“Xóm”... Chạy thận

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/1/2012 | 9:19:56 AM

YBĐT - “Xóm” nhưng chỉ có 2 nhà. “Xóm” nọ cách “xóm” kia cũng chỉ mươi phút đi xe đạp… nhưng người dân ở cái xóm “di động” ấy luôn biết bao bọc lấy nhau để sẻ chia những cơn đau, những bát cơm, tấm bánh, giúp nhau lúc tối lửa tắt đèn bởi mỗi hộ duy nhất chỉ có một người. Ấy là “xóm” chạy thận của những người dân nghèo tứ xứ đang sống trọ quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái.

Các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái.
Các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái.

Có nhà, có gia đình, có sự nghiệp… nhưng một ngày kia, họ đành chấp nhận dứt bỏ tất cả, tìm đến một nơi xa lạ, để từng ngày, từng giờ một mình vất vả giành giật sự sống từ bàn tay tử thần để sống và trả nợ cho những ngày phải đi “ở trọ trần gian” tại cái “xóm” chạy thận nghèo nàn…

Những mảnh đời bất hạnh

Ngày cuối năm nhưng ngôi nhà trọ nằm sâu trong khu vực Công viên Yên Hòa (thuộc tổ 52, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) của anh Hoàng Văn Sơn (thôn Lạn, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn) vẫn vắng lạnh đến tê người. Thân hình tiều tụy, ánh mắt đờ đẫn cùng khuôn mặt trắng bệch của người đàn ông mới 35 tuổi khiến cho ngôi nhà gỗ lỉnh kỉnh, bừa bộn các loại đồ: đồng nhôm, dép rách, chai lọ… càng thêm hoang lạnh, tách biệt hẳn với dòng người ngoài kia đang tất bật trước thời điểm năm hết, tết đến.

“Hơn 1 tiếng nữa là đến lượt mình chạy thận, các bạn đến sau một chút thì nhìn mình đỡ tệ hơn”, lời phân trần hụt hơi của anh Sơn khiến tôi và anh bạn đồng nghiệp không khỏi xót xa.

Một năm ròng đi ở trọ tại “xóm” chạy thận, giấc ngủ đủ với anh Sơn giống như một cái gì đó quá xa xỉ. Cái thân hình tiều tụy ấy chỉ có thể đổ ụp xuống chiếc giường ọp ẹp khi gà đã gáy canh tư bởi thời gian còn lại, anh Sơn phải dành quá nhiều cho việc đi làm thuê các quán ốc đêm ở vỉa hè với thù lao rẻ mạt 20 nghìn đồng.

Khi đêm đông giá buốt, mọi người đã yên giấc bên tổ ấm hạnh phúc của mình thì anh Sơn, một mình lầm lũi khoác bao tải trên lưng tranh thủ đi nhặt nhạnh ve chai, nhôm, đồng, sắt vụn, bắt ốc sên bán cho các gia đình nuôi ba ba với mong muốn kiếm đủ tiền cho việc chạy thận của mình. Đó là lúc khỏe mạnh, còn những khi trái gió trở trời, anh nằm bệt một góc muốn giấc ngủ nhanh đến thì nỗi đau mất mát cứ như những thước phim quay chậm lại ùa về dày vò anh. Biết bao đêm khóc thương cho thân phận vì bệnh tật mà người vợ thương yêu nhất của anh đã bỏ đi không một lời từ biệt, để lại cho anh đứa con nhỏ 5 tuổi để cha mẹ già nay đã ngoài 70 mà vẫn phải chu cấp thêm tiền cho anh chữa trị.

Cùng với đó là sự đau đớn của thể xác, các biến chứng của bệnh tật, nhiều khi huyết áp tăng đột biến, rồi lại tụt bất thường và cả những khi bị sốc trong quá trình chạy thận nhân tạo… khiến anh không thể chợp mắt. Anh tâm sự: “Hiện giờ, việc chạy thận của mình đang được hưởng chi phí 95% bảo hiểm y tế, song tiền thuê nhà, điện, nước cũng mất 400 nghìn đồng/tháng, tiền dịch chạy thận mỗi lần từ 60 đến 100 nghìn đồng, đó là chưa kể tiền ăn uống,  thuốc men hỗ trợ. Nhiều khi không kiếm đủ tiền, muốn bỏ quách về nhà chờ chết nhưng nghĩ đến con mình lại cố gắng. Trước đây, khỏe còn đi lại được, giờ cơ thể suy yếu nên phải ra đây nằm điều trị”.

 “Làm nghề xe đẩy bán hàng rong tôi đã thấy khổ lắm rồi! Nhưng so với hoàn cảnh của Sơn thì không thấm vào đâu. Tôi cũng chưa từng gặp ai khổ hơn thế . Nhiều khi thấy anh ấy nằm co ro, cơm không đủ ăn, mọi người trong xóm lại tụ tập nhau lại, người cho rau, người cho mì chính, người cho bìa đậu… Có lẽ lâu dài chắc không ổn!”, chị Hằng, người cùng xóm trọ chia xẻ.

Còn hoàn cảnh của anh Hà Quốc Bảo 38 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội hiện đang ở trọ tại tổ 43, phường Yên Ninh cũng chẳng kém trường hợp của anh Sơn là mấy. Anh Bảo lên Yên Bái lập nghiệp và công tác tại đơn vị Thi hành án dân sự huyện Trấn Yên, sau đó lập gia đình và có 2 con. Cuộc sống đang yên bình thì một ngày kia tai họa ập xuống gia đình bé nhỏ và cướp đi tất cả mọi thứ mà vợ chồng anh đã xây dựng. Năm 34 tuổi, anh phát hiện mình bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối và phải chạy thận để duy trì sự sống.

Công việc tạm ngưng, của cải gia đình theo đó ra đi. Người vợ hết lòng yêu thương chồng con nhưng vì quá lo lắng cho sức khỏe của anh và hai con thơ dại nay rơi vào tình trạng trầm cảm và không thể chăm lo cho gia đình. Mỗi tháng số tiền anh phải chi trả cho việc chạy thận nhân tạo từ 5 đến 6 triệu đồng.

Song, cũng thật may mắn, mặc dù đã nghỉ việc nhưng cơ quan vẫn cưu mang, giúp đỡ anh 3 triệu đồng lương/ tháng cộng với 20% tiền bảo hiểm y tế tự nguyện nên quá trình điều trị đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, sức khỏe của anh cũng đang dần suy kiệt bởi ngoài số tiền đó ra, bản thân anh không thể xoay xở thêm. Ăn uống tằn tiện, bữa no, bữa đói, thuốc thang thì không thể mua để hỗ trợ điều trị...

“Vẫn biết là được ngày nào hay ngày ấy nhưng mình phải sống bởi nếu mình ra đi thì ai lo cho 2 đứa nhỏ?”, anh rưng rưng nước mắt. “Vợ thơ thẩn như người mất hồn, ông bà ngoại phải đưa về nhà nuôi, còn hai đứa con, một gửi về ông bà nội, một ở với bà ngoại. Gia đình chia năm xẻ bảy, khổ quá!” - Anh Bùi Xuân Óng, bệnh nhân chạy thân người ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh hiện tại của anh Bảo.

Không chỉ anh Sơn, anh Bảo phải rời xa tổ ấm của mình để một mình chống chọi với bệnh tật giành lấy sự sống từ bàn tay tử thần mà còn rất nhiều những hoàn cảnh khác cũng đang ngày ngày đối mặt với nỗi lo bệnh tật như bà Tiến 60 tuổi người Lục Yên đang ở cùng xóm trọ với anh Sơn, anh Bùi Văn Óng thôn 3, xã Xuân Long (Yên Bình), như bác Phạm Thế Xuyên, thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình đang ở trọ sau kho muối của Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái ở tổ 68, phường Nguyễn Thái Học… nhưng vẫn phải tự mình vượt lên số phận để chống lại căn bệnh hiểm nghèo.

Anh Sơn tâm sự với phóng viên về những khó khăn phải chạy thận.

Chiếc xe đạp cà tàng và đôi sọt mua đồ phế liệu là bạn đồng hành cùng anh trong những ngày chạy thận.

Bếp củi của Anh Sơn chỉ đỏ lửa khi số vỏ chai, đồng nát của anh thu gom được nhiều.

Nhọc nhằn mưu sinh

Trong câu chuyện kể về các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái cho biết: “Hiện nay, tại Bệnh viện thành phố có gần 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường xuyên. Đa phần những bệnh nhân này đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Người có sức khỏe thì chủ động đi lại, còn những người sức lực suy kiệt thì phải thuê nhà ở xung quanh khu bệnh viện để tiện cho việc điều trị.

Trước đây mức chi trả cho một ca chạy thận nhân tạo của đối tượng được hưởng 100% bảo hiểm là 400 nghìn đồng/ca thì đảm bảo. Song hiện nay, Bệnh viện phải thu thêm của bệnh nhân từ 60 đến 100 nghìn đồng/ người/ ca do các thiết bị hỗ trợ đi kèm và hóa chất trị liệu tăng giá. Đó là chưa kể những bệnh nhân chỉ được hưởng bảo hiểm y tế 95%, 80% và mức 20% tự nguyện”…

Được biết, bình quân, một bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối phải đảm bảo 3 lần chạy thận nhân tạo/ tuần. Ngoài ra, phải có các loại thuốc hỗ trợ việc điều trị như: thuốc huyết áp, trợ tim, can xi, hỗ trợ thận… thì mới đảm bảo duy trì sự sống. Đó thực sự là khó khăn lớn của những bệnh nhân nghèo như anh Sơn, anh Bảo…

Điều đáng nói hơn cả là những bệnh nhân suy thận đều phải mua thêm máu để truyền trong khi một đơn vị máu truyền cho bệnh nhân hiện có giá trên 1 triệu đồng. Điều mà các bệnh nhân suy thận mong muốn là chế độ bảo hiểm y tế sẽ được tăng hơn và Nhà nước có những chính sách hỗ trợ những người không còn khả năng lao động. Đơn cử như trường hợp của anh Óng, người được hưởng 20% bảo hiểm y tế tự nguyện.

Tính nhẩm số thu nhập và tiền chi trả cho quá trình duy trì sự sống của anh Óng cũng như muối bỏ bể. Với 2,7 triệu đồng tiền viện phí, 500 nghìn tiền thuê nhà, 800 nghìn tiền thuốc rồi ăn uống hàng ngày…, bình quân 1 tháng anh cũng phải tốn khoản chi phí trên 6 triệu đồng, chưa kể tới vợ và 2 đứa con đang đi học.

Cuộc sống của những người mắc bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối bắt buộc phải chạy thận. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ chính sách của Nhà nước, của xã hội, cộng đồng thì họ - những con người đang “ở trọ” trần gian ấy liệu có thể gắng gượng được bao lâu khi sức khỏe, tinh thần và tiền bạc ngày một suy giảm? Đó thực sự là một câu chuyện dài giữa bộn bề cuộc mưu sinh vẫn chưa có hồi kết…

Vĩ thanh

Lời cuối bài viết này, chúng tôi muốn gửi đến những số phận không may đang bị mắc căn bệnh suy thận bằng tâm sự của em Nguyễn Hồng Công - bệnh nhân chạy thận mắc chứng bệnh LuPut ban đỏ (vẩy nến) 12 năm trời như một lời nhắn gửi, động viên, chia sẻ và mong ước những điều tốt lành nhất của cô bé. Đó là những lúc cuộc sống của cô chỉ được tính bằng giờ, bằng phút, chứ không phải bằng ngày nhưng ở Hồng Công vẫn không hề không có một chút u buồn, chán nản nào.

Trên khuôn mặt khi xuất hiện ở đâu cô cũng luôn tươi rói nụ cười. Nụ cười ấy còn đọng mãi ở những dòng, những trang viết của cô trong cuốn sách “Ở trọ trần gian”, Hồng Công viết: “Mỗi ngày trên đời là một diễm phúc, vì bệnh nặng vậy mà vẫn còn sống không nên mệt mỏi vì sẽ rất xấu xí và chỉ một cái nắm tay thôi cũng đã giúp nhau được nhiều lắm rồi! Hãy chấp nhận bản thân mình cho dù nó có xấu xí đến mức nào đi chăng nữa cũng không được phép rũ bỏ, vì đó là mình, là chính con người của mình, phải yêu thương những gì thuộc về con người cho dù nó có tồi tệ đến mức nào đi nữa…  Hãy mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, mình có quá nhiều việc để làm… Mình còn nợ cuộc đời này quá nhiều… Phải trả nợ nó thôi!”.

Vâng! Các bác, các mẹ, các anh chị - những bệnh nhân đang phải chạy thận hôm nay xin hãy mỉm cười và hãy lạc quan, vui vẻ để sống và phải sống để trả nợ cuộc đời đã cho các bác, các anh chị cuộc sống. Trả nợ công chăm sóc của những người thân yêu, những người thầy thuốc đang ngày đêm giúp các bác giành giật cuộc sống và trả nợ cuộc đời – một lần duy nhất đã bắt những con người bất hạnh phải đi “ở trọ trần gian”. 

Ngọc Sơn - Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục