Người rót mật cho đời
- Cập nhật: Thứ tư, 12/10/2011 | 2:46:30 PM
YBĐT - Ông Trường Cúc bảo, tiềm năng nuôi ong mật ở thành phố Yên Bái và của tỉnh này còn lớn lắm. Lúc đầu chả ai nghĩ ở giữa lòng thành phố chỉ có nhà tầng, bê tông, gạch ngói lại nuôi được ong mật.
Ông Phùng Thọ Trường kiểm tra tầng ong trước khi vào vụ nghỉ đông.
(Ảnh: Văn Thông)
|
Tấm biển quảng cáo quá khiêm tốn, chỉ nhỉnh hơn hai lòng bàn tay một chút treo lơ lửng trên thân cây bàng già đầu ngõ phố. Hẳn đã có nhiều người cũng như tôi tìm đến cơ sở nuôi ong Trường Cúc để mua thứ mật giọt nguyên chất hoặc muốn mày mò tìm hiểu nghề nuôi ong hoặc để mua chân tầng cùng các dụng cụ khác, không phải từ tấm biển quảng cáo bé tèo teo trên gần ngọn cây bàng kia.
Lần này đến may mắn gặp dịp ông ở nhà. Chao ôi, trông ông chả khác là mấy con người mà tôi cứ mường tượng, cứ hình dung ra ngay từ lần đến trước khi được ngắm nhìn cái cơ ngơi vườn cây, ao cá, lồng chim, giếng nước vừa bình dị lại vừa có cái gì đó thanh cao. Dễ chừng cũng đã xấp xỉ tuổi bảy mươi - vì nghe ông nói là đã nghỉ hưu tám, chín năm nay, mà sức vóc dồi dào là vậy, nước da sạm nắng mà khỏe đẹp nhường kia. Không còn nhớ đã gặp nhau lần nào chưa mà thấy ông như đã thân quen từ lâu. Giọng ông khúc chiết, trầm ấm. Thì ra ông là nhà giáo giảng dạy ở Trường sư phạm - nơi đào tạo ra các nhà giáo. Vợ ông cũng lại là nhà giáo giảng dạy nhiều năm ở Trường phổ thông cơ sở Quang Trung (TP Yên Bái) đã nghỉ hưu hiện nay đang được nhân dân tin yêu giao cho trọng trách tổ trưởng tổ nhân dân khu phố. |
Tôi đến nhà ông Trường Cúc chính bằng sự nổi tiếng của ông từ nhiều năm nay. Cứ theo con ngõ nhỏ hun hút mà đi, càng đi càng có cảm giác như lọt vào giữa một vùng núi non. Những quả đồi rất cao và dốc, cây cối bạt ngàn như nơi thâm sơn cùng cốc. Ngôi nhà xây cấp bốn chìm trong bóng núi là cơ sở nuôi ong Trường Cúc. Khu nhà vắng lặng không thấy bóng người. Tôi đứng ngắm cái ao cá đầy nước rộng thênh thi thoảng lại gợn lên những quầng sóng của đàn cá vờn nhau.
Ở ngay trước cửa nhà là cây mít tố nữ tỏa bóng xuống một cái chuồng chim đại, nửa dưới xây trát bằng xi măng nửa trên là lồng sắt, bầy chim đang đua nhau nhảy hót. Hai bên cổng là những bồn hoa, cây cảnh chẳng lấy gì làm cầu kỳ, chăm tỉa. Căn nhà và cảnh vật thật bình dị, tôi chợt nghĩ hẳn chủ nhà cũng là con người bình dị khiêm nhường muốn được sống cuộc sống tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, đây cũng là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần của chủ nhân. Mải mê quan sát cảnh quan mà hình dung ra chủ nhân thì thấy một người con gái từ giếng nước phía đầu nhà đi về.
- Cô cho tôi hỏi, đây có phải là nhà ông Trường Cúc nuôi ong?
- Dạ phải. Mời bác vào nhà. Cháu là con dâu.
Cô con dâu lấy cái chén quả hồng đặt lên bàn rồi rót đầy mật ong. Chén mật vàng óng sóng sánh tỏa mùi thơm đặc trưng của thứ mật quí.
Thấy vẻ do dự của tôi trước chén mật, cô con dâu bảo:
- Cháu mời bác. Bác cứ tự nhiên. Khách quí đến nhà bao giờ bố mẹ cháu cũng tiếp bằng mật ong. Bố mẹ cháu vắng nhà nhưng không sao ạ. Cháu mời bác!
Cô đặt chén mật ong và lòng bàn tay tôi.
- Thế hôm nay bố cháu đi đâu?
- Bác ơi, bố cháu bận lắm. Suốt ngày cứ “bay” theo mấy đàn ong. Sáng nay có người từ quê Điền Giã, Đại Phạm đưa xe máy lên từ tinh mơ đón bố cháu về quay mật giúp. Nuôi ong vất vả lắm nhưng mà vui lại kinh tế nữa. Những chiếc xe ô tô của chồng cháu, các anh cháu đang làm ăn cũng là từ mật ong mà ra cả đấy, bác ạ. Bác bảo bố cháu nổi tiếng về nghề nuôi ong mật mà chưa nhìn thấy tổ ong nào của nhà cháu à. Nhà cháu nuôi ngay gần đây thôi. Bác có muốn đi xem?
- Thôi được, để khi nào bố cháu về.
Cái tên cơ sở nuôi ong Trường Cúc ở tấm biển quảng cáo treo lơ lửng trên ngọn cây bàng ở đầu ngõ ngoài kia lại không phải là tên ông mà là cái tên ghép của ông tên đầy đủ của ông là Phùng Thọ Trường với tên bà vợ là Cúc. Thế lại hóa ra hay hay và dễ nhớ.
Ông Trường Cúc bảo, tiềm năng nuôi ong mật ở thành phố Yên Bái và của tỉnh này còn lớn lắm. Lúc đầu chả ai nghĩ ở giữa lòng thành phố chỉ có nhà tầng, bê tông, gạch ngói lại nuôi được ong mật. Có thể nghề nuôi ong mật của nhà giáo này được nhen nhóm từ khi đọc, khi giảng thiên tùy bút “Tờ hoa” nổi tiếng của cụ Nguyễn Tuân. Nhà văn nói rằng người ta đánh dấu con ong, theo dõi nó và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó là kết quả của 2 triệu 700 nghìn chuyến bay từ tổ nó đến các nơi có hoa, tính ra theo bước chân người là 8.000.000 cây số đường dài và trong nửa lít mật đóng chai phân chất ra có tới 5 vạn thứ hoa. Từ đấy mà suy ra từ giữa lòng thành phố bay đến những vùng đồi đầy hoa vải, hoa nhãn, hoa bồ đề, hoa cà phê, tử vân anh, đinh lăng… và những cánh đồng hoa cỏ dại, cũng chẳng bao xa so với 8 triệu cây số đường bay đi tìm mật của ong. |
Điều tôi vẫn phân vân, ông là một người nuôi ong nổi tiếng của thành phố Yên Bái mà đến nơi vẫn chưa nhìn thấy những thùng ong, đõ ong của ông đặt ở đâu trong cái thế ba bề bốn bên là núi, là đồi dựng đứng thế kia. Tôi đã nói sự phân vân với người con dâu của ông. Bây giờ đã rõ, ông Trường Cúc dẫn tôi đi xem.
- Tôi đặt những thùng ong của tôi ở đây, ở hai ẻ núi hai phía đầu nhà. Đặt ong ở đây an toàn, trên là rừng cây đồi dốc dựng đứng, người ngoài khó mà vào được, lại mát mẻ. Những cây to đùng trên kia là giàng giàng, mít và trám xanh. “Trám bùi để rụng, măng mai để già” là thứ trám này đấy. Đặt thùng ong ở đây hơi kích nhưng cũng có tới sáu, bảy chục đàn ong đấy, bác ạ.
Thì ra cơ man nào là đõ ong, nó ẩn dưới bóng núi nên thoạt nhìn không thấy. Thùng ong vuông vức, lại có những đôi chân rất mảnh. Mỗi thùng ong được đậy bằng một tàu lá cọ. Không biết ông Trường Cúc kiếm đâu ra những tàu lá cọ rất đều nhau không to quá chỉ đủ vừa che kín thùng ong. Che bằng lá cọ mưa không sợ ướt, khi nắng lại mát mẻ. Những thùng ong được xếp thành từng hàng, từng hàng một, những tàu cọ bên trên cũng được xếp một cách chủ tâm đều tăm tắp theo một hướng, cuống đi một phía, đuôi lá đi một phía. Nhìn những thùng ong xếp thành hàng cứ cao dần cao dần lên phía đồi vừa giống những chiến binh rô bốt thời hiện đại lại vừa giống những chiến binh thời cổ bởi những tấm áo choàng lá cọ khoác trên lưng đang hàng hàng, lớp lớp tiến về phía trước.
Mùa hoa đã vãn, những con ong thợ đang hối hả bay đi để tận dụng hết mùa hoa cuối cùng trong năm trước khi vào vụ nghỉ đông. Trông thế thôi nhưng có tới sáu, bảy chục đàn. Đây chưa phải thời điểm cao nhất bởi có năm gia đình ông nuôi tới cả trăm đàn. Mỗi vụ thu được từ sáu bảy tạ đến hơn tấn mật là chuyện bình thường. Một gian của ngôi nhà chính được xây ngăn đôi, một bên là mật đã được đóng vào chai. Một gian là những chiếc can to đầy mật xếp chen chúc cạnh nhau.
Ông Trường Cúc vỗ vào những can mật sóng sánh mầu hổ phách bảo:
- Đã nuôi ong phải thu được hàng chục can, hàng trăm chai như thế này chứ vài can vài chục chai thì nuôi làm gì, chả bõ.
Xuống khu nhà ngang bên cạnh cũng lại cơ man nào là những thùng ong đóng sẵn, là chân tầng, là những dụng cụ cần thiết cho nghề nuôi ong. Ai cần đõ ong, ai cần chân tầng ông sẵn sàng chia sẻ.
Thành phố Yên Bái có mấy chục người trong hội nuôi ong nhưng nếu tính ở khắp các ngõ ngách phải có tới trăm người nuôi ong mật. Ông Trương Bá Mãn, Nguyễn Bá Giao, Kiều Việt Nguyên mới vào nghề, mỗi năm cũng đã thu được vài tạ mật.
Ông Hanh cũng là những người mới mà đã đưa qui mô đàn ong mật lên tới 30-40 đàn một năm đã có bốn năm tạ mật cũng thu được ba bốn chục triệu đồng. Lần đến thăm ông Hanh, ông cũng tiếp tôi bằng mật ong thay cho chén nước chè. Cơ sở nuôi ong Trường Cúc trở nên nổi tiếng từ nhiều năm nay nhưng nếu xếp theo qui mô đàn ong và kinh nghiệm tay nghề phải kể đến ông Tự - Chủ tịch Hội nuôi ong ở mãi bên trường nông nghiệp, rồi đến ông Nguyễn Văn Biên, ông Phạm Tính v.v…
Lấy thời giá hiện nay 100.000 đồng/kg mật ong, tính ra một năm thành phố này thu về bao nhiêu là tiền. Ấy là tính về giá trị nhưng nếu tính về giá trị sử dụng còn quí hơn nhiều.
Ông Trường Cúc tâm sự: “Bác thử nghĩ mà xem từ đất mọc lên ngàn vạn loài hoa ngàn vạn màu sắc khác nhau. Như vậy hoa là tinh túy của đất còn mật hoa lại là tinh túy của hoa. Mật hoa được một sinh vật nhào luyện, nung lên thành thứ mật ong, có phải mỗi giọt mật là một giọt tinh túy của đất trời ban tặng con người? Giữa rừng đầy hoa, đầy bướm, đầy ong. Đàn bướm lộng lẫy phù phiếm cũng bay vào hoa mà chẳng để lại gì, chỉ có ong bay vào hoa để làm ra mật. Có hơn 80.000 loại côn trùng riêng chỉ có loài ong - loài động vật kỳ lạ nhất trên thế giới làm ra mật cung cấp cho con người”.
Ông Trường Cúc nói rằng nhiều nhà khoa học từ xưa tới nay đã nghiên cứu và nhìn ra sự kỳ diệu của mật ong đối với con người, từ sự bồi bổ sức lực đến chữa bệnh bởi những thành phần quí hiếm trong mỗi giọt mật - Và đời sống con ong để lại cho con người một bài học về kiên nhẫn, cần lao, về tích lũy và sáng tạo.
Nói về sự kỳ diệu của mật ong, giờ tôi lại nhớ ra chuyện Giáo hoàng La Mã Pie đời thứ 12 lúc ấy đã 80 tuổi bị bệnh viêm phổi. Tính mạng Giáo hoàng như ngàn cân treo sợi tóc. Tất cả các danh y nổi tiếng Vatican hội chẩn và cho rằng bệnh tình Giáo hoàng rơi vào thế tuyệt vọng. Trong tình huống đó, danh y trưởng Galiachily quyết định biện pháp cuối cùng điều trị cho Giáo hoàng bằng chính mật ong. Thật kỳ diệu, Giáo hoàng vượt qua nguy kịch, sức khỏe dần dần hồi phục. Bốn năm sau tại hội nghị thế giới về nuôi ong ở Viên (Áo) Giáo hoàng phát biểu: Tôi sống lại và hồi phục sức khỏe nhờ sự kỳ diệu của mật ong.
Trước mắt tôi vạn, vạn những con ong thợ hối hả bay đi và vạn vạn những con ong thợ bay về mang đầy phấn hoa ở chân và đang nung luyện, chế tạo những hạt mật kỳ diệu để dâng hiến cho con người.
Hải Đường
Các tin khác
YBĐT - Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối bao năm ở Yên Thành nay đã từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Niềm vui, hạnh phúc lại trở lại với bao mái nhà.
YBĐT - Ở xã Quy Mông (Trấn Yên), những tiềm năng, lợi thế của một địa phương vốn nhiều khó khăn đang được khơi dậy. Một không khí làm ăn nhộn nhịp đang diễn ra trên địa bàn, tạo bước chuyển để bứt phá trong những năm tới. Song nơi này như đang cần một cú hích nhằm tạo động lực để bật dậy đi lên bền vững.
YBĐT - Trên đỉnh núi cao lạnh giá, những thôn bản nằm heo hút giữa núi rừng đang bừng sáng lên bởi những giáo viên ngày đêm “cắm bản” để gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em đồng bào dân tộc Mông.
YBĐT - Sắn trong vườn, ven đường, sắn lên đồi, sắn sang sông, lên núi, vào rừng nguyên liệu giấy, thậm chí vào cả diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Sắn lấn át cây chè, quế, cây nguyên liệu giấy, là những loại cây mà huyện đã xác định là cây trồng chủ lực một thời.