Dưới chân Đát Hùng
- Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2011 | 3:13:31 PM
YBĐT - Từ những năm 60 của thế kỷ trước, suối Hùng chảy ngang xã Cảm Nhân được chặn dòng ở Đát Hùng, dâng nguồn nước mát cho diện tích rau màu của người dân trong xã. Đời sống kinh tế - xã hội của người Tày, Dao, Kinh và các dân tộc thiểu số ở dưới nguồn nước này tuy còn không ít khó khăn nhưng đang ấp ủ nhiều tín hiệu của sự trù phú.
Lãnh đạo huyện Yên Bình và xã Cảm Nhân kiểm tra công trình thuỷ lợi Đát Hùng.
|
Từ thủy lợi Đát Hùng…
Ở huyện Yên Bình, xã Cảm Nhân đứng vào “top” đầu về diện tích đất đai, về dân số và được coi là địa bàn trọng điểm về thâm canh lúa nước của khu vực các xã vùng thượng huyện đông hồ Thác Bà. 18 thôn bản, gần 1.500 hộ dân với 6.675 khẩu sản xuất trên diện tích đất trên 2.600 ha đất nông lâm nghiệp. Trong đó: đất gieo cấy vụ xuân 145ha, vụ mùa cấy 190ha. Đó là lý do mà từ năm 1963 Nhà nước đã đắp đập ngăn nước Đát Hùng, nước nguồn của các thôn Làng Hùng, Nà Ca và một phần từ xã Ngọc Chấn không còn theo dòng chảy tự nhiên của suối Hùng.
Ông Nguyễn Đình Đề - Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân cho biết: “Công trình thủy lợi Đát Hùng có thể cấp nước cho trên 80 ha ruộng cấy. Nước từ Đát Hùng phục vụ cho cánh đồng Nà Ca tới chục ha, cánh đồng Làng Hùng 1 rộng 15 ha, Làng Hùng 2 là 20 ha và nhiều cánh đồng khác. Công trình thủy lợi này cùng với 20 công trình thủy lợi của xã có khả năng tưới cho 120ha gieo trồng”. Thế nhưng, cũng đã có thời gian người trồng lúa gặp không ít khó khăn về nước tưới, bởi thiếu nước đầu nguồn, rồi hệ thống kênh mương chính xuống cấp nước thẩm thấu trên dòng chảy. Năm 1999, Nhà nước đầu tư nâng cấp kênh chính, năm 2010 lại đầu tư thêm khoảng 700 triệu để bê tông hóa hàng trăm mét mương máng.
Nước chưa đến mức tràn trề nhưng vụ đông xuân 2010 – 2011, nông dân Cảm Nhân đã gieo cấy tới 152ha, đạt 104% diện tích, năng suất đạt 52,5tạ/ha. Tiếp đó là vụ mùa, toàn xã gieo cấy 193tạ/ha, trong đó có 70ha kịp đất trồng xen vụ ngô đông.
Bên dòng mương chính nước chảy trong xanh, bà Lê Thị Lan - người dân ở thôn Làng Hùng 2 vừa thăm ruộng về phấn khởi nói: “Từ khi làm lại mương chính, nước về nhiều, 9 sào ruộng nhà tôi luôn đủ nước cấy, không còn phải cái cảnh đêm đêm đi lấy nước vào ruộng như trước. Lúa cũng được lắm, hai tạ hai đến hai tạ ba một sào đấy. Lúa vụ này đang phát triển tốt, chắc chắn là được mùa”.
Đến mục tiêu sản xuất nông - lâm nghiệp
Không chỉ riêng 2 vụ lúa mà theo, đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp ở Cảm Nhân cho thấy: 5 năm trở lại đây, diện tích gieo cấy lúa hàng năm đạt gần 370 ha, trong đó có 100 ha thâm canh lúa chất lượng cao, giá trị thu nhập đã đạt con số 66 triệu đồng vào năm 2009. Tổng diện tích cây trồng hàng năm gần 400 ha cơ bản được bà con trồng đạt và vượt kế hoạch đề ra, đáng kể là cây ngô, khoai các loại, lạc, đỗ tương và cây sắn. Chăn nuôi phát triển với tổng đàn trâu, bò gần 2.000 con, đàn lợn trên 4.000 con, hàng chục ngàn gia cầm và 6,5 ha ao nuôi, thả cá.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy Lý Xuân Quyết đã đưa ra những mục tiêu của Đảng bộ và nhân dân xã Cảm Nhân tiếp tục thực hiện trong năm tới là: tăng vụ sản xuất, xây dựng vùng lúa hàng hóa chiếm khoảng 40% diện tích, có giá trị thu nhập 80 triệu đồng/ha, đẩy mạnh trồng ngô và rau màu, đậu đỗ… phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt 2.100 tấn vào năm 2015.
Được biết, đất rừng sản xuất của xã có trên 1.600ha cũng được coi là ưu thế của Cảm Nhân. Những năm trước đây, người dân ở đây trồng thêm 60-70 ha/năm, riêng năm 2011 phấn đấu mục tiêu 80 ha, bình quân 5 năm tới trồng mới 50 ha/năm, đồng thời tổ chức khai thác phù hợp cho công nghiệp chế biến. Kinh tế rừng nhờ đó phát triển, đồng thời góp phần giữ nguồn sinh thủy để Đát Hùng đủ nước để việc gieo trồng của người dân trong xã.
Mở hướng phát triển nông thôn mới
Cánh đồng Làng Hùng 1 có diện tích 15 ha đạt năng suất 52,5 tạ/ha.
Trong quá trình kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình đã rất quan tâm đến những đề xuất của xã cũng như tiềm năng, khâu đột phá trong phát triển kinh tế và quy hoạch phát triển nông thôn mới. Ngay từ việc phát huy vai trò của Công trình thủy lợi Đát Hùng như thế nào cũng là vấn đề được quan tâm.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Trạm trưởng Trạm Thủy nông Yên Bình là người có nhiều thời gian gắn bó với đất Cảm Nhân tâm sự: “Ở đất này, nước sinh hoạt cho nhân dân tương đối khó khăn. Tôi biết có nhà đào giếng sâu 18 - 23 mét mà vẫn không ổn, nếu Nhà nước đầu tư cho Đát Hùng một hồ chứa thì sẽ có nước quanh năm, vừa có thể nâng năng lực tưới 2 vụ, vừa có thể khai hoang phục hóa thêm khoảng 20 ha đất canh tác, đồng thời lại cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân”.
Đây cũng là điều mà nhiều người quan tâm, nhưng ông Trường cũng khẳng định, có được công trình này hay không hoàn toàn trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Vẫn biết ưu thế của xã là sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi và ở đây có diện tích lớn, người dân có trình độ thâm canh, luôn đi đầu trong ứng dụng KHKT, năng suất lúa cũng đạt nhất nhì huyện. Nhưng nếu hệ thống thủy lợi không tốt thì mục tiêu mà Đảng bộ xã đề ra liệu có thể thực hiện được? Chưa kể tới việc quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với tiêu chí nông thôn mới.
Từ chuyện nước sinh hoạt đến làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, mở rộng quy mô trạm y tế, hay mục tiêu trường chuẩn, xây dựng thôn văn hóa, giữ gìn môi trường sinh thái và 20 chỉ tiêu chủ yếu mà Đảng bộ đề ra đến 2015 rất cần có sự đầu tư của Nhà nước, song đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, cùng nhau gánh vác của mỗi người dân. Đó là sự chung tay chia sẻ, đồng thuận về chủ trương, hy sinh quyền lợi của bản thân và gia đình cho việc lớn của thôn, của xã. Khi triển khai những chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đều phải trên cơ sở căn cứ vào tình hình địa phương, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là việc mà xã hết sức quan tâm, đặc biệt là việc tuyên truyền để người dân nắm được thế nào là nông thôn mới. Đây là mục tiêu trước mắt nhưng cũng cần có thời gian thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất.
Dưới chân Đát Hùng, làng quê Cảm Nhân đang dần vươn lên. Song, để có bước đột phá, nhanh chóng trở thành điểm sáng của các địa phương vùng đông hồ cũng như của huyện Yên Bình, Cảm Nhân phải làm gì để phát huy nội lực là câu hỏi đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở vùng đất còn không ít khó khăn này.
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Thời gian thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn nhân dịp Quốc khánh ngày 2 tháng 9 năm 2011 của 101 phạm nhân tại Trại giam Hồng Ca chỉ còn tính bằng giờ. Cảnh vui buồn lẫn lộn hiện lên trên những khuôn mặt của từng phạm nhân.
YBĐT - Theo rà soát, kiểm tra của Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ thì bậc học mầm non có nhu cầu hợp đồng 83 giáo viên, trong đó 49 giáo viên hợp đồng từ những năm cũ chuyển sang. Tuy nhiên, đến ngày 28/7, các trường mầm non hầu như chưa tiếp nhận được hồ sơ nào.
YBĐT - 2 tháng trở lại đây, trên thị trường thực phẩm thành phố Yên Bái xuất hiện loại thịt gà đông lạnh. Loại gà này rẻ hơn rất nhiều so với loại gà thông thường khác. Điều đáng lo ngại là khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì các chủ cửa hàng đều có câu trả lời chung: “Đây là gà công nghiệp đông lạnh”.