Hệ lụy của nạn tảo hôn
- Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2012 | 9:57:10 AM
YBĐT - Kết hôn sớm và kết hôn cận huyết thống vùng đồng bào Mông vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở vùng cao Yên Bái, để lại những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nòi giống và cuộc sống của người dân...
Ngày càng có thêm nhiều những bà mẹ “nhí” ở vùng cao Trạm Tấu.
|
Lên Mù Cang Chải, chúng tôi được chứng kiến cảnh đứa con trai duy nhất mà vợ chồng anh Hờ A Ký và chị Vàng Thị Dê ở xã Chế Cu Nha sinh ra bị tật nguyền, trí não chậm phát triển. Qua tìm hiểu, được biết khi lấy nhau, anh Ký và chị Dê mới khoảng 14 - 15 tuổi, lại có quan hệ huyết thống. Trường hợp thứ hai khiến chúng tôi xót xa hơn là hai đứa trẻ xinh xắn, khôn ngoan nhưng lại bị mù lòa cả hai mắt của vợ chồng anh Sùng A Nủ và chị Giàng Thị Dí ở xã Nậm Có.
Gặp chúng tôi, anh Nủ nghẹn ngào cho biết: “Đứa con gái lớn của tôi năm nay 4 tuổi, khi mới sinh vợ chồng tôi thấy con bình thường nhưng vài tháng sau phát hiện ra mắt con vẫn mở mà không nhìn thấy gì cả. Chúng tôi, rất buồn nhưng đành vậy. Một năm sau, vợ chồng tôi đẻ thêm đứa thứ hai là con trai, nhưng không ngờ một thời gian sau mắt của cháu cũng bị mù giống đứa đầu, khiến tôi rất đau lòng. Thời gian qua, vợ chồng tôi đã đưa hai con đi khám ở bệnh viện huyện Mù Cang Chải và khám ở một phòng khám mắt tư nhân ở Yên Bái. Bác sỹ nói, đây có khả năng là bệnh di truyền hãy tiếp tục đưa hai cháu về Viện Mắt Trung ương để xác định bệnh”.
Nguyên nhân của tình trạng này là do vợ chồng anh Nủ và chị Dí có quan hệ cận huyết thống. Bố đẻ của anh Nủ và mẹ của chị Dí là hai chị em ruột. Theo quan niệm của người Mông, dù là anh em ruột nhưng chị đã đi lấy chồng mang họ khác là các con có thể lấy nhau được. Còn nếu không có quan hệ huyết thống nhưng lại cùng một họ thì lại được coi là “người một nhà” nên sẽ không bao giờ được lấy nhau.
Theo quan niệm của người Mông, dù là anh em ruột nhưng chị đã đi lấy chồng mang họ khác là các con có thể lấy nhau được. Còn nếu không có quan hệ huyết thống nhưng lại cùng một họ thì lại được coi là “người một nhà” nên sẽ không bao giờ được lấy nhau. Chính vậy mà ở vùng đồng bào dân tộc Mông không bao giờ có các đôi vợ chồng trùng họ với nhau và những hủ tục lạc hậu ấy đã khiến cho tình trạng hôn nhân cận huyết thống tồn tại trong đời sống người Mông bao đời nay. |
Chính vậy mà ở vùng đồng bào dân tộc Mông không bao giờ có các đôi vợ chồng trùng họ với nhau và những hủ tục lạc hậu ấy đã để cho tình trạng hôn nhân cận huyết thống tồn tại trong đời sống người Mông bao đời nay.
Khi anh Nủ và chị Dí còn nhỏ, chưa biết khái niệm yêu thì đã bị bố mẹ sắp đặt thành vợ chồng và hậu quả là hai đứa con bị mù lòa như hôm nay. Các con bị dị tật của đôi vợ chồng anh Ký, chị Dê và vợ chồng anh Nủ với chị Dí là minh chứng cho những hệ lụy từ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Xác định rõ việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng giống nòi, thời gian qua, các cấp, các ngành trong huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không nên để con cháu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Song, những hủ tục lạc hậu và quan niệm lệch lạc trong việc dựng vợ, gả chồng vẫn chưa được xóa bỏ nên tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Thời gian qua, trên địa bàn xã Lao Chải có 42 cặp vợ chồng kết hôn thì có 5 cặp thuộc đối tượng tảo hôn. Còn ở xã Kim Nọi, năm 2011 có 40 cặp kết hôn thì đã có 4 cặp tảo hôn và đầu năm 2012 có 4 cặp kết hôn, trong đó có 1 cặp hôn nhân cận huyết thống lại chính là con cháu của một đồng chí bí thư chi bộ thôn, bản. Tại xã Púng Luông, từ đầu năm 2012 đến nay, có 13 cặp kết hôn thì có tới 3 trường hợp tảo hôn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A Tòng - Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: "Những đối tượng đã vi phạm về việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đều bị phạt với số tiền là: 300.000 đồng/1 đối tượng theo quy ước, hương ước của bản làng".
Theo quan niệm của người Mông, nếu như con cái của anh chị em lấy nhau thì sẽ gần gũi và nhận được sự đùm bọc, thương yêu sâu sắc hơn đối với cả hai bên nội ngoại và họ ví một đứa con gái như một bông hoa nở, nếu để lâu sẽ tàn phai, nếu để quá thì là sẽ khó lấy được chồng.
Rời huyện Mù Cang Chải, chúng tôi đến tìm hiểu vấn đề tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở các xã của huyện Trạm Tấu. Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu tiết lộ: "Năm 2011, trên địa bàn xã có 15 cặp vợ chồng đã kết hôn, trong đó không có tảo hôn nhưng lại có 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Còn đầu năm 2012, toàn xã có 12 cặp kết hôn thì có 1 cặp tảo hôn và xã đã xử lý theo quy ước".
Mới 17 tuổi khó ai có thể tin đây là hai mẹ con. |
Bản Công cũng là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn khá cao của huyện Trạm Tấu. Năm 2011, trên địa bàn xã có 22 cặp kết hôn thì đã có tới 19 cặp tảo hôn và đầu năm 2012 này, xã có 17 cặp kết hôn thì trong đó 12 cặp tảo hôn.
Điều đáng nói là nhiều trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống còn là con cháu ruột của cán bộ các ban, ngành và đảng viên ở xã.
Anh Phàng A Lồng - Trưởng ban Tư pháp xã cho biết: "Xã đã xây dựng quy ước, nếu đối tượng đã vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rơi vào trường hợp là gia đình cán bộ, đảng viên thì phải nộp tiền phạt tới 700.000 đồng, còn nếu đó là gia đình dân thường thì nộp phạt 500.000 đồng".
Mặc dù mỗi địa phương có một quy ước riêng về việc xử phạt các đối tượng vi phạm nhưng thực tế vẫn chưa giúp làm giảm tỷ lệ tảo hôn trên từng địa bàn. Sau khi kết hôn xong, hầu hết các đôi vợ chồng "nhí" thường chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá trẻ con. Những trường hợp được bố mẹ tách ra ở riêng thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do chưa có kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình. Nhiều trường hợp khi ra ở riêng lại không sống được với nhau dẫn đến ly hôn, gây khó khăn cho gia đình và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, còn có những trường hợp lấy nhau quá sớm nên tầm suy nghĩ chưa chín chắn, chỉ vì những chuyện riêng giữa hai vợ chồng như hiểu lầm nhau hay vợ chồng ăn nói thiếu tôn trọng là dẫn đến vợ hoặc chồng ăn lá ngón để kết liễu cuộc đời, bỏ lại những đứa con bơ vơ không cha, không mẹ.
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện đang là vấn đề thách thức lớn đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao nói chung và vùng đồng bào Mông nói riêng.
Tỉnh Yên Bái đã được Bộ Y tế đưa vào danh sách những tỉnh được triển khai Dự án can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Theo khảo sát của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Yên Bái tại 11 xã nằm trong vùng Dự án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho thấy, trong năm 2011 có 260 cặp kết hôn thì chỉ có 185 cặp có đăng ký (chiếm hơn 71% tổng số cặp đã kết hôn), số lượng tảo hôn 111 cặp (chiếm gần 43% so với những cặp đã kết hôn).
Để giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống cần có sự đồng thuận cùng phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Đồng thời các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nhận thức cho người dân.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Trong số 245 học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Lành (Văn Chấn) thì 168 em bán trú. 9 tháng đi học một năm, mỗi tháng về nhà 4 lần, cả đi và về 80 cây số. Vậy thì, mỗi đứa trẻ bán trú này một năm đã chạy bộ 720 cây số đường rừng để tới trường học chữ… >>>Văn Chấn sẻ chia khó khăn với học sinh vùng cao
YBĐT - Đã gần hết quí I/2012, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh Yên Bái không sáng sủa hơn năm trước. Các doanh nghiệp đang rất mong có sự chung tay trợ giúp tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành liên quan để vượt qua cơn bĩ cực này...
YBĐT - Những ngày này hàng trăm hộ dân ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn rớt nước mắt nhìn đàn lợn nhà mình chết dần chết mòn. Dịch tai xanh ập đến khiến nhiều hộ dân trắng tay.
YBĐT - Mùa mưa, thôn còn có một tên khác là thôn “ủng”. Nhưng Ngọn Ngòi lại được biết đến là thôn dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Minh Quân và huyện Trấn Yên (Yên Bái) với gần chục mô hình kinh tế trang trại VAC - VACR quy mô và hiệu quả.