Trở về sau ly hương

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2011 | 3:00:45 PM

YBĐT - Hờ A Ly vẫn cứ ra đi những tưởng tìm được miền đất hứa và được đổi đời. Song, chỉ chưa đầy một năm, A Ly cùng vợ con lầm lũi trở về với hai bàn tay trắng, trở thành người vô gia cư, bởi cửa nhà, ruộng nương đã bán sạch và những đồng tiền cuối cùng cũng đã tiêu hết.

Sùng A Sìa (người thứ nhất từ phải sang) kể về ly hương.
Sùng A Sìa (người thứ nhất từ phải sang) kể về ly hương.

Có nhà cửa, ruộng nương sản xuất, lại được bà con trong bản đùm bọc chở che lúc đói no, bệnh tật, được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ làm nhà ở, hỗ trợ phương tiện sản xuất thông qua các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào dân tộc của Nhà nước, thế nhưng Hờ A Ly vẫn cứ ra đi những tưởng tìm được miền đất hứa và được đổi đời.

Song, chỉ chưa đầy một năm, A Ly cùng vợ con lầm lũi trở về với hai bàn tay trắng, trở thành người vô gia cư, bởi cửa nhà, ruộng nương đã bán sạch và những đồng tiền cuối cùng cũng đã tiêu hết. Song, dẫu có muộn màng nhưng A Ly vẫn hiểu ra rằng, chỉ có quê hương mới là nơi có thể giúp mình an cư, lập nghiệp  là nơi sẵn sàng bao dung và dang tay đón nhận mình về.

Câu chuyện ly hương

Ly hương để có thêm việc làm, kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống đã trở thành nhu cầu của một bộ phận lao động nông thôn lúc nông nhàn. Thế nhưng ly hương như Hờ A Ly hay một số hộ đồng bào Mông khác ở xã Hồng Ca huyện Trấn Yên lại là điều khiến không ít các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phải quan tâm.

Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca Phạm Xuân Toàn phân trần: “Vất vả lắm mới vận động được đồng bào hạ sơn, mới giúp đồng bào gây dựng cuộc sống mới. Giờ thì cả hệ thống chính quyền lại phải cùng vất vả vào cuộc để vận động, tuyên truyền giúp đồng bào ổn định tư tưởng, không bị lôi kéo rời bỏ quê hương”.

Hồng Ca chỉ có 4 hộ (18 khẩu) đồng bào Mông di dịch cư thì 2 hộ gồm 10 khẩu là hộ Hờ A Ly và Sùng A Sìa cùng ở Khuôn Bổ đã quay trở về. Thêm một vài hộ có tư tưởng ra đi được chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền, thuyết phục giờ đã yên tâm ở lại quê hương làm ăn sinh sống.

Trời Hồng Ca chợt mưa, chợt nắng. Biết chúng tôi có ý định lên bản người Mông, mấy anh cán bộ xã lắc đầu cười: “Lên bản trời này là vất vả lắm đấy, mưa cả tuần nay rồi mà”. Mặc kệ mưa, tôi cứ theo xe của Trần Xuân Bài - Phó Công an xã ngược con dốc dài đá cuội lổng chổng lên bản người Mông Khuôn Bổ. Bài bảo: “Đường lên Khuôn Bổ bây giờ tốt hơn trước nhiều lắm, xe ô tô đã đến được tận trung tâm thôn. Khổ nhất hiện nay là đường lên bản Mông Khe Tiến, xe máy còn đi được chứ xe ô tô thì chịu hẳn. Tuần nào em cũng đi bản, xe thiết kế chuyên đi đường rừng để leo dốc, vượt suối nên bản gần bản xa em đi hết. Công tác ở bản là chính nên đi con “ngựa sắt” này cho đỡ xót”.

Ì ạch leo hết con đường gồ ghề, trơn trượt dài hơn 9 cây số đường rừng, cuối cùng chúng tôi đã đến được bản Mông Khuôn Bổ. Đồng bào đón tiếp chúng tôi nồng hậu như vẫn đón tiếp Bài - người nhà của bản.

Hờ A Ký – con trai út của già Lếnh là công an viên thôn kể: “Nhà Ly, nhà Sìa trốn đi hồi tháng 2 năm 2011 không báo thôn nên hôm về hai nhà này cũng về lén lút.  Lúc 1 giờ sáng ngày 5/8 mình được người trong thôn báo hai hộ đã trở về nên đến lập biên bản. Nhà Ly là hộ nghèo nên được Nhà nước quan tâm giúp đỡ nhiều thứ lắm, được hỗ trợ làm nhà mới theo chương trình xoá nhà dột nát, rồi còn được hỗ trợ cả máy phun thuốc trừ sâu trị giá cả mấy triệu đồng, vậy mà còn chẳng chịu làm ăn, nhiều nhà trong thôn mong cũng còn không được như nó. Có nhà, có rừng, có ruộng, không phải cần đi xa như nhà Dao, nhà Rình, nhà Ninh, Sinh Nu ở đầu bản đấy, nó chịu khó làm ăn, người Tày, người Kinh dưới bản thấp làm kinh tế cũng còn phải thua”.
 Già làng Hờ Giàng Lếnh, 85 tuổi, mái tóc đã bạc trắng nhưng giọng nói vẫn sang sảng. Hỏi chuyện làm ăn của mấy hộ ly hương, già Lếnh trầm ngâm bảo: “Vợ chồng nhà Ly, nhà Sìa trốn xã trốn thôn, bỏ đi làm ăn xa, cái bụng mình giận lắm. Mình bảo vợ Hờ A Ly, có nhà không ở, bỏ quê bỏ quán mà đi. Đã đi thì khi về phải giàu hơn chứ về không còn nhà để ở thì đi làm gì. Nó bảo, già nói thế thì thấy xấu hổ lắm rồi, không dám nghe người ta rủ rê mà bỏ quê đi nữa”. Vợ chồng A Ly không còn nhà để ở, cũng không còn ruộng nương để trồng cấy, nó bán nhà, bán đất cho Giàng A Chổng - người cùng thôn để lấy tiền đi nên bây giờ về phải ở nhờ nhà anh trai. Nó chưa có tiền để chuộc lại nhà, chuộc lại đất dù chính quyền xã, chính quyền thôn can thiệp nhà Chổng đã đồng ý và ra hạn cho chuộc lại trong tháng này”.

Không gặp được Hờ A Ly bởi vợ chồng Ly đi làm vắng, Bài đưa chúng tôi đến nhà Sùng A Sìa. Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh bên sườn đồi chẳng có gì đáng giá ngoài con lợn nái còi cọc. Tráng A Sai - Trưởng thôn cho biết: “Vợ chồng Sìa bỏ nhà đi từ đầu năm, tháng 8 vừa rồi mới về nên giờ phải gây dựng lại kinh tế từ đầu. Nhà Sìa ra đi không phải do thiếu đất sản xuất. Hai vợ chồng được 3 sào ruộng nước, cũng có rừng trồng bồ đề, rừng trồng tre măng Bát độ. Nó đi vì người này người nọ rủ rê thôi”.

Vừa đi bốc gỗ thuê về, thấy cán bộ công an xã và người lạ đến nhà, Sìa thoáng bối rối. Hỏi chuyện đi làm ăn xa, vợ chồng Sìa cởi mở: “Em nghe người ta rủ vào đấy làm nương trồng ngô, trồng sắn, gọi là xã Tam Giang, huyện Krôngnăng của tỉnh Đắc Lắc. Ở đấy đất thì có, em được người quen chia cho 2 sào, nhưng không có nước tưới, trồng đỗ, trồng ngô đều chết hết. Nhà Hờ A Ly cũng làm cùng, được chia 8 sào trồng cây màu. Chẳng sống được, em phải về, sắn trồng rồi thì bỏ, em không đi nữa, ở nhà làm ăn thôi”.

Rời nhà Sùng A Sìa, tôi nhớ câu Trưởng thôn Tráng A Sai nói với vợ chồng Sìa lúc mới đến: “Ông bà mình xưa đã nói: giàu di cư thì nghèo, nghèo di cư thì chết”, mới thấy cái triết lý, sự răn dạy của người Mông thật giản đơn mà sâu sắc vô cùng.   

 

Già làng Hờ Giàng Lếnh báo cáo tình hình của thôn Khuôn Bổ với công an xã.

Trăn trở quê nghèo

Khuôn Bổ là thôn vùng 2 của xã Hồng Ca nhưng so với nhiều thôn bản vùng sâu vùng cao trong tỉnh thì đời sống của người dân và cơ sở hạ tầng nơi đây còn rất nhiều thiếu thốn. Hồng Ca đã ra khỏi Chương trình 135 từ năm 2007, do vậy nguồn vốn đầu tư từ các chương trình của Chính phủ cho địa phương này, trong đó có 4 thôn vùng đồng bào dân tộc cũng không còn nữa. Người Mông ở đây sống chủ yếu dựa vào trồng rừng và khai thác các phụ phẩm từ rừng. Ruộng nước cả thôn chỉ có trên 124 ha phân tán và manh mún; chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn theo kiểu tự túc tự cấp là chính.

Những năm trở lại đây, với sự nỗ lực của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: vay vốn hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167, vốn hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ dầu thắp sáng, cấp gạo cứu đói giáp hạt, cấp thẻ bảo hiểm y tế… đời sống của 101 hộ đồng bào Mông Khuôn Bổ đã khá hơn trước.

Nhiều nhà đã có xe máy, có ti vi, có rừng trồng trị giá vài trăm triệu đồng, có trâu bò cày kéo, có máy xay xát làm dịch vụ phục vụ cho cả người Kinh, người Tày các thôn bản vùng thấp. Trẻ em được đến trường và được theo học lên cao ngày một nhiều hơn. Cái ăn cái mặc đã thêm phần đủ đầy hơn trước. Dù vậy thì Khuôn Bổ hiện vẫn còn hơn 80 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới.

Bài toán phát triển kinh tế ở Khuôn Bổ nói riêng và các thôn đồng bào Mông sinh sống nói chung vẫn đang là điều khiến những người “đứng mũi chịu sào” ở Hồng Ca trăn trở. Vẫn theo lời Phó chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Toàn, đã có rất nhiều mô hình trồng lúa, ngô, lạc đậu và các chương trình dự án phát triển kinh tế được đưa lên Khuôn Bổ và các thôn đồng bào Mông. Thế nhưng, có cán bộ thì đồng bào làm, cán bộ về thì mô hình cũng “về theo”. Ví như vụ lúa xuân 2011, gặp thời tiết rét đậm, bà con nghỉ luôn sản xuất. Xã đã phải huy động tất cả các ban ngành, đoàn thể lên giúp đồng bào cấy lúa và chống rét cho lúa, chỉ đến khi được thu hoạch mới thở phào nhẹ nhõm. Khó khăn nhất là trình độ canh tác và khả năng ứng dụng KHKT trong sản xuất chăn nuôi của đồng bào còn rất hạn chế. Thêm nữa là sức ì trong tư duy, trong nếp nghĩ cách làm của người dân còn quá lớn, không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Vẫn biết rất cần đến những cách làm theo kiểu cầm tay chỉ việc, song cần hơn sự chuyển biến lớn trong tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của đồng bào, đó là cho mình, vì cuộc sống của mình thay vì làm cho cán bộ, vì cán bộ.

Ánh chiều đã giăng đầy đỉnh núi. Đôi vợ chồng chàng công an viên thôn - Hờ A Ký vẫn đang cặm cụi lắp cố cho xong chiếc máy xay xát để “ngày mai ngày kia còn phục vụ bà con trong bản”. Tôi chợt nghĩ đến câu nói của già làng Hờ Giàng Lếnh: “Mình nói với các con trai và dân bản phải chịu khó lên rừng trồng thêm cây quế, cây bồ đề, trồng thêm gốc măng tre Bát độ để lấy tiền mà cho con cái đi học, như thế mới bền vững. Cứ đi làm thuê, làm mướn chỉ được miếng ăn ngay, lúc quay về thì chẳng có gì…” rồi đi thăm mô hình kinh tế của các con ông mới thấy cách nghĩ, cách làm của ông và gia đình thật tiến bộ. Quả thật, với người Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh nói chung cũng vậy, đâu cứ phải ly hương mới tìm được đất sống mà chỉ cần hiểu và làm như được như câu nói của già Lếnh thì phải chăng quê hương mới là miền đất hứa của mỗi con người.

Chia tay Hồng Ca, mang theo về niềm đau đáu. Không biết rồi đây vợ chồng A Ly sẽ sống ra sao khi mà nhà cửa, ruộng nương không còn và thêm một đứa con nữa - đứa con thứ 4 lại sắp chào đời.  

 Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục