Chuyện làm giàu ở Mỏ Vàng

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/7/2011 | 2:42:50 PM

YBĐT - Cây quế đã giúp cho hơn 1.000 hộ dân ở Mỏ Vàng trụ vững trên vùng đất khô cằn sỏi đá này. Hiện toàn xã Mỏ Vàng có 1.338 ha quế, nhà nhiều có đến vài chục ha.

Trung tâm xã Mỏ Vàng hôm nay.
Trung tâm xã Mỏ Vàng hôm nay.

Mỏ Vàng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, có 776 hộ dân gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Xã chạy dài theo dòng Ngòi Thia với những dãy đá tai mèo sắc nhọn như minh chứng cho những khó khăn bao đời của đồng bào vùng cao. Hôm nay, đến Mỏ Vàng chúng tôi đã cảm nhận được những cố gắng vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân nơi đây.

Bước khởi đầu gian nan

Cái tên Mỏ Vàng giờ không còn ai nhớ xuất hiện từ khi nào nhưng theo những người già trong xã thì đó là từ thời Pháp thuộc. Cái tên xã tưởng chừng như giàu có này lại là nơi khó khăn nhất, nhì của huyện Văn Yên. Mặc dù có diện tích đất rộng trên 9.000 ha, nhưng phần lớn lại là đất đá. Hơn thế, giao thông của xã còn bị chia cắt bởi dòng Ngòi Thia hung dữ. Cứ đến mùa mưa bão thì người dân sống hai bên dòng Thia lại gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi đi theo dòng Thia gặp những đường ống nước được kéo từ lưng chừng núi về, hỏi ra mới biết đấy chính là công trình thủy lợi đưa nước về ruộng mà người phát minh là ông Phùng Vinh Minh ở thôn Khe Ngõa.

Ngày trước vào những năm 2003, gia đình ông Minh khai hoang được hàng mẫu ruộng, nhưng cũng như nhiều hộ dân trong xã chủ yếu là trồng màu, ngô vì muốn trồng được lúa thì phải có nguồn nước.

Nhìn lên những dãy núi thấy những dòng nước lần chảy róc rách, nhìn xuống thấy ruộng đồng xác xơ vì thiếu nước ông Minh đã nghĩ phải đưa bằng được dòng nước này về làm ruộng. Cóp nhặt được tiền bán quế, ông xây bể rồi bắc đường ống dẫn nước về tận chân ruộng. Từ khi có nước, diện tích khai hoang của gia đình đã được mở rộng hơn và năm nào cũng cấy được 2 vụ lúa cho năng suất cao.

Nông dân xã Mỏ Vàng thu hoạch quế.

Con trai ông Minh - anh Phùng Thừa Phin là trưởng thôn Khe Ngõa cho biết: "Giờ đất cằn đã trở thành đất tốt. Từ năm 2003 đến nay năm nào gia đình cũng thu 7 tấn thóc. Điều quan trọng là từ lúc có công trình thủy lợi của ông Minh, nhiều hộ dân cũng học tập và làm theo. Họ đã lấy tiền bán quế rồi mua dây, mua ống đưa nước về tận nhà để sinh hoạt và làm ruộng”. Giờ đây, không riêng gì nhà ông Minh mà nhiều hộ dân trong thôn, trong xã đã biết khai hoang ruộng nước.

Ông Phùng Xuân Kim, nhà có hai sào ruộng nhưng có đến 6 nhân khẩu nên thường không đủ ăn cũng khẳng định chắc chắn: “Nếu khai hoang được ruộng nước và mua được đường ống bắc nước về ruộng thì cuộc sống sẽ không phải lo thiếu đói”. Còn gia đình chị Đặng Thị Phế ở thôn Khe Đâm cũng đang khai hoang ruộng nước. Chị bảo, ở đây nhiều đá nên trước đây người dân chủ yếu trồng lúa nương năm được, năm mất, nhà tôi có 5 khẩu nên cũng thường thiếu ăn. Nếu khai hoang được 5 mảnh ruộng này thì không sợ thiếu đói nữa.

Hiện trong thôn cũng đã có hàng chục hộ dân khai hoang ruộng nước và đưa được nước về làm ruộng. Được biết từ năm 2006 đến nay có hơn chục ha ruộng được khai hoang nâng tổng diện tích trồng lúa nước của xã lên 58 ha. Hàng năm Đảng bộ, chính quyền xã vận động nhân dân khai hoang ruộng nước, đưa các giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết lạnh vào gieo cấy.

Cán bộ khuyến nông xuống tận thôn, bản hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa nước và cách phòng trừ sâu bệnh. Trước đây làm ruộng người dân cứ phó mặc cho ông trời thì nay họ đã biết đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó năng suất lúa của Mỏ Vàng đã tăng từ 35 tạ/ha lên 45 tạ/ha.

Phát huy nội lực

Vào thăm gia đình ông  Phùng Vinh Phù -  một trong những hộ đầu tiên đưa nước về trồng lúa, ông cho biết: “Muốn làm giàu trước tiên phải lo đủ lương thực. Từ khi làm lúa nước nhà tôi lúa chất đầy nhà, con, cháu đã no cái bụng, bây giờ chỉ còn tính cách làm giàu. Nhờ xã vận động nhân dân khai hoang ruộng nước, hàng chục hộ dân trong xã từ bỏ lúa nương làm lúa nước đến giờ đã khai hoang được hơn chục ha rồi đấy”.

Phó chủ tịch xã Mỏ Vàng, anh Lý Hữu Thọ cho biết: “Những năm gần đây Mỏ Vàng đã được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng trong đó phải kể đến con đường vào xã; điện lưới quốc gia; chương trình 135 đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi Dàn Giàu giúp dân làm lúa hai vụ ăn chắc.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, cái khó ở Mỏ Vàng là do đặc điểm địa hình phức tạp nên ruộng bà con khai hoang cũng rất manh mún, mỗi hộ khai hoang được một hai, sào ruộng nhưng lại không tập trung nên Nhà nước cũng khó đầu tư được thêm công trình thủy lợi”.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực khai hoang ruộng nước nên nhiều hộ gia đình ở Mỏ Vàng nay đã không còn lo cảnh thiếu đói. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có tiền để đầu tư dẫn nước về ruộng.

Những đường ống nước được người dân Mỏ vàng dẫn về cấy lúa nước.

Hướng thoát nghèo của đồng bào nơi đây chủ yếu vẫn trông vào cây quế. Cây quế đã giúp cho hơn 1.000 hộ dân ở Mỏ Vàng trụ vững trên vùng đất khô cằn sỏi đá này. Năm nay, giá quế khô bán trung bình cũng được 20.000 đồng/kg, khi chúng tôi đến Mỏ Vàng dù đã cuối vụ 3 nhưng không khí thu mua quế vẫn còn rất nhộn nhịp, nhà nhà lên đồi bóc quế, thỉnh thoảng lại gặp mấy chiếc xe  của thương lái nổ máy chở quế ra trung tâm huyện.

Gia đình anh Triệu Văn Sơn đang bóc tỉa quế phấn khởi cho biết: “Nếu không có cây quế thì không biết cuộc sống của bà con chúng tôi sẽ ra sao. Năm nay, quế được giá nhà nào cũng có quế bán, trong xã vài năm trở lại đây đã có thêm nhiều nhà xây từ tiền bán quế”.

Hiện toàn xã Mỏ Vàng có 1.338 ha quế, nhà nhiều có đến vài chục ha. Quế là cây trồng chủ lực của xã, ở đây nhiều hộ đã đầu tư chăm sóc vườn quế hàng chục năm tuổi bắt đầu khai thác cho thu nhập cao. Chủ tịch UBND xã Đặng Nho Hưng cho biết: “Mặc dù giá quế có thất thường, nhưng người dân vẫn phát triển trồng quế. Năm nay, quế được giá bà con phấn khởi lắm. Trung bình mỗi năm nhân dân trong xã thu hoạch được trên 500  tấn quế vỏ thu về hàng chục tỷ đồng”.

Thu nhập từ quế đã góp phần làm đời sống sinh hoạt của bà con người Dao, người Tày ở Mỏ Vàng được nâng lên. Toàn xã nay đã có hơn chục ngôi nhà xây kiên cố. Nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác như xe máy, ti vi tưởng chừng như những thứ hàng xa xỉ thì nay đã không  còn là chuyện hiếm ở Mỏ Vàng này. Tuy đã có nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế nhưng nhìn chung Mỏ Vàng vẫn là một xã nghèo của huyện Văn Yên. Theo thống kê mới nhất thì toàn xã vẫn còn 497 hộ nghèo trong đó có hai thôn nghèo nhất và xa trung tâm xã là Khe Lóng 2 và Khe Lóng 3.

Mỏ Vàng vẫn còn đó những khó khăn, nhưng không thiếu những thế mạnh, đó là hàng ngàn ha rừng và đất rừng, nhiều diện tích đất đồi có thể khai hoang được hàng chục ha ruộng nước… đó là tiềm năng, lợi thế nếu biết khai thác đúng hướng. Ngoài việc khai hoang ruộng nước, Mỏ Vàng nên đưa diện tích ngô đồi vào trồng thay dần diện tích lúa nương. Đối với những diện tích khô hạn không gieo cấy được lúa thì nên đưa đậu tương vào trồng (Văn Chấn làm rất thành công theo mô hình này). Vận động bà con tận dụng đất đai đưa cây rau màu vào trồng tăng vụ tiến tới sản xuất ngô vụ đông để phục vụ chăn nuôi.

Phối hợp với ngành nông nghiệp, khuyến nông xây dựng những mô hình trồng ngô, đậu tương trên đất dốc để nhân dân học tập, làm theo. Một vấn đề nữa là phải làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của bà con vùng sâu sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo chủ tịch Đặng Nho Hưng thì: “Muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo hướng tới sản xuất hàng hóa thì vấn đề đầu tiên đặt ra là phải giải được bài toán về giao thông và thủy lợi khi mà còn nhiều diện tích canh tác vẫn dựa vào nước trời, nhiều thôn, bản đi lại còn khó khăn. “Bản lề” để mở ra và phát huy những lợi thế tiềm năng là ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Khó khăn vẫn còn nhiều nhưng bằng những giải pháp đồng bộ và khát vọng làm giàu của mỗi người dân nơi đây, Mỏ Vàng sẽ ngày càng thêm no ấm.

Văn Thông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục