Địa giới hành chính vùng giáp ranh: Những bất cập cần chỉnh sửa

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2011 | 3:19:14 PM

YBĐT - Những ngày này, cuộc sống của người dân thôn Chiềng Pằn 1 và 2 xã Gia Hội (Văn Chấn) giáp ranh với xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) đang bị xáo trộn bởi sự tranh chấp đất đai giữa hai xã.

Hàng chục hộ dân thôn Chiềng Pằn tranh chấp gay gắt với cán bộ kiểm lâm Văn Yên tại phần đất họ đang canh tác.
Hàng chục hộ dân thôn Chiềng Pằn tranh chấp gay gắt với cán bộ kiểm lâm Văn Yên tại phần đất họ đang canh tác.

Người dân khu giáp ranh có mối quan hệ lâu đời vốn rất hòa đồng và đoàn kết, tuy nhiên năm 2010, khi Hạt kiểm lâm Văn Yên triển khai dự án trồng 200 rừng phòng hộ ở xã Phong Dụ Thượng thì một phần diện tích của dự án lại nằm trong diện tích mà người dân xã Gia Hội đang canh tác, làm cho hàng trăm hộ dân canh tác trên phần đất này đang vô cùng lo lắng.

Bỗng dưng mất đất

Chúng tôi về thôn Chiềng Pằn xã Gia Hội khi mà nhiều hộ dân như ngồi trên đống lửa vì đất đai của mình đã canh tác lâu năm nay lại bị mất. Chiềng Pằn cách trung tâm xã Gia Hội chưa đầy 2 km, cả thôn có 299 hộ dân nhưng chỉ có 30 ha ruộng nước, 50% số hộ hàng năm phải cứu đói giáp hạt. Theo những người già trong thôn này kể lại thì từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, người dân Gia Hội đã bắt đầu khai hoang vào khu vực giáp ranh với xã Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên và canh tác ổn định từ đó cho đến nay.

Hiện trong thôn Chiềng Pằn có khoảng gần 140 hộ dân đang canh tác trên diện tích 60 ha, trong đó có 35 hộ ở cố định tại khu vực đất tranh chấp. Nếu cứ như vậy sẽ chẳng có gì đáng nói, bà con vẫn cứ lên đó làm lán, thả trâu, trồng lúa, trồng khoai trên mảnh đất đã canh tác từ bao năm nay và coi như đất nhà mình. Song, vài năm trở lại đây, xã Phong Dụ Thượng cho rằng một phần khu vực dân Chiềng Pằn đang canh tác là thuộc đất của xã mình.

Ông Lò Văn Hồng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, người trực tiếp đi nhận tuyến giáp ranh cho biết: “Lúc đó tôi là Phó bí thư Đảng ủy xã, khi nhận tuyến giáp ranh chúng tôi không được thuyết trình về việc có hay không điều chỉnh lại địa giới hành chính”. Sau khi có bản đồ mới việc quản lý địa giới hành chính, con người vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên dựa trên bản đồ 364 hiện nay so với thực tế thì rất khác biệt, 48 hộ dân và 50ha đất lâm nghiệp (có một phần ruộng nước đã được khai hoang) vốn xã Gia Hội quản lý nay trên bản đồ thì thuộc xã Phong Dụ Thượng quản lý.
Căn cứ để xã Phong Dụ Thượng khẳng định như vậy là dựa vào bản đồ số 364 (bản đồ phân chia ranh giới hành chính giữa hai xã). Trưởng thôn Chiềng Pằn 1, Đàm Xuân Tưởng cho biết: “Dân hai xã phát rừng, khai hoang nương rẫy, ruộng nước gặp nhau ở khe đá lửa, từ đó "thống nhất" coi đó là ranh giới giữa hai xã, suốt từ hơn 30 năm nay người dân chúng tôi vẫn canh tác ổn định trên diện tích đất này, giờ đây xã Phong Dụ Thượng đòi đất thì dân chúng tôi canh tác ở đâu và lấy gì mà sống?".

Gia đình ông Đàm Văn Siếng là một trong những hộ dân thường xuyên chăn thả trâu, và có cả ruộng khai hoang trên vùng đất giáp ranh tranh chấp này nói: “Nhà tôi có  5 khẩu, tính cả diện tích khai hoang ruộng nước ở vùng đất tranh chấp mới đủ ăn. Nếu phải trả diện tích kể trên thì cả nhà cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Bà Nông Thị Ben thì buồn bã: “Ngoài căn nhà dựng ở đây thì gia đình tôi rất ít đất làm ruộng, nếu trả đất gia đình cũng không biết tính sao”.

Đất mình canh tác bao năm và nhiều hộ sống dựa vào đó nay lại rơi vào đất của người khác. Trao đổi với chúng tôi ông Lò Pạu, Bí thư Đảng ủy xã Gia hội cho biết: “Thôn Chiềng Pằn được xã quản lý từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày trước thì không sao nhưng từ khi huyện Văn Yên triển khai trồng rừng phòng hộ vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu mới nảy sinh việc tranh chấp. Hiện nay người dân hết sức lo lắng vì không biết sau này sẽ thuộc quyền quản lý của xã nào, có phải thay đổi toàn bộ giấy tờ liên quan hay không?”.

Bản đồ "vênh"

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Văn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Văn Chấn cho biết: “Căn cứ mà xã Phong Dụ Thượng đưa ra là trên cơ sở bản đồ địa giới hành chính số 364 được Chính Phủ phê chuẩn năm 1995, nếu trên căn cứ này thì hoàn toàn đúng vì một phần đất đai và dân cư của xã Gia Hội đang nằm trên đất xã Phong Dụ Thượng”.

Tuy nhiên, trở lại thời kỳ năm 1995 đó nhiều cán bộ xã Gia Hội cho rằng việc đo vẽ bản đồ là chưa chính xác. Ông Nguyễn Tiến Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên cho biết: “Khi triển khai dự án trồng rừng phòng hộ tại khu vực thôn 6 xã phong Dụ Thượng chúng tôi chỉ trồng trên diện tích trống, diện tích người dân đã khai hoang ruộng nước hoặc đang trồng cây khác thì chúng tôi vẫn chưa triển khai trồng. Thế nhưng với lý do đòi lại đất canh tác của mình, cuối tháng 7 người dân Chiềng Pằn 1 và 2 lại tiếp tục sang diện tích đất đang thi công trồng rừng đặc dụng để trồng màu và chăn thả gia súc gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ trồng và quản lý rừng. Nếu việc tranh chấp không được giải quyết dứt điểm sẽ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như trồng rừng tại khu vực. Việc quản lý địa giới hành chính thôn bản bị xáo trộn”. Bên cạnh những hộ đã ở cố định và khai hoang ruộng nước, thì không ít hộ dân có tập quán canh tác luân canh, họ cho rằng phần đất bỏ hoang đó vẫn là của mình.

Bức xúc với việc thiếu đất sản xuất đã khiến nhiều hộ dân ở Chiềng Pằn xảy ra tranh chấp gay gắt với đơn vị trồng rừng là Hạt Kiểm lâm Văn Yên. Đỉnh điểm là cuối tháng 3 năm 2011, hàng trăm hộ dân xã Gia Hội đã sang phá, nhổ cây mới trồng và phun thuốc diệt cỏ vào những đám cây đang ươm, phá bỏ lều lán của những công nhân trồng rừng và đập phá bảng tin tuyên truyền về công tác Quản lý bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Văn Yên xây dựng khiến đơn vị trực tiếp trồng rừng của huyện Văn Yên cũng không thể triển khai trồng rừng được.
Khu vực giáp danh giữa thôn 6 của xã Phong Dụ Thượng và thôn Chiềng Pằn xã Gia Hội nằm trong khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Hàng năm vẫn xảy ra việc người dân phát nương trái phép vào rừng phòng hộ, thậm chí có nhiều vụ khai thác lâm sản trái phép khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của cả hai huyện Văn Chấn và Văn Yên. Trên thực tế thì giữa hai huyện và các xã giáp ranh đã có nhiều cuộc họp bàn nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất.

Ông Mai Quốc Ngữ, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: “ Để đảm bảo an ninh trật tự được giữ vững, chúng tôi đề nghị nên xem xét cắt chuyển dân số trên về nhập khẩu tại thôn 6 Phong Dụ Thượng. Xã Phong Dụ Thượng tiếp nhận những hộ dân ở khu vực giáp ranh về xã, tuy nhiên phải có dự án quy hoạch khu dân cư để xã  quản lý”.

Để giải quyết vấn đề tranh chấp này có hai phương án đã được chính quyền hai huyện Văn Chấn và Văn Yên đưa ra, thứ nhất là điều chỉnh địa giới hành chính như trước đây để thuận lợi cho việc quản lý, thứ hai là cắt chuyển số dân xâm canh về nhập khẩu tại thôn 6 xã Phong Dụ Thượng. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân thì cần có sự điều chỉnh lại địa giới hành chính (vẽ lại bản đồ) cho phù hợp với thực tế quản lý đất đai thì cuộc sống của người dân mới không bị xáo trộn. Nhưng để giải quyết vấn đề này thì phải trình lên Chính phủ. Việc điều chỉnh cần thực hiện sớm bởi thực tế đã có nhiều vụ xô xát liên quan đến tranh chấp, gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi với lãnh đạo Phòng Nội vụ Văn Chấn về tranh chấp ở khu vực giáp ranh trên bản đồ địa giới hành chính.

Cuộc sống của nhiều hộ dân thôn Chiềng Pằn đang bị xáo trộn do tranh chấp.

Anh Dũng - Văn Thông  

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục