Đón xuân miền Tây
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2010 | 9:15:13 AM
YBĐT - Xuân này, trên vùng núi miền Tây Yên Bái, những cây thông đã bớt lãng đãng sương sớm. Gió len qua vách núi mang về hơi ấm và hương hoa dịu ngát. Có thể nghe trong gió tiếng sáo, tiếng khèn lẫn trong tiếng suối chảy rì rào.
Xuân sớm vùng cao.
|
Tôi đã từng lên với vùng cao, ngắm nhìn và thưởng thức vạn vật qua các mùa, nhưng được chứng kiến mùa xuân nơi rẻo cao này mới thấy hết không khí đông vui náo nức. Dọc đường miền Tây, suốt từ Văn Chấn đến Nghĩa Lộ rồi chia ngả Trạm Tấu hay Mù Cang Chải lòng đã thấy rộn ràng. Bản xa, bản gần thậm thịch tiếng chày giã bánh dày và ven các bờ suối xôn xao tiếng các thiếu nữ Thái đi rửa lá dong, vo gạo nếp, chuẩn bị bắc nồi bánh chưng. Bếp lửa nhà sàn trên rẻo cao miền Tây những ngày này thật ấm cúng hơn bao giờ hết. Đâu đó tiếng hát trong trẻo lọt qua khe núi. Có lẽ các cô gái Thái đang hát mừng hoa ban nở.
Đã thấy hoa ban trắng và cả phơn phớt hồng khi qua Văn Chấn - Mường Lò nhưng khi ngược lên Mù Cang Chải, hay sang Trạm Tấu, bất ngờ hơn bởi những rừng đào khoe sắc bên triền núi. Rẻo cao miền Tây có nhiều loại hoa quí, phần nhiều còn hoang dã. Lúc này tôi mới hiểu vì sao cô bạn tận thủ đô cứ nhắc tôi kiếm hộ cành đào rừng về chơi Tết.
Đối với những người xa quê núi, có cành đào rừng Trạm Tấu hay xứ Mù Cang trong nhà là coi như được tận hưởng, gợi nhớ nét tự nhiên, ấm áp của núi rừng quê hương Yên Bái. Những cành đào rừng to khoẻ, mốc sần, nhưng độc đáo và tràn đầy sức sống bởi lộc non chồi biếc… Kiếm được cành đào là tốt nhưng anh bạn người Thái lại bật mí, hoa ban cũng có thể trở thành quà tặng ngày xuân ở vùng Mường Lò đấy. Bởi hoa ban là món rau thanh cảnh của người Thái nơi đây. Thế nên mùa xuân vẫn có thứ hoa này cùng bánh chưng, bánh đuôi én để thưởng thức.
Tới vùng cao miền Tây độ xuân về là đi giữa một miền đầy hương và sắc. Khi tiếng mõ trâu bản Thái đã xa, bất chợt lại thấy tiếng lốc cốc của đàn ngựa về bản Mông, trên lưng ngựa chất đầy hàng hoá phục vụ đồng bào đón xuân. Mùa xuân thật nên thơ, tiếng róc rách chảy của dòng suối Nậm Kim soi bóng hoa đào, hoa mận rung rinh như mời chào…
Nhớ lần tới bản Mông ở Xà Hồ, Bản Mù (Trạm Tấu) chúc tết, thay cho lời chúc sức khoẻ, chúng tôi được người dân bản mời rượu, rồi ăn bánh dày. Bánh dày ở đây được làm từ xôi nếp mới, được các chàng trai Mông giã rất công phu, càng nhai càng dẻo, thơm và thật khó quên! Thưởng thức loại rượu men lá được rót từ trong ống nứa to vát nhọn ra chiếc chén cũng làm từ ống nứa nhưng bé hơn, trông thật đơn sơ, ngộ nghĩnh chân thật như người vùng cao vậy. Bữa cơm Tết rất vui, nhiều nhà có lợn để mổ mời anh em họ hàng, bạn bè tới chung vui. Anh bạn người Mông Mùa A Tòng quê Púng Luông (Mù Cang Chải) dặn tôi, người dân tộc thiểu số vùng cao cũng có những kiêng kỵ cần phải giữ.
Nghi lễ đầu năm thì phải nhớ, nếu được mời hút thuốc thì đừng quen tay đập vào ống điếu như dưới xuôi kẻo bị rông. Còn nếu ở dưới bản Thái thì bạn nhớ đừng ngồi vào chỗ nào có nệm, vì đó là ghế của chủ nhà, và cũng đừng ngồi quay lưng vào phía bếp… Người Mông ăn Tết xuân vào cuối tháng 11 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng. Khi gió đông muộn còn thổi, trai gái gặp nhau cùng nghe hát, xem đánh quay, cưỡi ngựa, bắn nỏ… và ở đây không thể thiếu tiếng đàn môi với tiếng khèn. Tiếng khèn mùa xuân vang khắp các sườn núi, bãi chợ dễ say lòng người.
Đến những nơi này vào ngày xuân, dù có say sưa nhưng vẫn phải nhớ, giống như ở miền xuôi, người xông nhà có ý nghĩa đặc biệt với đồng bào rẻo cao. Nhỡ mình giữ vai trò đó, mình sẽ được gọi là “Kề sà mênh” (người mở cửa). Lúc đó, tốt nhất nên biết hát chúc tụng, những khúc hát đã có sẵn hoặc tự sáng tạo, bạn sẽ được quí mến như người anh em trong gia đình. Nói đến Tết rẻo cao là nói đến tiếng hát. Như Hờ A Say ở La Pán Tẩn từng hát bài ca “Ngày Tết”: Người già làng dựng cây nêu lên núi, những chàng trai, nàng gái cùng bạn bè xúm quanh cây nêu. Người già làng dựng cây nêu bên đồi phẳng, những chàng trai, nàng gái cùng bạn bè xúm quanh bên tràn ruộng...
Những hội hát mùa xuân trên vùng cao dường như muốn kéo dài không dứt. Bạn sẽ thoả sức mà giao cảm tâm hồn với người vùng cao khi Tết đến xuân về. Người Tày, Nùng có hội Lồng tồng kéo dài hai, ba ngày, người Mông có hội Sải sán từ mồng ba đến mồng năm tết… Muốn hiểu tâm hồn con người, mảnh đất vùng cao miền Tây, không gì hơn là hãy có mặt vào mỗi độ xuân về.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Lựa chọn đúng các vấn đề lớn, trọng tâm, cấp bách để ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết cụ thể đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, năm 2009, Đảng bộ huyện Lục Yên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế.
YBĐT - Từ thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), con đường nhỏ theo hướng Tây Bắc đưa bước chân chúng tôi lên với Tà Xùa, một bản nhỏ cheo leo trên núi.
YBĐT - Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản vùng cao nơi miền đất nghèo An Phú của huyện Lục Yên (Yên Bái).
YBDDT - Mở cửa đèo Khau Phạ lộng gió, là gặp ngay những cánh rừng thông xanh ngút ngàn. Miết theo rừng thông, ngoặt đường bê tông mịn vào La Pán Tẩn, chút nữa rẽ trái cắt dòng Nậm Kim sang Dế Xu Phình, thẳng Quốc lộ 32 qua Chế Cu Nha. Như bản tình ca núi rừng, cả một vùng Danh thắng ruộng bạcthang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha lấp lánh màu hồng pằng tớ zày - hoa đào rừng nở và ríu rít tiếng sơn ca hót.