Doanh nghiệp chưa hết “cơn bĩ cực”
- Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2012 | 9:15:16 AM
YBĐT - Đã gần hết quí I/2012, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh Yên Bái không sáng sủa hơn năm trước. Các doanh nghiệp đang rất mong có sự chung tay trợ giúp tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành liên quan để vượt qua cơn bĩ cực này...
Ông Lại Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị; Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông kiến nghị với Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh về những khó khăn cần được tháo gỡ.
|
Chồng chất khó khăn
Ông Lại Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị; Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái tâm sự: “Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái là doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang cổ phần hóa năm 2001, đến năm 2010 sản xuất kinh doanh không còn vốn Nhà nước. Công ty hiện có 211 cán bộ, công nhân lao động lành nghề. Năm 2012 là năm hết sức khó khăn, bởi Công ty chủ yếu thi công các công trình đầu tư công trong khi Nhà nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công nên chưa tìm kiếm được công trình nào mới ngoài khối lượng trên 10 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm trước sang. Do không có việc làm, bảo hiểm của cán bộ, công nhân viên không còn do Công ty đóng mà trừ trực tiếp vào lương của người lao động”.
Qua tìm hiểu cho thấy, trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài những khó khăn do đặc thù công việc như: công trình thi công ngoài trời, trải rộng trong và ngoài tỉnh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, công nhân có thâm niên công tác trên 15 năm không đi được các công trình xa… thì Công ty còn gặp phải những khó khăn khác cần sự giúp đỡ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Trước hết, về chất lượng hồ sơ một số công trình chưa cao, cũng như việc giải phóng mặt bằng thi công chưa dứt điểm… nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Theo đó, công tác bù giá quá chậm, cụ thể như công trình quốc lộ 32 - đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim giai đoạn 2 từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được bù giá. Có công trình công ty đang thi công như gói thầu 11 đường Khánh Hòa - Minh Xuân phải tạm dừng do không có kế hoạch vốn. Ngoài ra, một số công trình thi công đã có khối lượng, giá trị xong nhưng chưa được nghiệm thu do chưa có kế hoạch vốn còn nếu nghiệm thu lại phải đóng thuế. Công ty cổ phần Xây dựng số I Yên Bái là một trong những đơn vị chuyên xây dựng các công trình nhà ở, công sở, trường, trạm… tình hình sản xuất, kinh doanh cũng đang hết sức khó khăn.
Theo lãnh đạo Công ty hiện nay nhiều tỷ đồng vốn nợ đọng nằm trong các công trình mà Công ty thi công nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán, trong khi đơn vị vẫn phải trả lãi vay cho ngân hàng. Hiện nay, nguồn vốn lưu động của Công ty hết sức hạn hẹp bởi năm 2011, cũng như những tháng đầu năm 2012 này Công ty nhận được rất ít công trình thi công. Do phải đầu tư nguyên vật liệu cho thi công các công trình cao, lãi suất ngân hàng tăng, công trình nhận thi công quá ít, vốn nợ đọng từ công trình đã hoàn thành nhiều vì vậy, Công ty không lo được việc làm, tiền lương cũng như đóng bảo hiểm cho công nhân. Hiện nay, Công ty chỉ còn đóng bảo hiểm cho bộ phận cán bộ văn phòng, còn lại công nhân tự lo việc làm và đóng bảo hiểm trên 800 triệu đồng.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, một trong những doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè xuất khẩu trong tỉnh cho thấy, khủng hoảng kinh tế đang tác động mạnh tới ngành chè Yên Bái. Bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: “Giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất như: than cục, năm 2010 là 2.700 đồng/kg thì năm 2011 tăng lên 4.700 đồng/kg và năm 2012 này tăng thêm 20%, giá xăng, dầu tăng, giá cước vận tải tăng, giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu tăng...
Bên cạnh đó một số thị trường tiêu thụ chè của Công ty đang rất khó khăn, giá bán đầu ra cho sản phẩm thấp, bình quân 1 kg chè đen xuất khẩu chỉ đạt 1 - 1,2 USD/kg, trong khi đó đầu vào lại tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chưa kể tới chế độ bảo hiểm cho người lao động Công ty phải nộp năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, Công ty phải nộp 28,5%, bằng 1,2 tỷ đồng thì năm 2012 phải nộp 30,5%, bằng 1,5 tỷ đồng” dự kiến doanh thu năm 2012 này sẽ giảm xuống đáng kể.
Sản xuất tinh bột sắn ở Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Cần chung tay gỡ khó
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, ông Lại Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông đã đưa ra kiến nghị với mong muốn các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước hết về việc làm, cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu và thắng thầu các công trình do UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh làm chủ đầu tư cũng như các công trình thi công trên địa bàn tỉnh với các chủ đầu tư khác. Công ty mong muốn Chính phủ và các bộ ngành chấm dứt tình trạng “xin - cho” để lành mạnh hóa môi trường đầu tư của Nhà nước.
Các công trình đã triển khai thi công, đề nghị thanh toán khối lượng, giá trị hoàn thành để giảm thiểu khó khăn tài chính cho nhà thầu. Với các công trình đã triển khai thi công, phải tạm dừng vì không có vốn, cần tiếp tục đầu tư để hoàn thành công trình. Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường xem xét cấp lại mỏ đá Mỹ Gia II để tạo việc làm cho người lao động và khai thác cơ sở hạ tầng Công ty đã đầu tư như: bến cảng, kho mìn, đội tàu vận tải thủy, dây chuyền chế biến đá…
Về chính sách, ông Thành đề nghị: “Nhà nước cần nghiên cứu giảm bớt chi phí hành chính trong các dịch vụ công, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong hợp đồng xây dựng, giảm cơ quan quản lý trung gian. Cần giãn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp cho phù hợp, thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì phát triển.
Công tác thu bảo hiểm các loại cũng cần thực hiện cho phù hợp đối với các doanh nghiệp có thể tạm dừng đóng bảo hiểm, hoặc thu bảo hiểm theo quí, 6 tháng không tính lãi… vì hiện cứ nộp bảo hiểm chậm là sẽ bị tính lãi theo lãi suất ngân hàng. Trong năm 2012 này, bảo hiểm tăng 2% và dự kiến tăng lương tối thiểu lên 1.050.000 nghìn đồng, Công ty phải đóng bảo hiểm các loại năm 2011 là 1,6 tỷ đồng thì năm nay phải đóng trên 2 tỷ đồng. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại và phát triển sau Nghị quyết 11”.
Cùng với những kiến nghị trên, lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng số I đề nghị Nhà nước, các chủ đầu tư, đơn vị liên quan sớm thanh toán các nợ cũ của Công ty. Nếu được tham gia thi công các công trình mới, Nhà nước cần tạo cơ chế thanh toán trước từ 40 đến 50% vốn để bớt khó khăn cho đơn vị thi công. Cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng kiến nghị: Do đặc thù của ngành nông nghiệp chỉ sản xuất trong 7 - 8 tháng, trong 6 tháng đầu năm chưa có sản phẩm nên Công ty đề nghị được đóng bảo hiểm vào 6 tháng cuối năm. Trong thực hiện chính sách thuế, thuế VAT, Công ty đề nghị được nộp vào tháng cuối quí vì một số sản phẩm bán trả chậm, khách hàng còn nợ tiền hàng. Đối với tiền thuê đất chè hàng năm, tỉnh cần có cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp chè có số lao động lớn để giảm bớt khó khăn vì trước đây có quyết định miễn giảm tiền thuê đất 50% đến năm 2010 đến nay đã hết hiệu lực.
Bên cạnh đó tỉnh, cũng như các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè để quản lý tốt nguồn nguyên liệu chè. Đồng thời các doanh nghiệp, củng cố uy tín với khách hàng, nâng cao chất lượng chè xuất khẩu, xây dựng và giữ vững được thương hiệu chè Yên Bái. Có vậy mới nâng cao được giá thu mua chè búp tươi cho nông dân, nâng cao thu nhập cho công nhân - bà Minh cho biết thêm.
Dự báo khủng hoảng kinh tế vẫn còn tiếp tục và những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không thể một sớm, một chiều có thể giải quyết ngay được. Nhưng, thực trạng các doanh nghiệp cho thấy “cơn bĩ cực” này chưa biết đến ngày nào mới đến hồi “thái lai” và những mong mỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp đang rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cấp, ngành liên quan!
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Những ngày này hàng trăm hộ dân ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn rớt nước mắt nhìn đàn lợn nhà mình chết dần chết mòn. Dịch tai xanh ập đến khiến nhiều hộ dân trắng tay.
YBĐT - Mùa mưa, thôn còn có một tên khác là thôn “ủng”. Nhưng Ngọn Ngòi lại được biết đến là thôn dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Minh Quân và huyện Trấn Yên (Yên Bái) với gần chục mô hình kinh tế trang trại VAC - VACR quy mô và hiệu quả.
YBĐT - Mặc dù tỉnh Yên Bái đã có cơ chế hỗ trợ với mức 5 triệu đồng/ha trồng cải tạo, thay thế nhưng số tiền này mới chỉ đủ tiền giống, trong khi tổng vốn đầu tư tối thiểu cũng trên 30 triệu đồng/ha.
YBĐT - Tình yêu lao động và nghề nuôi ba ba sinh sản đã biến Văn Hưng (Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái) từ một vùng quê nghèo trở thành một vùng quê văn hóa, giàu và đẹp...