Nỗi niềm người sống

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2011 | 9:12:55 AM

YBĐT - Tôi năm nay đã ngoài 60 rồi, kinh tế gia đình lại khó khăn, chẳng thể có điều kiện để mà đi tỉnh này, tỉnh nọ tìm kiếm. Thêm nữa, thông tin về chú và anh tôi không có nên dù lòng muốn lắm nhưng cũng đành bất lực…

Vợ chồng ông Hoàng Xuân Thủy thân nhân của hai liệt sỹ.
Vợ chồng ông Hoàng Xuân Thủy thân nhân của hai liệt sỹ.

Theo chân chị Hà Thị Dính - cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Hao. Dính nói với mẹ mấy câu bằng tiếng Thái, ý như nhà có khách, mẹ tất tả dọn bàn dọn chén, bảo cháu dâu đun nước pha trà.

Khi chúng tôi gợi chuyện về liệt sỹ Hoàng Đình Muôn - con trai mẹ, mẹ vui lắm, tự hào lắm! Mẹ khen anh ngoan ngoãn, hiếu thảo, học hết lớp 7 rồi còn được tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi của huyện. Anh được xếp vào hàng những người học cao nhất xã lúc bấy giờ.

Nỗi xúc động trào dâng nơi khóe mắt hằn sâu bao nỗi khắc khoải, nhớ mong con của người mẹ 81 tuổi. Mẹ lật đật vào buồng cầm ra một lá thư được ép plastic cẩn thận. Nước mắt ngân ngấn, bùi ngùi, mẹ Hao cho biết: “Lá thư này nó viết cho con bé Lả, em họ nó chứ đã kịp viết được cho mẹ chữ nào đâu. Nó hy sinh, gia đình chỉ còn lá thư này là kỷ vật duy nhất”.

Mẹ Hao bảo cô chắt gái đọc to cho cả nhà nghe. Tôi như nuốt lấy từng lời trong lá thư đầy hào khí của người lính trẻ ấy:
Tiền tuyến ngày 20 tháng 2 năm 1969
Lả em mến nhớ!
Kể từ ngày anh xa quê hương làm nhiệm vụ mới tới nay thấm thoát cũng 7 tháng trời. Thời gian luyện tập trên đất Bắc dầm mưa dãi nắng giờ chỉ còn chờ lệnh nổ súng nữa là quân thù lăn xuống. Lòng nhớ thương bao bà mẹ Chiến khu Vần, thương cảnh nhà tan nước mất, dồn căm thù lên lưỡi lê báng súng, lòng căm thù hằn sâu vào trái tim khối óc của những người con cách mạng. Cũng từ đây mà vinh dự cho gia đình ta, dân tộc ta, đồng bào cả nước có những người con cách mạng đang kiên cường chiến đấu trên trận tuyến chống giặc Mỹ…, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì dân tộc…”.

Mẹ Hao và cô chắt gái cùng lá thư - kỷ vật còn lại của liệt sỹ Hoàng Đình Muôn.

Là con một, nhưng 17 tuổi chàng trai trẻ Hoàng Đình Muôn đã tình nguyện lên đường giết giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Thương anh, mẹ nén lòng gạt nước mắt động viên con lên đường. Nhập ngũ đầu năm 1968 thì chưa đầy năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử của anh từ tiền tuyến gửi về.

Cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, nước mắt bà mẹ dân tộc Thái chảy ngược vào trong… Làm dâu trên đất Kiên Thành, mẹ chỉ sinh được có mình anh. Năm 2004, xã Kiên Thành xây nhà tình nghĩa tặng mẹ, mẹ nhận đấy mà lòng thì mong có một con đường tốt cho bà con dân bản cùng đi hơn là việc nhận ngôi nhà riêng cho mình.

Tâm nguyện của mẹ là được sống quây quần bên các con, các cháu của chồng. Thương mẹ một mình một bóng, vợ chồng anh chị Trần Thị Liễu - cháu ruột của bà cả dựng nhà kề bên sớm tối chăm sóc mẹ. Sống trong ngôi nhà tình nghĩa đầm ấm tình cảm của cháu con nhưng lòng mẹ Hao vẫn canh cánh một nỗi niềm.

Mẹ bảo: “Kể từ ngày thằng Muôn hy sinh đến nay, gia đình không có thêm tin tức gì về nó ngoài cái giấy báo tử xã xin lại mang đi làm thủ tục gì đó đã mất từ lâu. Nó đóng quân ở tỉnh nào, đơn vị nào giờ cũng chẳng ai biết để tìm. Gần chục năm trước, cháu cái Liễu đã mấy lần viết thư gửi vào Thừa Thiên - Huế tìm kiếm nhưng người ta trả lại thư, bảo không rõ địa chỉ nên không thể tìm được. Mẹ con cái Liễu tuần nào cũng theo dõi chương trình truyền hình “Nhắn tìm đồng đội”, may ra nghe được tin tức gì về chú nó. Mẹ chỉ mong sớm tìm được thằng Muôn, đưa nó về quê cha đất tổ. Được thế có chết ngay mẹ cũng sung sướng…”.

Tôi hiểu tâm nguyện của mẹ Hao cũng là tâm nguyện của bao người đang sống trước anh linh của các liệt sỹ đã hy sinh tuổi xuân mình cho non sông gấm vóc.

Rời nhà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Hao khi bóng nắng đã tròn đỉnh đầu, chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Xuân Thủy, thương binh 4/4. Mâm cơm đạm bạc vừa xếp ra đã vội thu đi để nhường chỗ tiếp khách. Ông Thủy hiện là thân nhân thờ cúng hai liệt sỹ: liệt sỹ Hoàng Văn Ngọc, hy sinh năm 1953 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - là chú ruột và liệt sỹ Hoàng Minh Sơn, hy sinh năm 1973 - là anh trai ruột.

Tháo tấm bằng Tổ quốc ghi công và tấm di ảnh của hai liệt sỹ được treo trang trọng phía trên, nơi chính giữa của ngôi nhà sàn đưa chúng tôi xem, ông Thủy kể: Chú tôi hy sinh từ thời kháng chiến chống Pháp. Ngày chú hy sinh, gia đình cũng chỉ nhận được giấy báo tử, rồi chiến tranh liên miên, chẳng còn nhận được tin tức gì nữa. Chú tôi hy sinh ở đâu, thuộc đơn vị nào gia đình cũng không rõ. Cha mẹ tôi đã mất cả, không còn gì để nhớ, một tấm di ảnh cũng không còn, thành thử việc tìm kiếm đành buông xuôi. Việc tìm kiếm tin tức của anh trai tôi - liệt sỹ Hoàng Minh Sơn cũng khó như mò kim đáy bể vậy.

Ngày ấy đất nước tổng động viên thanh niên lên đường tòng quân, ba anh em tôi cùng tình nguyện xin nhập ngũ. Anh cả Hoàng Minh Sơn nhập ngũ trước, tôi nhập ngũ năm 1968 cùng liệt sỹ Hoàng Đình Muôn; năm 1972, em trai tôi tiếp tục lên đường tòng quân.

Cuộc trường chinh kết thúc, chỉ có tôi và em trai trở về, còn anh cả tôi vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Bao năm nay, gia đình tôi vẫn mong tìm kiếm được hài cốt của chú và anh trai nhưng thú thực “cái khó bó cái khôn”. Tôi năm nay đã ngoài 60 rồi, kinh tế gia đình lại khó khăn, chẳng thể có điều kiện để mà đi tỉnh này, tỉnh nọ tìm kiếm. Thêm nữa, thông tin về chú và anh tôi không có nên dù lòng muốn lắm nhưng cũng đành bất lực…

Hiện nay, xã Kiên Thành có gần 50 đối tượng là thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách. Trong thời gian tới, Đảng bộ Kiên Thành sẽ quy hoạch xây dựng nhà bia tưởng niệm ghi tên các anh hùng liệt sỹ tại địa phương, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân địa phương, cũng là để tri ân những người con của quê hương Kiên Thành đã anh dũng hy sinh cho độc lập dân tộc.

Chia tay Kiên Thành, tôi mang theo về ánh mắt đau đáu của anh thương binh Hoàng Xuân Thủy. Hình ảnh đôi bàn tay già nua của người mẹ già rờ rẫm trên tấm di ảnh như muốn tìm lại con trai mình bằng xương bằng thịt cứ ám ảnh tôi. Đất nước đã hòa bình hơn 35 năm, vậy mà vết thương chiến tranh vẫn còn hiện hữu quanh ta, vẫn còn đó những nỗi đau mất người thân. Tôi mong có một phép mầu kỳ diệu để ước nguyện kia của mẹ, của anh không là vô vọng.

Minh Thúy - Thanh Tân

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục