Chợ Mường Lò
- Cập nhật: Thứ ba, 8/3/2011 | 2:13:52 PM
YBĐT - Năm 2002 - 2003 chợ Mường Lò xây dựng xong mang dáng dấp của một bông hoa Ban đỏ.
Đồng bào Mông thăm quan các gian hàng tại phiên chợ. Ảnh Mạnh Cường
|
Chợ Mường Lò hình thành từ lâu đời do nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hoá nông sản, thực phẩm của đồng bào các dân tộc Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ). Thời Pháp thuộc, chợ được mở rộng, chiếm cả khu đất vuông vức, xung quanh có suối trong mát.
Chợ được xây làm hai dãy, có từng cột to chắc, gác kèo lên lợp ngói, đầu chợ hướng ra gốc đa. Dãy chợ bên kia, xây đủ hai nhà dài, kín bãi đất. Dãy bên phía nhà thờ chỉ xây một quán chợ. Góc đất còn lại gần bãi đá bóng để cho người đến chợ buộc ngựa.
Chợ mở cửa suốt ngày, nhất là vào ngày lễ, ngày chủ nhật, cảnh họp chợ thật đông vui, đủ các sắc màu hàng hóa, trang phục các dân tộc từ vùng thấp vùng cao tụ về, xen lẫn bóng dáng quan chức, binh sỹ Lê Dương, vợ con lính Thái đi chợ.
Tuy trong cảnh bị kìm kẹp, quản lý dưới chế độ thực dân phong kiến, nhất là sự kiểm soát gắt gao của hai đồn giặc (đồn Pú Chạng và đồn Nghĩa Lộ phố) thuộc Phân khu quân sự Nghĩa Lộ, nhưng chợ không chỉ là nơi làm ăn, trao đổi, mua bán hàng hóa thông thường mà vẫn là nơi tụ hội văn hóa các dân tộc, giao lưu bạn bè, trai gái gặp gỡ, tâm tình, thưởng thức các món ăn trong chợ, ngoài đường phố Nghĩa Lộ.
Bên bãi buộc ngựa, những con ngựa đứng lâu dậm chân, lồng hý vang một vùng thung lũng ngóng đợi chủ về. Cảnh họp chợ vẫn diễn ra thanh bình, rực rỡ sắc màu, mang bản sắc chợ quê miền sơn cước, không thế lực nào ngăn cản và đồng hóa được.
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Nghĩa Lộ có một tổ công tác địch hậu gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Thơ, Lăng, Quỳnh, Bê, Lâm Thao (tức Lộc), Quyển... được giao phụ trách mấy xã: Sơn A, Sơn Lương, Bản Hẻo và Nghĩa Lộ phố.
Chợ Mường Lò cũng là một địa điểm gặp gỡ, liên lạc bí mật nhằm nắm bắt tình hình địch, là nơi tuyên truyền tinh thần yêu nước, cách mạng trong dân chúng, làm công tác binh vận.
Nhà ông Bùi Lạc gần chợ cũng là nơi bán muối, trao đổi hàng hóa với người Mông ở vùng cao xuống chợ, có dịp trao đổi, gặp gỡ, tạo điều kiện sau này lên vùng cao Trạm Tấu hoạt động.
Ông Bùi Lạc với chức danh Đội trưởng Đội võ trang tuyên truyền Việt Minh qua quá trình nếm mật nằm gai ở rừng đã bắt mối với đồng bào Mông, thuyết phục Thống lý Giàng A Giao đi theo Việt Minh, cùng nhau kết nghĩa anh em và xây dựng được vùng du kích người Mông hùng mạnh, đánh tan đợt càn quét của giặc tháng 10 năm 1948 ở Khau Ly, bắt tên bang tá Cầm Ngọc Ninh phải đền tội, góp phần giải phóng Nghĩa Lộ năm 1952.
Hoà bình lập lại, chợ được quy hoạch quy củ hơn dưới sự điều hành của Ban quản lý chợ, nhân dân được tự do họp chợ đông vui hơn. Vào dịp chuẩn bị tưởng nhớ 5 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Nghĩa Lộ (cũ) mời nhà thơ Xuân Diệu lên nói chuyện về thơ Bác cho đồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ nghe.
Nhà thơ Xuân Diệu đã đi nói chuyện về thơ Bác Hồ và các nhà thơ viết về Bác suốt nửa tháng trời ở khắp các cơ quan tỉnh Nghĩa Lộ, thị trấn Nghĩa Lộ và các xã xung quanh.
Sau chuyến đi Suối Giàng về, nhà thơ quyết định đồng ý sẽ đến đọc và bình thơ Bác Hồ trong một đêm ở giữa chợ Mường Lò. Đây là một quyết định táo bạo vì từ xưa đến nay chưa từng có, ngay cả Xuân Diệu cũng ngạc nhiên và có phần băn khoăn: "Ý hay đấy! Mới! Mình đã nói chuyện nhiều nơi, sân kho hợp tác xã có, ngoài cánh đồng có... Bây giờ đến bình thơ Bác giữa chợ chăng? Được, nhưng mình lo. Đêm, chợ ai đến, ai giữ trật tự, đứng vào đâu mà nói?".
Nhưng nhà thơ không ngờ Ban tổ chức đã lo đâu vào đấy cả, đồng bào các dân tộc ùn ùn kéo từ các bản làng xa xôi về chợ Mường Lò nghe Xuân Diệu bình thơ Bác chật kín chỗ.
Hai dãy nhà khu chợ, người ngồi, người đứng đông nghịt, sân chợ không còn chỗ trống. Người ta ngồi cả trên cây, trên tường rào xung quanh chợ.
Các đèn pha bật sáng, tiếng loa phát thanh làm náo nức cả thị trấn. Hàng nghìn con người mà trật tự, lắng nghe chăm chú. Những lúc bình thơ hay quá, tiếng vỗ tay vang dội khắp xứ núi. Buổi bình thơ đêm đó kéo dài hơn 30 phút, người nghe không muốn rời, người nói hào hứng không muốn dứt.
Về nhà đã gần 11 giờ đêm, Xuân Diệu nói run run với ông Văn Kinh, một cán bộ ngành văn hoá: "Kinh ơi, vui quá, sung sướng quá, đẹp quá!" Nhà thơ thực sự rơi nước mắt.
Đó là một kỷ niệm đẹp đối với nhà thơ và cũng là một đêm bình thơ ở chợ Mường Lò có ý nghĩa lịch sử - văn hóa mà người Văn Chấn - Nghĩa Lộ không bao giờ quên.
Sau này chợ được dịch chuyển xuống địa điểm mới hiện nay, gần bến xe khách, thuận tiện cho cả vùng qua lại. Sau ngày tái lập thị xã Nghĩa Lộ năm 1995, tỉnh và UBND thị xã Nghĩa Lộ có chủ trương xây dựng lại chợ Mường Lò khang trang, đàng hoàng, to đẹp.
Năm 2002 - 2003 chợ Mường Lò xây dựng xong mang dáng dấp của một bông hoa Ban đỏ. Cổng, mái vòm vừa hiện đại vừa thấp thoáng nét văn hóa vùng cao. Hè chợ cũng có mái che, các chủ nhà hàng dịu dàng đon đả chào mời khách.
Chợ có hai tầng to rộng với những dãy hàng, quầy hàng phong phú được sắp đặt ngăn nắp, ngợp lên sắc màu đẹp mắt, nhất là hai dãy hàng thổ cẩm với những đường nét, hoa văn đủ màu sắc của các dân tộc Thái, Tày, Mông, Mường, Khơ Mú... đặc trưng Tây Bắc. So với trước, chợ Mường Lò bây giờ sầm uất hơn nhiều.
Đến với chợ Mường Lò hôm nay, du khách sẽ thấy đây là một trong những trung tâm thương mại lớn của tỉnh. Hàng hóa rất phong phú, đa dạng. Hàng treo, hàng bầy, hàng xếp chồng chất không kém gì các chợ lớn miền xuôi.
Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp hiện đại là rất nhiều nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong vùng và các khu vực lân cận.
Cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc đi cùng nhu cầu trao đổi và mua bán hàng hoá cũng tăng lên. Năm 2010 là năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội trên địa bàn thị xã đạt cao nhất từ xưa đến nay.
Vào chợ Mường Lò, du khách càng thấy rõ thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy tốt thế mạnh là trung tâm đô thị và thương mại, dịch vụ vùng phía tây của tỉnh. Nhiều hội chợ thương mại, hội chợ kích cầu được tổ chức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh gắn với quảng bá du lịch.
Vào chợ Mường Lò, du khách sẽ mua được những món quả kỷ niệm yêu thích hoặc đặc sản địa phương Mường Lò hết sức ý nghĩa và ấn tượng đem về cho gia đình.
Yên Bái, xuân 2011 Hoàng Việt Quân
Các tin khác
YBĐT - Bản Sán Trá nơi Sĩ Di ở còn nghèo lắm, ngày nắng xe máy còn được, ngày mưa thì chỉ đi bộ, vấp ngã rồi lại đứng lên bằng chính đôi chân khuyết tật của mình, bằng khát vọng học chữ, Sĩ Di đang nỗ lực để phấn đấu hoàn thiện mình.
YBĐT - Sau 5 năm triển khai Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo ở Yên Bái đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo.
YBĐT - Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân mà trong những năm qua, năm nào Mù Cang Chải cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu trồng rừng mới, nâng độ che phủ của rừng lên 53%.
YBĐT - Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã tự xa xưa. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa chơi cây cảnh và chơi cây cảnh nghệ thuật.