Còn lại sau cơn bão AIDS

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/12/2011 | 3:00:41 PM

YBĐT - Thành phố Yên Bái đã thành lập 10 câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người nhiễm “H” và cộng đồng về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Thành ủy Yên Bái (người ngồi giữa) thăm hỏi gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS tại phường Yên Thịnh. (Ảnh: Thanh Nghị)
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Thành ủy Yên Bái (người ngồi giữa) thăm hỏi gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS tại phường Yên Thịnh. (Ảnh: Thanh Nghị)

Người ta đã biết đến sức tàn phá ghê ghớm của những cơn bão trong tự nhiên. Song ít ai ngờ rằng, dẫu chỉ ngấm ngầm len lỏi qua mỗi làng quê, ngõ xóm nơi thành phố núi Yên Bái vốn bình yên, bão AIDS đang từng giờ cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, huỷ hoại nhiều cuộc đời, lấy đi quyền sống của không ít người khi tuổi đời còn phới phới sức xuân. Đáng thương hơn cả trong số họ là phụ nữ và trẻ em - những nạn nhân vô tội và bất hạnh.

Nơi bão AIDS đi qua

Gọi thành phố Yên Bái là điểm xoáy của bão AIDS, bởi sau trường hợp phát hiện nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên địa bàn vào ngày 24/9/1997, tại phường Nguyễn Thái Học, đến nay thành phố vẫn đang là địa phương có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh. Tính đến ngày 31/9/2011, số người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Yên Bái là 1.160 người. trong đó 209 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, đã tử vong 78 người, hiện còn 1.082 sống.

Bão AIDS tràn qua phố núi cuốn theo nhiều cuộc đời khốn khó. Bác sỹ Vũ Việt Dương - Thư ký chương trình phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Y tế thành phố cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố hiện có gần 100 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 5 trẻ đã bị nhiễm HIV, tập trung ở các phường, xã có tỷ lệ người nhiễm “H” cao. 

 Hiện tại 17/17 xã, phường của thành phố đều đã có người nhiễm “H”, phường Nguyễn Thái Học và xã Tuy Lộc là hai trong số những địa bàn có số người nhiễm “H” cao nhất. Tỷ lệ nhiễm tại thành phố Yên Bái hiện là 1,1%. Số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu ở độ tuổi từ 20 - 40, tỷ lệ mắc ở nam giới chiếm tới 90,6%, chỉ có 8,4 % là nữ. Đáng ngại hơn là không chỉ những người ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, gái mại dâm mới nhiễm “H” mà đối tượng lây nhiễm đã xuất hiện cả ở nhóm có nguy cơ thấp như trẻ em, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, phụ nữ có thai...

Theo bác sỹ Vũ Việt Dương thì những con số trên chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm, bởi lẽ hiện tại cả địa phương và ngành chức năng vẫn chưa quản lý được chính xác số đối tượng bệnh nhân này. Lý do là theo quy định của luật pháp, người nhiễm “H” có quyền được giấu tên nên trên thực tế một bệnh nhân có thể mang tới 3, 4 tên, họ khác nhau...

Về Tuy Lộc, chúng tôi được người dân ở đây cho hay, gần tháng trước, xã lại có thêm một cháu trở thành trẻ mồ côi khi cả bố và mẹ vừa qua đời vì nhiễm HIV/AIDS. Như vậy, xã Tuy Lộc hiện có 10 trẻ chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS nhưng may mắn cả 10 cháu đều không bị lây nhiễm căn bệnh này từ bố mẹ. Bà Phạm Thị Toan - Trưởng Trạm Y tế xã Tuy Lộc cho biết, hiện Trạm đang quản lý 8 bệnh nhân nhiễm “H”, trong đó 6 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang được điều trị bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, con số bệnh nhân thực tế của địa phương đang được điều trị theo dõi tại Trung tâm Y tế thành phố lại cao hơn rất nhiều (với 46 trường hợp). Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong việc quản lý theo dõi các đối tượng nhiễm “H”. Được biết, 7 năm qua, Tuy Lộc có 23 đối tượng nghiện ma tuý là thanh niên tuổi đời từ 25 - 35 chết do lây nhiễm HIV/AIDS.

Khát vọng của những phụ nữ nhiễm “H”

Tôi gặp Hoa Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) - một thiếu phụ trẻ và nghị lực. Nếu không có sự giới thiệu trước của bác sỹ Trưởng Trạm Y tế xã Tuy Lộc hẳn khó mà biết người phụ nữ ấy đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Cũng như bao phụ nữ có chồng nghiện ma túy khác, chị là nạn nhân không may mắn khi bị lây nhiễm HIV từ chồng. Mai kể: “Năm 2004, em sinh cháu thứ 2, khi ấy thử máu em chưa hề bị nhiễm “H”. Chồng em không nghiện nặng mà mới chỉ “bập” vào ma túy một thời gian thôi nhưng rủi cái là “chơi” chung kim tiêm với đám bạn nghiện nên thời gian kể từ khi sức khỏe anh ấy suy giảm, gia đình đưa đi xét nghiệm đến lúc mất (năm 2006) rất ngắn, chưa đầy hai năm. Đấy là giai đoạn tủi nhục nhất của cuộc đời em. Em tuyệt vọng vì chính bản thân cũng chưa hiểu biết gì về căn bệnh này, phần lại lo sợ cho tương lai của các con. Em quyết định đi xét nghiệm máu cho mình và cho 2 con. Em đã bị nhiễm “H”, còn hai con thì an toàn, đấy là niềm hạnh phúc, niềm tin lớn nhất để em vượt qua những năm tháng sống đầy mặc cảm ấy”.

Hoa Mai và các con chị cũng như những người vợ và bao trẻ em khác trong hoàn cảnh ấy đều là những nạn nhân đáng thương của căn bệnh thế kỷ. Song, đã có những thời điểm người phụ nữ này phải tự đứng lên đấu tranh đòi quyền được đến trường cho các con của mình...

“Nhưng đó là chuyện của quá khứ thôi, còn giờ chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể xã hội và bà con lối xóm tốt với mẹ con em lắm!” - Hoa Mai bộc bạch: “Mẹ con em được bà con thương, chính quyền địa phương quan tâm xét cho được hưởng trợ cấp hộ nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hỗ trợ xóa nhà dột nát, các con học hành được nhà trường tạo điều kiện, mẹ con em còn vừa mới được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt quan tâm tặng cho chiếc ti vi màu… Cuộc sống giờ đã ổn, em cảm thấy tin yêu cuộc đời hơn bao giờ hết dù sức khoẻ ngày một yếu, phần vì hồng cầu giảm, phần vì điều trị bằng thuốc ARV rất mệt… Nhưng em không buông xuôi đâu, vì em còn có hai con, còn có những người thân, chính quyền địa phương và rất nhiều người tốt xung quanh mình. Nói đến người nhiễm “H”, thái độ của cộng đồng bây giờ cũng không còn sự kỳ thị, phân biệt như trước nữa nên nạn nhân như chúng em phần nào cũng thấy đỡ tủi”.


Vượt lên bệnh tật và những mặc cảm bản thân, Hoa Mai đã trở thành một trong những thành viên tích cực tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Hiện chị đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Mai xã Tuy Lộc, với 20 thành viên tham gia sinh hoạt gồm những người nhiễm “H”, đối tượng có nguy cơ cao và thân nhân người nhiễm ở địa phương. Với chị, tham gia các hoạt động này một phần là để được sẻ chia với những người có hoàn cảnh như mình, tiếp đó là thay đổi nhận thức từ phía người thân, gia đình và chính những người nhiễm “H”.

Với người phụ nữ này, hai con không nhiễm "H" là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời chị.

Cùng chung cảnh ngộ như Mai, chị Lụa (tên nhân vật đã được thay đổi) đã dũng cảm đối mặt với những ánh mắt hiếu kỳ của người đời sau khi chồng chị nghiện chích ma túy bị chết vì nhiễm HIV/AIDS. Để tiếp tục cuộc sống của mình, giống như bao người mẹ khác, chị không ái ngại mà kiên trì điều trị bệnh, chăm chỉ buôn bán kiếm sống nuôi các con học hành dù biết mình đã mang căn bệnh thế kỷ từ nhiều năm nay. Những mẻ cá, mẻ tôm đầy vơi sau mỗi phiện chợ lẻ, những đứa con khôn lớn trường thành mỗi ngày… đã cho chị nghị lực và niềm tin để đối mặt với căn bệnh thế kỷ.

Cũng như Hoa Mai, chị Lụa tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng và trở thành Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Hoa Ban Trắng phường Nguyễn Thái Học. Câu lạc bộ này được thành lập từ năm 2008, hiện thu hút 30 thành viên là những người nhiễm “H” và người thân của họ. Tôi đã nhìn thấy niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt trong đôi mắt những người phụ nữ ấy. Sống bằng niềm tin của người đời, có lẽ bởi thế mà Lụa, Mai và không ít những phụ nữ cùng cảnh ngộ khác đang tự thoát ra khỏi vỏ bọc của chính mình để sống một cuộc sống như những người bình thường và trở thành những hạt nhân nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Cấp bách không kém những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS  đã được Thành uỷ, chính quyền thành phố và các địa phương đặc biệt quan tâm. Về chuyên môn, Trung tâm Y tế thành phố đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp đưa công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS vào chỉ tiêu kế hoạch của địa phương; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo 138, tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Y tế với các ngành thành viên Ban chỉ đạo 138 thành phố triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, lồng ghép chẽ công tác phòng, chống HIV/AIDS với công tác đấu tranh phòng chống ma tuý, mại dâm.

Năm 2011, nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai trên địa bàn thành phố như: Dự án thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; Dự án giám sát dịch HIV/AIDS và giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc Đề án tăng cường công tác phòng, chống, kìm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015 đã được triển khai trên toàn địa bàn. Đặc biệt, công tác phòng, chống HIV/AIDS của thành phố còn nhận được sự tài trợ của các dự án nước ngoài như: Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS phạm vi toàn thành phố; Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tại 8 xã, phường trọng điểm trên địa bàn và Dự án phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và buôn bán người triển khai tại 2 xã: Âu Lâu và Hợp Minh - địa phương có đường cao tốc Yên Bái - Nội Bài chạy qua.

Đến nay, thành phố Yên Bái đã thành lập 10 câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người nhiễm “H” và cộng đồng về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đáng mừng, hiện đã có thuốc điều trị riêng cho trẻ nhiễm “H” thay vì phải uống chung thuốc của người lớn như trước đây.

Dẫu vậy cũng phải thừa nhận rằng, là thành phố miền núi trực thuộc tỉnh, điều kiện kinh tế của thành phố Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách địa phương là vô cùng hạn chế. Các dự án nước ngoài được đầu tư ít trong khi tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS lại cao, do vậy nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó lực lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn các cấp còn mỏng, lại thiếu cán bộ chuyên khoa; hoạt động truyền thông còn nặng về hình thức, nghèo về nội dung nên hiệu quả chưa cao; thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể trong công tác này.

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn phát huy tốt hiệu quả thì việc hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ tuyến xã, phường, đặc biệt là kỹ năng truyền thông, tập huấn cung cấp kiến thức mới nhất về công tác phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ làm công tác này ở tuyến cơ sở là rất cần thiết. Các cấp các ngành và Bộ Y tế cần quan tâm hơn, tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở, trang thiết bị chuyên môn cho tuyến cơ sở. Bởi khi các dự án trên, nhất là các dự án của nước ngoài không còn nữa thì công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố nói riêng sẽ càng trở nên khó khăn gấp bội phần.

Phạm Minh

Các tin khác
Cán bộ kỹ thuật Nhà máy kiểm tra chất lượng sắn tươi trước khi đưa vào sản xuất.

YBĐT - Cây sắn cao sản đã và đang khẳng định được vị trí trên vùng đất dốc, cùng mối liên kết công - nông bền vững giúp đem lại thu nhập cho người nông dân thêm dấu cộng cho diện mạo mới của nông thôn vùng cao. >>Cần quy hoạch vùng sản xuất sắn

Trạm xử lý chất thải lỏng 4 khoang hiện chỉ còn 2 khoang hoạt động.

YBĐT - Việc hệ thống xử lý rác thải y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hàng ngày đang phải “gồng mình” xử lý khối lượng lớn rác thải là điều đáng phải suy nghĩ và lo ngại hiện nay.

Cán bộ y tế xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) đi phòng chống dịch bệnh ở cơ sở. (Ảnh: Sùng A Hồng)

YBĐT - Trong những năm gần đây, nguồn lực y tế tuyến xã (gồm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trang thiết bị tại các trạm y tế xã) trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn.

Sinh hoạt chi bộ ở thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Giờ dạy của các giảng viên tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về trách nhiệm của mình với việc chuyển đổi nhận thức cho đồng bào vùng cao...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục