Sự học ở Văn Chấn: Gian nan cho cả ngày mai

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2012 | 3:43:15 PM

YBĐT - Trong số 245 học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Lành (Văn Chấn) thì 168 em bán trú. 9 tháng đi học một năm, mỗi tháng về nhà 4 lần, cả đi và về 80 cây số. Vậy thì, mỗi đứa trẻ bán trú này một năm đã chạy bộ 720 cây số đường rừng để tới trường học chữ… >>>Văn Chấn sẻ chia khó khăn với học sinh vùng cao

Ông Vương Thừa Chiêu (đội mũ) đã dành nhà mình cho các cháu học sinh bán trú ở và hiến đất cho Trường PTDT bán trú Nậm Lành để tăng gia.
Ông Vương Thừa Chiêu (đội mũ) đã dành nhà mình cho các cháu học sinh bán trú ở và hiến đất cho Trường PTDT bán trú Nậm Lành để tăng gia.

Mỗi trò mỗi cảnh

Mùa A Dê là một trong số ít những trẻ người Mông ở Ngọn Lành được xuống trường học chữ. Dê mồ côi mẹ từ nhỏ. Lúc đó, nhà có ba chị em, duy nhất Dê được đi học chữ, hai chị gái thì ngậm ngùi ở nhà giúp cha lo cái ăn, một phần trong đó - là ngô, là măng, ngày mùa có thêm chút gạo nương cho Dê mang tới trường.

Bây giờ, nhà Dê đã có 9 người cả thảy. Cha lấy vợ kế, sinh thêm con, nhà vẫn thiếu ăn lắm. Nghe chuyện của Dê, tôi nhớ cô bé người Mông tên Sùng Thị Dở học lớp 2B Trường tiểu học bán trú Suối Giàng (Văn Chấn). Nhà Dở ở thôn Tập Lăng. Dở 5 tuổi thì bố mất. Mẹ đi lấy chồng rồi theo chồng không về nữa. Nhà có ba anh em gồng gánh nhau qua ngày.

Cùng ở Tập Lăng, có em Giàng Thị Máy. Em còn cha còn mẹ nhưng họ không lo đủ cái ăn cho sáu đứa con. Hai năm trước - theo lời kể của cô giáo Phan Thị Kim Hoa, thì mấy anh em Máy còn không có áo có quần để mặc, nói gì tới việc học hành. Dở và Máy được các thầy cô đưa xuống học chữ và ở bán trú tại trường.

Trong số 168 học sinh bán trú ở Trường PTDTNT Nậm Lành và 93 em ở Trường tiểu học bán trú Suối Giàng (Văn Chấn) hầu hết gia cảnh rất khó khăn, cảnh nhà éo le như Dê, Dở, Máy khá nhiều. Chính vì vậy, nên con số học sinh có mặt mà giáo viên ghi bên góc trái bảng phấn cứ lúc đầy lúc vơi như cái bồ, cái lù cở chứa gạo, chứa ngô ở nhà chúng…

Chuyện ăn, chuyện học, chuyện trường

Thầy giáo Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường PTDTNT Nậm Lành xuýt xoa nỗi vất vả của những đứa trẻ nghèo trên núi xuống. Từ Nậm Cài, Nậm Tộc tới trường chừng 15 - 17 cây số. Người lớn chân dẻo, đi nhanh cũng bốn tiếng đồng hồ vậy mà đám trò trên bản Dao vẫn hàng tuần về nhà lấy gạo, lấy măng, đem muối xuống trường để học.

Thầy xuýt xoa thế nhưng Bàn Thị Khoa, Lý Thị Ghến - những cô trò lớp 9A cùng đám bạn cười hồn nhiên: “Chúng em vừa đi vừa chạy cho nhanh hơn. Chỉ bốn đến năm tiếng là tới trường thôi”.

Trường PTDT bán trú Nậm Lành có 168 em ở bán trú.

Trong số 245 học sinh ở Trường PTDT bán trú Nậm Lành thì 168 em bán trú. Bản xa nhất là 17 cây số, gần cũng 5 cây số. Tính bình quân, từ nhà tới lớp bọn trẻ chạy bộ 10 cây số. Tôi lẩn thẩn tính: một năm học 9 tháng, mỗi tháng về nhà 4 lần, cả đi và về 80 cây số. Vậy thì, mỗi đứa trẻ bán trú này một năm chạy bộ 720 cây số, tổng số km đường rừng học sinh bán trú của trường chạy bộ một năm học là 120.960 cây số.

Ai đó thấy ghê gớm nhưng với học sinh bán trú Nậm Lành thì việc chạy bộ qua rừng tới lớp là chuyện nhỏ, điều khó chính là vì đương tuổi ăn, tuổi lớn nhưng chẳng mấy bữa no đủ. Trước đây, gạo góp 3 kg tháng, Nhà nước hỗ trợ thêm nhưng còn thiêu thiếu. Mùa A Dê nhớ lại: “Nhà em 9 người ăn,về nhà lúc giáp hạt có ngô thì ăn ngô, không thì toàn măng ớt thôi!”. Tổng phụ trách Đội, Trưởng ban quản sinh Nguyễn Xuân Tình ngậm ngùi: “Đâu chỉ có mình Dê, nhiều em khó khăn lắm. Những lúc đó, trường lại sẻ cơm chia phần sao cho trò nào cũng có ăn. Cơm là chính. Thức ăn thì khem: 1.000 đồng/học sinh chỉ có thể cho các em ăn nước mắm, cá khô thôi!”.

Xem ra, cái sự ăn của học trò bán trú ở vùng cao đâu cũng vậy cả. Tôi nhớ những bữa ăn của trò bán trú ở Bản Mù (Trạm Tấu), Khao Mang (Mù Cang Chải) và nhiều trường bán trú khác cũng vầy vậy. Có bữa, thấy chúng ăn cơm với lá rừng, ngon như ăn thịt. Chẳng đâu xa, như bé Dơ, bé Máy, thường nhà mấy khi đủ cơm ăn hai bát, họa hoằn có tí cá suối nhi nhi, ngày tết mới một vài bữa thịt. Thầy giáo Trần Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Suối Giàng xót xa: “Nhìn các em mà thương lắm. Anh em giáo viên cũng chẳng nỡ để trò khổ, nhưng có góp thì cũng chẳng mấy đồng, cáng sao cho đủ?”.

Trăn trở thế nhưng đâu mỗi việc lo bữa ăn cho học trò. Chỗ ăn, chốn nghỉ của chúng cũng là nỗi lo của những người dạy chữ. Ở Nậm Lành, tôi đã thấy những phòng diện tích khoảng 20 m2 có tới 29 học sinh ở. Trường tiểu học Suối Giàng, có phòng tới 25 học sinh.

Khổ nỗi, học sinh tiểu học thì không quá lắm vì chúng còn nhỏ nhưng trung học cơ sở thì là cả một vấn đề. Những đứa trẻ lớp 8, lớp 9 một ngày một to ra. Thành thử, có giường mỗi tầng 6 - 7 đứa nằm ngang. Tầng nào có to có bé thì dễ thở chứ cả lũ to đều nhau thì ngủ mệt hơn leo rừng.

Trong số 73 phòng làm phòng bán trú cho 1.411 học sinh tại 15 trường phổ thông có học sinh bán trú ở Văn Chấn hiện nay chỉ có 15% đạt phòng kiên cố, số phòng tạm và phòng ở nhờ còn tới 38%. Phòng ở thiếu to, nên học sinh bán trú ở Văn Chấn hiện có tới 311 em ngủ nhờ nhà dân là vậy!
          
Khó là khó thế nhưng nếu không có bán trú thì sao xóa được lớp ghép? Nhờ bán trú, mà từ chỗ 77 lớp ghép, trên 1.752 học sinh dăm năm trước, giờ Văn Chấn chỉ còn 25 lớp với 449 học sinh.

Giảm và xóa lớp ghép là một chuyện, cái lớn hơn là nhờ bán trú mà ở các xã đặc biệt khó khăn như An Lương, Nậm Mười, Nậm Lành, Sùng Đô, Suối Quyền... đã huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, nhất là ở các thôn bản lẻ; góp phần duy trì số lượng và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - một điều kiện thuận lợi, cơ hội tốt để học sinh vùng cao giao lưu, học tập, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, tham gia các hoạt động xã hội.

Giờ ra chơi của học sinh bán trú Trường PTDT bán trú Nậm Lành.

Hiện nay, Văn Chấn đã có 10 xã có học sinh bán trú, trong đó 9 xã đặc biệt khó khăn. Phát triển nhưng vấn đề quan trọng là tổ chức các hoạt động cho học sinh bán trú ra sao. Ở Nậm Lành, cô giáo Hoàng Thị Nga - Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú cho biết: “Sau buổi chính khóa, các em được học ba buổi chiều, ngoài ra trường tổ chức các buổi lao động, sinh hoạt tập thể.

Các em còn được học tối trên lớp; học sinh yếu kém được phụ đạo; học sinh khá giỏi được dạy nâng cao”. Tổ chức như vậy, tỷ lệ huy động học sinh học hết bậc tiểu học theo học lên THCS đã đạt 98%. Kỳ I năm học 2011 - 2012, số học sinh khá giỏi đạt hơn 22%, học sinh yếu, kém giảm xuống còn 5,6 %.

Với những người dạy chữ ở đây thì đó là kết quả mà những năm trước chưa hề nghĩ đến. Chuyện xa bây giờ là lo sao có phòng ở cho các em rộng rãi, kiên cố hơn; bữa cơm học trò có thêm thịt, cá mỗi ngày.

Còn nữa, trường THCS bán trú còn lo được lương cho những người nấu bếp, cấp tiểu học thì chẳng có chế độ nào, các trường đành trích tiền chi khác được cấp để trả lương những người nấu ăn cho học sinh, khó nhưng không cách nào khác, chẳng nhẽ để giáo viên thay nhau làm bảo vệ và nấu ăn cho học trò.

Lo thì lo nhưng có việc có nghĩ đến cũng bó tay, chẳng sao làm được. Ấy là tiền hỗ trợ học sinh bán trú mấy tháng nay không về. Tính cả huyện là 2,1 tỷ, chia bình quân khoảng 140 triệu/trường.

Những thầy cô tôi gặp cứ gãi đầu gãi tay vì đã “cắm nợ” thức ăn cho học sinh lâu quá. Dân bán lẻ vùng cao không dài vốn, nhắn xa chán, giờ đã đến đòi trực diện. Bây giờ, ở Nậm Lành,  Suối Giàng, An Lương, Nậm Mười có thầy cô tính đi vay để trả tiền “cắm nợ” thức ăn cho học sinh. Thật là...

Nối những vòng tay

Chiều xuống, dưới Mường Lò nắng to thì trên Suối Giàng gió ù ù, sương tràn buốt lạnh. Tôi ngồi xem Giàng A Hài nấu ăn tối cho trẻ tiểu học bán trú. Hài cầm tảng thịt lợn to, làm sạch rồi xắt thành những miếng nhỏ. Cơm đã chín kênh vung. “Không chỉ có thịt lợn đâu, còn nuôi được gà cho các cháu ăn nhé!”. Hài ra đầu bếp, lôi từ chuồng hai chú gà dễ nặng từ 3- 3,5 kg/con. “Thịt luôn à? - tôi hỏi. “Không, phòng khi khi hết tiền mua thịt lợn mà!” - Hài nói.

Khi nào thì bữa cơm của các em sẽ hết thịt đây? Chuyện miên man, tôi biết huyện đã có nghị quyết và các chi bộ, đảng bộ khối cơ quan, văn phòng đã đỡ đầu các trường bán trú; cán bộ, công chức, đảng viên hàng tháng đóng góp một khoản tiền giúp đỡ để bữa cơm của các em có thịt, cá nhiều hơn.

Văn Chấn đã huy động một số doanh nghiệp, cơ quan, nhà hảo tâm đỡ đầu, ủng hộ các trường và học sinh bán trú số tiền và vật chất trị giá trên 1 tỷ đồng. Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ ba tháng tiền ăn, trang thiết bị nhà bếp trị giá trên 623, triệu đồng.

Tính thế, nhưng đem số tiền đó cộng với tiền Nhà nước đã hỗ trợ cho học sinh bán trú từ tháng 9/2011 - 12/2011 chia cho 1.411 học sinh ở 15 trường phổ thông có học sinh bán trú thì rõ là khó khăn to.

Học sinh tiểu học bán trú xã Suối Giàng chăm sóc rau xanh.

Chuyện trò với Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Mộc, tôi biết kế hoạch của huyện tới năm 2015 có 12 trường PTDT bán trú và 3 đơn vị trường có học sinh bán trú, ước tính khoảng 2.390 học sinh. Như vậy, cần có những nguồn lực khá lớn đầu tư cho việc chuyển đổi, phát triển đồng bộ các trường PTDT bán trú.

Chủ tịch Mộc trầm ngâm, cần có sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước để phát triển các trường dân tộc bán trú. Vấn đề là bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phải vận động thường xuyên, huy động tốt đóng góp của nhân dân - trước hết là phụ huynh học sinh để giảm bớt khó khăn cho các nhà trường.

So với hôm qua, việc ăn-ở-học hành của học trò bán trú đã có những chuyển biến tốt hơn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Nhưng xem ra, những khoản mà các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, tài trợ chủ yếu là cải thiện bữa ăn cho các cháu, chưa đi sâu hỗ trợ giải quyết một phần các khó khăn về nhà ở, công trình phụ trợ phục vụ sinh hoạt cho học sinh. Việc trường, lớp, phòng ở… dường như vẫn là của Nhà nước.

Ở Nậm Lành, tôi biết có ông Vương Thừa Chiêu đã cho học sinh bán trú mượn nhà mình làm chỗ ở. Ông lại hiến tới 400 m2 đất cho nhà trường để các em có chỗ trồng rau xanh. Rõ là, vật chất thì có hạn nhưng lòng nhân ái của con người thì bao la.

Khen cho ông Chiêu đã làm cái việc khơi dậy lòng nhân ái ở mỗi người. Không biết ngành giáo dục và địa phương đã tặng giấy khen cho ông chưa. Tôi ước sẽ có hàng ngàn giấy khen được in ra và trao tặng cho những tấm lòng nhân ái như thế mỗi ngày. Mỗi việc dù nhỏ sẽ góp thành việc lớn, cho các em có cả ngày mai!

Tuấn Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục