99 ngách đầm và chuyện ba ba "khủng"

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/1/2010 | 3:59:35 PM

YBĐT - Những người già như ông Dần khẳng định vẫn còn nhưng những con ba ba già ấy dường như đã nhận thấy sự nguy hiểm từ phía con người, thi thoảng người ta vẫn bắt gặp những mà ba ba to tướng song khó mà tận mắt nhìn thấy chúng.

Ông Trần Trọng Dần: “Dưới lòng hồ này vẫn còn ba ba cụ!”.
Ông Trần Trọng Dần: “Dưới lòng hồ này vẫn còn ba ba cụ!”.

Đám thanh niên ở làng thì nói hết ba ba “khủng” rồi vì tệ ném mìn những năm trước đã làm chúng hoảng sợ, những con ba ba ấy có lẽ lo thân phận mình đã tuột hết ra sông Hồng cũng nên...

Thực ra thì ông Dần, một đời đánh bắt cá tôm ở đầm Hậu cũng chưa biết hết 99 ngách là sao. Xưa kia, khu này có 99 ngách, làm đập dâng nước ngập trắng một vùng, có khi thành cả trăm ngách có lẻ cũng nên vì nhiều ngách cũ đã thành ba, bốn ngách mới. Vận cái áo dày cộp màu bộ đội rồi trùm lên đầu chiếc mũ len chỉ hở khuôn mặt, ông Dần giục cô con dâu đang cặm cụi thái sắn ngoài sân dong thuyền đưa chúng tôi đi đầm 99 ngách.
- Rét mướt thế này, ông với mấy anh ra đầm làm chi?

- Đi thì cứ đi chứ chị hỏi gì?

Chị Hoàng Thị Hồi bật cười rồi dong thuyền theo cha ra bến. Chúng tôi lên thuyền. Ông Dần chĩnh chện ngồi trên gióng tre ngang giữa lòng thuyền.

Tên là Dần nhưng ông lại sinh năm Ngọ (1930), ở tuổi 80 nhưng ông còn minh mẫn chán, nói năng dứt khoát, cấm có rề rà. Dân làng ở Minh Quân (Trấn Yên) xem ông là nhân chứng sống về những chuyện ở cái đầm 99 ngách này. Chính thức thì ông về sống vùng này khoảng năm 1947 - 1948, trước đó ông ở bên Bảo Hưng. Khi về Minh Quân, ông sống ở nhà bố vợ là cụ Nguyễn Văn Tộ. Nhà cụ Tộ chính là điểm sâu nhất của đầm Hậu bây giờ.

- Chỗ sâu nhất đó là bao nhiêu mét ông?

- Tôi nhớ chính xác là 25 m. Khoảng năm 1983 - 1984, đoàn khảo sát thủy lợi của tỉnh về thả dây đo, sâu nhất 25 m, chính là điểm nhà bố vợ tôi.
Sáng ngồi ở quán nước, dân làng nói với chúng tôi là đầm sâu ngập cái nhà sáu tầng. Cứ tính 4 mét một tầng thì sáu bốn hăm bốn, còn dư 1 mét - thế cũng hợp với lời ông Dần. Chính vì nước sâu nên cá đầm Hậu nhiều vô kể. Cá chép, cá trắm có con hàng chục ki-lô-gam, muốn bắt phải dùng lưới, huy động thuyền bè, trai tráng. Mấy ông muốn bắt cá to nhưng lười đánh thì lựa chỗ vắng ném mìn cái “ục” là vớt cá cho vào tải vác đi. Đấy là chuyện xưa chứ bây giờ, dân làng chẳng ai đánh bắt theo cái kiểu hủy diệt như thế nữa. Lúc ở trụ sở UBND xã, ông Chủ tịch cho hay, trên đầm hiện có 53 lồng cá cả thảy, bà con ở thôn Đức Quân, Linh Hiệp, Linh Đức, Đồng Gianh, Ngọn Ngòi đầu tư hàng trăm triệu đồng làm lồng nuôi cá. Đầm không chỉ là nơi tích nước cho hàng trăm héc-ta canh tác trong vùng (riêng Minh Quân đã trên 80 ha) mà còn là nơi Trung tâm Thủy sản Yên Bái thả cá môi trường, mỗi năm khoảng 1.000 kg cá giống được thả xuống đầm. Trước mắt tôi, những lồng cá của dân như những con ba ba khổng lồ đang nổi trên mặt nước.

- À mà đầm này có ba ba, rùa rùa gì không hả ông?

Ông lão lột mũ len trùm đầu, hất tay, nghiêm trọng:

- Là cái vựa ba ba. Tôi và khối người đã thấy những con ba ba nặng hàng tạ lên phơi nắng trên đầm.

Một dạo, dân ở Đức Quân rộ lên chuyện những nhà khoa học, có cả những ông tây về nghiên cứu ba ba, rùa rùa ở đầm 99 ngách này. Nhà ông Dần là nơi cán bộ khoa học nghiên cứu ăn nghỉ cả tháng trời để tìm hiểu, báo chí sau đó cũng ào lên chuyện ba ba, rùa rùa khổng lồ rồi nghi hoặc chúng có họ hàng chi với cụ rùa Hồ Gươm...

- Thực hư thế nào ông?

- Mày đưa thuyền lên ngách cửa ngòi cho ông!

Ông già không trả lời mà lệnh cô con dâu đang đạp thuyền. Thuyền ngược lên ngách đi Ngòi Ngay - một trong những cửa ngòi đổ nước vào đầm Hậu. Đó là một cái ngách rộng chừng bảy chục mét, hai bên là những đảo kín bồ đề, keo lai dân trồng chừng bảy, tám năm. Nước xanh ngăn ngắt, sâu chừng ba bốn lần sào, lặng như tờ. Cô con dâu ông Dần cho hay, đầu tháng 9.2009 đã có một vụ lật thuyền ở chính nơi chúng tôi đang đi qua. Thuyền chở toàn phụ nữ, ba người nhưng chết thì thành bốn vì một người đang mang thai. Có cô là “rái cá” ở đầm, bơi khắp hồ chẳng bận gì nhưng khi đắm thì kéo víu nhau thế nào thành ra chết tất.

- Kia kìa, cái vũng kia nó khoét tránh rét đó! - Ông già chỉ tay sang mép gò bên phải.

Thuyền tới nơi, đó là một hố đất to bằng cái nong, thành và lòng hố mài nhẵn, trên thành có những vết cào khá sâu. Ông Dần nói chính là nền nhà ông Tộ (bố vợ) khi xưa, chỗ này ông đã tận mắt nhìn thấy những con ba ba to bằng cái nong, cổ như cái phích, mốc thếch nằm phơi nắng. 80 tuổi, ông Dần đã có 65 năm sống ở vùng này. Nhà nghèo, ông và các con phải đánh bắt cá, tôm trên đầm để sinh sống, dưới lòng và trên mặt đầm thế nào ông nắm rõ cu ti củ tỉ.

- Một đêm, tôi và thằng Đăng (con trai cả) đi soi cá chuối. Nhé, cá chuối nhiều lắm, loại ba bốn cân đâm không xuể. Tôi đằng trước, thằng Đăng ngồi sau. Thuyền đang đi thấy như mắc cạn, chòng chành muốn lật. Quái lạ, có ma hay sao? Định thần, tôi mới nghĩ hay là mình gặp ba ba “cụ”. Y rằng, thuyền lệch sang bên, một bên mai to tướng của nó phô dưới đèn. Thằng Đăng phóng lao đâm, “choeng” một cái, thu lao về mũi quằn một nửa. Khiếp chưa?

Chuyện gặp ba ba “khủng” với ông Dần thì như cơm bữa. Ba ba cũng phá ngang chuyện đánh bắt tôm, cá của vợ chồng ông trên đầm nhiều lần. Một bữa khác, ông ra đầm đặt rọ tôm, chiều ra không thấy tôm, cá gì thì vơ vẩn rồi về, sáng mai ra thấy từ mép nước lên chân gò một vệt đất to ngang bằng cái nong lớn kéo từ mép nước lên bờ. Một con ba ba già đã lên chén tiệt đám tôm trong rọ của ông rồi bò vào chân đảo mài mà, chỗ mà to bằng cái nong, trên là một đám cỏ bấc. Ông Dần liền gọi ông Thiện (hiện cách nhà ông Dần khoảng 300 m) tới xem nhưng chỉ xem thôi chứ bắt con ba ba “khủng” này quá khó. Đầu năm ngoái, khoảng tháng Hai âm lịch, ông Dần tận mắt thấy một con ba ba lên gồ phơi nắng, ông phát hiện ra vì nắng chiếu vào mai nó lấp lánh như ánh gương.

- Ba ba lên bờ để đẻ sao ông?

- Mùa rét ý, nó chọn những nơi nước nông khoảng một mét để đánh hố hứng nắng. Có khi nó lên tận bờ lau lách chân gò làm hố nằm đấy. Kia là chỗ tôi đã thấy một con thả mình xuống nước đánh “ủm” một cái!

Ông Dần bảo cô con dâu dạt thuyền vào mép đảo, dưới chân rặng nứa rậm rì là một khoảng đất lõm to gấp ba cái mâm, khá nhẵn. Ông già khẳng định, đó là chỗ ba ba đã lên làm mà, con này chí ít cũng năm sáu mươi cân. Thực ra, không chỉ ông Dần là người nhìn thấy những con ba ba “khủng” ở đầm 99 ngách. Anh Lê Trung Kiên ở thôn Ngọn Ngòi hiện là cán bộ nông - lâm xã xác nhận, anh đã nhìn thấy ba ba khổng lồ nổi lên ở đầm. Một lần, đi thuyền từ nhà ở Ngọn Ngòi ra Đức Quân, đang đi thì một con ba ba (lúc đó có người nói là rùa) nổi lên ngay đầu mũi thuyền. Thuyền tới nhưng con ba ba cỡ một tạ này vẫn không lặn, theo anh Kiên có thể vì lúc đó con người chưa phải là mối họa với loài vật này hoặc thể ba ba chưa quái như ngày nay.

Lênh phênh trên đầm đi xem những ổ mà của ba ba, chúng tôi ngược ra bến nhờ ông Dần chỉ đường sang nhà ông Hoàng Văn Bốn. Chuyện đánh bắt ba ba ở Minh Quân còn lưu khối chuyện, rặt chuyện xưa nhưng có nhân chứng đàng hoàng. Ông Hoàng Văn Bốn là một trong những người đã bắn được con ba ba nặng 140 kg.

- Dân làng nói, ông bắt được ba ba ở đầm Hậu?

- Ái chà, khá lâu rồi! Hồi đang có công trường trại cá, ông Dần cũng biết đấy, ông Nguyên và ông Đính rủ nhau đi xem ngách chính của đầm. Đang đi, thấy lấp loáng ở chân gò, dừng thuyền nhìn kỹ thấy một con ba ba đầu, cổ mốc trắng đang phơi nắng. Thời đó, đánh bắt ba ba chén thịt ở công trường và trong dân làng là chuyện rất bình thường, như bắt nai, bắt hươu thôi.

- Rồi sao nữa ông?

- Ông Nguyên và ông Đính tin về, tôi vào công trường mượn thuyền, đem theo khẩu CKC. Tới nơi, tôi trườn xuống cách chỗ con ba ba già khoảng 15 m rồi bắn, tới viên thứ ba mới thấy nó nằm yên, anh em lao vào vật ngửa khiêng lên thuyền. Thuyền do ông Nguyễn Hồng Vân điều khiển, khi vào tới bờ, gọi người lấy nứa đập dập thành dây buộc nó lại rồi gọi xe trâu chở về, cân tại giếng nhà tôi được 140 kg.

Nói rồi, ông Bốn vào buồng lấy cái mai của con ba ba tạ tư cho chúng tôi sờ mó, ngắm nghía. Chiếc mai khô khốc, nặng chừng 5 kg, dày khoảng 2 cm, to bằng cái nong vừa. Ông Bốn cho hay, khi bắt về, cả riềm sụn ngoài thì cái mai to bằng cái nong lớn, hai ba người khiêng mới xong. Trong số những người đã từng đánh bắt ba ba ở đầm 99 ngách, dân làng vẫn kể chuyện ông Sự ở thôn Liên Hiệp. Ông này tên đủ là Hoàng Văn Sự, một tay soi cá đêm cự phách cùng thời ông Dần, rất khỏe. Có lần, đi soi cá gặp ba ba lên bờ, ông Sự chặn đầu không cho ba ba thoát xuống nước, dùng sức và lựa thế để vật ngửa ra. Ba ba đã ngửa bụng thì cứ thế quay tròn, cấm có cách nào lật mình được.

Ông Hoàng Văn Bốn (phải) kể chuyện bắt con ba ba 140 kg ở đầm Minh Quân cho phóng viên. Trên tay ông là chiếc mai khô đã loại bỏ riềm còn nặng tới 5 kg.

Khi đó, ông Sự tùy thích có thể cho lên thuyền hoặc cứ để ba ba nằm đó đi soi cá thông đêm. Dân làng ở Minh Quân bây giờ thi thoảng cũng đánh bắt được ba ba nhưng toàn loại 4 - 5 kg chui vào rọ tôm. Loại này theo bà con hiện rất nhiều dưới đầm, tức là có sự sinh sản, tức là những ba ba bố, mẹ tuổi cụ đang sống một cách tinh khôn dưới lòng đầm. Giêng hai chính là mùa ba ba sinh sản, những người đi đánh rọ tôm hay kiểm rừng trên đảo thi thoảng vẫn nhặt được trứng ba ba, những quả trứng có màu trắng, to gấp rưỡi trứng ngỗng nhưng ăn thì nhạt nhẽo, toàn lòng đỏ, không có dư vị gì đáng nhớ.

Đầm Hậu - 99 ngách, dân mấy làng Ngọn Ngòi, Linh Quân, Đức Quân, Đồng Gianh, Liên Hiệp ít ai đi hết. Đầm xưa kia vắng bóng người, nay nhộn nhịp cảnh làm ăn. Trên đảo, dân làng kéo điện từ bờ ra, làm nhà, sinh con đẻ cái, trồng rừng, thả cá lồng, trồng chè, chăn nuôi đủ cả. Đầm không chỉ là một công trình thủy lợi, nguồn lợi thủy sản mà đầm đem lại rất lớn, hơn thế nhiều người đã tính đến việc đầu tư xây dựng vùng du lịch sinh thái.

Trong sự hối thúc của kế sách làm ăn, có lẽ người ta đã quên khuấy sự tồn tại của những con ba ba, rùa rùa một thuở... Đầm Hậu bây giờ còn ba ba “khủng” không? Những người già như ông Dần khẳng định vẫn còn nhưng những con ba ba già ấy dường như đã nhận thấy sự nguy hiểm từ phía con người, thi thoảng người ta vẫn bắt gặp những mà ba ba to tướng nhưng khó mà tận mắt nhìn thấy chúng. Đám thanh niên ở làng thì nói hết ba ba “khủng” rồi vì tệ ném mìn những năm trước đã làm chúng hoảng sợ, những con ba ba ấy có lẽ lo thân phận mình đã tuột hết ra sông Hồng cũng nên...

    T.A - Đầm Hậu - Minh Quân, tháng 12.2009

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Trạm Tấu thăm quan mô hình trồng ngô trên đất đồi xã Trạm Tấu (Trạm Tấu).

YBĐT- Như đã thành thông lệ, cứ mỗi độ xuân về tôi lại háo hức được trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái). Đến Trạm Tấu không chỉ để được ngắm những bông hoa cúc dại, hay hoa tớ dày nở hồng bên các sườn núi cao, mà bởi lẽ cái hình ảnh thơ mộng nhưng nghiệt ngã của vùng cao nó cứ đeo đuổi mãi trong tôi.

Thanh niên nam nữ người Mông Trạm Tấu thi ném pao trong lễ hội Gầu Tào đầu xuân năm mới.

YBĐT - Cơ quan khí tượng báo không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ khu vực miền núi Tây Bắc hạ xuống thêm 5 - 7 độ. Rét căm căm nhưng đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái vẫn khởi hành lên với Pá Hu (Trạm Tấu).

Xuân sớm vùng cao.

YBĐT - Xuân này, trên vùng núi miền Tây Yên Bái, những cây thông đã bớt lãng đãng sương sớm. Gió len qua vách núi mang về hơi ấm và hương hoa dịu ngát. Có thể nghe trong gió tiếng sáo, tiếng khèn lẫn trong tiếng suối chảy rì rào.

Bí thư Huyện ủy Lục Yên Tạ Văn Long (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với nông dân xã Lâm Thượng.

YBĐT - Lựa chọn đúng các vấn đề lớn, trọng tâm, cấp bách để ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết cụ thể đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, năm 2009, Đảng bộ huyện Lục Yên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục