Lính kho ký sự
- Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2012 | 10:16:53 AM
YBĐT - Không trực tiếp “ra trận” nên ít ai biết đến sự đóng góp không mệt mỏi của họ - những người làm công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí đạn dược. Tôi cũng vậy, chẳng thể biết công việc quan trọng của họ nếu không có những lần tiếp cận với lính kho...
Bàn giao phiên gác tại kho K1b.
|
Kho an toàn
Tôi qua cổng kiểm soát đúng thủ tục, mặc dù có sự dẫn đường của cán bộ đơn vị khi tiếp cận Kho K1b- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Mỗi gian nhà kho cách nhau khá xa, toàn đạn cối, mìn các loại… đứng gần mà thấy ớn.
Thấy tôi có vẻ chờn, cánh lính trong đơn vị trấn an: “Yên tâm đi, chúng tôi đã thực hiện rất chặt chẽ qui trình bảo quản, bảo dưỡng đạn dược. Cùng nhiều kho vũ khí khác ở địa phương, K1b này chưa hề để xảy ra mất an toàn đâu đấy”.
Đúng vậy, hàng trăm tấn đạn dược đó là tiền của, là sự an toàn của bao người nên không thể lơ là, coi thường. Kho K1b- một đơn vị làm nhiệm vụ quan trọng, có địa bàn phạm vi bảo vệ rộng.
Hơn nữa, môi trường độc hại, nguy hiểm, nhưng công tác bảo quản, bảo dưỡng đạn dược thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ chỉ huy, Phòng kỹ thuật...
Chính trị viên Kho K1b - Đại úy Vũ Doãn Thông khẳng định: “Nội bộ đơn vị luôn đoàn kết thống nhất cao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp có lập trường tư tưởng vững vàng, tích cực rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Nhìn cơ sở vật chất đang được nâng cấp, khối lượng công việc lớn, nặng nhọc, độc hại, tính chất nguy hiểm cao… mới biết lính kho đã trải qua rất nhiều khó khăn. Các biện pháp chỉ tiêu phấn đấu được cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung bàn bạc đề ra.
Trọng tâm là duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí đạn dược, tuần tra canh gác 24/24h. Hàng năm, cán bộ, chiến sỹ Kho K1b bảo quản hàng trăm tấn đạn dược, mìn các loại vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao.
Đơn vị đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai nhiệm vụ, chủ động khắc phục khó khăn bằng việc ứng dụng, nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, giảm kinh phí cũng như bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và vũ khí trang bị.
Thế nên, Kho K1b nhiều năm liền đạt đơn vị tiên tiến, đơn vị vững mạnh toàn diện, nhiều cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong các phong trào thi đua của quân đội.
Gặp những “Cây sáng kiến”
Trung úy Phùng Văn Tiến vừa thực hiện các thao tác kỹ thuật vừa say mê thuyết minh cho chúng tôi công dụng của các thiết bị do chính anh nghiên cứu sáng chế.
Trung úy Phùng Văn Tiến với sáng kiến giá tháo nắp phòng ẩm đạn cối.
Anh cho biết, để bảo đảm an toàn trong công tác bảo quản ở kho và khi vận chuyển, đầu đạn và ngòi đạn được bảo quản vận chuyển riêng. Ở ren lỗ lắp ngòi trên đầu đạn cối được lắp nắp phòng ẩm.
Trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng yêu cầu phải tháo nắp phòng ẩm ra khỏi đầu đạn. Thông thường khi tháo nắp phòng ẩm phải dùng ê tô (Anh Tiến chỉ chiếc ê tô gần đó).
Tôi nhìn sang khối ê tô cồng kềnh, nó nặng dễ đến hơn một tạ, chắc phải 2 người khênh mới nổi. Anh Tiến bảo, thao tác trên ê tô chậm, bên cạnh đó do ê tô kích thước lớn nên việc cơ động ra thao trường phục vụ huấn luyện, diễn tập không thuận tiện.
Trong quá trình làm việc, anh Tiến đã suy tính tự nghiên cứu chế tạo “giá tháo lắp nắp phòng ẩm đạn cối”. Bước đầu gặp khó khăn, một vài chi tiết chưa chắc chắn anh lại mày mò khắc phục dần sao cho khi thực hiện các nguyên công đạt hiệu quả nhất.
Chiếc giá tháo lắp của anh trông rất đơn giản, gọn nhẹ. Vài thanh sắt chữ u làm khung, một cái trục xe đạp, 2 con ê cu, kẹp gỗ cố định quả đạn… đều là vật liệu tận dụng vậy mà rất hiệu quả.
Nhìn một người lính đang thực hiện thao tác từ lúc kẹp quả đạn vào đến khi vặn nắp phòng ẩm ra tôi ước chỉ mất khoảng 30 giây. Theo anh em cho biết thì khi áp dụng sáng kiến này, năng suất bảo quản mỗi quả đạn tăng gấp 4 lần so với trước.
Tôi được biết, trong quá trình kiểm tra kỹ thuật đạn dược hàng năm yêu cầu phải kiểm tra một số lượng lớn liều chính đạn cối, việc cắt liều chính tách thuốc phóng ra lấy hạt lửa để thử tỷ lệ nổ được cắt bằng dao thường.
Thao tác này rất đơn giản nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, bởi nếu bất cẩn để hạt lửa bị ma sát dễ sinh nhiệt mất an toàn như chơi, thao tác lâu không thuận tiện. Thấy được những bất cập đó, anh Tiến tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra chiếc dao cắt liều chính đạn cối.
Chỉ thêm một khung gỗ nhỏ gắn con dao, trên khung gỗ có xẻ rãnh sao cho chứa vừa vặn hạt lửa. Khi cắt, hạt lửa được cố định trong phần gỗ sẽ không bị cọ xát, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Thực hiện phần nguyên công theo sáng kiến này năng suất gấp 7 lần so với trước”.- Anh Tiến khẳng định.
Tiếp tục khám phá những sáng kiến của lính kho mới thấy nhiều sáng chế đơn giản mà hiệu quả cao. Như đối với bảo dưỡng đầu đạn cối bằng phương pháp phun sơn thủ công áp dụng ở các đơn vị nhỏ lẻ, khi qua các nguyên công, đầu đạn đã lau dầu mỡ, đánh gỉ lau chùi sạch sẽ, việc phun sơn đầu đạn cối yêu cầu kỹ thuật đặt ra là không được làm sơn dính vào phần đai định tâm và các rãnh cản khí của đạn.
Vì vậy, trước khi phun sơn đầu đạn thường phải lấy giấy bao gói quết mỡ, dán phủ kín lên phần đai đạn sau đó mới được phun sơn. Với thao tác này, giấy có thể bị bay ra khi đang phun sơn, tiến độ công việc không nhanh.
Từ vấn đề này, anh Tiến đã hình thành ý tưởng dùng kìm kẹp bảo vệ phần đai định tâm khi phun sơn và khi phun xong có thể đưa luôn quả đạn ra hong phơi dễ dàng.
Tôi thấy cũng hợp lý, chứ như trước đây quả đạn mới được phủ sơn khó có thể cầm vào đâu để vận chuyển được. Đồng thời, khi thực hiện phương pháp này tiết kiệm được mỡ và giấy bao gói, dù sao thì nhiều nhỏ góp lại cũng thành to.
Nhớ hôm tới Kho K4 cũng vậy, Trung tá Hồ Bá Dũng- Chủ nhiệm kho giới thiệu với tôi rất nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong đơn vị. Nào giá hiệu chỉnh súng bộ binh, súng ngắn, giá đánh gỉ nòng súng, tới nữa là giá hiệu chỉnh súng B40, B41… anh Dũng nói: "Tất cả đều là sáng kiến cải tiến của anh em Kho K4 cả đấy".
Những sáng kiến này góp phần đưa công tác quản lý kho một cách khoa học, rút ngắn thời gian, công sức của bộ đội trong bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, tránh xuống cấp vũ khí. Hôm đo, tôi cũng gặp được nhiều “Cây sáng kiến”.
Điển hình là Trung uý Nguyễn Văn Phương, 18 năm làm lính kỹ thuật, một người say mê với nghề. Vì vậy, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng trong đơn vị và toàn quân.
Chẳng hạn như sáng kiến “giá súng ngắn trong tủ sắt” được giải khuyến khích cấp quân khu, sáng kiến đánh gỉ nòng súng bộ binh trên máy khoan bàn được giải nhì cấp tỉnh, sáng kiến này tiết kiệm được 60% công sức của bộ đội trong bảo quản vũ khí.
Trong phong trào phát huy sáng kiến ở Kho K4 có sự góp mặt của thủ kho Nguyễn Văn Thành, người có 16 năm làm lính kỹ thuật. Sau những lúc bận rộn tiếp nhận, cấp phát vũ khí anh lại tìm tòi nghiên cứu để có biện pháp quản lý kho, giao nhận vũ khí một cách hiệu quả, an toàn, dễ kiểm nhất.
Anh cho rằng, công việc quản lý kho vũ khí cũng như bảo dưỡng vũ khí đòi hỏi người lính phải thật cẩn thận, tỉ mỉ vì yêu cầu độ chính xác cao, chỉ một sơ suất nhỏ hậu quả sẽ khôn lường.
Vinh danh
Chứng kiến các công đoạn bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, đạn dược ở kho quân khí tôi không khỏi thán phục sự miệt mài, kiên trì, chịu khó của lính kho với những sáng kiến thật hiệu quả, hữu ích. Tôi hiểu rằng, chỉ có sự vượt khó, yêu nghề, người lính nơi đây mới phát huy được sự sáng tạo đến như vậy.
Với những người lính như anh Tiến, anh Phương, anh Thành… sự đam mê sáng tạo không bao giờ dừng lại. Các anh là những tấm gương tiêu biểu, từng được vinh danh trong phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của quân đội.
Trung úy Phùng Văn Tiến mà tôi vừa gặp, chỉ hơn 7 năm gắn bó với nghề đã có 3 sáng kiến được ứng dụng. Thật vinh dự, tự hào, năm qua anh được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu” trong toàn quân và nhiều danh hiệu khác của quân khu, của tỉnh.
Chia sẻ niềm vui với Tiến, được anh bật mí thêm: "Mình đang hình thành ý tưởng sản xuất nắp phòng ẩm đạn cối nhằm thay thế kịp thời các nắp bị vỡ trong quá trình tháo lắp, bảo quản đạn".
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, những sáng kiến hữu ích, ý tưởng hay trở thành hiện thực sẽ góp sức đưa công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí của lực lượng vũ trang địa phương ngày thêm chất lượng, hiệu quả.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Giữa phố phường đông đúc tấp nập dòng người và xe cộ mải miết như chạy đua với thời gian thì những chiếc gùi chất đầy phong lan trên lưng người đàn ông dân tộc Mông cứ từ từ, chậm rãi lang thang khắp phố như nét chấm phá khác biệt của bức tranh đô thị sầm uất. Vì mưu sinh mà ngày ngày họ vẫn cần mẫn gùi lan rừng xuống núi...
YBĐT - Mặc dù hoạt động quảng cáo trên địa bàn Yên Bái đã từng bước đi vào nề nếp nhưng trên thực tế, công tác quản lý quảng cáo hiện nay cũng đang rất nan giải, nếu không có những giải pháp phù hợp.
YBĐT - Kết hôn sớm và kết hôn cận huyết thống vùng đồng bào Mông vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở vùng cao Yên Bái, để lại những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nòi giống và cuộc sống của người dân...
YBĐT - Trong số 245 học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Lành (Văn Chấn) thì 168 em bán trú. 9 tháng đi học một năm, mỗi tháng về nhà 4 lần, cả đi và về 80 cây số. Vậy thì, mỗi đứa trẻ bán trú này một năm đã chạy bộ 720 cây số đường rừng để tới trường học chữ… >>>Văn Chấn sẻ chia khó khăn với học sinh vùng cao