Khát vọng học chữ

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/3/2011 | 9:33:51 AM

YBĐT - Bản Sán Trá nơi Sĩ Di ở còn nghèo lắm, ngày nắng xe máy còn được, ngày mưa thì chỉ đi bộ, vấp ngã rồi lại đứng lên bằng chính đôi chân khuyết tật của mình, bằng khát vọng học chữ, Sĩ Di đang nỗ lực để phấn đấu hoàn thiện mình.

“Mong ước của em là biết thật nhiều kiến thức để sống có ích cho gia đình và xã hội”.  Đây là mơ ước giản dị của Thào A Sĩ Di, học sinh lớp 11b, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Trạm Tấu - một học sinh người Mông khuyết tật đã vượt lên bao mặc cảm khó khăn để đến trường học chữ.

Tuổi thơ gian khó.

Sinh ra tại thôn Sán Trá, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, cũng giống như bao đứa trẻ người Mông khác, Thào A Sĩ Di được cha mẹ sinh ra là một bé trai kháu khỉnh lành lặn, tuổi thơ em cũng được lớn lên trong lời ru của những bài dân ca Mông nồng  nàn tha thiết. Cuộc sống của đồng bào Mông những năm 90 còn nghèo khó, bố mẹ  Sĩ Di vẫn phải vào rừng đào củ mài, củ sắn để nuôi 9 đứa con nhỏ. Như các anh chị khác trong gia đình, Sĩ Di đến tháng thì biết lẫy đến tuổi là biết đi, theo chân cha mẹ vào rừng, lên nương xuống ruộng, đôi chân cứng cáp dần lên và  như bao bạn cùng trang lứa năm 6 tuổi em bắt đầu đến trường, những tháng ngày theo học tại trường của bản, dù có thiếu cơm ăn thì Sĩ Di vẫn đến lớp đầy đủ.

Em tâm sự: “ Mỗi lần đến lớp em như được sống một cuộc sống khác với những bài hát hay và các trò chơi mới”. Những con chữ của các thầy cô giáo miền xuôi càng ngày càng  cuốn hút cậu trò nhỏ. Năm lên 9 tuổi một tai nạn ập đến làm đôi chân của Sĩ Di biến dạng, khiến em không bước nổi, những ngày nằm điều trị tại nhà em khóc hết nước mắt. Bố em kể lại: “Nó không khóc vì đau mà khóc vì sợ các bạn cười và sợ không được đi học”.

Lần thứ 2 Sĩ Di lại tiếp tục tập đi, đôi chân của em không theo ý muốn, mỗi một lần tập đi là lần em rơi nước mắt, Sĩ Di kể: “Nhiều lần tập đi bị ngã đau em không muốn bước nữa, nhưng được các thầy cô giáo động viên em lại cố gắng, lúc tập đi em tự nhủ cố gắng để lại được đi học cùng các bạn”. “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, ngày tháng qua đi Sĩ Di cũng đứng vững trên đôi chân khuyết tật của mình, bố mẹ anh em ngại ngùng trước ý muốn đi học tiếp của Sĩ Di, em nói: “Khi em nói muốn tiếp tục đi học bố thì hút thuốc  lào, mẹ thì thở dài lau nước mắt, các anh chị bảo chân tay như thế đi học thì giải quyết được gì, ở nhà mà chăn con lợn, con trâu cho bố mẹ. Nghe mọi người nói vậy em buồn lắm cũng định thôi nhưng mỗi lần nghe tiếng kẻng gọi học sinh của thầy giáo, em lại thấy muốn đi học”.

Khát vọng học chữ.

Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng và thương con, bố mẹ của Sĩ Di cũng cho em đến lớp. Sĩ Di kể: “Vừa nhìn thấy em các bạn chỉ trỏ rồi cười ồ lên: Di khoèo kìa, em bật khóc vì xấu hổ và định quay lại về nhà thì thầy giáo chạy ra cõng em vào lớp, sau đó thầy nói nhiều với các bạn của lớp em, sau này nhiều bạn không cười em nữa”.

Sau những ngày đầu đầy nước mắt vì mặc cảm, được sự thương yêu, đùm bọc của thầy cô trên thôn bản và sự cảm thông của bè bạn Sĩ Di đã có thêm nghị lực để đến trường. Những tháng ngày bình yên trên mái trường nhỏ của bản làng đã qua đi, bước vào cấp II khi có nhiều bạn bè xuống phố huyện học chữ, Sĩ Di lại thấy trong lòng nóng như lửa đốt.

Mẹ Sĩ Di kể: “Lúc nó đòi đi học tôi bảo chân tay con yếu thế đi học  biết chữ là được rồi, bây giờ ở nhà chăn trâu cho mẹ, xuống huyện học một mình  nhỡ các bạn bắt nạt thì sao. Mới lại nhà mình cũng không có gạo cho con mang đi học. Nó không nói không rằng im như hạt thóc mấy ngày”, rồi mẹ Sĩ Di mang cái buồn khổ trong bụng đi giãi bày với người già, với thầy cô giáo ở thôn bản. Thương cậu trò nhỏ hiếu học, thầy cô giáo ở thôn Sán Trá tìm cho em một địa chỉ tin cậy là Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái. Khó khăn lại đến khi bố mẹ em kiên quyết phản đối, bố bảo: “Khỏe mạnh như tao còn chưa biết thành phố Yên Bái thế nào, mày đi học xa thế làm cái gì?”. Những người già trong bản chỉ nhìn thấy thành phố Yên Bái trên ti vi cũng ái ngại. Sĩ Di tâm sự: “Lúc ấy em muốn được đi học thì cứ đòi đi chứ cũng chưa biết Yên Bái như thế nào...”.

Trước quyết tâm muốn đi học của Di, rồi bố mẹ em cũng đồng ý. Ngày ấy đường lên bản Sán Trá còn chưa đi được xe máy em tập tễnh đi bộ gần 2 tiếng xuống phố huyện, lên ô tô để ra Trung tâm học chữ, bố mẹ gạt nước mắt nhìn đứa con khuyết tật bước lên xe trong lòng ngổn ngang lo lắng.

Sĩ Di kể: “Xe đi được một đoạn em thấy sợ quá nên cứ khóc mãi nhưng vì muốn được học nên em vẫn quyết tâm đi”. Thế rồi những đêm khóc vì nhớ nhà, nhớ bản, những bỡ ngỡ ngày đầu cũng dần qua đi trong sự thương yêu giúp đỡ tận tình của thầy cô giáo tại Trung tâm. Di chia sẻ: “Những tháng ngày học tập tại mái trường này em được học nhiều về sự cảm thông chia sẻ về ý chí vươn lên khẳng định mình, em tìm được niềm vui sự thích thú trong học tập và thấy mình cần phải nỗ lực để sống có ích hơn. Trung tâm thực sự là mái  nhà thứ 2 của em”.

Giờ đây bản làng, bố mẹ em cũng thật sự khâm phục ý chí của cậu con trai nhỏ, khi vừa hoàn thành việc học tập của Trung tâm, Sĩ Di lại tiếp tục học cấp III tại Trung tâm GDTX của huyện, năm học vừa qua, em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Sĩ Di cười: “Đây là phần thưởng lớn nhất của em, bõ công những ngày  mưa em “trượt tuyết” để xuống lớp học”. Thầy giáo Giàng A Hồ - Chủ nhiệm lớp 11b tâm sự: “Sĩ Di thật sự làm một tấm gương về tinh thần vượt lên khó khăn để học tập, mặc dù gia đình nghèo,bản thân khuyết tật, bản lại ở xa nhưng em đi học rất đầy đủ, đặc biệt em rất có ý thức trong việc giúp đỡ các bạn cùng lớp cùng phòng ở, và sống rất ngăn nắp”.

Bản Sán Trá nơi Sĩ Di ở còn nghèo lắm, ngày nắng xe máy còn được, ngày mưa thì chỉ đi bộ, vấp ngã rồi lại đứng lên bằng chính đôi chân khuyết tật của mình, bằng khát vọng học chữ, Sĩ Di đang nỗ lực để phấn đấu hoàn thiện mình. Thào A Sĩ Di thật sự  là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ vùng cao Trạm Tấu cùng học tập và noi theo.

   Phương Thùy

Các tin khác
Đoàn tham vấn ý kiến nhân dân của HĐND tỉnh thăm mô hình nuôi trâu tại xã Mường Lai (huyện Lục Yên).

YBĐT - Sau 5 năm triển khai Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo ở Yên Bái đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo.

Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải được bảo vệ tốt.
(Ảnh: Sùng Đức Hồng)

YBĐT - Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân mà trong những năm qua, năm nào Mù Cang Chải cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu trồng rừng mới, nâng độ che phủ của rừng lên 53%.

Anh Nguyễn đăng Luận đang chăm sóc cây ngâu có thế thác đổ.

YBĐT - Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã tự xa xưa. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa chơi cây cảnh và chơi cây cảnh nghệ thuật.

YBĐT - Trong xã hội cũ họ được gọi bằng cái tên khinh miệt "đứa ở", bây giờ là "người giúp việc" trong các gia đình. Nhưng từ khi bộ phim Nhật Bản được công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam thì họ mang một tên mới "ô sin".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục