Ẩn họa lây truyền HIV từ mẹ
- Cập nhật: Thứ hai, 1/8/2011 | 3:05:35 PM
YBĐT - Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng.
Lấy máu xét nghiệm cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV tại trung tâm phòng chống HIV/AIDS Yên Bái.
|
Trong số 3.719 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện (có địa chỉ tại Yên Bái) thì số phụ nữ là 533 người đều trong độ tuổi từ 15 đến 49. Nếu số phụ nữ này có nhu cầu sinh con mà không được tiếp cận dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì sẽ có không ít trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2011, qua xét nghiệm đã có 8 trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính (nhiễm HIV). Riêng trong đợt giám sát thực hiện tháng cao điểm phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con tháng 6 vừa qua tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố đã có 5 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi tỷ lệ phụ nữ mang thai đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm HIV tự nguyện chỉ đạt 20- 30% nếu không có dự án SC về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Một số cơ sở y tế còn thờ ơ trong việc giám sát dịch, quản lý đối tượng nhiễm HIV/AIDS cũng như việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong khi số phụ nữ mang thai nhiễm HIV có xu hướng tăng.
Nỗi niềm phụ nữ nhiễm “H”.
Chị Hoàng Thị T. ở tổ 6, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn) là một trong những phụ nữ nhiễm HIV đã có may mắn được tiếp cận sớm với dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu không mang thai bé thứ 2 này thì bản thân T. cũng không biết mình bị nhiễm HIV từ chồng. Họ là một gia đình hạnh phúc làm nghề nông ít có điều kiện rời khỏi địa phương. Bản thân T. khi biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính cũng không tin được vào mắt mình, bởi T. tin vào sự thuỷ chung của chồng. Chồng T không phải là người có tính trăng hoa nhưng lại là người đàn ông yếu đuối.
Theo anh kể thì trước khi lấy vợ anh cũng có một vài lần theo bạn bè rủ rê tham gia hút chích ma tuý tại xã Tú Lệ rồi nghiện, hiện nay đã cai được nghiện nhưng bản thân, nhiễm HIV lúc nào không biết. Đến năm 2011 khi có Dự án SC (Seve Chindren) về các hoạt động về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chị T. đến Trung tâm Y tế huyện để xét nghiệm thì kết quả xét nghiệm dương tính. Nhờ phát hiện sớm nên chị T. đã được hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Hy vọng con của chị T sinh ra sẽ không bị nhiễm HIV từ bố mẹ.
*Sau 20 năm xuất hiện, đại dịch HIV/AIDS hiện vẫn đặt cho con người trước những khó khăn và thách thức lâu dài. Một trong những thách thức lớn của đại dịch HIV/AIDS là tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, trong quá trình sinh con và cho con bú. *Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mang thai (PNMT) khoảng 0,25%. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2 triệu PNMT, với tỷ lệ này sẽ có gần 5.000 PNMT bị nhiễm HIV.Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình từ 30- 40%, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV. Nếu PNMT nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 5%, sẽ có 1.250 trẻ thoát khỏi căn bệnh HIV/AIDS mỗi năm. Như vậy, việc ngăn ngừa và hạn chế lây truyền HIV từ mẹ sang con là một mục tiêu có thể thực hiện được và mang ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội và nhân đạo. |
Gặp chị Sòi Thị Th. ở Bản Bon thị trấn Nông trường Liên Sơn tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khi chị đến đây để được tư vấn, điều trị bệnh, chị Th. chia sẻ: “Ba tháng trước đây em được tham gia nhóm tư vấn phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, sau đó đi xét nghiệm tại huyện Văn Chấn cho kết quả nhiễm HIV từ chồng, em buồn chán vô cùng chỉ muốn tìm đến cái chết thôi, em nghĩ rất nhiều chỉ thương cho đứa bé còn trong bụng. Đến đây được các bác sĩ ở Trung tâm tư vấn, giúp đỡ em có thêm nghị lực sống, em chỉ mong sao được điều trị dự phòng tốt để con em sinh ra không bị nhiễm “H”.
Đó chỉ là một số trường hợp chúng tôi được tiếp xúc, trên thực tế số phụ nữ nhiễm “H”, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất nhiều nhưng còn e ngại chưa dám đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị dự phòng điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ tiềm ẩn lây truyền HIV từ mẹ sang con là khó kiểm soát nên vẫn còn những đứa trẻ vô tội sinh ra đã nhiễm HIV.
Nguy cơ và thách thức
Huyện Văn Chấn là một địa bàn trọng điểm của tỉnh về tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS với 749 người 28/31 xã có người nhiễm H, mỗi năm Văn Chấn phát hiện mới từ 60 - 70 người nhiễm HIV. Thị xã Nghĩa Lộ có 349 người nhiễm HIV/AIDS, huyện Yên Bình có 367 người nhiễm HIV, trong đó tỷ lệ người nhiễm HIV là phụ nữ đang xu hướng gia tăng và lây lan rộng, chưa hoàn toàn kiểm soát được nhất là ở các xã Cát Thịnh, Sơn Thịnh, Tú Lệ, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, nông trường Liên Sơn (Văn Chấn), xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ)…đây chỉ là những con số thống kê của các cơ sở y tế.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do phụ nữ lây nhiễm HIV từ chồng, sau đó sinh con và lây truyền sang con. Trong đó nhận thức của người dân về HIV ở một số nơi vẫn còn hạn chế, thậm chí nhiều chị em đã được tuyên truyền vẫn chủ quan coi thường, không áp dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng nên việc tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức về tác hại của HIV rất khó khăn, đặc biệt ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ còn ở mức thấp. Một số phụ nữ ở vùng cao vẫn còn thói quen sinh con tại nhà, phụ nữ mang thai ít đến cơ sở y tế khám.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp làm chương trình phòng lây truyền mẹ con còn chưa nắm rõ về quy trình điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm H, vẫn còn phụ nữ mang thai nhiễm “H” mất liên lạc không được điều trị phòng lây truyền mẹ con; các khoa sản của bệnh viện tuyến huyện còn chật chội, thiếu phòng tuyên truyền tư vấn cho phụ nữ mang thai…
Cần sự chung tay của cộng đồng
Bác sĩ Triệu Bích An - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đang tư vấn cho phụ nữ các biện pháp phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Là một trong 9 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là chị em phụ nữ các dân tộc, tăng cường triển khai can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Trong số 3.719 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện (có địa chỉ tại Yên Bái) thì số phụ nữ là 533 người đều trong độ tuổi từ 15 đến 49. Nếu số phụ nữ này có nhu cầu sinh con mà không được tiếp cận dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì sẽ có không ít trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. |
Bác sĩ Triệu Bích An- Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông và thay đổi hành vi, tổ chức các buổi truyền thông nhóm nhỏ, trực tiếp cho các đối tượng phụ nữ tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, tại các khoa sản bệnh viện, khu vực đông dân cư trên địa bàn toàn tỉnh, tổ chức đào tạo cho tất cả các bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh tuyến tỉnh huyện về phòng lây truyền mẹ con.
Hiện nay tỉnh đang phấn đấu để 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ nhận được gói dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, được tiếp tục theo dõi chăm sóc sau khi sinh để khống chế thấp nhất tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của các ban ngành chức năng rất cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân tránh sự phân biệt kỳ thị với người nhiễm “H”.
Bên cạnh đó rất cần sự hưởng ứng có trách nhiệm của tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai phải thường xuyên khám thai định kỳ trong thời kỳ mang thai, trước khi mang thai phải tiến hành thử máu để đảm bảo cho đứa con sinh ra được khoẻ mạnh. Đặc biệt là các bà mẹ mang thai nhiễm HIV bởi đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ con mình trước nguy cơ đại dịch HIV AIDS.
Q.N
Các tin khác
YBĐT - Tôi năm nay đã ngoài 60 rồi, kinh tế gia đình lại khó khăn, chẳng thể có điều kiện để mà đi tỉnh này, tỉnh nọ tìm kiếm. Thêm nữa, thông tin về chú và anh tôi không có nên dù lòng muốn lắm nhưng cũng đành bất lực…
YBĐT - Cây quế đã giúp cho hơn 1.000 hộ dân ở Mỏ Vàng trụ vững trên vùng đất khô cằn sỏi đá này. Hiện toàn xã Mỏ Vàng có 1.338 ha quế, nhà nhiều có đến vài chục ha.
YBĐT - Những dòng người như vô tận vẫn đổ về "đất lửa" Quảng Bình, về đường 20 Quyết Thắng - con đường huyền thoại với khúc tráng ca bất tử của một thời vệ quốc.
YBĐT - Gas đã trở thành chất đốt thông thường và quen thuộc của hầu hết các gia đình ở Yên Bái nhiều năm nay. Kéo theo đó là sự phát triển của hệ thống các cửa hàng kinh doanh và cơ sở chiết nạp gas. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện và gia tăng những vấn đề bất ổn từ thị trường sản xuất, kinh doanh gas…