Có buông lỏng quản lý lễ hội đầu xuân?

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2012 | 9:24:04 AM

YBĐT - Tháng giêng mới là tháng khởi đầu cho mùa lễ hội trong năm. Từ nay đến cuối năm 2012 còn hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan đi lễ hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Việc tổ chức một số trò chơi ăn tiền và hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin ở một số đền, miếu... vẫn tồn tại.

Làm lễ giải hạn tại đền Tuần Quán, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái).
Làm lễ giải hạn tại đền Tuần Quán, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái).

Từ  đầu tháng 1 năm 2012 (âm lịch) đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lễ hội như: Lễ hội đền Đông Cuông, đền Tuần Quán, đền Thác Bà, đền Nhược Sơn... Hội chọi trâu Lục Yên thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách thập phương về dự. Đây là sự cố gắng đáng ghi nhận của các địa phương trong việc tổ chức lễ hội. Song, theo quan sát của chúng tôi cũng như phản ánh của du khách và những người làm công tác quản lý thì việc tổ chức một số trò chơi ăn tiền và hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin ở một số đền, miếu... vẫn tồn tại.

Thực trạng lễ hội đầu xuân

Địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến thăm quan là đền Tuần Quán thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Lúc này đã khoảng hơn 14 giờ ngày 13/2/2012, do vẫn trong giờ hành chính nên khách đến làm lễ không nhiều. Phía ngoài cổng không còn tình trạng có người môi giới rút thẻ, giải thẻ như đầu mùa lễ hội năm 2011. Vào đền thắp hương là tiếng mõ, tiếng chiêng xen lẫn tiếng đọc rì rầm không rõ lời của một ông thầy. Sau lưng ông là khoảng gần chục người đang chắp tay ngồi quỳ chờ nghe hiệu lệnh để làm lễ. Lướt nhìn một lượt số người đang ngồi quỳ, tôi nhận ra một người quen ở phường Yên Thịnh. Chị Đ. ghé tai tôi nói nhỏ: “Hôm nay gia đình chị nhờ nhà đền làm lễ giải hạn cho yên tâm vì có nhiều người trong gia đình sao xấu chiếu mệnh...”. Trở ra phía ngoài đền, thấy một phụ nữ khoảng gần 30 tuổi đang giở sổ ghi chép gì đó. Khi hỏi chị tự xưng tên là Thu làm công việc ghi chép vào sổ đăng ký giải hạn của các gia đình để nhà đền xếp lịch.

- Thủ tục giải hạn ở đền như thế nào hả chị?

-  Anh cứ đăng ký đi để nhà đền xếp cho, nhưng phải từ 10- 20 hộ thì mới làm được vì trong tuần tới lịch kín hết rồi, nếu muốn làm một gia đình phải để cuối tháng này.

- Vậy lễ giải hạn phải chuẩn bị ra sao?

- Phải làm 7 lễ mặn và 1 lễ tạ, anh cứ nộp 2.200.000 đồng và 400.000 đồng (tiền cho thầy) nhà đền sẽ lo cho. Ngoài ra, anh phải nộp thêm 15- 20 ngàn tiền cho một hình nhân thế mạng và tiền, vàng mã/người trong gia đình.

- Sao đắt thế?

- Không đắt đâu vì chỉ tiêu cho nhà đền thu năm nay là 420 triệu đồng, tăng hơn năm ngoái 50 triệu đồng.

- Thế thời gian làm lễ có lâu không?

- Phải mất một buổi, sáng hoặc chiều.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến miếu Đôi cô và đền Rối thuộc xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái để tìm hiểu về các hoạt động lễ hội đầu năm ở đây. Vào đến sân miếu Đôi cô đã nghe tiếng chiêng chập cheng của một ông thầy vừa gõ vừa đọc lẩm nhẩm bài khấn nghe không rõ lời. Phía sau thầy có trên 10 người ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) đang ngồi quỳ gối, chắp tay khấn. Trên ban lễ có xôi gà, hoa quả, tiền vàng, bên cạnh có một dãy hình nhân thế mạng đứng dàn hàng ngang chờ hoả táng thay người trần! Bà vợ thầy Ch. (người đang làm lễ trong miếu) cho biết: “Lễ giải hạn các gia đình tự mang lễ đến cũng được hoặc đến đây sắm cũng được, chỉ một con gà và xôi, hoa quả, hương hoa, tiền vàng mã thôi. Còn tiền thù lao cho thầy tùy tâm một vài trăm, hộ nghèo không cần phải lễ thầy cũng được”.

- Ở đây có rút thẻ không?

- Có chứ. Thẻ ở đĩa dưới ban kia, đặt lễ rồi đọc họ tên thầy xin âm dương cho rồi rút.

- Đặt bao nhiêu?

- Tùy tâm, năm, mười ngàn thôi.

Tôi rút tờ mệnh giá 20.000 đồng đặt vào đĩa để cho cả anh bạn cùng đi rút thẻ. Thật bất ngờ, khi thầy hỏi họ tên, tôi cố tình khai sai tên, còn anh bạn cùng đi khai sai họ mà thầy xin âm dương ai cũng chỉ “một đài” là được. Sang bên đền Rối chỉ thấy một vài người dân mua hoa quả, tiền vàng mã vào làm lễ. Anh bạn cùng đi hỏi người đàn ông khoảng trên 60 tuổi trông coi đền ở đây có xem bói và rút thẻ không? Người đàn ông trông đền trả lời là ở đây không xem bói, không rút thẻ vì xã đã cấm rồi. Nếu có giải hạn thì nộp mỗi hộ 100.000 đồng để lại số điện thoại, lúc nào được vài chục hộ thì thầy làm lễ giải hạn cho. Đền rối chỉ cách miếu Đôi cô chưa đầy 1km, nhưng không hiểu sao chính quyền và lực lượng công an xã vẫn để tình trạng rút thẻ ở miếu Đôi cô diễn ra?

Rời thành phố Yên Bái, ngược theo đường Yên Bái - Khe Sang, chúng tôi lên đền Đông Cuông- Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đền Đông Cuông trong những ngày làm việc khách đến làm lễ thật vắng. Chỉ có vài chiếc xe con của tư nhân ở Hà Nội và một số tỉnh dưới xuôi đi lễ. Hầu như không có người dân địa phương đi lễ vì họ còn đang bận gieo cấy lúa vụ xuân và thu hoạch sắn về sấy bán do sắn đã nhích lên được vài giá.

Vừa đến trước cổng đền chúng tôi đã gặp cảnh tượng 6 - 7 cụ bà từ 75 đến trên 80 tuổi và 2 người tàn tật ngồi ngay lối đi vào đền ăn xin “lộc” của du khách. Trong đền là tiếng nhạc, trống, đàn, nhị kèm tiếng theo hát văn hầu đồng của một đoàn phật tử từ trong miền Nam khoảng gần 30 người đến lễ đang ngồi hầu đồng. Được biết, mỗi giá hầu đồng khoảng từ 5-6 giờ, một giá nhà đền thu 350.000 đồng (văn do các đoàn cùng đi hay văn của nhà đền đều thu chung một giá). Ngoài ra, các đoàn hầu đồng cũng công đức, cung tiến cho đền cũng khá nhiều! Ra phía ngoài đền không thấy có hiện tượng mời chào xem bói, hay rút thẻ như những mùa lễ hội năm trước.

 

Người ăn xin tại đền Đông Cuông, xã Đông Cuông (Văn Yên).

Ông Nguyễn  Đình Yên - Phó chủ tịch UBND xã Đông Cuông, Phó Ban Quản lý đền Đông Cuông khẳng định: “Từ hôm tổ chức lễ hội đến nay, Ban quản lý, chính quyền xã cấm tất cả các hoạt động mê tín dị đoan và tổ chức các trò chơi ăn tiền như tôm, cua, cá; phi tiêu; ném vòng cổ chai, ném bóng nhựa vào chậu ăn tiền; rút thẻ, xem bói... Thay cho các hoạt động của một số cá nhân hàng hay tổ chức các trò chơi ăn tiền, phần hội năm nay được tổ chức khá chu đáo. Ban tổ chức đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian và thi đấu một số môn thể thao như: ném còn, kéo co nam, nữ, đu tiêu, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền... đều có giải thưởng của Ban tổ chức trao cho các đội và cá nhân đoạt giải”.

Để hoạt động lễ hội thực sự văn hóa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm đình, đền, miếu... nhiều đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Tháng giêng mới là tháng khởi đầu cho mùa lễ hội trong năm. Từ nay đến cuối năm 2012 còn hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan đi lễ hội trên địa bàn tỉnh.

 

Thiết nghĩ, Ban quản lý các đền, đình..., Ban tổ chức các lễ hội, chính quyền địa phương và lực lượng công an ở các địa phương trong tỉnh phải vào cuộc chấn chỉnh ngay các hoạt động mê tín dị đoan và tổ chức các trò chơi ăn tiền mang tính chất cờ bạc đã diễn ra ở đền Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ (Văn Yên).

Việc sắp xếp cho các đoàn làm lễ (hầu đồng), làm lễ giải hạn phải đảm bảo trật tự và đảm sự linh thiêng ở đền, đình. Không để một lúc tới 2 đến 3 đoàn hầu đồng trong buổi sáng như ở đền Đông Cuông ngày 11/2/2012 vừa qua. Cả hai, ba đoàn cùng đánh trống, đánh đàn, nhị, sáo... hát không chỉ làm cho du khách đinh tai, nhức óc mà các đoàn hầu đồng này còn đặt lễ lên kín các ban thờ, du khách không còn chỗ để đặt lễ. Một số du khách cố chen đặt vào, thì bị người trong đoàn lên đồng nói là đoàn đã “thầu” ban này cả buổi sáng rồi “vào bên trong mà đặt”.

 

Một đồng nghiệp của chúng tôi cố đặt vào thì 20 phút sau quay lại không thấy lễ của mình đâu, nhìn quanh mãi thì hóa ra đã bị ai đó đặt xuống dưới đất. Hành động như vậy trong việc đi lễ thật chẳng văn hóa chút nào! Chưa kể quá nhiều đoàn hầu đồng cùng một lúc hát, đánh trống, thổi sáo, nhị, đàn, nhảy múa... gây ồn ào “như cãi nhau”, mất đi sự linh thiêng khi các du khách đang làm lễ. Mặt khác chính quyền, các đoàn thể và gia đình có những người đi ăn xin nơi đền, đình, nhất là ở đền Đông Cuông - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (xã Đông Cuông đã ra mắt xã Văn hóa)... phải vào cuộc vận động các cụ già không nên đến cửa đền ăn xin như vậy, nhìn thật mất mỹ quan với du khách gần xa vì Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các cụ từ 80 tuổi trở lên... 

Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hoạt động mê tín dị đoan và tệ nạn cờ bạc. Các địa phương không nên giao chỉ tiêu thu cho các đền, đình sẽ gây áp lực cho các Ban quản lý đền, đình. Bên cạnh đó, các địa phương nên chú trọng đến phần hội để tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao, mở dịch vụ ẩm thực các dân tộc ở địa phương mình, làm các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Như vậy vừa giữ được chân du khách khi đến thăm quan lễ hội vừa giúp du khách thấy nét đẹp văn hóa của lễ hội đầu năm ở Yên Bái.

Ông Lê Yên HÀ - Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái:

Theo quy định của Nhà nước thì các hoạt động lên đồng và giải hạn tại các lễ hội và đốt vàng mã tại các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng đều cấm. Song, do từ lâu đời nay nhiều người dân kể cả cán bộ, công chức vẫn làm lễ giải hạn nên vấn đề này rất “tế nhị”.

Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đền, đình, miếu... nhưng chúng tôi chỉ có 4 thanh tra, không thể đi kiểm tra thường xuyên ở tất cả các lễ hội được. Do vậy, một số nơi vẫn còn xảy ra hoạt động rút thẻ và tổ chức chơi các trò chơi ăn tiền như: tôm, cua, cá, lồng quay, ô ăn quan... như đã diễn ra tại lễ hội đền Nhược Sơn cách đây vài tuần.

Khi chúng tôi đến thấy có cả lực lượng công an, chính quyền xã ở đó nhưng họ không can thiệp vẫn để cho một số cá nhân tổ chức chơi. Theo chức năng, nhiệm vụ, chúng tôi không được lập biên bản bắt giữ các đối tượng này được vì đây là hoạt động cờ bạc liên quan đến an ninh trật tự nên chúng tôi chỉ nhắc nhở Ban tổ chức tại lễ hội đó mà thôi.

 

Cao Chính

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục