Chúng tôi ra Bạch Long Vĩ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/1/2012 | 4:06:16 PM

YBĐT - Năm 2011, năm có điểm nhấn là biển, đảo. Đối với chúng tôi, gần suốt cuộc đời gắn với núi rừng Tây Bắc, quen với núi cao vực sâu - nơi khởi nguồn từ ngàn vạn con suối chảy ra sông và góp dòng nước với biển cả thì chuyến đi biển, đảo thật có ý nghĩa...

Toàn cảnh đảo Bạch Long Vĩ.
(Ảnh: Mai Văn Mùi)
Toàn cảnh đảo Bạch Long Vĩ. (Ảnh: Mai Văn Mùi)

Vịnh Bắc Bộ, vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vĩ đã lắng đọng trong tâm trí chúng tôi từ rất xa xưa và ngày một đậm nét với bài hát “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” của Huy Du nghe gần gũi, yêu thương nhưng xa vời vợi vì chưa bao giờ được đặt chân tới... Lần này ra đảo, nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy và sự giúp đỡ của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng, chúng tôi được ung dung ngồi trên hàng ghế VIP của con tàu Bạch Long rẽ sóng vượt biển ra đảo. Sau 6 giờ liên tục đi trên biển, chúng tôi đã nhìn thấy mờ xa là đảo Bạch Long Vĩ thân yêu.

Bài ca “Bạch Long Vĩ đảo quê hương… Em đứng trên biển Đông… Mênh mông sóng bạc đầu” vẫn vang lên từ loa gắn trong tàu nghe du dương, ngọt ngào nhưng bây giờ đã hiển hiện trước mắt, trông như một chiến hạm xanh đứng giữa vịnh Bắc Bộ để bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Qua cầu tàu, đặt chân lên cảng, nhìn lên là những tòa nhà cao tầng lớp lớp chạy tít lên đỉnh đảo, nhìn ra là biển mênh mông nước trong xanh lớp lớp sóng đuổi nhau xa mãi tận chân trời. Biển đảo, đất trời của ta thật tuyệt đẹp!

Chuyện trò, trao đổi với chúng tôi là đồng chí Nguyễn Công Hòa - Phó tổng Đội trưởng Đội Thanh niên xung phong thành phố Hải Phòng có chuyến công tác và cùng chúng tôi ra đảo. Người cán bộ Đoàn ấy vẫn giữ cốt cách của cán bộ Đoàn truyền thống song có cái suy nghĩ hiện đại của lớp trí thức mới vừa làm công tác Đoàn vừa nghiên cứu khoa học và tổ chức quản lý của lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ đổi mới làm ăn có khoa học, có hiệu quả. Anh nói những việc Tổng đội đã làm, sẽ làm cho một tương lai gần và hướng lâu dài cho tổ chức thanh niên xung phong ở đảo.

Một chiều chủ nhật, trong câu chuyện mà đồng chí Đinh Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt huyện đảo kể  trong gian phòng họp của Huyện ủy cứ lắng đọng mãi trong chúng tôi về vị trí chiến lược của đảo, về đặc thù của huyện đảo mới có lịch sử cấp chính quyền huyện 19 năm nay và hiện tại là mở đầu cho một tương lai tươi sáng.

Nếu như Trường Sa là phên dậu của Tổ quốc từ phía biển Đông ở tây nam thì Bạch Long Vĩ là tiền tiêu, là tai mắt của biển đông bắc của vịnh Bắc Bộ. Bạch Long Vĩ nằm ở vĩ độ 20009'23'' Bắc, kinh độ 107042’30” Đông, nằm ở đông nam và cách thành phố Hải Phòng 133 km. Tên đảo đã có từ xa xưa, bắt nguồn từ truyền thuyết xưa kể lại: có một con rồng trắng từ trên trời bay xuống và lưu luyến với biển trời đất Việt nên lưu lại nơi đây, đầu thân rồng là vịnh Hạ Long, còn đuôi rồng là đảo Bạch Long Vĩ. Cái đuôi ấy dài đến 3km theo hướng đông bắc - tây nam, có chiều rộng trên 1,5km, diện tích toàn đảo phần nổi trên mặt nước là khoảng 3km2, lúc triều xuống là trên 4km2. Đảo có 30ha diện tích canh tác nông nghiệp và trên 100ha đất lâm nghiệp. Đảo Bạch Long Vĩ có chiều dài lịch sử từ rất lâu đời. Trước năm 1992, đảo là một xã của huyện đảo Cát Bà và từ ngày 9/12/1992 được nâng cấp thành huyện đảo. Đảo là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc thành phố Hải Phòng.

Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo cho biết: Bạch Long Vĩ là huyện đảo đặc thù cấp chính quyền. Huyện chỉ đạo mọi việc trực tiếp đến khu dân cư, không có thôn, xã nhưng huyện có đầy đủ định chế tổ chức như một huyện của đất liền. Các cơ quan của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội có biên chế, có trụ sở và đầy đủ phương tiện làm việc. Năm 2012, đảo sẽ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện đảo. Bây giờ nhớ lại những ngày đầu ra xây dựng huyện đảo, quân dân đảo thấy như qua một giấc mơ…

Từ một đảo bị chiến tranh tàn phá, không một mét vuông được lành lặn, bom đạn của giặc Mỹ cày xới, loang lổ với “5 không”: không nhà, không đường quốc lộ, không điện lưới, không trường học, không bệnh viện và lẽ đương nhiên còn nhiều thứ “không” khác cho một thiết chế dân cư cho đến hôm nay, như các bác đã thấy đấy, các bác được nghỉ ở một nhà nghỉ cơ quan khá đầy đủ tiện nghi.

Bạch Long Vĩ đầy ánh sáng khi đêm đến. Ánh sáng từ ngọn hải đăng cao gần 200m so với mặt nước biển lan tỏa, chiếu rọi suốt vùng biển. Ánh sáng của các ngọn đèn cao áp dọc các tuyến đường vành đai tầng tầng lớp lớp dọc theo chiều dài của đảo.

Các khung cửa kính những tòa nhà cao tầng, trụ sở của các cơ quan, nhà nghỉ, khách sạn sáng rực ánh đèn. Nhưng hấp dẫn hơn là cả ki-lô-mét bờ biển đường vành đai 5 rộng rãi, thoáng mát, man mát gió biển với các dãy đèn trang trí quảng cáo nhấp nháy xanh, đỏ của các quán ăn uống, tắm nóng lạnh, ka-ra-ô-kê phục vụ khách và các ngư phủ sau những ngày lao động vất vả ngoài biển khơi.

Ở đảo không chỉ có các thiết chế văn hóa, trường học, sân vận động mà còn có cả hệ thống các cơ sở dịch vụ cung ứng xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm và các xưởng sửa chữa tàu thuyền hư hỏng, cung cấp phụ tùng thiết yếu… Đảo còn đầu tư cả âu tàu rộng gần 7.000m2 với 3 cầu tàu cho tàu thuyền vào cập bến, tránh gió bão trong mùa mưa bão hàng năm.

Quân và dân của đảo đã và đang làm tốt hai nhiệm vụ: xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo quê hương, nuôi trồng và khai thác hải sản, dịch vụ nghề cá… Đặc biệt là đã khai thác bào ngư đặc sản nổi tiếng của cả vùng, đem lại nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng cho đảo mỗi năm. Thu nhập bình quân của cư dân đảo là trên 40 triệu đồng mỗi người, đảo không có hộ nghèo và đó là niềm tự hào của huyện đảo.

Cùng với phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, đảo đang hướng tới đảo xanh - sạch - đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du lịch trong hiện tại và tương lai. Nay đã có sự liên kết giữa đảo và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để xây dựng đảo của tuổi trẻ với sự kết nghĩa của đảo với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Bước đầu đã và đang xây dựng Công viên Sông Hồng của tuổi trẻ và có sự kết nghĩa, giao lưu thường xuyên với Đoàn TNCS huyện Chí Linh (Hải Dương), Tiền Hải (Thái Bình), Gia Lâm (Hà Nội). Trên đảo nay đã xây dựng, hoàn thiện ngôi chùa Bạch Long và đền thờ Đức Thánh Trần cùng nơi thờ tự Ngư ông với hàng chục vạn gạch. Mỗi viên gạch ấy đều có khắc chìm dấu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và niên hiệu của năm xây dựng. Đây sẽ là điểm đến tâm linh của mọi du khách khi đã đặt chân lên đảo”.

Đồng chí  Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND đảo Bạch Long Vĩ còn cho chúng tôi biết thêm nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và thành phố Hải Phòng dành cho đảo; những dự án cho tương lai để đảo trở thành đảo du lịch, đảo của trung tâm dịch vụ nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản của biển thuộc vịnh Bắc Bộ. Tương lai đó đang từng bước được triển khai ở đảo.

Rời trụ sở Huyện ủy, xe chúng tôi tiếp tục đi lên các đường vành đai cao của đảo. Sau khi đi thăm ngọn đèn hải đăng xây trên độ cao 80m trên mặt nước biển, vượt thêm hơn 90 bậc cầu thang từ tầng một lên đỉnh đèn, thỏa sức nhìn ra mọi hướng trời biển của Tổ quốc, chúng tôi đến Sở Chỉ huy Trung đoàn 952 bảo vệ đảo.

Đồng chí Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn và các sĩ quan trực ban đón chúng tôi và dẫn đi qua 4 tầng lầu, lên Phòng Giao ban Trực chiến ngồi ngắm cảnh toàn đảo và mở đầu câu chuyện rất thân tình. Ở đơn vị cũng có một số đồng chí đã từng có mặt ở các địa danh của tỉnh Hoàng Liên Sơn những năm sau 1979 như: Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát… nay gặp các đồng chí lãnh đạo lão thành từ Tây Bắc của Tổ quốc ra biển đảo vùng đông bắc thật quý mến biết chừng nào! Các anh kể cho chúng tôi nghe để hiểu sâu thêm về truyền thống anh hùng của Bạch Long Vĩ.

Đảo nằm ở giữa vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược rất quan trọng, là chốt tiền tiêu vừa quan sát vừa án ngữ mọi hoạt động của vịnh Bắc Bộ nên các triều đại phong kiến nước ta đều đã đặt trạm quan sát ở đây.

Đời Lê Trung Hưng, toán giặc biển Ô quan nhiều lần cưỡng phá vùng biển biên giới Việt - Trung. Quan quân nhà Thanh của Trung Quốc đánh dẹp mãi không được nên đã đề nghị với nước ta phối hợp. Nhà vua đã cử Phạm Đình Tụng có tài văn võ đi đánh dẹp. Phạm Đình Tụng ngầm bố trí quân mai phục trên đảo bất ngờ phản kích làm bọn giặc biển Ô quan không kịp trở tay, bắt sống được tướng hải tặc, đánh tan toàn bộ binh thuyền của chúng. Nhà Thanh rất cảm phục, có thư cảm ơn và ngợi khen.

Đến thời đại ngày nay, những năm từ 1965, khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, nhận rõ vị trí chiến lược của Bạch Long Vĩ, chúng đã quyết tâm nhấn chìm đảo xuống biển Đông bằng bom đạn của máy bay, tàu chiến hiện đại. Trong suốt thời gian chiến tranh, chúng đã huy động 4.929 lượt máy bay với đủ loại từ Thần Sấm, Con ma đến F4H, F8U, A3J, A4.AD6 cùng phối hợp với hàng trăm lượt tàu chiến đánh phá 130 trận vào đảo. Nhưng chỉ với các khẩu đội cao xạ 14,5 ly và 12,7 ly của phòng không, bằng đại liên, súng AK, CKC, các đơn vị bảo vệ đảo đã kiên cường, dũng cảm bám trụ chiến đấu và đã bắn rơi 23 máy bay các loại của Mỹ.

Đặc biệt, trong trận đánh trưa ngày 26/10/1965, với hàng chục tốp F4H, chúng tập trung đánh phá hủy diệt đảo nhưng các chiến sỹ Tiểu đoàn 152 đã mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 2 máy bay F4H. Đây là chiếc máy bay thứ 700 và 701 của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Và thật vinh dự cho quân và dân Bạch Long Vĩ, ngày 31/12/1973 đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với dòng chữ: “Đoàn kết, khắc phục khó khăn, kiên trì bám trụ, chiến đấu anh dũng, giữ vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc”.

Quá khứ anh hùng và hôm nay, đi một vòng quanh đảo, chúng tôi thật sự thấy vui mừng với sự trưởng thành của lực lượng vũ trang trong thời kỳ hội nhập, mở cửa. Đảng và Nhà nước đã thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên biển đảo. Chúng ta chưa giàu có nhưng cũng có đủ phương tiện của thời đại để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trời - biển - đảo của Tổ quốc.

Các giàn ra-đa hiện đại cùng các loại vũ khí khí tài luôn hướng lên bầu trời và ra biển cả, canh giữ bầu trời, canh giữ biển đảo và tàu thuyền của ta. Quân, dân đảo ngày nay luôn có ý thức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng quân đội, dân quân, tự vệ của đảo luôn sát cánh bên nhau, phân công tuần tra, canh gác suốt các ca trong đêm và chốt giữ các điểm xung yếu của đảo Bạch Long Vĩ.

Suốt dọc các con đường vành đai, đường xương cá cắt ngang của đảo, chúng tôi thấy hệ thống hầm hào, lô cốt, tháp pháo được xây dựng kiên cố. Đảo sẵn sàng chiến đấu cao để giữ cho Tổ quốc bình yên và là chỗ dựa tin cậy của những tàu thuyền ngư dân đánh bắt hải sản cũng như làm ăn trên biển.

Trong cả hành trình trên đảo, chúng tôi ấn tượng với đội ngũ cán bộ Liên đội thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong thành phố Hải Phòng đã có cả trên chục năm gắn bó với đảo. Vũ Thị Ngân - Liên đội trưởng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân của huyện đảo nhanh nhẹn, tháo vát. Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Hiên cùng trà cùng lứa, cùng ra đảo khi Liên đội mới có hơn 34 đội viên ở nhà bạt làm nhà, làm đường,
trồng cây cho những con đường và những vạt rừng hoang hóa, thu dọn vệ sinh môi trường cho đảo, tổ chức nuôi trồng hải sản, đánh bắt và chế biến bào ngư, làm dịch vụ xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm…

Tất tật mọi việc cần thanh niên có, khó khăn có thanh niên. Thanh niên xung phong ăn ở, sinh hoạt theo bán lực lượng vũ trang; ở tập thể ngăn nắp, sạch sẽ; chế độ giao ban, trực ban 24/24 giờ đã đưa đoàn viên, thanh niên vào nếp sống có trật tự, kỷ cương, kỷ luật cao. Chúng tôi cảm phục vì ở đây, trên đảo này, thanh niên từ thành phố ra, nhiều em đang sống trong môi trường tự do, được cha mẹ chiều chuộng, nay ra đây sống theo kỷ luật, khuôn nếp, lao động thực sự để bảo đảm cuộc sống. Thật là một trường rèn luyện tốt!

Phó liên đội trưởng Nguyễn Văn Hậu hướng dẫn chúng tôi đi thăm các địa bàn trên đảo. Hơn mười năm trưởng thành ở Liên đội Thanh niên xung phong, anh nhớ từng con số, từng ngõ ngách các con đường, các bến bờ huyện phân định cho từng tổ chức, gia đình trên đảo có nhiệm vụ trông nom, bảo vệ, khai thác hải sản, đặc biệt là bào ngư đặc sản của đảo.

Anh kể, mỗi năm, đảo khai thác vài chục tấn bào ngư. Đơn vị kinh tế của Trung đoàn có truyền thống và kinh nghiệm quản lý, khai thác, đánh bắt số lượng lớn, tiếp đến là đội của thanh niên xung phong rồi tới các nhà dân của đảo. Bào ngư mới đánh bắt lên trao tay cũng trên 500.000 đồng mỗi ki-lô-gam, còn vào đất liền thì tăng lên gấp hai đến ba lần. Giá trị là bào ngư thiên nhiên nằm sâu 6m dưới mặt nước, có độ đạm cao và thuần khiết, có giá trị dinh dưỡng cao với cả người lớn và trẻ em.

Xe ô tô đưa chúng tôi đi dọc đường vành đai số 5 ven bờ sát với mép nước của đảo. Con đường trải nhựa áp-phan nhẵn bóng, hai bên là những hàng cây hoa sữa, phượng vĩ, bằng lăng xanh tươi giữa tiếcng ồn ào của sóng biển. Người Liên đội phó vẫn cái nhìn xa thăm thẳm ra biển khơi rồi quay lại nói với chúng tôi: “Bây giờ là thời gian chuyển mùa đẹp nhất. Mùa hạ và mùa thu cây cối xanh tươi sắp qua. Khi gió mùa đông bắc tràn về, cây cỏ rụi lá, lặng im để giữ và đưa nhựa sống vào trong, cố gắng vượt qua mùa đông khắc nghiệt để sang xuân, hè phát triển. Đảo giữa biển có lúc được vuốt ve, mơn trớn, chiều chuộng như con một nhà giàu nhưng cũng rất nhiều lúc, trời, biển giận dữ. Trời hanh khô, gió bão, sóng dữ liên hồi làm tung cả nhà cửa, quật ngã cả rừng cây, đưa cả tàu thuyền vượt qua bờ nằm lại trên đảo. Siêu bão số 10 đã làm gãy đi khối trụ bê tông chịu lực của chong chóng quay tuyếc-bin máy phát điện bằng sức gió có công suất cao của Tây Ban Nha viện trợ cho đảo”.

Gần một thế hệ thanh niên ra đảo nay phần lớn đã trưởng thành. Nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ, con cái đã học hết trung học cơ sở ở đảo rồi vào thành phố học tiếp trung học phổ thông và học lên đại học. Lớp thanh niên xung phong mới đang lần lượt tiếp tục thực hiện các phần việc lớp trước chưa hoàn thành. Tiềm năng của Bạch Long Vĩ sẽ dần dần được khơi dậy.

Hiện đảo đã và đang khảo sát, lập dự án quy hoạch khai thác ngư trường quanh đảo có chiều rộng từ 35km đến 55km, nơi sâu nhất từ 60m đến 70m nước. Nền đáy của ngư trường tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc khai thác hải sản. Vùng biển của Bạch Long Vĩ có tới 395 loài hải sản, 229 giống thuộc 105 họ hải sản, trong đó có 61 loài có giá trị kinh tế cao, có một số thuộc loài quý hiếm như bào ngư, cá song, cá bạc má, cá chỉ vàng rau câu…

                                           *
                                       *      *

Tin gió mùa đông bắc của buổi truyền hình vừa thông báo, bằng sự nhạy cảm và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn ở đảo, Nguyễn Công Hòa thông báo với chúng tôi: tàu Bạch Long ngày mai phải rời đảo sớm vào đất liền để tránh gió mùa đông bắc về. Sáng sớm, trời đã có nhiều đám mây vần vũ, gió se lạnh, sóng biển đã ào ạt vào bờ với tiếng vỗ đã to hơn và nhiều hơn.

Đã đến lúc chúng tôi phải rời Bạch Long Vĩ để về thành phố, phải rời “biển bạc” để về với “rừng vàng”. Nhưng giờ đây, biển, đảo là xương máu, là tài sản quý giá mà bao thế hệ cha ông ta đã giữ gìn và để lại. Biển, đảo ngày nay còn quý hơn cả vàng, bạc vì ở đó, chúng ta có nguồn tài nguyên hải sản, có dầu mỏ và bao nhiêu loại mỏ khác chưa khám phá và khai thác.

Chúng tôi ra về, vững lòng tin với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, vững lòng tin bởi các thế hệ đã và đang chiến đấu giữ gìn từng mét lãnh hải của Tổ quốc. Chúng ta có đủ cơ sở lịch sử, chứng lý, đủ cơ sở vật chất và lòng yêu nước để biển, đảo mãi mãi là tài sản thiêng liêng vô giá của nhân dân. Bạch Long Vĩ xa mà gần. Bài ca “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” vẫn vang ngân, ăn sâu vào tâm trí chúng tôi và đi cùng năm tháng...

trồng cây cho những con đường và những vạt rừng hoang hóa, thu dọn vệ sinh môi trường cho đảo, tổ chức nuôi trồng hải sản, đánh bắt và chế biến bào ngư, làm dịch vụ xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm… Tất tật mọi việc cần thanh niên có, khó khăn có thanh niên. Thanh niên xung phong ăn ở, sinh hoạt theo bán lực lượng vũ trang; ở tập thể ngăn nắp, sạch sẽ; chế độ giao ban, trực ban 24/24 giờ đã đưa đoàn viên, thanh niên vào nếp sống có trật tự, kỷ cương, kỷ luật cao. Chúng tôi cảm phục vì ở đây, trên đảo này, thanh niên từ thành phố ra, nhiều em đang sống trong môi trường tự do, được cha mẹ chiều chuộng, nay ra đây sống theo kỷ luật, khuôn nếp, lao động thực sự để bảo đảm cuộc sống. Thật là một trường rèn luyện tốt!

Phó liên đội trưởng Nguyễn Văn Hậu hướng dẫn chúng tôi đi thăm các địa bàn trên đảo. Hơn mười năm trưởng thành ở Liên đội Thanh niên xung phong, anh nhớ từng con số, từng ngõ ngách các con đường, các bến bờ huyện phân định cho từng tổ chức, gia đình trên đảo có nhiệm vụ trông nom, bảo vệ, khai thác hải sản, đặc biệt là bào ngư đặc sản của đảo. Anh kể, mỗi năm, đảo khai thác vài chục tấn bào ngư. Đơn vị kinh tế của Trung đoàn có truyền thống và kinh nghiệm quản lý, khai thác, đánh bắt số lượng lớn, tiếp đến là đội của thanh niên xung phong rồi tới các nhà dân của đảo. Bào ngư mới đánh bắt lên trao tay cũng trên 500.000 đồng mỗi ki-lô-gam, còn vào đất liền thì tăng lên gấp hai đến ba lần. Giá trị là bào ngư thiên nhiên nằm sâu 6m dưới mặt nước, có độ đạm cao và thuần khiết, có giá trị dinh dưỡng cao với cả người lớn và trẻ em.

Xe ô tô đưa chúng tôi đi dọc đường vành đai số 5 ven bờ sát với mép nước của đảo. Con đường trải nhựa áp-phan nhẵn bóng, hai bên là những hàng cây hoa sữa, phượng vĩ, bằng lăng xanh tươi giữa tiếng ồn ào của sóng biển. Người Liên đội phó vẫn cái nhìn xa thăm thẳm ra biển khơi rồi quay lại nói với chúng tôi: “Bây giờ là thời gian chuyển mùa đẹp nhất. Mùa hạ và mùa thu cây cối xanh tươi sắp qua. Khi gió mùa đông bắc tràn về, cây cỏ rụi lá, lặng im để giữ và đưa nhựa sống vào trong, cố gắng vượt qua mùa đông khắc nghiệt để sang xuân, hè phát triển. Đảo giữa biển có lúc được vuốt ve, mơn trớn, chiều chuộng như con một nhà giàu nhưng nhiều lúc, trời, biển giận dữ. Trời hanh khô, gió bão, sóng dữ liên hồi làm tung cả nhà cửa, quật ngã cả rừng cây, đưa cả tàu thuyền vượt qua bờ nằm lại trên đảo. Siêu bão số 10 đã làm gãy đi khối trụ bê tông chịu lực của chong chóng quay tuyếc-bin máy phát điện bằng sức gió có công suất cao của Tây Ban Nha viện trợ cho đảo”.

Gần một thế hệ thanh niên ra đảo nay phần lớn đã trưởng thành. Nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ, con cái đã học hết trung học cơ sở ở đảo rồi vào thành phố học tiếp trung học phổ thông và học lên đại học. Lớp thanh niên xung phong mới đang lần lượt tiếp tục thực hiện các phần việc lớp trước chưa hoàn thành. Tiềm năng của Bạch Long Vĩ sẽ dần dần được khơi dậy.

Hiện đảo đã và đang khảo sát, lập dự án quy hoạch khai thác ngư trường quanh đảo có chiều rộng từ 35km đến 55km, nơi sâu nhất từ 60m đến 70m nước. Nền đáy của ngư trường tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc khai thác hải sản. Vùng biển của Bạch Long Vĩ có tới 395 loài hải sản, 229 giống thuộc 105 họ hải sản, trong đó có 61 loài có giá trị kinh tế cao, có một số thuộc loài quý hiếm như bào ngư, cá song, cá bạc má, cá chỉ vàng, rau câu…

*
*   *

Tin gió mùa đông bắc của buổi truyền hình vừa thông báo, bằng sự nhạy cảm và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn ở đảo, Nguyễn Công Hòa thông báo với chúng tôi: tàu Bạch Long ngày mai phải rời đảo sớm vào đất liền để tránh gió mùa đông bắc về. Sáng sớm, trời đã có nhiều đám mây vần vũ, gió se lạnh, sóng biển đã ào ạt vào bờ với tiếng vỗ đã to hơn và nhiều hơn.

Đã đến lúc chúng tôi phải rời Bạch Long Vĩ để về thành phố, phải rời “biển bạc” để về với “rừng vàng”. Nhưng giờ đây, biển, đảo là xương máu, là tài sản quý giá mà bao thế hệ cha ông ta đã giữ gìn và để lại. Biển, đảo ngày nay còn quý hơn cả vàng, bạc vì ở đó, chúng ta có nguồn tài nguyên hải sản, có dầu mỏ và bao nhiêu loại mỏ khác chưa khám phá và khai thác.

Chúng tôi ra về, vững lòng tin với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, vững lòng tin bởi các thế hệ đã và đang chiến đấu giữ gìn từng mét lãnh hải của Tổ quốc. Chúng ta có đủ cơ sở lịch sử, chứng lý, đủ cơ sở vật chất và lòng yêu nước để biển, đảo mãi mãi là tài sản thiêng liêng vô giá của nhân dân. Bạch Long Vĩ xa mà gần. Bài ca “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” vẫn vang ngân, ăn sâu vào tâm trí chúng tôi và đi cùng năm tháng...

Nguyễn Văn Ý
 Bạch Long Vĩ, tháng 10 năm 2011

Các tin khác
Các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái.

YBĐT - “Xóm” nhưng chỉ có 2 nhà. “Xóm” nọ cách “xóm” kia cũng chỉ mươi phút đi xe đạp… nhưng người dân ở cái xóm “di động” ấy luôn biết bao bọc lấy nhau để sẻ chia những cơn đau, những bát cơm, tấm bánh, giúp nhau lúc tối lửa tắt đèn bởi mỗi hộ duy nhất chỉ có một người. Ấy là “xóm” chạy thận của những người dân nghèo tứ xứ đang sống trọ quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái.

Nhiều hộ dân ở Phúc An đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến sắn.

YBĐT - Quê núi Phúc An đã thay “áo mới”. Đồng bào Dao, Cao Lan, Kinh nơi đây đoàn kết phát triển kinh tế, làm cho địa phương ngày càng khởi sắc.

Bữa ăn trưa của học sinh bán trú Trường Tiểu học - THCS Làng Nhì.

YBĐT - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tình hình kinh tế - xã hội ở Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng đều tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện một số điển hình biết phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ dân xã Báo Đáp chăm sóc vườn quất cảnh chuẩn bị bán trong dịp tế Nguyên đán.

YBĐT - Chuyện của những người đi xuất khẩu lao động ở Báo Đáp càng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi nhất là vào những ngày cuối năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục