Nỗi niềm vùng rau

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2011 | 9:05:35 AM

YBĐT - Tuy Lộc, xã vùng ven của thành phố Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với các loại rau màu. Không ai có thể nhớ rõ nhưng điều chắc chắn rằng thành phố Yên Bái từ khi được thành lập thì vùng rau Tuy Lộc cũng đã ra đời để phục vụ nhu cầu người dân thành thị.

Dự án rau thất bại, người dân lại trở về với kiểu sản xuất truyền thống.
Dự án rau thất bại, người dân lại trở về với kiểu sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên từ đó đến nay, vùng rau an toàn của Tuy Lộc vẫn chưa trở thành hiện thực mà vẫn chỉ là “mạnh ai nấy làm”, bởi thế mà cây rau vẫn chất chứa bao nỗi niềm của người nông dân.

Với địa thế thuận lợi nằm bên sông Hồng, hàng năm Tuy Lộc được dòng sông bồi đắp lượng phù sa lớn nên có nhiều điều kiện để phát triển cây rau màu. Cả xã có trên 1.200 hộ thì có trên 60% hộ trồng rau. Hiệu quả từ cây rau màu là không thể phủ nhận bởi nó đã giúp hàng trăm hộ dân trong xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Cũng chính từ rau màu mà đường làng ngõ xóm, nhà cửa khang trang đã mọc lên, làm thay đổi diện mạo của một xã vùng ven thuần nông. Thời hoàng kim, cây rau màu đã thực sự là cây chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Chẳng thế mà đã có vài ba lần thành phố Yên Bái đã  chọn Tuy Lộc để xây dựng thí điểm các mô hình chuyên canh sản xuất rau an toàn.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây do giá cả vật tư, phân bón tăng cao, người làm rau ở Tuy Lộc đang lâm vào tình cảnh khó khăn bởi chi phí đầu tư cao. Hơn nữa, cây rau ở Tuy Lộc lại phải cạnh tranh bởi các loại rau quả nhập từ  vùng rau các tỉnh, thành khác giá cả thấp hơn nên người trồng rau ở Tuy Lộc đang dần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mà không mấy mặn mà rau.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chỉnh, thôn Minh Thành - một trong những hộ dân có truyền thống làm rau từ thời bao cấp, đến nay đã có thâm niên gần 30 năm. Đời cha, đời ông của ông cũng nhờ cây rau mà nuôi con cái khôn lớn trưởng thành, đến đời ông, cây rau cũng giúp cuộc sống gia đình khấm khá trông thấy.

 Với 4 sào rau màu, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông cũng thu về gần 20 triệu đồng, cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Chỉ vào ngôi nhà khang trang và những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, ông Chính không ngần ngại khoe rằng tất cả từ rau màu mà có. Song, đó là những năm về trước, còn mấy năm trở lại đây người trồng rau phải đối mặt với rất nhiều sức ép.

Thứ nhất, giá vật tư phân bón tăng cao; thứ hai, sản phẩm rau quả lại phải cạnh tranh với các loại rau nhập từ các tỉnh khác giá thành rẻ hơn. Mặc dù gia đình ông Chỉnh áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn nhưng không có gì đảm bảo và xác nhận nên khi ra thị trường, rau sạch vẫn bị đánh đồng với các loại rau khác. Trồng đã khó khăn đến khi tiêu thụ cũng thật vất vả. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hôm nào vợ chồng ông cũng phải dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị rau để đem ra các chợ lớn ở thành phố Yên Bái tiêu thụ, giá cả bấp bênh, đắt rẻ cũng phải bán cho bằng hết để về. Vì tuổi đã cao, nhà ít lao động, hơn nữa cây rau màu đã gắn bó với ông hơn nửa đời người nên gia đình ông vẫn cần mẫn với cây rau màu.

Là trưởng thôn nên ông Nguyễn Văn Tính - thôn Minh Long luôn tâm niệm mình có làm được mới nói được bà con nghe theo. Chính bởi thế mà những chân ruộng kém năng suất gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng rau màu, hiện nay gia đình có hơn 5 sào chuyên canh làm rau màu, mùa nào thức ấy. Mỗi năm gia đình ông cung ứng ra thị trường 10 - 15 tấn rau màu các loại.

Ông Tính tâm sự: “Mấy năm trước còn được chứ một hai năm trở lại đây giá cả vật tư phân bón tăng đến chóng mặt nên chúng tôi cũng chả còn mặn mà gì với cây rau. Ngày trước cả thôn có tới trên 70% hộ dân làm rau nhưng bây giờ người ta cũng chuyển đổi hết sang các ngành nghề khác, chỉ còn người già không đi làm ăn xa được thì đành bám trụ với cây rau mà thôi!".

Có lẽ bởi vậy mà gia đình ông Tính giờ cũng đang chuyển đổi sang mô hình trồng nấm với thu nhập cao hơn, còn rau màu chỉ làm gọi là ở mức độ vừa phải đủ để sinh hoạt trong gia đình. Khoát một vòng rộng chỉ về cánh đồng rau thôn Minh Long, ông Tính cho biết trước kia đây ra cánh đồng rộng 8 ha, người dân chỉ chuyên canh sản xuất rau màu, vậy mà có hai năm trở lại đây  diện tích này đã bị thu hẹp bởi ngô và hoa cùng các loại cây lương thực khác. Không ai muốn bỏ cây rau bởi nó đã gắn bó với mình bao đời nay, song trước thực tế như hiện nay cũng đành phải chấp nhận.

 "Nếu có một cơ chế nào đó của thành phố Yên Bái như hỗ trợ việc chuyển giao kiến thức KHKT về sản xuất rau màu, nhất là các loại rau trái vụ, tạo điều kiện để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người làm rau, hỗ trợ trong việc dồn điền đổi thửa để sản xuất thành quy mô tập trung thì nông dân chúng tôi sẵn sàng tâm huyết với cây rau màu" - ông Tính cho biết thêm.

   

Một số diện tích rau màu đã nhường chỗ cho trồng hoa thu nhập cao hơn.

Bà Hà Thị Tuyết - Phó chủ tịch UBND xã Tuy Lộc khẳng định: “Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, xã sẽ tiến hành quy hoạch vùng rau chuyên canh tại 5 thôn là: Tân Thành, Minh Đức, Hợp Thành, Minh Thành, Xuân Lan và sẽ mở rộng thêm hai thôn nữa. Theo tiến trình quy hoạch của thành phố Yên Bái sẽ xây dựng vùng rau chuyên canh tại xã với diện tích khoảng 40 ha.

Theo đó, các thiết chế về cơ sở hạ tầng, cơ chế về “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và kiến thức về KHKT cùng việc bao tiêu sản phẩm đầu ra sẽ có cơ chế thỏa đáng cho người trồng rau. Với lợi thế là xã có truyền thống về sản xuất rau màu, đồng đất tương đối thuận lợi,  trước mắt xã đang tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân “dồn điền đổi thửa” để hình thành vùng rau chuyên canh tập trung.

 Như thời điểm hiện nay, diện tích rau màu của xã đã lên tới 37 ha, chính vụ có thể lên tới 45 ha. Tuy nhiên do diện tích phân tán không tập trung, người trồng rau vẫn đang sản xuất theo kiểu truyền thống, manh mún nên năng suất chưa cao, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh.

"Nói là người dân chưa được chuyển giao kiến thức KHKT vào sản xuất rau màu thì không đúng bởi trước đây, năm 2002, thành phố Yên Bái có dự án xây dựng cơ sở thí điểm trồng rau an toàn tại xã với diện tích 1,5 ha. Do đó, người nông dân đã được chuyển giao KHKT, phương pháp trồng rau an toàn. Song do tâm lý “ăn chắc mặc bền”, chưa theo kịp thị trường, vẫn tư tưởng dễ làm khó bỏ nên các loại rau cao cấp và trái mùa gần như bị bỏ ngỏ, sản xuất thì mang tính tự phát nhỏ lẻ, thời vụ bố trí không hợp lý nên dự án nhanh chóng thất bại.

Rút kinh nghiệm từ bài học đó, lần này chúng tôi sẽ kiên quyết hơn bởi trong lộ trình xây dựng nông thôn mới thì việc quy hoạch vùng rau an toàn tập trung chuyên canh cũng là một trong những tiêu chí để xã tiến hành xây dựng mô hình nông thôn mới. Tuy nhiên để dự án thành công rất cần sự đồng tình từ nhiều phía" - Bà Tuyết cho biết.

Thanh Tân

Các tin khác
Sau phiên tòa, cặp vợ chồng trẻ này sẽ đường ai nấy đi.

YBĐT - Các cặp vợ chồng trẻ tuổi cưới nhau sau vài ngày, vài tháng đã xin ly hôn, các cặp trung tuổi cũng xin chia tay và có cả những cặp vợ chồng tuổi ngoài 70 cũng đưa nhau ra tòa.

Sùng A Sìa (người thứ nhất từ phải sang) kể về ly hương.

YBĐT - Hờ A Ly vẫn cứ ra đi những tưởng tìm được miền đất hứa và được đổi đời. Song, chỉ chưa đầy một năm, A Ly cùng vợ con lầm lũi trở về với hai bàn tay trắng, trở thành người vô gia cư, bởi cửa nhà, ruộng nương đã bán sạch và những đồng tiền cuối cùng cũng đã tiêu hết.

Một góc Làng Lao.

YBĐT - Cách trung tâm xã Cát Thịnh (Văn Chấn) 35 km, Làng Lao nằm giáp ranh giữa huyện Phù Yên (Sơn La) và xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu. Đường đi đến rất khó khăn, nhiều đoạn phải vượt qua lớp đá tai mèo sắc nhọn, đoạn thì mò mẫm đi trên thân cây bắc qua khe núi… Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

68 tuổi, Luật sư Quyền vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu hồ sơ được thụ lý.

YBĐT - Đã có lúc Đoàn Luật sư (LS) của tỉnh Yên Bái lên tới 14 thành viên. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương rất ít LS có thể sống được bằng nghề. Phần lớn những LS trẻ mới gia nhập đoàn được một hai năm đã vội vã “chia tay”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục