Vì sao bác sĩ… bỏ đi?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2011 | 3:02:43 PM

YBĐT - Trong những năm gần đây, nguồn lực y tế tuyến xã (gồm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trang thiết bị tại các trạm y tế xã) trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ y tế xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) đi phòng chống dịch bệnh ở cơ sở. (Ảnh: Sùng A Hồng)
Cán bộ y tế xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) đi phòng chống dịch bệnh ở cơ sở. (Ảnh: Sùng A Hồng)

Từ việc cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã xuống cấp đến nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn cơ bản đều yếu và thiếu…

Từ nguồn nhân lực yếu và thiếu

Hiện nay, toàn tỉnh có 992 cán bộ y tế xã, trong đó chỉ có 86 bác sỹ,  1 dược sĩ đại học, 387 y sỹ, 11 kỹ thuật viên y, 64 dược sĩ trung học, 209 điều dưỡng, 222 nữ hộ sinh,  1 dược tá; trình độ đại học có 91 chiếm 9,2%, cao đẳng 1 chiếm 0,1%, trung cấp 801 chiếm 80,7%, sơ cấp 99 chiếm 9,9%; số xã có có bác sỹ là 88 chiếm 48,89%, số xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh 177 chiếm 98,33%...

Với số lượng cán bộ, nhân viên y tế này, nếu theo Thông tư 08 Liên bộ Y tế - Nội vụ thì tỉnh Yên Bái còn thiếu tới 123 cán bộ y tế xã, chưa kể đến những xã có số dân trên 1.000 người phải tăng thêm một cán bộ y tế. Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là việc các bác sỹ không về xã, bằng nguồn kinh phí của ngành, sau đào tạo về đúng địa chỉ, nhiều người đã chuyển sang ngành khác, tỉnh khác hoặc chuyển lên tuyến huyện, tỉnh thậm chí là bỏ việc.

Chị Lưu Thị Xuyến - Phó trưởng Trạm Y tế xã Minh Quán (Trấn Yên) cho biết: “Đáng lẽ, thời điểm này, Trạm chúng tôi đã có một bác sỹ, song đồng chí ấy học xong đã chuyển công tác nên hiện nay, chúng tôi vẫn thiếu bác sỹ”.

Trạm Tấu tuy là huyện vùng cao song 12/12 xã, thị trấn đều có trạm y tế. Bác sỹ Đào Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “ Hiện, toàn huyện mới có 60 cán bộ y tế (đạt mức tối thiểu), trong khi đó hệ thống y tế tuyến xã mới chỉ có 1 bác sỹ. Đối với biên chế cán bộ y tế thì thiếu nhiều so với Thông tư 08 bởi một trạm y tế xã quy định phải có từ 5 cán bộ trở lên và vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì phải tương đương với 6,5 cán bộ/ trạm. Đó là chưa kể đến chất lượng của cán bộ y tế xã. Trước đây, nhiều cán bộ y tế xã không có bằng cấp, huyện đã phải chủ động cử đi học các lớp sơ cấp từ 6 đến 8 tháng, tuy nhiên do trình độ văn hóa của họ mới chỉ đến lớp 3 và 4 chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc chẩn đoán, kê đơn thuốc điều trị cho bệnh nhân tại các trạm y tế chưa hợp lý, năng lực quản lý ở các trạm cũng yếu…”.

Bác sỹ Vũ Xuân Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho biết thêm: “Theo chuẩn quốc gia y tế xã, mỗi trạm y tế phải có một bác sỹ, song bác sỹ ở các trạm y tế xã vẫn còn thiếu. Chúng tôi đã tạo điều kiện để cán bộ tuyến xã đi học trình độ bác sỹ nhưng học xong họ lại chuyển công tác. Theo tôi, khi các bác sỹ được đào tạo về các trạm y tế xã thì tại đây cơ sở vật chất làm việc không đáp ứng được nhu cầu, khi có bác sỹ thì lại không đúng chuyên khoa… dẫn đến việc chuyển tuyến”.

Hiện nay, nguồn cán bộ có trình độ bác sỹ ở tỉnh Yên Bái còn rất hạn chế nên việc tuyển dụng bác sỹ công tác tại trạm y tế xã còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách thu hút cán bộ chưa phù hợp nên số cán bộ có trình độ bác sỹ chưa thực sự yên tâm công tác tại tuyến xã, đặc biệt là các trạm y tế xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Cán bộ y tế xã Yên Thành (huyện Yên Bình) khám bệnh cho trẻ em.

Đến cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp

Tính đến thời điểm hiện tại, cả 180/180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trạm y tế hoạt động, trong đó trạm y tế xã lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực là 13, còn độc lập là 167; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) là 149/180. Về cơ sở vật chất, 165/167 trạm y tế có nhà làm việc, 2 trạm đang làm việc nhờ đơn vị khác (Trạm Y tế xã Hát Lừu, Trạm Tấu làm việc nhờ trường học, Trạm Y tế thị trấn Nông trường Trần Phú của huyện Văn Chấn làm việc nhờ UBND thị trấn).

Những trạm có nhà làm việc được xây dựng ít nhất một khu nhà, tuy nhiên đa số chưa đủ số phòng làm việc và các công trình phụ trợ theo quy định. Hầu như khối nhà chính của các trạm y tế xã (kể cả xây mới) chỉ được xây 4 đến 5 gian, các công trình phụ trợ như: nhà bếp, nhà kho, nhà tiêu, tường rào, sân phơi, đường vào hầu như không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và tiêu chuẩn của CQGVYTX.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả 180/180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trạm y tế hoạt động, trong đó trạm y tế xã lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực là 13, còn độc lập là 167; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) là 149/180. Về cơ sở vật chất, 165/167 trạm y tế có nhà làm việc, 2 trạm đang làm việc nhờ đơn vị khác (Trạm Y tế xã Hát Lừu, Trạm Tấu làm việc nhờ trường học, Trạm Y tế thị trấn Nông trường Trần Phú của huyện Văn Chấn làm việc nhờ UBND thị trấn).
Trong 6 năm thực hiện CQGVYTX, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư như: 25 trạm y tế được xây dựng mới (năm 2010 có 8 trạm), từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau: ngân sách tập trung, Chương trình 135, Dự án Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Chia sẻ và Tổ chức Tầm nhìn thế giới, các nhà từ thiện…; 91 trạm y tế được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn ngân sách tập trung của Đề án CQGVYTX; 97 trạm y tế được đầu tư kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó có 60 trạm được xây mới công trình vệ sinh, nước sạch; mua bổ sung trang thiết bị y tế cho 121 trạm y tế, đảm bảo có đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu…

Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Dự án tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở tỉnh Yên Bái, tháng 1/2011 toàn tỉnh mới chỉ có 10 trạm y tế xã có từ 9 phòng làm việc trở lên, còn lại 157 trạm có từ 5 đến 8 phòng. Về trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã, 167 trạm y tế xã độc lập và 13 trạm y tế lồng ghép đều chưa có đủ trang thiết bị theo quy định; một số dự án đầu tư bổ sung một phần trang thiết bị như: chương trình xóa xã trắng, Dự án UNFPA, SCJ… song, các trang thiết bị được cung cấp từ nhiều nguồn, nhiều thời gian khác nhau nên đã bị hư hỏng; hầu hết các trạm y tế xã chỉ có các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân; các trang thiết bị chuyên môn như: xét nghiệm, hệ thống o xy, thiết bị các chuyên khoa tai, mũi, họng, răng, hàm, mặt, y học cổ truyền và thiết bị chống nhiễm khuẩn, hệ thống xử lý chất thải y tế… chưa được đầu tư.

Bác sỹ  Vũ Xuân Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên chia sẻ: “Các xã đã được xây dựng nhà cấp 4 nhưng do sử dụng lâu năm nên đã xuống cấp. 90% số trạm y tế xã của huyện Trấn Yên hiện nay đều xuống cấp và mỗi trạm chỉ có 5 đến 6 phòng, rất chật chội, nhiều nơi đã dột nát. Ngoài những trang thiết bị khám chữa bệnh thông thường thì các máy như siêu âm, điện tim, trang thiết bị cho y học cổ truyền mới chỉ có 3/22 trạm y tế xã có”.

Giải pháp

Tiến sỹ, Thầy thuốc ưu tú Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “ Nguyên nhân cơ bản do thiếu nguồn lực đầu tư cho các trạm y tế xã nên một số trạm y tế xã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, mới chỉ tập trung  xây dựng khối nhà chính, chưa có điều kiện  xây dựng các công trình phụ trợ và trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân…”.

Được biết, để giải quyết tình trạng yếu và thiếu nguồn lực cho y tế tuyến xã, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường hơn nữa sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thông qua các quyết sách về đầu tư, các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút, khuyến khích cán bộ có trình độ cao gồm: bác sỹ, dược sỹ đại học… về công tác tại tuyến xã; xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tranh thủ các nguồn lực từ các dự án, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được các cán bộ có trình độ chuyên môn cao về các xã trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chính sách đãi ngộ cho hoạt động của ngành y tế còn hạn chế? Nếu như vấn đề thu hút nhân lực là cần thiết thì sao chúng ta không đào tạo chính những cán bộ tại cơ sở lên? Đồng thời cần phải có chế tài, cũng như quy định cần thiết để họ có thể yên tâm công tác tại trạm.

Một thực tế từ trước đến nay, cán bộ y tế tại các trạm đã được cử đi đào tạo, nâng cao thành các bác sỹ nhưng về cơ sở họ lại chuyển tuyến vì rất nhiều lý do. Một trạm y tế xã đảm bảo tiêu chuẩn với đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân là điều kiện cần và đủ hơn bao giờ hết để tạo niềm tin cho người bệnh và sự yên tâm công tác của tất cả đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Sinh hoạt chi bộ ở thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Giờ dạy của các giảng viên tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về trách nhiệm của mình với việc chuyển đổi nhận thức cho đồng bào vùng cao...

Trong giờ học chính khoá của các em học sinh ở vùng cao Mù Cang Chải.

YBĐT - Ở huyện Mù Cang Chải, có dòng họ người Mông hiếu học nổi tiếng, được bà con dân bản trong và ngoài huyện học tập và làm theo. Đó là dòng họ Giàng định cư tại xã Chế Tạo - một xã cách trung tâm huyện lỵ khoảng 40 km, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.

Viêng Chăn - Ngày trước thủ đô Viêng Chăn nằm trong tỉnh Viêng Chăn.

YBĐT - “Không ai ngăn cản được tình hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước với tình đoàn kết hữu nghị đời đời bền vững…”

Rừng Nà Hẩu được bảo vệ phát triển tốt.

YBĐT - Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Giêng (Âm lịch), người Mông ở xã Nà Hẩu lại tưng bừng tổ chức lễ hội cúng rừng. Đây là một trong những nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân Nà Hẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục