, giữa bao hoa văn hình ô vuông, hình vòng tròn, hình ngôi sao vẫn không thể thiếu hình tam giác - biểu tượng của tam giác mạch. Người già nhất của bản Lô Lô Chải còn nhớ như in tích chuyện ly kỳ về hoa văn này. Vào thời loạn, thủ lĩnh người Lô Lô gọi tộc người mình tới để chia tay đi lánh nạn. Ông phát cho mỗi người 12 hạt tam giác mạch và dặn: "Hạt mạch là hình ảnh của quê hương, khi nào tìm được nơi ổn định hãy gieo chúng xuống làm giống để mãi nhớ về nhà nước thiêng liêng của mình, và nhớ truyền lại cho con cháu biết". Cho đến nay, người Lô Lô vẫn quan niệm vùng nào có tam giác mạch gieo thì là vùng đất của họ. Mặc dù dân số chỉ hơn 3.000 người mà tộc người này sống rải rác khắp một vùng biên giới phía Bắc từ Mường Khương tỉnh Lào Cai; Bảo Lâm, Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng; Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Lịch sử cũng ghi rằng, Lý Thường Kiệt sau khi cất quân đánh vào hậu cứ nhà Tống ở Châu Ung, Châu Khiêm đã kéo về hội quân tại nơi đây và cũng cắm lá cờ chủ quyền trên đỉnh núi Rồng. Vào thời Tây Sơn, vua Quang Trung còn cho đặt ở đây một chiếc trống đồng lớn làm phương tiện thông tin khi biên giới có biến động, nơi ấy chính là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Phía ngoài xã Ma Lé, sinh thời nhà cách mạng Phan Bội Châu từng qua đây để đi tìm con đường cứu nước, cứu giống nòi...

Càng đi, càng nghe mới thấy Đồng Văn giữ một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng không chỉ trong bảo vệ Tổ quốc mà ngay cả trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Hội thảo xây dựng Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức vào đầu tháng 9 vừa rồi và việc các doanh nghiệp đầu tư cho địa phương trong chương trình giúp đỡ 61 huyện nghèo của cả nước đang đặt tiền đề cho miền cực Bắc trỗi dậy. Trong tôi cứ hiển hiện lời bài thơ "Cờ đỏ trên đỉnh Lũng Cú" của một nhà thơ người dân tộc thiểu số Hà Giang: "Cờ đỏ trên đỉnh Lũng Cú bay cao, Vẫy gọi bà con hăng hái xây dựng cuộc đời ấm no, Cờ đỏ phần phật bay trên đỉnh Lũng Cú, Thúc giục bà con miệt mài xây dựng cuộc sống no đủ...".

Tháng 9 năm 2009
                          Thế Quynh

Các tin khác
Cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Sang Thu mà chẳng biết vì sao ông Trời quên béng cái ngày mồng Ba ngâu vào, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Thế nên bầu trời cứ xanh thăm thẳm. Nắng vàng tỏa mênh mông. Mây trắng bồng bềnh trôi. Vận may cho tôi ngược miền cực Bắc.

Cán bộ y tế xã Tô Mậu (Lục Yên) khám chữa bệnh cho trẻ em.

YBĐT - Thực hiện việc chuyển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) về các trạm y tế xã, phường, các bệnh viện cấp quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, huyện để khám chữa bệnh (KCB), nhằm giảm tải cho các tuyến trên và tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đến nay tỉnh Yên Bái vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch để triển khai thực hiện. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì việc triển khai thực hiện rất khó khăn, bởi những vướng mắc từ cả phía người hưởng thụ đến đơn vị được thực hiện.

Cảnh nheo nhóc ở gia đình Tráng A Su, thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu).

YBĐT - Từ đầu năm 2009 đến nay, Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 86 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó xã Xà Hồ 18 trường hợp, xã Trạm Tấu 11 trường hợp, Bản Mù 20 trường hợp, Túc Đán 14 trường hợp...

Chờ bữa cơm chiều...

YBĐT - Ton hon một lối mòn rộng vừa đủ bước chân người, vắt vẻo, ngoằn ngoèo trên lưng núi - con đường nhỏ nhoi, buồn, lạnh đưa chúng tôi đến thôn Giao Chu - buồn như nỗi lo cơm gạo của người Mông dưới những mái nhà thấp tè, thưa thớt ở cái thôn nghèo nhất của xã nghèo Pá Lau trên huyện vùng cao Trạm Tấu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục