Trạm Tấu vẫy gọi tiếng xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 26/1/2010 | 9:30:00 AM
YBĐT- Như đã thành thông lệ, cứ mỗi độ xuân về tôi lại háo hức được trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái). Đến Trạm Tấu không chỉ để được ngắm những bông hoa cúc dại, hay hoa tớ dày nở hồng bên các sườn núi cao, mà bởi lẽ cái hình ảnh thơ mộng nhưng nghiệt ngã của vùng cao nó cứ đeo đuổi mãi trong tôi.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Trạm Tấu thăm quan mô hình trồng ngô trên đất đồi xã Trạm Tấu (Trạm Tấu).
|
Đành rằng vùng cao, vùng xa vẫn luôn là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và của tỉnh, nhất là từ năm 2008, Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững với 62 huyện nghèo trong đó có Trạm Tấu. Nhưng dường như nó vẫn là sự thách thức muôn thủa của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền!
Huyện Trạm Tấu có hơn 2,6 vạn dân, nằm rải rác trên diện tích 74 ngàn ha núi cao, rừng thẳm, tính ra chỉ có 38 người/km2. Ôi chao! Con người nhỏ bé và đơn côi đến vậy. Có cách nào để đưa vùng cao vươn lên hoà nhập với sự phát triển của đất nước luôn là điều trăn trở của mỗi cấp ủy, chính quyền không chỉ trong huyện mà còn là điều mong muốn, chung tay góp sức của cả nước.
Nhưng cái khó, cái nặng nề của huyện vùng cao này là vẫn còn tới trên 49% dân số chưa biết chữ; 55,43% hộ đói nghèo; ruộng nước ít, mỗi vụ chỉ có gần 600 ha lúa nước... Năm 2009 là năm được đánh giá là thành công nhất trong sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực cũng mới đạt 10.771 tấn. Với số lương thực đó mới chỉ đáp ứng được một phần lương thực tại chỗ, còn lại là phải cân đối bằng nguồn khác.
Trong nền kinh tế thị trường đầy năng động, nhưng Trạm Tấu gần như không có loại hàng hoá gì, ngoại trừ mấy quả sơn tra. Rừng xanh kéo tít chân trời, đã một thời người ta ví rừng là một thứ địa tô tuyệt đối ở vùng cao, nhưng qua những “trận tiền gió bụi” pơ mu và các loại gỗ quý hiếm khác, rừng giờ đây đã quá nghèo kiệt. Đường giao thông đi lại khó khăn, hầu như các xã chỉ có đường ô tô đến trung tâm vào mùa khô. Khí hậu khắc nghiệt gió lào thổi từ năm này qua năm khác, cơ sở hạ tầng nông thôn vừa yếu vừa thiếu. Người dân ở phân tán dẫn, canh tác nhỏ lẻ, sản xuất tự sản tự tiêu…
Người Mông Trạm Tấu đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Vẫn biết một thời khai thác rừng quá mức là một sai lầm và khuyết điểm, nhưng từ khuyết điểm đó và từ thu nhập của người dân đã làm bật dậy giá trị to lớn từ rừng, thực tiễn ấy có có sức thuyết phục mạnh hơn mọi lời giáo lý. Toàn bộ diện tích rừng đã được các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ khoanh nuôi khá hiệu quả, mỗi năm toàn huyện trồng trên dưới 1 ngàn ha, trồng và bảo vệ rừng đã trở thành một nguồn thu nhập không thể thiếu đối với nhiều hộ dân vùng cao. Rừng là quý, nhưng giá trị hơn chính là hơn 2,5 vạn dân Trạm Tấu nguyện một lòng theo Đảng, Nhà nước, cần cù chịu thương chịu khó.
Bí thư Huyện ủy Hà Chí Họp cho biết: Huyện cũng đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xóa bỏ hủ tục, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất. Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, để sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất. Tiến hành đo đạc khảo sát, vận động những hộ dân nhiều đất nhường cho những hộ thiếu đất sản xuất…
Đành rằng đã có chương trình hành động, nhưng cái dân cần ngày hôm nay và ngày mai là phải có thu nhập gì đây? Đó là thâm canh lúa nước, khai hoang ruộng nước, trồng ngô, đậu tương, đó là chè Shan, là trồng và bảo vệ rừng, là phát triển chăn nuôi đại gia súc, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục… Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết 30a, cùng với các chương trình, hành động của Tỉnh ủy Yên Bái, tuy thời gian chưa dài nhưng vùng cao đã có những bước chuyển tích cực.
Đường về bản
Trong năm qua Trạm Tấu đang có cuộc biến hoá “từ xa hoá gần” bằng mở đường giao thông. 62 công trình đường giao thông nông thôn được khảo sát và thi công, thì có 24 công trình (tương đương 63,7 km) đã được nghiệm thu. Những tuyến đường giao thông mới được nâng cấp xây dựng đã nối gần lại những bản làng xa và cũng chính là sợi dây gắn liền nơi làm ra sản phẩm hàng hóa với thị trường. Đón xuân mới Canh Dần, hàng trăm hộ gia đình nghèo đã được ăn tết trong những ngôi nhà mới được đầu tư xây dựng theo Quyết định 167.
Trong ngôi nhà vừa mới được làm, ông Giàng A Tông người dân tộc Mông, xã Bản Mù phấn khởi nói: “Cả đời tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình lại được ở trong ngôi nhà khang trang thế này. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”. Không chỉ có nhà mà huyện còn đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo trên 200 con trâu cái sinh sản, kết hợp làm chuồng và trồng cỏ. Có lẽ tôi cũng không cần đưa ra đây những con số cụ thể ở vùng cao này đã làm được trong năm qua vì dù sao đó là những con số nhỏ bé nếu đem ra để so sánh. Cái lớn hơn đã nhận biết được ở Trạm Tấu này là tầm suy nghĩ mới ở vùng cao.
Chia tay Trạm Tấu trên khắp các bản làng từng đoàn công nhân và có cả người dân địa phương vẫn đang nhộn nhịp hối hả bên các công trường xây dựng đường giao thông, thuỷ lợi, trạm xá, trường học… trên các triền núi hoa cúc dại và hoa tớ dày nở vàng đỏ, cây đào trong vườn đã nở hoa mùa xuân mới đã về.
H.L
Các tin khác
YBĐT - Cơ quan khí tượng báo không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ khu vực miền núi Tây Bắc hạ xuống thêm 5 - 7 độ. Rét căm căm nhưng đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái vẫn khởi hành lên với Pá Hu (Trạm Tấu).
YBĐT - Xuân này, trên vùng núi miền Tây Yên Bái, những cây thông đã bớt lãng đãng sương sớm. Gió len qua vách núi mang về hơi ấm và hương hoa dịu ngát. Có thể nghe trong gió tiếng sáo, tiếng khèn lẫn trong tiếng suối chảy rì rào.
YBĐT - Lựa chọn đúng các vấn đề lớn, trọng tâm, cấp bách để ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết cụ thể đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, năm 2009, Đảng bộ huyện Lục Yên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế.
YBĐT - Từ thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), con đường nhỏ theo hướng Tây Bắc đưa bước chân chúng tôi lên với Tà Xùa, một bản nhỏ cheo leo trên núi.