Tết trong rừng nguyên sinh
- Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:08:40 PM
YBĐT - Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tết trong rừng nguyên sinh Nà Hẩu vẫn thật ấm áp bởi người dân nơi đây vẫn duy trì những phong tục, tập quán tốt đẹp, đặc biệt là tập quán chăm sóc bảo vệ rừng.
Rừng tự nhiên Nà Hẩu được bà con bảo vệ tốt.
|
Anh bạn đường xa không khỏi ngỡ ngàng bởi rừng tự nhiên mà mọc đến sát đường, sát nhà... Chỉ vài bước chân là có thể ôm lấy những cây gỗ to, thân thẳng đứng cao hàng vài chục mét. Từ trên cao nhìn xuống, lòng chảo Nà Hẩu (Văn Yên) nằm lọt giữa thung lũng xanh của rừng tự nhiên bao bọc bởi những dãy núi cao. Chả thế mà diện tích rừng tự nhiên đặc dụng chiếm tới 4.700 ha trong tổng số diện tích tự nhiên 5.640 ha toàn xã.
Trong cái lạnh vùng cao tình người càng ấm áp. Mùa xuân đã về đây. Đồng bào Mông Nà Hẩu xuân này có thêm nhiều niềm vui. Tuyến đường từ xã Đại Sơn vào trung tâm Nà Hẩu được trải bê tông phẳng lỳ, xe máy, ô tô đi lại dễ dàng. Sau bao mong đợi, điện lưới quốc gia đã về. Hơn một nửa số dân ba thôn Khe Tác, Khe Cạn, Làng Thượng đã có điện lưới quốc gia để thắp sáng, xem ti vi và phục vụ sản xuất. Đặc biệt với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực và giúp đỡ của bà con trong bản mà trên 20 hộ gia đình ở các bản Ba Khuy, Khe Tác... được đón tết trong căn nhà mới - nhà “167”. Vì vậy, ai cũng cố gắng để lo cho gia đình một cái tết tươm tất hơn.
Bên bếp lửa bập bùng, nhìn ra sương khói bảng lảng trên những tán cây rừng cao vút, nghe tiếng xe máy xuôi ngược, tiếng người gọi nhau í ới, những cành hoa mận trắng xoá, không khí xuân ở rừng nguyên sinh thêm nồng. Từng ngôi nhà, đàn ông rộn ràng chuẩn bị củi để đun bếp nấu rượu, luộc bánh. Phụ nữ thì đem váy áo ra khâu, chuẩn bị gạo làm bánh. Qua câu chuyện của những cụ cao niên trong xã, phần lớn người Mông Nà Hẩu là người ở huyện Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) và Trạm Tấu di cư xuống từ khoảng cuối thập niên 70 thế kỷ trước.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, từ vài chục hộ ban đầu nay xã đã có trên 1.900 nhân khẩu với trên 350 nóc nhà. Nói về chuyện tết thì có nhiều điều mới lắm. Chỉ cách đây dăm năm, khi đường sá đi lại khó khăn, tết đến đi bộ vài chục cây số ra tận Đại Sơn, An Thịnh mới mua được ít thực phẩm về đến nhà rau héo, thịt ôi gần hết. Nay thì khác, đường đi dễ dàng, dù chưa hết khó khăn nhưng nhà nào cũng có tết.
Lại bàn đến chuyện làm ăn. Mặc dù thời tiết năm qua không thuận lợi song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào đã gieo cấy 122 ha lúa nước, chủ yếu là giống lúa lai, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha. Bà con còn trồng 49 ha ngô và 47 ha lúa nương nên tổng sản lượng lương thực có hạt toàn xã đã đạt trên 741 tấn. Cùng với phát triển cây lương thực, các loại rau màu và cây công nghiệp khác cũng được chú trọng. Đặc biệt, bà con nơi đây đã chung sức để giữ và bảo vệ tốt “của trời cho” là rừng nguyên sinh.
Đời sống nhiều tiến bộ nên giờ đây người Mông Nà Hẩu ăn tết theo lịch của Nhà nước. Từ 25 đến 26 tháng Chạp là bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Dù thế nào, trước đó nhà nào cũng lo cho con cái và mỗi người trong gia đình một bộ quần áo mới để diện tết. Những thực phẩm chuẩn bị tết không thể thiếu là một con lợn, vài con gà, vài chục cân gạo nếp, mươi, mười lăm lít rượu gạo hay ngô. Chủ tịch xã Giàng Chẩn Phử bảo: "Trước đây, khi Nhà nước chưa có chủ trương cấm súng (vũ khí tự chế), thú rừng còn nhiều, tết về thế nào cũng phải có thịt rừng ăn. Nay thì khác, thực phẩm chủ yếu là những thứ gia đình tự sản xuất, chăn nuôi hay mua ngoài chợ".
Đường vào xã được Nhà nước đầu tư bằng phẳng, khang trang.
Ba mươi tết, những người đàn ông chủ gia đình vào rừng chặt ba cây vầu nhỏ, tuốt hết lá, để lại vài cành đầu ngọn, rồi bó lại thành chổi để quét dọn nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Những tờ giấy đỏ năm trước trên bàn thờ được thay bằng lớp giấy mới. Sau khi bàn thờ được thay áo mới, chuồng lợn, chuồng gà, đặc biệt là những dụng cụ lao động như: cuốc, xẻng, dao, cày bừa... cũng được dán giấy đỏ sau khi đã đục lỗ trang trí. Sau một năm giúp con người lao động, các vật dụng này cũng được “nghỉ tết”.
Tiếng lợn eng éc khắp đầu thôn cuối bản. Anh Phử khoe: "Nhà nào có điều kiện đã mổ một con lợn to trước đó vài ngày để mời bạn bè, họ hàng, bà con trong bản đến uống rượu. Năm nay, nhiều nhà mổ lợn trước!". Trong buổi sáng ngày ba mươi, dù giàu hay nghèo, gia đình nào cũng phải có mâm cơm cúng tổ tiên (như bữa cơm tất niên của ngươì Kinh), mời bạn bè, anh em đến dự. Tết ở đây, ngoài thịt lợn, gà và rượu còn một thứ không thể thiếu là bánh dày, là loại bánh được chế biến từ gạo nếp đồ lên và dùng chày giã nhuyễn sau đó nặn thành bánh. Khi ăn, bánh chấm với mật ong hay mật mía. Cuộc sống của vùng cao đã thay đổi nên nhà nào cũng đầy đủ thịt, bánh, rượu đón tết.
Mặc dù không đón giao thừa như người Kinh nhưng nghi lễ hết sức quan trọng của người Mông Nà Hẩu là vào nửa đêm ba mươi trở đi, khi có tiếng gà gáy đầu tiên báo hiệu năm mới về, người chủ gia đình sẽ mang 3 que hương và giấy đỏ vào rừng tìm đến mạch nước ngầm ngon nhất lấy nước về cho cả nhà rửa mặt và đun uống mong đem điềm lành đến tất cả mọi người trong nhà. Trước đó, bắt đầu tối hoặc nửa đêm, mỗi nhà đều cúng ma nhà (tổ tiên) bằng con lợn sống hoặc gà sống và phải là gà trống lông vàng đỏ, sau đó mới mang lợn hoặc gà đi giết thịt, thịt xong cúng mâm thịt chín, ăn uống đợi tiếng gà gáy.
Sáng mùng một, người phụ nữ không phải dậy sớm và làm việc như mọi khi vì ngày đầu năm mới người ta kiêng phụ nữ đi lại trong nhà. Chủ nhà sẽ dậy sớm nhất đi lại trong nhà và bước qua cửa chính (như hình thức xông nhà của người Kinh), vừa đi lại ông vừa gọi mọi người dậy. Sau đó, ông sẽ chính là người làm những việc của gia đình như: nhóm bếp, làm cơm, cho lợn gà, gia súc ăn. Điều kiêng kỵ trong ngày này là khi nhóm bếp không được thổi lửa vì nếu thổi, năm đó bão gió sẽ làm đổ ngô, lúa…Mùng một cũng kiêng không dùng dao vì nếu dùng cây cối, hoa màu sẽ bị sâu bệnh. Vì vậy, những thức ăn trong ngày mùng một đều phải chuẩn bị từ hôm trước.
Mùng hai tết, sau khi cúng tổ tiên bằng một con gà trống đỏ tươi, lông gà được dán lên bàn thờ cầu mong một năm làm ăn phát tài, phát lộc; bà con trong bản diện quần áo mới tập trung đến trung tâm xã để vui chơi, thăm hỏi động viên nhau chúc một năm mạnh khoẻ nhiều ngô, nhiều lúa, nhiều lợn gà... Sau khi Bí thư Đảng uỷ xã Giàng A Châu thay mặt lãnh đạo xã chúc tết bà con, nhiều trò chơi được diễn ra, trong đó vui nhất và thu hút nhiều người nhất là chơi quay, đánh én, đá bóng, bóng chuyền...
Phụ nữ chuẩn bị gạo nếp làm bánh dày còn đàn ông gom củi đun tết.
Sau một ngày vui chơi, mùng ba tết, mỗi nhà lại làm cơm cúng, đốt vàng mã tiễn tổ tiên và các thần cai quản về trời, tháo giấy cho các dụng cụ lao động. Tuỳ từng nhà sẽ chọn một ngày tốt đầu năm như ngày Sửu, ngày Hợi... để bắt đầu một năm lao động sản xuất nhiều thu hoạch. Đặc biệt, đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, xã tổ chức lễ hội cúng Thần rừng, mọi người đi dự để cảm ơn thần rừng đã ban cho cuộc sống tốt đẹp, tiếp tục nâng cao ý thức giữ rừng.
Cứ hồn nhiên, chất phác, cái tết trong rừng nguyên sinh thật đậm đà, ấm áp và trong lành nhất.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Tôi đến thăm Thượng úy Vũ Khắc Biên trong ngôi nhà nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái vào một ngày giáp tết. Biên vừa trở về sau hơn một năm làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, kịp đón một cái tết ấm cúng với gia đình - điều mà nhiều năm qua, trong bộn bề công việc anh đã không làm được.
YBĐT - Mù Cang Chải là “rốn” táo của Yên Bái. Nậm Có lại coi như “rốn” táo của Mù Cang Chải. Tà Sua lại là “rốn” táo của Nậm Có. Tà Sua bây giờ vẫn còn nguyên hai ngàn rưởi gốc táo cũ. Có cây tính bằng tuổi người già. “Táo trên rừng, có cả trăm cây hơn tuổi “bố” đám trung niên” - ông Rùa nói thế. Càng già quả càng ngọt. Mỗi vụ vẫn cho vài tạ quả.
YBĐT - “Cho vay hộ nghèo” - cái tên của chương trình tín dụng đã chỉ rõ đối tượng được thụ hưởng. Thế nhưng thực tế triển khai trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã cho thấy: có rất nhiều đối tượng không phải hộ nghèo đang nghiễm nhiên được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi này.
YBĐT - Năm 2011, năm có điểm nhấn là biển, đảo. Đối với chúng tôi, gần suốt cuộc đời gắn với núi rừng Tây Bắc, quen với núi cao vực sâu - nơi khởi nguồn từ ngàn vạn con suối chảy ra sông và góp dòng nước với biển cả thì chuyến đi biển, đảo thật có ý nghĩa...