Quản lý quảng cáo còn lắm gian nan

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/4/2012 | 9:17:17 AM

YBĐT - Mặc dù hoạt động quảng cáo trên địa bàn Yên Bái đã từng bước đi vào nề nếp nhưng trên thực tế, công tác quản lý quảng cáo hiện nay cũng đang rất nan giải, nếu không có những giải pháp phù hợp.

Sai phạm trong viết biển hiệu thành quảng cáo vừa qua xử lý được rất ít, chủ yếu là nhắc nhở.
Sai phạm trong viết biển hiệu thành quảng cáo vừa qua xử lý được rất ít, chủ yếu là nhắc nhở.

Vẫn còn vi phạm

Có thể nói hoạt động quảng cáo trên địa bàn Yên Bái vẫn còn nhỏ, lẻ và chưa phổ biến. Quảng cáo tập trung ở các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Qua khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay toàn tỉnh có 16 cụm pa nô quảng cáo phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các huyện, thị, thành phố. Quảng cáo thương mại ở Yên Bái chưa phát triển do điều kiện là tỉnh miền núi còn khó khăn, hàng hóa lưu thông không nhiều nên ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo liên hệ đặt bảng hoặc văn phòng đại diện.

Quảng cáo chủ yếu là các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ và hộ gia đình, do vậy các biển quảng cáo chủ yếu mới dừng ở biển nhỏ, toàn tỉnh chỉ có 6 biển quảng cáo tấm lớn giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch.

Mặc dù vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo ở Yên Bái  không lớn, chỉ xảy ra ở các đại lý nhỏ nhưng lại cho thấy một thực trạng cần có sự chấn chỉnh kịp thời. Các hình thức quảng cáo bảng cóc, quảng cáo rao vặt, quảng cáo xe đẩy... còn tồn tại. Vẫn còn một số biển hiệu kinh doanh quảng cáo không ghi giấy phép và thời hạn cho phép quảng cáo cùng biển hiệu kèm quảng cáo nhỏ và biển quảng cáo không xin phép. Dạo qua thành phố Yên Bái, cũng như thị xã Nghĩa Lộ và một số thị trấn huyện lị trong tỉnh cho thấy, biển hiệu của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã chuyển thành biển quảng cáo.

Tại điều 22, chương VI về “viết, đặt biển hiệu” trong Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Qui chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” có nêu: “Việc viết, đặt, treo, dán, dựng lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết đặt biển hiệu tại tụ sở, nơi kinh doanh của các tổ chức cá nhân… không phải xin phép” nhưng điều 22 còn nêu thêm “phải tuân theo những qui định tại điều 23” trong đó có nội dung “… không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất kỳ loại hàng hóa dịch vụ nào”.

Để ý quan sát ở thành phố, thị xã, thị trấn một chút có thể thấy nhỏ nhất là cơ sở cắt tóc gội đầu, cơ sở kinh doanh giải khát, ngoài nội dung biển biển hiệu còn vẽ thêm hình một cô gái có gương mặt, mái tóc đẹp hoặc chai bia, chai nước giải khát của hãng nào đó. Cửa hàng sửa chữa ô tô, ngoài nội dung biển hiệu có vẽ thêm một chiếc ô tô. Còn cửa hàng kinh doanh hàng sắt, ngoài nội dung biển hiệu còn vẽ thêm hình ảnh của những chiếc máy khoan, máy nổ.

Quán karaoke, ngoài nội dung biển hiệu có thêm mấy người cầm mic… còn nhà hàng ăn uống, ngoài nội dung biển hiệu còn vẽ thêm con lợn quay, hay mấy con cá sông… mà họ vẫn cho rằng đó là biển hiệu chứ không phải biển quảng cáo. Giá như tại điều 23 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP có thêm câu: “Nếu thêm hình ảnh hàng hóa và dịch vụ vào biển hiệu sẽ được coi là biển quảng cáo và phải xin cấp phép quảng cáo” thì sẽ đỡ cho ngành chức năng trong công tác quản lý rất nhiều. Giờ đây đi trên phố ta khó có thể nhận ra đâu là biển hiệu và đâu là biển quảng cáo.

Vì sao có tình trạng này?

Rất ít biển hiệu được làm đúng quy định như biển hiệu này.

Được biết hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có kế hoạch hướng dẫn Trung tâm Văn hóa tỉnh, phòng, trung tâm văn hóa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tích cực tuyên truyền Pháp lệnh Quảng cáo tới mọi tổ chức cá nhân bằng nhiều hình thức. Quán triệt đến các đơn vị trực thuộc các văn bản pháp luật về lĩnh vực quảng cáo để đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân nắm và thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh nhằm hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm.

Ngành còn thành lập phòng một cửa tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, rút ngắn thời gian cấp phép đúng qui trình. Bằng hình thức xã hội hóa quảng cáo, các hoạt động quảng cáo bằng băng rôn, pa nô, áp phích của Viettel, VNPT… đã có sự lồng ghép với tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, ngày lễ lớn của tỉnh.

Tìm hiểu được biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại trên là do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cũng như con người phục vụ cho công tác quản lý quảng cáo còn khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, lực lượng thanh tra văn hóa mỏng công tác kiểm tra hoạt động quảng cáo chưa được thường xuyên. Các sở, ban, ngành liên quan chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong hoạt động quảng cáo. Do vậy hoạt động quảng cáo chưa đạt hiệu quả cả về mặt chất lượng, hình thức cũng như công tác quản lý quảng cáo trên địa bàn.

Một nguyên nhân nữa là nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước đã đã ban hành qui hoạch hoạt động quảng cáo để tiện cho việc quản lý. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trình đề cương về “Qui hoạch quảng cáo giai đoạn 2011-2020 và định hướng 2025” nhưng vẫn đang chờ UBND tỉnh phê duyệt nên việc quản lý các hoạt động quảng cáo còn nhiều khó khăn.

Qua quản lý của ngành chức năng, cũng như phân tích thực trạng cho thấy việc các biển hiệu có lồng hình ảnh hàng hóa, dịch vụ được xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Một số cơ sở có biển hiệu lồng hình ảnh quảng cáo này đã nắm vững nghị định nên đã xin cấp phép quảng cáo của cơ quan quản lý.

Một số khác do không nắm được nên nghĩ rằng làm biển hiệu có lồng quảng cáo thế không vấn đề gì, miễn là đẹp và thu hút khách hàng. Thậm chí lại có cơ sở kinh doanh nắm vững Nghị định nhưng vẫn cố tình vi phạm nhằm biến biển hiệu thành biển quảng cáo, không cần xin cấp phép. Ngoài ra còn một số hộ kinh doanh khác làm đại lý cho các cơ sở sản xuất, cung cấp hàng hóa với danh nghĩa tài trợ cho cơ sở kinh doanh đã làm biển hiệu lồng quảng cáo sản phẩm của mình vào, nên tự nhiên biển hiệu biến thành biển quảng cáo dẫn tới phạm luật mà không biết. Được biết, sai phạm trong viết biển hiệu thành quảng cáo vừa qua xử lý được rất ít, chủ yếu là nhắc nhở.

Giải pháp nào cho công tác quản lý?

Do lực lượng mỏng, không thể kiểm tra và xử lý hết được các cơ sở sản xuất, kinh doanh biến biển hiệu thành biển quảng cáo, ông Phùng Thế Hoàng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đưa ra giải pháp: “Phòng sẽ tham mưu cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra văn bản yêu cầu các cơ sở làm biển quảng cáo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đúng Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, nếu sai sẽ xử phạt trực tiếp. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 30 cơ sở làm biển quảng cáo lớn nhỏ. Tới đây, ngành cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thống kê một cách cụ thể số cơ sở có biển hiệu lồng quảng cáo để nhắc nhở và xử lý.”

Nhưng đó mới chỉ là những giải pháp tình thế, về lâu dài, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các ngành chức năng trong việc phổ biến các văn bản pháp luật về lĩnh vực quảng cáo tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nên thông qua nơi cấp giấy đăng ký kinh doanh để hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh viết biển hiệu để hạn chế sai phạm.

Ngành cũng nên phối hợp với ngành thuế để nhân tổ chức các hội nghị về thu ngân sách, có đủ các hộ sản xuất, kinh doanh tuyên truyền các qui định trong lĩnh vực quảng cáo sẽ có hiệu quả hơn… Thực tế hiện nay lực lượng thanh tra văn hóa của tỉnh rất mỏng, do vậy ở các huyện, thị, thành phố, xã, phường cần phân công cán bộ văn hóa thường xuyên quan tâm tới lĩnh vực quản lý quảng cáo, xử lý nghiêm các vi phạm.

Hiện nay các văn bản pháp luật về quảng cáo có những điều còn bất cập và không còn phù hợp, do vậy Luật Quảng cáo cần sớm được ban hành. Qui hoạch quảng cáo của Yên Bái cũng cần sớm được phê duyệt, nhằm đưa hoạt động quảng cáo vào nề nếp.

Đào Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục