Hạnh Sơn: Nước mắt vì dịch bệnh tai xanh

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/3/2012 | 5:37:52 PM

YBĐT - Những ngày này hàng trăm hộ dân ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn rớt nước mắt nhìn đàn lợn nhà mình chết dần chết mòn. Dịch tai xanh ập đến khiến nhiều hộ dân trắng tay.

Người dân An Sơn đau lòng khi nhìn đàn lợn chết dần vì dịch tai xanh.
Người dân An Sơn đau lòng khi nhìn đàn lợn chết dần vì dịch tai xanh.

Thôn An Sơn nơi xuất hiện ổ dịch tai xanh đầu tiên ở xã Hạnh Sơn. Khung cảnh đìu hiu, cả làng giờ vắng tiếng lợn kêu. Trong nhiều ngôi nhà chúng tôi đến đều bắt gặp những gương mặt thất thần của gia chủ vì “cơn bão” dịch tai xanh đang tràn qua.

Nhà anh Nguyễn Văn Thuấn chiều 25/3 tiêu hủy 8 con lợn. Như vậy, tính từ ngày đàn lợn nhà anh bị mắc bệnh gia đình anh đã tiêu hủy 18 con, số lợn còn lại trong chuồng cũng đang ngấp ngoải. “Thế là hết vốn làm ăn các anh ạ, tổng thiệt hại của gia đình phải trên 30 triệu đồng” - Anh Thuấn ngao ngán than vãn.

Thôn An Sơn có 131 hộ dân thì có 111 hộ chăn nuôi lợn, trong thôn thường xuyên có hàng nghìn con lợn thế mà dịch bệnh ập đến khiến nhiều hộ trống chuồng, nhiều  hộ chăn nuôi  kiệt quệ. Chị Nguyễn Thị Yến chỉ vào chuồng lợn trống trơn mà than rằng “từ nhiều năm nay gia đình tôi sống bằng nghề chăn nuôi lợn. Giờ lợn đã bị chết sạch, cuộc sống của cả gia đình thời gian tới chẳng biết sẽ ra sao?”.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảm không dấu nổi vẻ lo âu những ngày nay ông tất bật vì ông không chỉ đi đến các hộ dân tuyên truyền tác hại của dịch tai xanh cũng như việc phòng chống dịch mà còn phải làm công việc thống kê và xác nhận cho những con lợn mang đi tiêu hủy. Khi được hỏi đến những hộ có lợn bị tiêu hủy, không cần suy nghĩ ông kể tên một bản danh sách dài như: nhà anh Thuấn, anh Hiền, anh Đỉnh, anh Nhưỡng, chị Yến…

Ông Đàm hy vọng rằng con lợn này sẽ qua được đại dịch.

Tuy nhà ông chưa có  lợn bị chết vì tai xanh, nhưng hằng ngày chứng kiến những con lợn của bà con trong thôn mang đi chôn ông không khỏi xót xa. Ông nói trong nước mắt: “Dân làng chúng tôi đã nuôi lợn hàng mấy chục năm nay, chúng tôi lấy con lợn làm con vật để phát triển kinh tế, con lợn đã giúp cho nhiều hộ gia đình trong thôn xóa được đói, giảm được nghèo… Vậy mà… Xót xa quá các anh chị ạ! Bao nhiêu năm nuôi lợn chúng tôi chưa hề thấy dịch nào khủng khiếp như dịch tai xanh này. Nó ập đến, cuốn đi của thôn tôi hàng tỷ đồng”.

Theo như ông Đảm kể thì dịch bệnh tai xanh xuất hiện ở thôn từ ngày 10, nhưng người dân tưởng chỉ mắc bệnh thông thường và chạy chữa có nhà mất đến 2-3 triệu đồng tiền thuốc nhưng cũng không khỏi đến khi cán bộ thú y đến lấy mẫu bệnh đi xét nghiệm thì mới biết là lợn bị mắc bệnh tai xanh.

Chính do không được phát hiện sớm nên nhiều hộ dân mang lợn đi bán và mổ  ăn nên nguy cơ lây lan dịch càng lớn. Hiện nay, dịch tai xanh như vết dầu loang đã xuất hiện ở cả 9/9 thôn bản của xã Hạnh Sơn. Tại thôn Bản Đường nhiều hộ dân lòng như lửa đốt khi đàn lợn của mình đang bị ốm và cũng đã có một số lợn nái bị chết.

Thôn Bản Đường đã nhiều ngày nay huy động toàn bộ lực lượng như: công an viên, dân quân, thú y viên, đoàn thanh niên, các chi hội hội đoàn thể ngày đêm đến từng nhà tuyên truyền về dịch tai xanh, tuần tra kiểm soát ngăn cấm việc tuồn lợn bệnh ra ngoài. Bí thư chi bộ thôn Bản Đường, Lò Văn Quân nói: “Kinh khủng quá các anh chị ạ, cứ đà này tai xanh sẽ làm nhiều nhà dân trong bản tôi tay trắng tay thôi”.

Vừa đi chôn con lợn nái trên 1,2 tạ về anh Lê Hồng Thuyết than thở: “Tiếc và thương nó quá chị ạ! Nó đang mang thai sắp đến ngày đẻ. Nó ở với chúng tôi mấy năm nay rồi, mỗi năm hai lứa đẻ, mỗi lứa 16-17 con lợn con chứ có ít đâu” Hiện nay gia đình anh Thuyết còn 4 con lợn thịt mỗi còn nặng khoảng 40 kg cũng đang bị bệnh. Anh đang tìm mọi cách chữa trị để giữ lại những đồng vốn cuối cùng.

Đến ngày 24/3, đã có 401 con lợn bị chết phải đem đi tiêu hủy

Ngay sau khi phát hiện có dịch lợn tai xanh tại xã Hạnh Sơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Văn Chấn, Chi cục thú y tỉnh,  trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch.

Huyện Văn Chấn đã tập trung toàn bộ nhân lực và phương tiện nhằm nhanh chóng khống chế và dập tắt dịch bệnh. Cán bộ phòng Nông nghiệp, Trạm Thú y, trạm khuyến nông huyện tập trung xuống cơ sở cùng chính quyền sở tại và nhân dân bao vây dập dịch. Huyện cũng đã cấp 6 tấn vôi bột,  152 lít thuốc khử trùng, huy động toàn bộ máy phun và lực lượng thú y của các xã khác tăng cường về xã Hạnh Sơn để dập dịch.

Mọi công việc ở xã Hạnh Sơn đều gác lại để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch tai xanh. Ông Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn cho biết: “Xã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời và các tổ tuần tra lưu động nghiêm cấm vận chuyển buôn bán lợn trong vùng dịch. Mặc dù có nhiều cố gắng trong khoanh vùng dập dịch nhưng dịch bệnh diễn biến khá phức tạp và lây lan nhanh. Tính đến ngày 24/3 trên 1.625 con lợn của 664 hộ ở 9 thôn bản của  xã Hạnh Sơn mắc bệnh tai xanh trong đó có 401 con chết và đem đi tiêu hủy”.

Ông Phan Anh Tú - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Chấn cho biết: “Trạm Thú y huyện đã cử cán bộ xuống Hạnh Sơn hướng dẫn tổ chức chống dịch. Tuyên truyền tác hại của dịch tai xanh đến các hộ dân, đồng thời vận động nhân dân  không giấu dịch; không mua, bán lợn mắc bệnh, sản phẩm lợn mắc bệnh; không tự vận chuyển gia súc mắc bệnh ra vùng dịch; không vứt xác lợn mắc bệnh bừa bãi…” .

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì việc khoanh vùng khống chế dịch đang gặp những khó khăn nhất định. Mặc dù tình trạng lợn mắc bệnh và chết từ những ngày giữa tháng 3 nhưng đến  mãi đến ngày 23 sau khi gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm mới phát hiện virus hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (bệnh tai xanh). Cho nên trong thời điểm đó, số lợn bán và vận chuyển ra ngoài xã cũng không phải là ít.

Hiện nay tỉnh, huyện chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ gia súc mắc bệnh và chết dịch đem đi tiêu hủy nên dẫn đến nhiều hộ dân rất lo lắng khi nhìn đàn lợn nhà mình chờ chết, chính vì vậy, việc người dân xót của tuồn lợn ra ngoài tiêu thụ là khó tránh khỏi.

Cùng với đó địa bàn xã Hạnh Sơn có nhiều đường nhánh tiếp ráp với các xã và có trục đường tỉnh lộ đi qua nên việc kiểm tra, kiểm soát gia súc mắc bệnh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt ở 4 xã lân cận Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Phúc Sơn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nên rất cần lượng vắc xin để tiêm phòng cho những đàn lợn đang khỏe mạnh.

Mặc dù, huyện Văn Chấn đang nỗ lực hết mình khống chế và dập tắt dịch bệnh. Nhưng hiện nay, dịch tai xanh vẫn đang diễn biến phức tạp. Khi chúng tôi rời Hạnh Sơn lại hay tin dịch bệnh phát sinh thêm tại xã Phúc Sơn với số lợn mắc bệnh là 16 con. Nếu không có biện pháp đồng bộ trong công tác phòng chống dịch thì số lượng gia súc chết vì bệnh tai xanh sẽ không dừng lại ở đây.

Văn Thông - Hồng Duyên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục