Những “đầy tớ” của dân ở Đồng Ruộng

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/8/2011 | 2:55:34 PM

YBĐT - Đến nhà bí thư chi bộ, trưởng bản đều không có ai ở nhà vì đang mùa thu hoạch tre măng Bát Độ nên các anh bận rộn đi hướng dẫn đồng bào bóc, luộc măng... thu mua măng cho đồng bào.

Trưởng bản đồng ruộng - Giàng A Thênh (thứ 2 từ trái sang) thu mua măng tre Bát Độ cho nhân dân trong bản.
Trưởng bản đồng ruộng - Giàng A Thênh (thứ 2 từ trái sang) thu mua măng tre Bát Độ cho nhân dân trong bản.

Mười năm trước đây, nói đến bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành (Trấn Yên), nhiều cán bộ công tác ở ngành nông - lâm nghiệp huyện không hề biết, ngay cả trong “làng báo” chúng tôi nhiều người cũng không thể hình dung được đời sống của đồng bào Mông ở đây ra sao, mặc dù bản Đồng Ruộng chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ chưa đầy 40 km. Có lẽ một trong những nguyên nhân là do đường giao thông vào bản còn quá khó khăn. Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây, con giống giúp đồng bào phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Mông bản Đồng Ruộng đã có nhiều khởi sắc. 

Lên bản người Mông

Sáng tháng Bảy, trời mưa ngâu, chúng tôi vào trụ sở UBND xã Kiên Thành đã thấy Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Văn Lũy ngồi nghiên cứu  tài liệu chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cho cán bộ xã. Tuy đang bận việc, nhưng khi biết chúng tôi muốn lên thăm lại bản Đồng Ruộng, anh vui vẻ nhận lời ngay. Rút máy di động gọi thêm anh Hoàng Hữu Nghị - Phó chủ tịch HĐND xã cùng đi và cũng để có người giúp khênh xe qua suối vì  trời mưa đang mưa to. Điện thoại xong, anh hỏi:

- Chú có quen đi đường trơn, dốc không?

- Em đi được, em đi bản nhiều rồi.

Thấy tôi trả lời tự tin, Bí thư Lũy yên tâm hơn. Ba anh em mặc áo mưa, cởi bỏ giầy dép gửi vào một nhà dân gần chợ. Quần xắn móng lợn,  mỗi người một con “ngựa sắt” cùng lên bản. Vừa mới đi cách trung tâm xã được khoảng hơn 500m chúng tôi đã gặp sự cố. Nước suối to ngập trên ống xả, đi đến giữa suối, xe của tôi và anh Nghị cũng chết máy không qua được phải xuống giúp nhau đẩy xe vào bờ, ướt hết cả quần áo. Anh Lũy đi chiếc xe SuzuKi, ống xả cao hơn và anh cũng nhiều kinh nghiệm qua suối nên vượt qua ngon ơ.

 Dắt xe lên bờ, chúng tôi làm một vài mẹo vặt cho nước ra hết khỏi ống xả rồi nổ máy vượt lên dốc đá. Trời đổ mưa nặng hạt hơn. Ba chiếc xe vượt dốc chủ yếu đi số 1 và số 2 nên cứ gầm lên như những con ngựa bất kham. Nhìn bánh xe sau của  Bí thư Luỹ lắc sang trái, lắc sang phải, có lúc lại rê ngang ra đường muốn quay ngoắt 180o, anh Nghị trấn an: “Cứ bình tĩnh, từ từ đi em ạ. Đồng bào Mông trong bản trời mưa họ vẫn đèo nhau đi được, em chú ý đừng đi lên sống trâu và không phanh gấp lúc xuống dốc kẻo trượt ngã”.

Chuyện vụ xuân và cây tre Bát Độ

Con đường đến cuối bản Đồng Ruộng chạy xuyên qua giữa cánh đồng lúa thơm mát bởi màu xanh của hàng chục héc ta lúa của đồng bào người Mông, người Tày. Dừng chân giữa cánh đồng lúa xanh tốt bời bời, tôi hỏi Bí thư Lũy:

- Vì sao vùng đất này lại có tên bản Đồng Ruộng?

- Mình cũng đã tìm hiểu nhiều nhưng chưa biết chính xác cái tên Đồng Ruộng có từ bao giờ. Chỉ thấy các cụ kể lại từ thời Pháp, lên đây thấy vùng đất này bằng phẳng lại có con suối chảy qua có thể vỡ đất làm ruộng nước được nên đặt tên là bản Đồng Ruộng - Anh Lũy nói. - Trước đây, rừng tự nhiên ở Đồng Ruộng đa dạng và phong phú lắm, nhiều cây gỗ phay sừng đường kính trên 4 m nhưng do Lâm trường khai thác quá nhiều, dùng cả voi để kéo gỗ nên nhiều cây gỗ to, gỗ quý không còn nữa. Sau khi Lâm trường dừng không khai thác nữa, một số hộ đồng bào Mông ở xã Suối Giàng (Văn Chấn), di cư về xã Mỏ Vàng (Văn Yên) rồi về đây vỡ đất làm ruộng, phát rừng làm nương, định cư tại bản này. Đến năm 1994, bản Đồng Ruộng được thành lập với 22 hộ dân, trong đó có 5 hộ người Tày, còn lại là người Mông, nay đã tăng lên 44 hộ với gần 200 nhân khẩu.

- Những năm bản mới thành lập, đời sống của đồng bào thế nào?

- Thời kỳ đó thì khổ lắm, nhiều hộ thiếu ăn đến vài tháng phải lên rừng kiếm măng, củ mài về làm lương thực. Chẳng nói đâu xa, chỉ cách đây chưa đầy chục năm,  tỷ lệ hộ đói nghèo ở bản chiếm tới trên 50%, nhiều hộ thiếu ăn nhưng không ai biết đi làm thuê.

- Ruộng ở đây khá nhiều, số khẩu không nhiều mà sao lại thiếu lương thực?

- Khổ lắm! Đồng bào Mông ở đây chỉ biết làm một vụ thôi. Rồi anh kể - Vụ xuân năm 2000, Đảng ủy, HĐND đã ra nghị quyết chuyển đổi ruộng một vụ sang sản xuất 2 vụ lúa và giao cho các ngành, đoàn thể trong xã lên bản Đồng Ruộng làm đất, cấp không giống, gieo mạ, vận động mãi mới được một số hộ làm mô hình với chưa đầy 1 ha diện tích. Khi cán bộ về, nhân dân thả rông trâu bò, phá hỏng hết, lúa không được thu hoạch. Vụ xuân năm 2002, tôi được Đảng ủy phân công tiếp tục lên Đồng Ruộng chỉ đạo đồng bào gieo cấy lúa xuân.

Khi đó, anh Lũy đang làm phó tịch UBND xã, có đồng chí duy ý chí tham gia góp ý không nên sản xuất vụ xuân ở Đồng Ruộng vì thời tiết không phù hợp nhưng anh vẫn quyết tâm bảo vệ ý

“Năm 2005, được Dự án hỗ trợ giống tre măng Bát Độ, cả bản trồng được 6 ha, những năm sau các hộ trong bản đều tham gia trồng tre măng Bát Độ, đến nay đã trồng được 52 ha, trong đó đã có 42 ha cho thu hoạch.

Bà con rất mừng vì giá măng năm nay được công ty thu mua tăng hơn. Năm ngoái măng ngọn luộc bán được 3.500 đồng/kg, năm nay bán được 4.200 đồng/kg; măng óng luộc bán năm trước được 3.000 đồng/kg, năm nay được 3.600 đồng/kg.

kiến của mình. Vậy là vụ xuân năm 2002, được sự giúp đỡ của các ngành, đoàn thể trong xã đã có hàng chục hộ dân trong bản đăng ký gieo cấy lúa xuân được trên 1 ha lúa nước, năng suất đạt từ 120-140 kg/sào.

Thấy các hộ gieo cấy vụ xuân có thêm thóc gạo ăn, từ năm 2003, năm 2004 số diện tích đã tăng dần lên và từ năm 2005 đến nay, tất cả các hộ trong bản đều tự giác sản xuất vụ xuân không để trống một thửa ruộng nào, năng suất cũng tăng đến 170- 180 kg/sào.

Câu chuyện của bí thư Lũy kể nghe say sưa quá, đã gần một giờ đồng hồ đi bộ qua cánh đồng lúa 10 ha, lên đồi tre măng Bát Độ. 11 giờ trưa, chúng tôi đã tìm được Trưởng bản Giàng A Thênh và Bí thư Chi bộ bản- Hoàng Văn Láng đang thu mua măng cho bà con tại hộ gia đình chị Mùa Thị Náng ở cuối bản.

Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Lũy trao đổi với người dân trong bản về cách thu hoạch măng tre Bát Độ.

 Thấy có khách lạ cùng cán bộ xã đến, chị Náng vừa nhanh tay chuyển nốt số măng từ lù cở vào nồi luộc vừa khoe: “Vụ măng này nhà mình thu được gần 20 triệu đồng, cộng với làm hơn 5 sào ruộng thu được gần 1,5 tấn thóc cũng đủ sinh hoạt và còn tích luỹ mua sắm thêm được giường tủ, sửa cái nhà bếp  nấu cơm ăn cho đỡ khổ”. Ngoài sân, Trưởng bản và Bí thư chi bộ vẫn tranh thủ đóng nốt chỗ măng mới luộc vào bao nilon.

- Trưởng bản và Bí thư chi bộ mà lo cho dân thế này thì dân được nhờ quá! à ?

- Nhờ gì đâu, mình là “đầy tớ” của dân thì phải lo việc cho dân chứ? Trưởng bản Giàng A Thênh cười khà khà.

- Năm nay bản mình thu hoạch được nhiều măng không?

- Thôi để vợ con làm nốt cho, vào nhà uống nước tiếp chuyện nhà báo - Bí thư Lũy lên tiếng.

Rót chén nước chè mời khách, Trưởng bản Giàng A Thênh tâm sự: “Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ làm nhà ở, công trình cấp nước hợp vệ sinh các hộ trong bản đỡ khổ nhiều rồi. Hiện nay, cả bản chỉ còn 7 hộ thuộc diện nghèo, con em các hộ trong bản đều được đi học bán trú từ các lớp mẫu giáo bé ở trung tâm xã”. Mải mê với câu chuyện của trưởng bản Thênh, khi hỏi đến Bí thư chi bộ bản, thì anh đã về nhà “để làm cơm đãi khách”.

Chúng tôi trở về nhà Bí thư chi bộ - Hoàng Văn Láng  ở đầu bản mặt trời đã qua đỉnh núi sang giờ mùi. Bữa cơm trưa đã được anh Láng chuẩn bị thật thịnh soạn. Măng tre Bát Độ tươi, luộc xé nhỏ xào với lòng gà “chạy đồi”. Măng luộc, thịt gà luộc... nhấp chút rượu nút lá chuối, anh Thênh kể thêm về chuyện làm ruộng vụ xuân ở Đồng Ruộng: “Chỉ cách đây 4 vụ lúa thôi, các hộ dân trong bản vừa thu hoạch, vừa làm đất, gieo cấy phải mất hơn một tháng mới xong, ảnh hưởng rất nhiều tới công việc khác, nhất là vào vụ thu hoạch măng. Do vậy chi bộ đã phân công đảng viên trong Chi bộ phối hợp với Trưởng bản tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tích cực lao động nhất là mỗi khi vào ngày mùa. Đến nay, việc thu hoạch, làm đất, gieo cấy gần 10 ha lúa nước trong bản chỉ chưa đầy 10 ngày là xong. Sau đó, bà con lại lên rừng thu hoạch măng tre Bát Độ bán lấy tiền  trang trải sinh hoạt gia đình”.

Hôm nay vào bản Đồng Ruộng kể cả ngày mưa cũng không hề thấy có một người đàn ông nào ở nhà uống rượu hay chơi cờ như một số làng quê nghèo khác ở vùng sâu mà tất cả từ già đến trẻ đều lên rừng thu hoạch măng tre Bát Độ. Khi măng tre trồng ra không bán được, Bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành Hoàng Văn Lũy là người lo nhất. Học đại học tại chức ở thành phố Yên Bái, nhiều tuần ngày nghỉ anh không về nhà mà tự lấy xe máy rong ruổi xuống Hải Dương lên Hoà Bình, Bắc Ninh để tìm đầu ra cho sản phẩm tre măng Bát độ cho nhân dân . Sự tận tâm với công việc của người “đầy tớ” cao nhất ấy đã góp phần giúp bà con trong xã tiêu thụ sản phẩm tre măng ổn định, đời sống ngày càng cải thiện hơn.

Vĩ thanh

Nhờ có những “đầy tớ” của dân trên bản Đồng Ruộng như Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Văn Luỹ, Phó chủ tịch HĐND Hoàng Hữu Nghị, trưởng bản Giàng A Thênh, Bí thư chi bộ bản Hoàng Văn Láng đầu tầu gương mẫu trong mọi công việc của địa phương mà cuộc sống của bà con người Mông, người Tày nơi đây đã thay đổi. Từ việc chuyển đổi ruộng một vụ sang làm 2 vụ cho đến việc vận động bà con trồng tre măng Bát Độ, gia đình các anh đều gương mẫu làm trước để bà con học tập rồi cùng làm theo.
Đời sống của đồng bào Mông ở Đồng Ruộng hôm nay đã được cải thiện nhiều hơn so với trước, tuy nhiên, đường giao thông và điện lưới quốc gia; trường học; dịch vụ y tế... vẫn là niềm mơ ước của người dân nơi đây. Đồng Ruộng chỉ cách trung tâm xã Kiên Thành trên 6 km nhưng vẫn là ”bản mù văn hóa”. Đa số các hộ dân trong bản đều có thể đủ điều kiện mua máy thu hình để xem, nhưng không có điện đành chịu. Ngay đến nhà Bí thư chi bộ  Hoàng Văn Láng có máy thuỷ điện nhỏ công suất 1KW cũng chỉ đủ để xem 1 chiếc máy thu hình và thắp sáng, còn tủ lạnh thì chịu. 44 hộ đồng bào Mông, Tày ở đây rất mong được Đảng, Nhà nước đầu tư cho 2 cây cầu qua suối và đầu tư đường giao thông, điện lưới quốc gia về bản; xây dựng phân hiệu bậc học mầm non và tiểu học để con em được học tập tốt hơn...

Đó là những kiến nghị của người dân. Song để cuộc sống của người Mông, người Tày ở Đồng Ruộng no ấm hơn, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần sớm vào cuộc và vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tôi tin Đồng Ruộng sẽ bừng sáng trong tương lai gần, rất gần bởi Đồng Ruộng thật tuyệt vời vì đang có những người dân hăng say lao động, đặc biệt là có được sự nhiệt tình đến cần mẫn của những “đầy tớ” trung thành nơi vùng sâu nhiều khó khăn này.

N.G

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục