Trước niên vụ 2011 ở Nhà máy sắn Văn Yên:

Dấu cộng của liên kết công - nông

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/11/2011 | 9:03:43 AM

YBĐT - Cây sắn cao sản đã và đang khẳng định được vị trí trên vùng đất dốc, cùng mối liên kết công - nông bền vững giúp đem lại thu nhập cho người nông dân thêm dấu cộng cho diện mạo mới của nông thôn vùng cao. >>Cần quy hoạch vùng sản xuất sắn

Cán bộ kỹ thuật Nhà máy kiểm tra chất lượng sắn tươi trước khi đưa vào sản xuất.
Cán bộ kỹ thuật Nhà máy kiểm tra chất lượng sắn tươi trước khi đưa vào sản xuất.

Đợt gió lạnh đầu mùa khiến những đồi sắn ở Văn Yên bắt đầu vàng lá, chất tinh bột dồn xuống củ, báo hiệu một mùa thu hoạch mới. Dọc hai bên đường Yên Bái - Khe Sang, hàng loạt lò sấy thủ công của nông dân còn thơm mùi vôi vữa để đón vụ sắn mới.

Chúng tôi đến Nhà máy sắn Văn Yên (SAVY) vừa lúc nhà máy dồn sức cho sửa chữa lớn để chạy ca máy đầu tiên trong niên vụ mới, những công nhân hối hả lắp đặt hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới, đoạn tuyệt hẳn với việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Để Nhà máy thân thiện với môi trường

Trong bộ quần áo bảo hộ lao động, đầu đội mũ tai bèo, kỹ sư Nguyễn Quốc Trinh - Giám đốc SAVY cùng gần ba chục công nhân khẩn trương lắp đặt hệ thống hâm nóng nước thải. Đây là sáng kiến mới do chính những công nhân Nhà máy đã tự chủ trong sản xuất, lắp đặt theo phương pháp tận dụng nhiệt từ khí thải, giúp tăng nhiệt độ từ 5 - 7 độ trong điều kiện môi trường xuống thấp, giúp các men vi sinh vật trong hồ sigas sinh sôi phát triển.

Ngay trong buổi sáng, hai máy kéo công suất lớn cùng bằng ấy con người kéo những tấm bạt nhựa HDPE lớn có chiều dài trên 100m phủ kín mặt hồ chứa nước thải số 2 có thể tích 50.000 m3 rộng như một sân bóng đá, hồ chứa dưới sự hoạt động của men vi sinh tạo ra khí biogas vừa thu hồi về đốt sấy khô tinh bột sắn vừa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Quyết định đầu tư chiều sâu xử lý nước thải công nghiệp với tổng kinh phí lên tới 4 tỷ đồng giữa Nhà máy SAVY với các chuyên gia tư vấn công nghệ về xử lý môi trường do Công ty TNHH Kỹ thuật biogas công nghiệp Lê Ga, có trụ sở tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam là bước đi táo bạo, nhằm gắn bó lâu dài với nông dân vùng nguyên liệu sắn Văn Yên. Qua đó, nước thải được xử lý triệt qua các hồ sigas đủ 45 ngày mới trả về môi trường.

Trước đó, Nhà máy SAVY đã đầu tư hồ sigas số 1 có dung tích chứa 100.000 m3, tổng kinh phí xây lắp hơn ba tỷ đồng nhưng do thời gian nghỉ giữa vụ kéo dài 5 tháng, các men vi sinh trong hồ chứa bị chết nhiều nên việc tạo khí mê tan kém hiệu quả, dung tích hồ chứa chưa đủ dung lượng lưu tích theo thiết kế, do vậy không bảo đảm thời gian lưu tích và xử lý nước thải đủ 45 ngày trước khi thải ra môi trường.

Ngày 28/4/2011, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 456/QĐ-UB yêu cầu Nhà máy SAVY tạm dừng sản xuất để khắc phục hệ thống nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Theo ông Trần Công Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái thì Nhà máy Sắn Văn Yên có diện tích 15,4 ha đã dành phần lớn diện tích đất cho xây dựng hai hồ chứa nước thải 150.000 m3; các hồ điều hoà, hồ sinh thái trước khi thải ra môi trường có diện tích lên đến 5 ha.

Xung quanh Nhà máy đều có cây xanh thân thiện với môi trường, các hồ sinh thái được trồng cây thuỷ sinh dưới hồ nhằm tiêu huỷ các chất gây ô nhiễm còn dư trong nước thải. Nhà máy SAVY còn dành một quĩ đất thích hợp, phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông huyện Văn Yên để thử nghiệm các loại sắn cao sản mới, nhằm trồng gối vụ giúp Nhà máy có nguyên liệu đầu vào để sản xuất liên tục.

Sự cải tiến của hai hồ sigas tạo ra lượng khí mê tan đủ cung ứng năng lượng đốt lò sấy, tiết kiệm hơn với việc sử dụng dầu đốt như thiết kế ban đầu. Nếu một tấn sản phẩm theo thiết kế dùng 81 lít dầu FO tiêu tốn hơn 1,2 triệu đồng thì nay sử dụng khí biogas chỉ phải chi phí 300 ngàn đồng/tấn, nghĩa là tiết kiệm được 900 ngàn đồng/tấn sản phẩm.

Do vậy đã hạ giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đưa thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 3,5 triệu đồng/tháng, mọi quyền lợi của công nhân đều được quan tâm, bảo đảm tốt.

 

Công nhân lắp đặt dây chuyền thu hồi nhiệt ở Nhà máy Sắn Văn Yên.

Liên kết công - nông bền vững

Qui hoạch vùng sắn hàng năm của tỉnh là 13.500 ha nhưng những năm gần đây thị trường sôi động nên nông dân đã trồng vượt diện tích rất nhiều. Việc trồng sắn cao sản khiến cho độ bạc màu của đất khá lớn, nếu không có canh tác bền vững thì lợi bấp cập hại trong việc phát triển cây công nghiệp này. Nhà máy SAVY đã cùng chính quyền 9 xã trong vùng nguyên liệu thực hiện ký cam kết canh tác bền vững.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của cán bộ khuyến nông huyện, những đồi sắn tại các xã: Quang Minh, An Bình, Đông Cuông, Tân Hợp, Yên Thái... đều trồng cây xanh trên đỉnh, trồng xen thảm cây cốt khí, trồng xen đỗ, lạc, san gạt đường băng chống xói mòn...

Do vậy, những đồi sắn cao sản KM94, KM60, HN124... đều cho năng suất cao, bình quân mỗi ha đạt từ 20 đến 30 tấn. Năm 2010 Nhà máy SAVY đã xuất hơn 50 tỷ đồng thu mua sắn củ trong dân với giá 200 ngàn đồng/tạ, đạt kế hoạch sản xuất đã đề ra.

Bí thư Đảng uỷ xã Quang Minh - Đặng Phúc Vạn phấn khởi cho biết: “Xã mình trồng được hơn 600 ha sắn, nhờ làm tốt việc canh tác bền vững trên đất dốc nên năm trước toàn xã bán cho Nhà máy hơn 12.000 tấn sắn củ, dân mình thu về nhiều tiền để xây nhà, mua xe máy, nuôi con em đi học tại các trường trong tỉnh. Sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả giữa Nhà máy với nông dân trong xã được nhà máy "thưởng nóng"cho xã 116 triệu đồng là tín hiệu vui trong liên kết bền vững công- nông  ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bước vào vụ sản xuất 2011- 2012, do những biến động của nền kinh tế thế giới nên Nhà máy Sắn Văn Yên dự tính giá thu mua sắn củ tươi trong dân từ 130 ngàn đến 150 ngàn đồng/tạ, bảo đảm thu mua hết sản phẩm cho nông dân có nhu cầu không kể ngày đêm.

Với một tỉnh miền núi như Yên Bái, hàng chục năm loay hoay thử nghiệm "nuôi con gì, trồng cây gì" thì cây sắn cao sản đã và đang khẳng định được vị trí trên vùng đất dốc, cùng mối liên kết công - nông bền vững  giúp đem lại thu nhập cho người nông dân thêm dấu cộng cho diện mạo mới của nông thôn vùng cao.

Nguyễn Thanh

Các tin khác
Trạm xử lý chất thải lỏng 4 khoang hiện chỉ còn 2 khoang hoạt động.

YBĐT - Việc hệ thống xử lý rác thải y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hàng ngày đang phải “gồng mình” xử lý khối lượng lớn rác thải là điều đáng phải suy nghĩ và lo ngại hiện nay.

Cán bộ y tế xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) đi phòng chống dịch bệnh ở cơ sở. (Ảnh: Sùng A Hồng)

YBĐT - Trong những năm gần đây, nguồn lực y tế tuyến xã (gồm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trang thiết bị tại các trạm y tế xã) trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn.

Sinh hoạt chi bộ ở thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Giờ dạy của các giảng viên tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về trách nhiệm của mình với việc chuyển đổi nhận thức cho đồng bào vùng cao...

Trong giờ học chính khoá của các em học sinh ở vùng cao Mù Cang Chải.

YBĐT - Ở huyện Mù Cang Chải, có dòng họ người Mông hiếu học nổi tiếng, được bà con dân bản trong và ngoài huyện học tập và làm theo. Đó là dòng họ Giàng định cư tại xã Chế Tạo - một xã cách trung tâm huyện lỵ khoảng 40 km, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục