Công ty đồng đội

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/12/2011 | 3:31:21 PM

YBĐT - Các anh - những người cựu chiến binh mới hôm qua còn là anh xe ôm, chú thợ xây hay bác nông dân đã tìm được cho mình một ngôi nhà ấm cúng, một chỗ đi về, một nơi cải thiện đời sống sau khi rời quân ngũ. Những người lính ngày nào vẫn thoả ao ước ngày đêm được bảo vệ sự yên bình cuộc sống cho dù mặt trận hôm nay không còn vang tiếng súng.

Một buổi trình diễn võ thuật của các thành viên Công ty.
(Ảnh: Lê Phiên)
Một buổi trình diễn võ thuật của các thành viên Công ty. (Ảnh: Lê Phiên)

Lâu lắm, bạn tôi mới có dịp trở lại Yên Bái. Theo đường quốc lộ 70, qua Vĩnh Yên - Phúc Yên, Việt Trì, tới Đoan Hùng, thêm một đoạn đường đã thấy biển báo địa phận Yên Bái. Xe lăn bánh ngoặt vào cây số 9, chạy dọc thành phố Yên Bái về đến cây 0, bạn bắt gặp một màu đồng phục xanh, thắt lưng trắng và mũ catket màu tím than thấp thoáng ở các cơ quan, siêu thị, trường học.

Bạn quay ra hỏi tôi: “Họ làm gì vậy?”. Tôi liến thoắng: “Nhân viên Công ty Dịch vụ Bảo vệ Đại An Yên Bái đấy. Anh cứ nhìn lô gô trên tay áo là biết liền”. “Ái chà, ở đây cũng có Công ty vệ sỹ cơ đấy?” “Sao không, ở đây hiện có 4 - 5 công ty. Công ty vệ sỹ Đại An Yên Bái có từ năm 2007. Mấy hôm nữa xong việc tôi sẽ dẫn anh đến đó, tôi cũng đang muốn viết bài về công ty ấy đây”… “Ông Phạm Tiến, nguyên là Chỉ huy trưởng quân sự thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Yên Bái, Chủ nhiệm câu lạc bộ các Tiểu đoàn Yên Ninh, mấy năm nay ông ấy là Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Dịch vụ Bảo vệ Đại An Yên Bái. Mà hay lắm, công ty này còn được gọi là Công ty Đồng đội, toàn cựu chiến binh thôi…”.

Đó là một buổi sáng khó quên, tiết trời dùng dằng không chịu sang đông dù tôi đã bóc đến những tờ lịch cuối cùng của tháng 11. Cô nhân viên đưa chúng tôi lên phòng Giám đốc sau khi đã hỏi kỹ tôi là ai, đến có việc gì. Anh mời chúng tôi ngồi, không quên dặn cô gái: “ai tìm bảo tôi có khách nhé”!.

Gặp người quen cũ, anh đi thẳng vào vấn đề: “Công ty này trước là Chi nhánh của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Đại An Hà Nội. Đây là Công ty có thương hiệu và vị thế nhất định trong ngành dịch vụ bảo vệ. Suốt 3 năm liền từ 2008 đến 2010 đều đạt danh hiệu Sao vàng Đất Việt. Tháng 7/2009, Công ty được tách ra thành Công ty Dịch vụ bảo vệ Đại An Yên Bái”. Tôi không khỏi thắc mắc: “Giữa bao nghề kinh doanh sao anh lại chọn cho mình một ngành hết sức nhạy cảm như vậy?”. Anh bảo sau khi nghỉ công tác, đồng lương không đảm bảo được cuộc sống, anh lăn vào làm kinh tế.

Từ mở lò gạch đến chuyển sang làm khu trang trại, anh trăn trở phải tìm một việc nào đó gần với công tác lâu năm của mình, có kỷ luật, tổ chức và… được bảo vệ mọi người. Anh làm một chuyến về Hà Nội, tìm hiểu thị trường. Được biết dịch vụ bảo vệ là một loại hình mới mẻ mà Yên Bái chưa có nhưng anh biết cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp - vệ sỹ rồi sẽ được hình thành và sẽ ngày càng phát triển.

Đặc biệt ở những khu công nghiệp, kinh tế phát triển, quá trình xã hội hóa diễn ra mạnh mẽ thì lực lượng này càng trở nên quan trọng. Ví như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có hàng hai, ba trăm công ty vệ sỹ đã và đang góp phần đồng hành cùng các doanh nghiệp bảo vệ tài sản, đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh…

100% thành viên trong Công ty được trang bị kiến thức phòng cháy, chữa cháy.

Nhất là sau Nghị định số 52/2008/NĐCP về quản lý, kinh doanh dịch vụ bảo vệ và Thông tư số 45/2009/TTBCA về hướng dẫn, quản lý dịch vụ bảo vệ thì hoạt động này được đưa vào quản lý chặt chẽ hơn và hiệu quả hoạt động cũng cao hơn. Theo đó, nhân viên Công ty trước khi chính thức vào làm việc phải trải qua khóa huấn luyện nghiệp vụ ít nhất là một tháng với đầy đủ nội dung: nghiệp vụ bảo vệ, nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, ứng xử giao tiếp, võ thuật, đội ngũ và mỗi khóa huấn luyện phải được Cục C64 của Bộ Công an duyệt chương trình, sát hạch và cấp chứng chỉ.

Tôi hỏi sao anh lại tuyển toàn lính thế? Anh nói giọng chắc nịch: “Bản thân là lính, tôi quá hiểu về người lính. Trong chiến tranh khi giáp mặt kẻ thù, đối diện với cái sống và cái chết người lính sẵn sàng xả thân. Trong thời bình dù kẻ thù không lộ diện nhưng cũng không kém phần cam go phức tạp. Thực tế nhiều anh em trong Công ty bị kẻ xấu đe doạ, hành hung và thậm chí là tấn công. Một bên mình cố giữ, cố bảo vệ, một bên kẻ xấu cố tình móc nối, cố tình phá. Chúng nằm trong dân, thậm chí nằm trong chính lực lượng của mình. Do vậy đòi hỏi những người làm công tác vệ sỹ phải thực sự có bản lĩnh. Là người lính, tôi đặt trọn niềm tin vào những cựu chiến binh - những đồng đội của mình. Họ có nghiệp vụ, bản lĩnh, tác phong và tính kỷ luật cao. Tôi nghĩ, chất lượng dịch vụ phải bắt đầu từ những điều rất nhỏ”.
Anh Tiến tâm sự: “Giai đoạn đầu Công ty hoạt động khá vất vả vì đây là loại hình dịch vụ mới, người dân không quen sử dụng còn doanh nghiệp lại không có nhu cầu. Từ tìm kiếm cho đến triển khai hợp đồng đều hết sức khó khăn. Tôi nhớ khi hợp đồng bảo vệ an ninh cho Công ty Thép Cửu Long Yên Bái được ký kết, chúng tôi chỉ có hơn 10 nhân viên, tết năm đó tôi phải mang bánh chưng, kẹo bánh, thuốc lá, nồi cơm điện, bát đũa xuống tận nơi động viên anh em. Vợ tôi thấy vậy còn trêu: ông định chia tài sản ra ở riêng hả?... Vậy mà có lúc tưởng không trụ nổi. Chẳng cần báo cáo, 4 - 5 nhân viên tự động bỏ việc, hợp đồng bỏ dở dang. Không cách nào khác tôi phải gọi người nhà của mình xuống để hoàn thành nốt hợp đồng, rồi tình hình cũng được cải thiện. Số hợp đồng được ký kết ngày một tăng lên. Hiện giờ khối quản lý, văn phòng gồm 9 người, dưới có các đội trưởng quản lý từ 30 - 50 người, dưới nữa là các tổ trưởng trực tiếp phụ trách bảo vệ các mục tiêu. Đến giờ thì bộ máy Công ty đã bắt đầu hoạt động trơn tru, chuyên nghiệp rồi”.

Hiện nay, Công ty có khoảng 200 nhân viên hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái. Công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời luôn quan tâm đến ý kiến khách hàng đối với dịch vụ của mình nên phần lớn các khách hàng truyền thống vẫn tiếp tục tín nhiệm ký lại hợp đồng. Có thể kể đến Công ty Hapaco Yên Sơn, Công ty thép Cửu Long Yên Bái, trường cấp III Tân Trào, Công ty hóa chất Mỏ Hà Tuyên…

Từ chỗ phải chủ động đi khai thác, gặp gỡ các đối tác trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm hợp đồng thì dần dà nhiều khách hàng mới đã tự tìm đến với công ty như: Siêu thị Anh Mỹ, Siêu thị Vũ Công (Tuyên Quang), Ngân hàng Đầu tư phát triển Yên Bái, Ngân hàng Teccombank Yên Bái, Ngân hàng Công thương Yên Bái, công ty thương mại Hữu Nghị, trung tâm viễn thông khu vực I, Công ty Can xi cacbonat YBB, Ban quản lý lễ hội Chùa Hương… đặc biệt các khách nước ngoài như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Trung Quốc đã tìm đến dịch vụ bảo vệ của Công ty khi có ý định kinh doanh trên địa bàn…

Cho tới thời điểm cuối năm 2010, Công ty đã bắt đầu có sự cân nhắc, lựa chọn khách hàng để ký hợp đồng - điều mà từ trước đến giờ công ty chưa bao giờ nghĩ đến. Năm 2010, công ty Đại An Yên Bái nộp cho ngân sách nhà nước 199 triệu đồng, năm 2011, dự kiến gần 300 triệu đồng…

Sau nhiều năm làm việc hết mình với quan điểm “Chậm nhưng chắc”, đến nay Công ty Dịch vụ Bảo vệ Đại An Yên Bái đã dần khẳng định được thương hiệu của mình, được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến khi cần một dịch vụ bảo vệ hiệu quả. Anh Tiến dự tính trong thời gian tới ngoài việc tư vấn, cung cấp các dịch vụ bảo vệ, công ty Dịch vụ Bảo vệ Đại An Yên Bái sẽ nhận lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: thiết bị báo trộm, camera, báo cháy, các phương tiện phòng cháy chữa cháy nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Các anh - những người cựu chiến binh mới hôm qua còn là anh xe ôm, chú thợ xây hay bác nông dân đã tìm được cho mình một ngôi nhà ấm cúng, một chỗ đi về, một nơi cải thiện đời sống sau khi rời quân ngũ. Những người lính ngày nào vẫn thoả ao ước ngày đêm được bảo vệ sự yên bình cuộc sống cho dù mặt trận hôm nay không còn vang tiếng súng.

Đồng chí Tổ trưởng Tổ dân phố tổ 7A phường Nguyễn Thái Học nơi địa bàn Công ty đóng trụ sở phấn khởi nói: “Từ khi Công ty đặt văn phòng ở đây tình hình an ninh của tổ dân phố tốt lên nhiều, giảm hẳn hiện tượng tiêm chích, mất trật tự trên địa bàn…”. Tôi nghĩ cùng với quá trình đi lên của đất nước, cùng đà phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, các ngành dịch vụ trong địa bàn tỉnh sẽ rất cần những người như các anh. Trăm ngành, trăm nghề, mỗi ngành nghề có một nét riêng, có những đóng góp riêng trong sự phát triển chung của đất nước nhưng ngành kinh doanh của các anh thực sự rất lạ, “kinh doanh” mà chẳng “kinh doanh” song vẫn đem về “lợi nhuận”- “lợi nhuận” cho những người lính và “lợi nhuận” cho cả xã hội. Chẳng thế mà ngành công an đã yêu mến đặt cho các anh biệt danh “Cánh tay dài của ngành công an”- người bạn đồng hành góp phần giữ gìn an ninh, an toàn xã hội…

Nguyễn Ngọc Yến

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục