Lan rừng xuống núi
- Cập nhật: Thứ tư, 4/4/2012 | 3:23:48 PM
YBĐT - Giữa phố phường đông đúc tấp nập dòng người và xe cộ mải miết như chạy đua với thời gian thì những chiếc gùi chất đầy phong lan trên lưng người đàn ông dân tộc Mông cứ từ từ, chậm rãi lang thang khắp phố như nét chấm phá khác biệt của bức tranh đô thị sầm uất. Vì mưu sinh mà ngày ngày họ vẫn cần mẫn gùi lan rừng xuống núi...
Lan xuống phố.
(Ảnh: Phí Đức Long)
|
Khi màn sương vẫn còn ôm kín lấy sự tĩnh mịch của bản, chỉ có tiếng những người phụ nữ Mông lịch kịch sửa soạn bữa ăn cho gia đình thì anh Lạnh ở bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã chuẩn bị xong gùi lan mới kiếm được trong rừng hôm trước để xuống thành phố bán. Vợ anh nhét vội cho chồng gói cơm nắm phòng khi không kịp bán hết lan trước giờ nghỉ trưa.
Tới đầu cầu Yên Bái là khoảng 8 giờ sáng, không khi nào cố định một chỗ, anh Lạnh cứ thế gùi lan trên lưng đi bộ khắp thành phố mong có thể bán hết được số lan rừng mang theo.
Trong một lần trò chuyện với người đàn ông Mông chân chất mưu sinh bằng quà tặng của núi rừng, tôi quyết định theo chân anh Lạnh đi bán lan. Anh bảo phải đi bộ mới có người nhìn thấy, chứ đi xe máy vèo vèo không ai biết mình mang cái gì thì làm sao mà bán được.
Nhìn người đàn ông mới 28 tuổi nhưng sự vất vả, lo toan hiện cả ra dáng vẻ bên ngoài khi anh Lạnh cõng gùi lan trên lưng, hai tay là vài ba giò nữa cứ thế đi như không hề biết mỏi. Chốc chốc lại có người hỏi nhưng có thể do những giò lan của anh Lạnh không có hoa khiến người mua không được mặn mà cho lắm, đó cũng là lý do khiến cho việc bán lan của anh chậm lại.
Bằng chất giọng lơ lớ, anh cố giải thích: “Nó đã ra hoa trước tết hết rồi, mùa này không ra hoa nữa, sang năm nó lại ra hoa”. Người đàn ông trung niên hỏi mua giò hoa lan hình tròn trong tay anh: “Bao nhiêu tiền?”, “150 nghìn”, “40 nghìn bán không?”. Anh Lạnh ra chiều không ưng: “Không được đâu, 100 nghìn”. Đôi bên kỳ kèo, cuối cùng anh Lạnh bán giò hoa lan ấy với giá 40 nghìn đồng khiến tôi ngơ ngác: “Sao anh nói thách nhiều thế, hay là giò lan đó không có hoa thật?”. Anh Lạnh vội vàng giải thích như sợ người khác hiểu sai về mình: “Có hoa chứ, nhưng tôi phải nói cao vì người thành phố hay trả rẻ bằng mấy lần ấy”.
- Sao anh biết được điều đó?
- Đi nhiều thì biết thôi, chứ trước đây tôi cứ nói 20 - 30 nghìn một giò bình thường, 40 - 50 nghìn giò đẹp họ chỉ trả giá 10 - 20 nghìn, bán thì chẳng bõ công đi lấy ở rừng, chẳng bõ công đi vài chục cây số xuống đây, nhưng không bán thì lại mất công mang về, mất không tiền đi xuống thành phố.
Cuộc sống mưu sinh mang lan rừng xuống phố đã khiến người đàn ông thật hột, chất phác ở xứ chè cổ thụ bỗng trở nên sành sỏi hơn. Bán được giò lan hình tròn tương đối đẹp anh lại lôi từ trong gùi ra một giò lan khác, giò lan này còn to, đẹp hơn giò hoa đã bán trước đó.
Tôi hỏi: “Cái này có sẵn hay anh tết thành như vậy?”, “Tôi tự buộc đấy, người mua cũng thích trông nó phải đẹp, còn mình có khi đi lấy cả một cái gốc to về chia ra rồi tết sao cho nó đẹp đẹp thì mới dễ bán”. Kinh nghiệm này của anh Lạnh được đúc kết từ chính những lần anh phải gùi cả một gùi lan rừng không bán được trở về nhà.
- Sao anh không đi bán lúc nó nở hoa thì có phải được giá không?
- Cái lúc hoa lan nở thì cũng là lúc mình phải trồng cấy, không có thời gian để đi rừng và đi bán đâu. Bây giờ chẳng trồng cấy gì, nhàn rỗi thì mình đi vào rừng kiếm lan về bán.
Anh Lạnh chia sẻ, ở bản Pang Cáng của anh có nhiều người đi bán lan rừng dưới thành phố, trẻ con vào ngày nghỉ cũng theo chân bố xuống phố bán lan rừng.
Anh Ly cũng ở bản Pang Cáng thường xuyên đi bán lan ở thành phố, vào ngày nghỉ anh dắt theo cả con trai đi cùng. Đứa con trai anh Ly 10 tuổi nhưng còn bé hơn đứa trẻ 7-8 tuổi ở thành phố cũng tay xách gùi lan lũn cũn theo bố. Hai người đàn ông một lớn, một bé - một gùi to, một gùi nhỏ với đầy lan rừng đi khắp phố. Bữa nào đắt hàng thì bố con anh Ly cũng kiếm được 200 nghìn đồng.
Không biết ai đã nghĩ ra việc mang lan xuống phố mưu sinh mà chỉ biết giờ đàn ông trong bản Pang Cáng truyền tai nhau đi kiếm lan rừng bán cho người thành phố. Mong ước về cuộc sống khấm khá đầy đủ hơn đã thay đổi suy nghĩ của những người đàn ông dân tộc Mông, không còn bó hẹp trong làng, trong bản, không còn những ngày nhàn rỗi uống rượu ngất ngây nữa. Để kiếm được chục giò lan đi bán, anh Lạnh, anh Ly cùng những người đàn ông ở Pang Cáng phải đi vào sâu trong rừng cũng có khi phải đi vài ngày.
Anh Lạnh cho biết: “Giờ lan không nhiều nữa nên chúng tôi phải đi vào sâu trong rừng mới có. Những chỗ dễ lấy hết rồi, giờ chỉ còn những chỗ khó thôi. Nhưng khó thì cũng phải lấy, để kiếm tiền nuôi con ăn học, để dựng vợ gả chồng cho chúng nữa chứ, chúng nó lớn cả rồi”.
Anh Lạnh đang bán hoa phong lan cho người dân thành phố.
Đặc tính của hoa lan thường bám vào những thân cây, cành cây đã khô và mục nên những người đi kiếm lan trèo lên những cây cao mới lấy được. Anh Lạnh chia sẻ cũng có lúc gặp tai nạn khi đi kiếm lan trong rừng: “Đứt tay, đứt chân, trẹo chân là chuyện bình thường ấy mà. Sợ nhất là sơ ý bị rắn cắn”.
Mỗi chuyến đi rừng, anh Lạnh cùng những người đàn ông ở Pang Cáng kiếm được khoảng chục giò lan, rồi đi vài chục cây số xuống thành phố để bán, trừ hết chi phí, mỗi người cũng chỉ kiếm khoảng trăm ngàn đồng để lo cho gia đình. Số tiền tuy không nhiều so với những gì mà họ phải đối mặt trong rừng sâu nhưng đó là cách mà những người đàn ông dân tộc Mông đang gắng sức mưu sinh cho cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Đến chừng giữa trưa, anh Lạnh cũng chỉ mới bán được vài giò phong lan. Chọn một gốc cây mát ngồi nghỉ anh Lạnh bắt đầu ăn bữa trưa mà vợ đã chuẩn bị cho từ sáng. Gọi là bữa trưa nhưng chỉ có một nắm cơm, vài hạt lạc. Xong xuôi, anh quay ngược cuộc hành trình từ sáng.
“Anh không đi nữa à?” - Tôi hỏi. “Bây giờ quay lại, có những người từ sáng chưa thấy tôi giờ có khi mới thấy rồi mua cho tôi thì sao. Mới cả quay lại là kịp giờ để còn về bản”.
Có lẽ đó là một ngày không may mắn với anh Lạnh, anh trở về vẫn còn 5 - 7 giò hoa lan nữa. Đôi bàn tay chai sạn, đen đúa rút tiền từ trong túi áo ra đếm: “90 nghìn. Hôm nay được 90 nghìn”. “Có ít quá không?”, “Thế là cũng được rồi, còn hơn ngồi chơi không ở nhà” - anh Lạnh cười lớn.
Sau này hết lan trong rừng thì anh lấy gì để bán? Tôi hỏi. Anh Lạnh thật hiền trả lời: “Mình chưa nghĩ tới điều đó, nhưng chắc là sẽ không hết được”. Anh Lạnh tính, sau này sẽ trồng phong lan ở nhà để khỏi phải đi vào rừng lấy nữa vì càng ngày phải đi càng xa rồi.
Chưa biết rồi khi nào anh Lạnh sẽ thực hiện ý tưởng của mình nhưng giờ thì ngày ngày anh Lạnh và những người đàn ông ở Pang Cáng vẫn phải bằng lòng chấp nhận cuộc sống xuống phố mưu sinh bằng quà tặng của núi rừng.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù hoạt động quảng cáo trên địa bàn Yên Bái đã từng bước đi vào nề nếp nhưng trên thực tế, công tác quản lý quảng cáo hiện nay cũng đang rất nan giải, nếu không có những giải pháp phù hợp.
YBĐT - Kết hôn sớm và kết hôn cận huyết thống vùng đồng bào Mông vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở vùng cao Yên Bái, để lại những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nòi giống và cuộc sống của người dân...
YBĐT - Trong số 245 học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Lành (Văn Chấn) thì 168 em bán trú. 9 tháng đi học một năm, mỗi tháng về nhà 4 lần, cả đi và về 80 cây số. Vậy thì, mỗi đứa trẻ bán trú này một năm đã chạy bộ 720 cây số đường rừng để tới trường học chữ… >>>Văn Chấn sẻ chia khó khăn với học sinh vùng cao
YBĐT - Đã gần hết quí I/2012, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh Yên Bái không sáng sủa hơn năm trước. Các doanh nghiệp đang rất mong có sự chung tay trợ giúp tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành liên quan để vượt qua cơn bĩ cực này...