Lục Yên bứt phá đi lên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/1/2010 | 10:16:47 AM

YBĐT - Lựa chọn đúng các vấn đề lớn, trọng tâm, cấp bách để ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết cụ thể đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, năm 2009, Đảng bộ huyện Lục Yên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế.

Bí thư Huyện ủy Lục Yên Tạ Văn Long (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với nông dân xã Lâm Thượng.
Bí thư Huyện ủy Lục Yên Tạ Văn Long (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với nông dân xã Lâm Thượng.

Những bứt phá quan trọng đó đã góp phần giảm hộ nghèo của huyện từ 46,7% năm 2005 xuống còn 15,7% năm 2009; hoàn thành chỉ tiêu, nghị quyết năm 2009 và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên đề ra trong nhiệm kỳ 2005 - 2010.

“Cuộc cách mạng xanh”

Dẫn chúng tôi thăm những cánh đồng ngô đông đang kỳ chắc hạt, xanh ngút tầm mắt tới tận chân núi Tông Pắng, Đáng Khao trên những thửa ruộng trước đây còn “ngủ đông” ở Làng văn hóa Nà Pồng, Tông Pình (Lâm Thượng), Ủy vên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh - Bí thư Huyện ủy Lục Yên Tạ Văn Long phấn khởi tâm sự: “Thấy rõ tiềm năng đất ruộng làm vụ ba ở Lục Yên còn lớn, có khả năng khai thác thế mạnh này bằng cây ngô đông, ngay từ đầu vụ, Đảng bộ huyện đã ra chỉ thị tập trung chỉ đạo đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ giống và động viên, khen thưởng các xã tích cực trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa. Và vụ đông năm 2009 là vụ ba thắng lợi nhất từ trước tới nay ở Lục Yên. Toàn huyện đã trồng 1.100 ha ngô đông, trong đó Lâm Thượng trồng 208 ha, dẫn đầu toàn huyện. Xã không để đất hoang phí mà tất cả đã được trồng ngô đông, góp phần đem lại nguồn thu nhập cho người dân”.

Chúng tôi nhẩm tính, với diện tích này cho năng suất bình quân 50 tạ/ha thì 208 ha ngô đông của xã cho sản lượng 104 tấn, bán với giá 50 nghìn đồng/yến, người dân đã có thu nhập trên nửa tỷ đồng.

Hoàng Thị Nhảy - cô gái Tày đang làm Phó bí thư Đoàn xã chỉ tay về phía những ruộng ngô xa xa: “Các anh có nhìn thấy không? Kia là ruộng ngô của các hộ gia đình thanh niên đấy! Vụ ngô đông năm nay, tất cả các đoàn thể cùng tích cực vào cuộc chỉ đạo đoàn viên, hội viên làm ngô đông. Cây ngô đã giúp người dân cải thiện cuộc sống nhiều lắm. Như nhà em, năm ngoái trồng 4 sào được 8 tạ ngô, bán với giá 45.000 đồng một yến cũng thu về gần 4 triệu đồng. Còn năm nay trồng được 8 sào, thu khoảng một tấn bẩy, giá ngô năm nay là 50.000 đồng mỗi yến, chắc chắn thu gần 10 triệu đồng. Ở nông thôn mà có được nguồn thu như thế là lớn rồi!”.

Ngô đông xanh khắp các cánh đồng Lâm Thượng.

Ngô đông ở Mai Sơn và nhiều xã khác cũng “trổ cờ” thi đua với Lâm Thượng. Anh Nông Thanh Khôn - Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn hồ hởi: “Mai Sơn tập trung làm vụ ba và coi đây là một “cuộc cách mạng xanh”. Tích cực tuyên truyền, vận động thông qua chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể, chỉ thị của Đảng bộ huyện đã đi vào lòng dân. Các chi bộ vận động mỗi đảng viên gương mẫu trồng ít nhất 1 sào ngô. Đoàn thanh niên xây dựng thêm nhiều mô hình tại các thôn. Năm trước, xã chỉ trồng 75 ha, vụ đông năm nay đã trồng tới 136/120 ha kế hoạch huyện giao. Xã cũng đang thí điểm phát triển mở rộng giống đậu tương đông trên đất ruộng để nâng cao thu nhập cho người dân”.

Qua các đồng chí lãnh đạo huyện được biết, phát triển mạnh cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa là một trong những nét chấm phá quan trọng của vấn đề lớn, trọng tâm và cấp bách là “Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống và thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển toàn diện; trọng tâm là chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp của Lục Yên theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Đảng bộ huyện đã cử nhiều đoàn cán bộ là lãnh đạo chủ chốt các xã đi trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất lúa và cây ăn quả, sản xuất giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao ở huyện Văn Chấn, Viện Kỹ thuật cây trồng nông nghiệp tại Hà Nội, Thái Bình…

Ban hành Nghị quyết tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, Đảng bộ huyện chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các vùng sản xuất như sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ở 6 xã với diện tích 500 ha được tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí trên 290 triệu đồng và huyện hỗ trợ 55 triệu đồng mua vôi bón ruộng cho các hộ đã mang lại hiệu quả, năng suất đạt trên 63 tạ/ha. Mô hình sử dụng phân viên dúi sâu được chỉ đạo thực hiện trên diện rộng góp phần nâng cao năng suất lúa, tiết kiệm chi phí.

Đảng bộ còn chỉ đạo phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại, từng bước tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp. Làm tốt công tác giao đất, giao rừng, mỗi năm Lục Yên trồng mới thêm 2.000 ha rừng, đạt độ che phủ gần 60%. Năm 2010, huyện mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến gỗ rừng trồng tại chỗ với quy mô nhỏ và tập trung phát triển chăn nuôi.

Khai thác tiềm năng

Có tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là đá vôi trắng, năm 2009 - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, Đảng bộ huyện Lục Yên vẫn nhất quán quan điểm phát triển mạnh công nghiệp, trong đó mũi nhọn là khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Đảng bộ xác định rõ thuận lợi, khó khăn cũng như thế mạnh, hạn chế của địa phương để xây dựng nghị quyết, chỉ đạo sát sao, cụ thể nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tài nguyên khoáng sản, Đảng bộ đã chú trọng mở rộng và khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp vào phát triển. Giờ đây, Lục Yên đã có 33 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư khai khoáng và sản xuất, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Lục Yên đã có 33 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều hợp tác xã sản xuất công nghiệp

Bảo đảm khai thác tiềm năng bền vững, Đảng bộ đã chỉ đạo rà soát và công khai qui hoạch phát triển công nghiệp, xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Những kết quả cụ thể như: tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,3% năm 2005 lên 23% năm 2009; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 23% năm 2005 lên 29,5% năm 2009; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2005 - 2009 tăng bình quân 12,3%, riêng năm 2009 đạt 72,5 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm và tăng trên 33% so với năm trước đã khẳng định hướng đi đúng của Đảng bộ huyện Lục Yên.

Các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản của huyện từng bước đi vào sản xuất ổn định, thời tiết thuận lợi đã giúp cho giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức khá cao. Hoạt động thương mại và dịch vụ của Lục Yên đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Những núi đá âm u xưa nay được đánh thức, đem lại nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế. Ông Tạ Văn Long cho biết thêm: “Để khai thác nguồn lợi được lâu dài, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo quản lý các doanh nghiệp chỉ được xuất đá bloc thô với tỷ lệ 20%, còn lại phải chế biến sâu như cắt, xẻ, nghiền bột, xẻ thành đá ốp lát”.

Dưới chân dãy núi Nậm Ngập ở khu vực thị trấn Yên Thế, một khu cụm công nghiệp của huyện đang được xây dựng, đêm xuống điện sáng như sao. Cùng với một số doanh nghiệp khác được tập trung đầu tư khai thác, chế biến đá trắng tại đây có Công ty RK của Ấn Độ đang xây dựng dây chuyền sản xuất đá xẻ công suất 5.000 m3 đá xuất khẩu/năm. Dự kiến đến năm 2012, doanh nghiệp đi vào hoạt động, đóng góp cho ngân sách của huyện mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Cuối năm 2009 vừa qua, một tập đoàn của Hàn Quốc đã ký cam kết với UBND tỉnh Yên Bái liên doanh với Công ty TNHH Hùng Đại Sơn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột đá, chế biến gỗ rừng trồng, lập dự án xây dựng cây cầu Tô Mậu mới và xây dựng một nhà máy xi măng có công suất 2 triệu tấn/năm tại xã Vĩnh Lạc… đang rộng mở tương lai cho công nghiệp Lục Yên.

Điểm mạnh của Đảng bộ huyện Lục Yên trong năm 2009 là đã lãnh đạo tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.

Những bứt phá quan trọng đó đã góp phần giảm hộ nghèo của huyện từ 46,7% năm 2005 xuống còn 15,7% năm 2009; hoàn thành chỉ tiêu, nghị quyết năm 2009 và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên đề ra trong nhiệm kỳ 2005 - 2010.

Thế Sinh - Minh Đức

Các tin khác
Xuân về trên rẻo cao. (Ảnh: Sùng Đức Hồng)

YBĐT - Từ thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), con đường nhỏ theo hướng Tây Bắc đưa bước chân chúng tôi lên với Tà Xùa, một bản nhỏ cheo leo trên núi.

Cô Vi Phong Hoa bên các học trò.

YBĐT - Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản vùng cao nơi miền đất nghèo An Phú của huyện Lục Yên (Yên Bái).

Hoa tớ dảy. Ảnh Quang Tuấn

YBDDT - Mở cửa đèo Khau Phạ lộng gió, là gặp ngay những cánh rừng thông xanh ngút ngàn. Miết theo rừng thông, ngoặt đường bê tông mịn vào La Pán Tẩn, chút nữa rẽ trái cắt dòng Nậm Kim sang Dế Xu Phình, thẳng Quốc lộ 32 qua Chế Cu Nha. Như bản tình ca núi rừng, cả một vùng Danh thắng ruộng bạcthang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha lấp lánh màu hồng pằng tớ zày - hoa đào rừng nở và ríu rít tiếng sơn ca hót.

Đoạn đường mới nhất đang được người dân thôn Đào Kiều đổ bê tông.

YBĐT - Chẳng phải dân nghèo, dân khó mà chủ yếu là do cách tuyên truyền của cán bộ, của trưởng thôn, trưởng bản có đi vào lòng dân hay không. Chẳng phải dân muốn chống đối hay không chịu đổi mới mà là do cán bộ có gần dân, hiểu dân đang cần gì, đang mong muốn gì ở Đảng hay không. Hiểu được như vậy thì việc tuyên truyền, vận động dân đâu có khó như chúng ta tưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục