Rừng xanh trên bản người Mông

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/10/2011 | 3:05:15 PM

YBĐT - Mùa thu là thời tiết thích hợp nhất cho mùa trồng rừng ở Mù Cang Chải. Những cánh rừng hỗn giao trồng thông với sơn tra đang hồi sinh trên những mảnh nương mà trước đây người Mông đã phát đi để canh tác.

Cán bộ Ban QLRPH Mù Cang Chải kiểm tra rừng phòng hộ tại xã Mồ Dề.
Cán bộ Ban QLRPH Mù Cang Chải kiểm tra rừng phòng hộ tại xã Mồ Dề.

Già Giàng Chử Ly ở bản Tà Ghênh là một người Mông trồng rừng giỏi nhất của xã Nậm Có. Trong vòng 5 năm từ năm 2006 đến nay, già Ly đã trồng 20 ha rừng phòng hộ, đồng thời cũng bảo vệ tốt những cánh rừng của mình không bị cháy, không bị gia súc phá hại. Chính từ những chuyển biến trong nhận thức của người Mông như già Ly đã góp phần làm hồi sinh những cánh rừng ở vùng cao Mù Cang Chải.

Mất trộm… vẫn vui

Mùa thu là thời tiết thích hợp nhất cho mùa trồng rừng ở Mù Cang Chải. Những cánh rừng hỗn giao trồng thông với sơn tra đang hồi sinh trên những mảnh nương mà trước đây người Mông đã phát đi để canh tác.

Câu chuyện của anh Nguyễn Hoàng Sơn - Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mù Cang Chải về chuyện mất trộm thật lạ, bị người ta ăn trộm mất cây giống chuẩn bị trồng rừng mà vẫn cười tươi như hoa. Chuyện là: đơn vị làm bầu ươm thông với sơn tra để chuẩn bị trồng 19 ha rừng phòng hộ tại bản Đá Đen, xã Nậm Có, trước hôm đưa cây lên rừng, mấy trăm bầu sơn tra đã không cánh bay mất, điều tra thì hoá ra là dân bản Đá Đen đã tranh thủ “trộm một ít” về trồng. Anh em làm kỹ thuật tuy ngoài mặt thì kêu mất trộm nhưng trong lòng thì vui như mở cờ. Bởi lẽ, sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động thì nay nhận thức của bà con đã bắt đầu chuyển biến, đó thực sự là một tín hiệu vui.

Để làm tốt công tác vận động, thì một điều không thể thiếu đối với cán bộ kỹ thuật của BQLRPH Mù Cang Chải là phải biết tiếng Mông. Anh Phạm Văn Tính, cán bộ của Ban cho biết: "Mình phải biết tiếng Mông để còn nghe, biết được người dân có đồng tình hay không, có yêu cầu, khó khăn gì. Từ đó, từng bước tháo gỡ hoặc giải thích cặn kẽ cho dân hiểu. Như vậy thì công tác tuyên truyền, vận động mới có hiệu quả".

Hồi sinh

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải nhận giống thông lá kim về trồng.(Ảnh: A Mua)

Những câu chuyện của cán bộ BQLRPH Mù Cang Chải đã làm cho thời gian 2 giờ đồng hồ đi bộ lên bản Đá Đen qua đi nhanh chóng. Đá Đen so với các bản như: Tà Ghênh, Tu San, Làng Giàng... là gần nhất, ngày nắng thì có thể đi xe máy lên tận bản nhưng ngày mưa thì chỉ có thể cuốc bộ. Để thuận lợi cho công tác trồng rừng, BQLRPH Mù Cang Chải đã làm vườn ươm tạm thời ngay tại đầu bản. Tuy vậy để đưa cây lên rừng thì người dân vẫn phải gùi thêm 40 phút nữa mới lên được đến địa điểm trồng. Khó khăn là vậy nhưng 19 ha rừng phòng hộ năm 2011 ở đây đã được trồng mới đúng quy cách theo hồ sơ thiết kế, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm xã Nậm Có trồng mới từ 200 - 300 ha rừng phòng hộ. Điển hình trong phong trào trồng rừng là già Giàng Chử Ly, bản Tà Ghênh, trong vòng 5 năm trở lại đây năm nào ông cũng nhận trồng 4 ha trở lên, vì vậy đến nay ông đã có 20 ha rừng.

Ông tâm sự: "Trồng rừng có nhiều cái lợi, vừa  bảo vệ môi trường lại có thu nhập, một số diện tích sơn tra trồng năm thứ 4 đã chuẩn bị được hái quả, đó sẽ là nguồn thu rất lớn". Bản Tà Ghênh cán bộ cùng với sự vận động của già Ly mỗi năm trồng mới được trên 100 ha rừng phòng hộ, riêng năm 2011 cả bản trồng được 51 ha chiếm 1/4 tổng diện tích trồng mới của cả xã Nậm Có.

Xã Mồ Dề là một trong những xã làm khá tốt công tác trồng rừng. Bí thư Đảng uỷ xã - Sùng A Chinh cho biết: "Công tác trồng rừng được cụ thể hoá bằng nghị quyết của xã, do vậy tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện. Chúng tôi phấn đấu nhiệm kỳ 2010- 2015, mỗi năm trồng mới 300 ha, và phấn đấu mỗi hộ dân có từ 500 đến 1.000 gốc sơn tra".

Không chỉ ở Nậm Có, nhiều xã của Mù Cang Chải phong trào trồng rừng đang phát triển rất mạnh. Xã Mồ Dề là một trong những xã làm khá tốt công tác trồng rừng. Bí thư Đảng uỷ xã - Sùng A Chinh cho biết: "Công tác trồng rừng được cụ thể hoá bằng nghị quyết của xã, do vậy tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện. Chúng tôi phấn đấu nhiệm kỳ 2010- 2015, mỗi năm trồng mới 300 ha, và phấn đấu mỗi hộ dân có từ 500 đến 1.000 gốc sơn tra". Được biết, riêng năm 2011 ngoài kế hoạch trồng mới 217 ha rừng phòng hộ, xã Mồ Dề còn vận động nhân dân trồng 6 vạn cây sơn tra. Đến nay, rất nhiều hộ có trên 500 gốc sơn tra.

Trưởng bản Háng Phừ Loa - Giàng Su Giàng tâm sự: "Dân bản ủng hộ và tham gia nhiệt tình vào công tác trồng rừng, vì nhận trồng diện tích nào sẽ được giao quản lý, bảo vệ diện tích đó, sau này sản phẩm từ cây sơn tra mình lại được thu". Giá trị cây sơn tra trong vài năm trở lại đây rất cao. Bình thường năm thứ 5 cây sơn tra đã bắt đầu ra quả, nhưng quả nhiều phải đến năm thứ 8. Tính trung bình một gốc sơn tra trên trên 8 năm tuổi cho thu hoạch khoảng 1 tạ quả, với giá trung bình 6 nghìn đồng/kg người dân đã có 600 nghìn đồng một gốc sơn tra, đây là nguồn thu rất lớn góp phần xoá đói giảm nghèo cho người Mông ở vùng cao.

Còn đó những nỗi lo

Mỗi năm Mù Cang Chải trồng mới trên 800 ha rừng phòng hộ, với hai loại cây chính là thông và sơn tra. Để phù hợp với điều kiện, tập quán của người dân cũng như đảm bảo lợi ích thì toàn bộ diện tích trồng mới sẽ được giao lại cho các hộ nhận trồng quản lý bảo vệ. Cách làm này đã phát huy được tính tự giác của mỗi người dân. Tuy nhiên, ở vùng cao tập quán thả rông gia súc trên rừng vẫn chưa bỏ được, nhiều diện tích rừng phòng hộ đã trồng năm 1, năm 2 bị trâu phá hại.

Bên cạnh đó, mặc dù đã định cư nhưng với mỗi người Mông thì tập quán du canh, du cư vẫn chưa xoá bỏ được trong tiềm thức. Việc phát nương làm rẫy như là điều gì đó tất yếu trong đời sống của họ, bởi vậy, trồng lại rừng trên những diện tích mà trước đây chính họ, cha ông họ đã phát đi cũng giống như buộc họ phải làm một điều gì đó đi ngược với tập quán lâu đời của mình. Đây thực sự vẫn đang là bài toán khó nhất trong công tác vận động đồng bào Mông tích cực tham gia trồng rừng phòng hộ ở vùng cao.

Anh Dũng

Các tin khác
Ông Phùng Thọ Trường kiểm tra tầng ong trước khi vào vụ nghỉ đông.
(Ảnh: Văn Thông)

YBĐT - Ông Trường Cúc bảo, tiềm năng nuôi ong mật ở thành phố Yên Bái và của tỉnh này còn lớn lắm. Lúc đầu chả ai nghĩ ở giữa lòng thành phố chỉ có nhà tầng, bê tông, gạch ngói lại nuôi được ong mật.

Gia đình yên vui, hạnh phúc giúp phụ nữ người Dao - Yên Thành yên tâm lao động, sản xuất. (Trong ảnh: Các thành viên CLB “Gia đình không bạo lực” đan rọ tôm).

YBĐT - Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối bao năm ở Yên Thành nay đã từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Niềm vui, hạnh phúc lại trở lại với bao mái nhà.

Diện tích trồng đao riềng ở xã Quy Mông đã đạt tới 32 ha.

YBĐT - Ở xã Quy Mông (Trấn Yên), những tiềm năng, lợi thế của một địa phương vốn nhiều khó khăn đang được khơi dậy. Một không khí làm ăn nhộn nhịp đang diễn ra trên địa bàn, tạo bước chuyển để bứt phá trong những năm tới. Song nơi này như đang cần một cú hích nhằm tạo động lực để bật dậy đi lên bền vững.

Một lớp học ghép của học trò dân tộc Mông ở điểm trường Giàng Pằng.

YBĐT - Trên đỉnh núi cao lạnh giá, những thôn bản nằm heo hút giữa núi rừng đang bừng sáng lên bởi những giáo viên ngày đêm “cắm bản” để gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em đồng bào dân tộc Mông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục