Lên Pá Hu ăn tết với người Mông
- Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2010 | 9:01:17 AM
YBĐT - Cơ quan khí tượng báo không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ khu vực miền núi Tây Bắc hạ xuống thêm 5 - 7 độ. Rét căm căm nhưng đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái vẫn khởi hành lên với Pá Hu (Trạm Tấu).
Thanh niên nam nữ người Mông Trạm Tấu thi ném pao trong lễ hội Gầu Tào đầu xuân năm mới.
|
Được Tỉnh ủy giao phụ trách xã vùng cao đặc biệt khó khăn này nên Trưởng ban Hoàng Trung Năng rất thông thạo tình hình địa phương. Anh cho biết: “Pá Hu có đến 92% dân số là dân tộc Mông, cư trú ở 5 thôn là Km 16, Pá Hu, Háng Gàng, Tà Tàu và Cang Dông. Do điều kiện canh tác khó khăn nên đời sống nhân dân còn khá gieo neo, năm 2009 có tới 60% hộ nghèo, ngót 50 hộ phải cứu đói giáp hạt.
Từ nhiều năm nay, Chương trình 135, 134 cùng các chương trình, dự án khác của Nhà nước đã đầu tư cho Pá Hu mấy chục tỷ đồng để xây dựng trường học, trạm y tế, làm đường giao thông, khai hoang ruộng nước, giải quyết đất ở và làm nhà ở…
Riêng thực hiện hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo năm vừa qua đã là 70 triệu đồng. Rồi xây dựng trụ sở mới ở thôn Tà Tàu, làm 80 chuồng trâu, khai hoang 3,25 ha ruộng, mở mới 14,11 km đường liên thôn”. Trên đường đi chúc tết và tặng quà của tỉnh cho một số hộ nghèo, chúng tôi gặp Vàng A Dua ở thôn Pá Hu cùng vợ và con trai đi gùi tấm lợp. Được hỏi lợp gì, Dua trả lời hồn nhiên: “Mang về lợp cái nhà cho con trâu nó ở”. Chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc của tỉnh đã đứng vững ở vùng cao.
Sau vụ rét đậm, rét hại năm 2008 làm chết nhiều gia súc, gia cầm, bây giờ đồng bào đã biết làm chuồng trại chống rét. Pá Hu lại có quy hoạch vùng chăn thả riêng để không ảnh hưởng đến trồng trọt và bước đầu đã trồng thử nghiệm 3 ha giống cỏ Guatemala để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông, thực hành mô hình chăn nuôi bán công nghiệp. Xã còn chỉ đạo tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm kịp thời nên không để dịch bệnh xảy ra. Thế nên tổng đàn trâu của xã bây giờ đã có 496 con, đàn bò 161 con, đàn ngựa 51 con và hàng ngàn đầu lợn. Hầu như nhà nào cũng chăn nuôi, nhà nhiều có tới vài chục con trâu, bò như Thào A Tông, Sùng Tráng Thào ở thôn Km 16, Mùa Chờ Chử ở bản Háng Gàng, Thào A Súa ở bản Tà Tàu…
Đến Pá Hu lần này, may mắn nhất cho tôi là được gặp lại Thào A Tông, nhân vật trong bài báo “Người giỏi Pá Hu” viết cách đây trên chục năm trời. Ở tuổi ngoại ngũ tuần, ông có cái rắn rỏi của một lão nông tri điền, mặt vuông, mắt sáng, nước da sậm chắc như mọi người dân vùng sơn cước. Ông vẫn “phi” xe máy băng băng theo những con đường mòn ngoằn ngoèo ven sườn núi hay dốc ngược lên tận đỉnh trời. “Người giỏi” bây giờ là Bí thư Đảng ủy xã, đứng mũi chịu sào để lãnh đạo 6 chi bộ với 56 đảng viên làm hạt nhân chính trị cho mọi phong trào. Các con đã lớn, anh con trai trưởng đang công tác tại Cục An ninh Tây Bắc, con gái người làm thầy thuốc, chị làm giáo viên. Hai người già ở nhà vẫn chăm chỉ làm ăn, duy trì cơ ngơi vài héc-ta rừng, 1 ha lúa hai vụ với đàn bò 20 con. Bản tính con người hay lam hay làm giúp cho ông chi tiết đến từng công việc, mọi tình hình ở cơ sở nắm chắc trong lòng bàn tay.
Ông bảo, cái tên Pá Hu theo tiếng Thái là rừng sóc vì ngày xưa ở đây nhiều con sóc lắm. Dân Pá Hu có họ Trang, họ Vàng, họ Sùng, họ Mùa, họ Thào, đông nhất vẫn là họ Giàng. Diện tích tự nhiên của xã 3.716 ha nhưng diện tích lúa nước cấy được trong vụ đông xuân chỉ có 20 ha, vụ mùa 30 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm vừa qua đạt 615 tấn, bình quân lương thực đầu người là 408 kg/năm. Có được như vậy do Pá Hu đẩy mạnh trồng ngô, vụ xuân 75 ha và vụ hè thu 40 ha, năng suất đều đạt trên 21 tạ/ha.
Phấn khởi nhất là lần đầu tiên bắt tay vào trồng ngô hè thu đã đạt kết quả khá tốt, nhân dân vui lắm và mong muốn năm sau sớm được cấp giống để mở rộng diện tích. Nghe ông nói mà hởi dạ hởi lòng, Pá Hu thành công trồng ngô hè thu, huyện Trạm Tấu vụ này cũng có trên 500 ha, nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống và đang dần hình thành tập quán canh tác mới.
Đồng bào Mông xã Pá Hu bán sắn cho tư thương góp phần nâng cao thu nhập.
Vui chuyện tôi hỏi: “Trong xã, có bao nhiêu người làm kinh tế giỏi như ông?”. Cười nụ cười hiền, ông bảo, dân họ khác trước rồi, người giỏi ở thôn, bản nào cũng có. Hai năm trở lại đây, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Nghị quyết 03, Nghị quyết 06 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2008 – 2010. Chính phủ lại có Nghị quyết 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”, xã Pá Hu cũng là địa phương được thụ hưởng chính sách. Hợp phần phát triển nông, lâm nghiệp đã hỗ trợ mấy trăm ki-lô-gam giống lúa và ngô, hàng chục tấn phân bón, 15 con trâu sinh sản cùng mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi.
Đường giao thông mở đến thôn xa nhất là Háng Gàng, xe máy có thể đi lại cả bốn mùa, mưa, nắng. Các thôn Pá Hu, Tà Tàu còn đang chuẩn bị tốt nền đường để thực hiện cứng hóa trong năm 2010. Đi trên con đường ý Đảng lòng dân, càng vui hơn khi biết 1/3 số hộ trong xã đã được dùng điện lưới quốc gia. Ngoài thôn Cang Dông ít nguồn nước, còn chỗ nào cũng phát triển thủy điện nhỏ cho hộ gia đình. Ánh sáng điện, ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng đang chiếu rọi tới mỗi căn nhà người Mông.
Xuân này, gia đình Đồng Văn Văn ở thôn Cang Dông thực sự vui khi được đón tết trong ngôi nhà mới. Ngôi nhà mái lợp phibrô ximăng, cột gỗ, ván lịa, ước mơ của cả đời người. Dẫu nghèo cũng mổ con lợn vài chục cân làm mâm cơm mời anh em chòm xóm đến uống chén rượu mừng. Thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ, Pá Hu đã làm 11 nhà cho hộ nghèo. Vào thăm gia đình bà Trang Thị Mẩy ở thôn Tà Tàu, chủ nhà cũng vừa được Nhà nước hỗ trợ tiền mua vật liệu và bà con trong thôn giúp công sức để dựng nhà. Người đàn bà chồng mất sớm, bản thân ốm yếu quanh năm và thường phải sống nhờ anh em, hàng xóm rưng rưng khi được nhận phần quà tết từ tay lãnh đạo địa phương trao tặng. Chủ trương không để gia đình nghèo nào không có tết đã làm ấm thêm tình cảm cộng đồng.
Cũng lần đầu tiên, tôi được ăn tết với người Mông khi nhận lời về gia đình Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thào A Súa uống chén rượu mừng xuân. Người họ Thào ở bản Pá Hu, Km 16, Háng Gàng, Tà Tàu và cả người đi ở rể tận xã Sùng Đô của huyện Văn Chấn cũng tề tựu đủ cả. Nhà Thào A Súa giã bánh dày từ chiều hôm trước và hôm nay mổ con lợn trên tạ để đãi khách. Mâm cơm bày bên bếp lửa hồng, đủ món thịt luộc, thịt nướng, rau cải xanh và cả món thịt nạc nấu dưa chua rất riêng biệt của tộc người quen sống trên núi cao. Chén rượu nhận từ tay những người anh em họ Thào lâng lâng, lan tỏa trong cái âm xâm, lành lạnh. Câu chuyện của người đứng đầu dòng họ cứ như nhắc mọi người nhớ về thuở cha ông đến Pá Hu mở đất...
Ngày ấy, Tà Tàu còn đầy lau lách, ban đêm hổ thường về rình rập quanh nhà để bắt lợn, gà. 5 gia đình đầu tiên mà qua mấy chục năm đã phát triển thành 57 hộ, họ Thào cũng thành trên bốn chục gia đình. Dân số phát triển nhanh đã biến nhiều cánh rừng thành nương ruộng, đất trống đồi núi trọc cũng tăng thêm do sớm bạc màu. Nhẩm tính số dân trên đầu hộ gia đình, bình quân 5 người/hộ, tình trạng sinh con thứ ba không phải là hiếm.
Thế nên nghịch lý là năm 2009, toàn xã xóa được 30/194 hộ nghèo thì sau khi rà soát vào thời điểm 1/12/2009 để xác định số hộ nghèo năm 2010 vẫn còn 188 hộ với 903 nhân khẩu. Do tách hộ cũng có nhưng chính vẫn là xóa đói giảm nghèo chưa bền vững. Bài toán dân số đối với Pá Hu dường như chưa có lời giải khi mục tiêu tăng dân số tự nhiên đề ra cho năm nay là 2,2%, giảm 0,1% so với năm 2009.
Tạm biệt Pá Hu. Những chủ nhân của rừng sóc, rừng lau còn ra tận đầu đường rót chén rượu tiễn khách. Xe chạy rồi, tôi ngoái đầu nhìn lại. Những con đường phơi màu đất đỏ tựa những sợi chỉ vắt ngang sườn núi. Trên độ cao ngàn mét so với mặt nước biển, trụ sở vừa khánh thành ở thôn Tà Tàu hiển hiện như một toà lâu đài chốn trời cao. Đại hội Đảng bộ xã Pá Hu lần thứ XII sắp tổ chức. Những mục tiêu mới sẽ được xác lập để cho Pá Hu bứt phá đi lên trên đường xây dựng nông thôn miền núi ngày càng giàu, đẹp.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Xuân này, trên vùng núi miền Tây Yên Bái, những cây thông đã bớt lãng đãng sương sớm. Gió len qua vách núi mang về hơi ấm và hương hoa dịu ngát. Có thể nghe trong gió tiếng sáo, tiếng khèn lẫn trong tiếng suối chảy rì rào.
YBĐT - Lựa chọn đúng các vấn đề lớn, trọng tâm, cấp bách để ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết cụ thể đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, năm 2009, Đảng bộ huyện Lục Yên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế.
YBĐT - Từ thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), con đường nhỏ theo hướng Tây Bắc đưa bước chân chúng tôi lên với Tà Xùa, một bản nhỏ cheo leo trên núi.
YBĐT - Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản vùng cao nơi miền đất nghèo An Phú của huyện Lục Yên (Yên Bái).