“Sóng ngầm” dạy thêm, học thêm
- Cập nhật: Thứ hai, 23/4/2012 | 9:56:02 AM
YBĐT - Dạy thêm, học thêm (DTHT) - vấn đề bấy lâu nay luôn được xã hội đặc biệt quan tâm và gây ra dư luận xấu bởi những tiêu cực nảy sinh. >>Dạy thêm học thêm ở thành phố Yên Bái: Cần có cách quản lý khoa học
Một giờ học của các em học sinh trường Tiểu học Sơn Thịnh
(huyện Văn Chấn). (Ảnh minh họa)
|
Tại Yên Bái, việc DTHT tuy đã được ngành giáo dục và các cơ quan chức năng quản lý bằng những quy định cụ thể song công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự thường xuyên, hiệu quả, bởi vậy hoạt động DTHT vẫn diễn ra rất phổ biến, chủ yếu ở khu vực thị trấn, thị xã, thành phố.
Dạy thêm, học thêm từ tiểu học đến THPT
Dạo qua các trung tâm dạy thêm, lò luyện thi đại học, lớp dạy tại nhà của giáo viên và các lớp ôn luyện cho trẻ vào lớp 1 ở một vài trung tâm thị trấn, thành phố mới thấy sự phản ánh của người dân về vấn đề này là đúng. Sau một thời gian có sự chấn chỉnh, đến nay, hoạt động DTHT lại tiếp diễn như một “làn sóng ngầm” lan rộng ở mọi cấp học từ tiểu học đến THPT.
Việc DTHT đã không chỉ còn “ưu tiên” dành riêng cho sinh yếu kém, ôn thi cuối cấp mà là cho mọi đối tượng học sinh. Hoạt động DTHT diễn ra suốt các tháng trong năm học, nhưng đặc biệt sôi động vào các dịp nghỉ hè. Sở dĩ như vậy là do đây là thời điểm diễn ra nhiều kỳ thi và vẫn còn có những phụ huynh suy nghĩ theo kiểu “thà cho con đi học thêm còn hơn là ở nhà không ai quản lý”. Vì vậy, nhiều học sinh còn chưa kịp nghỉ ngơi, xả stress sau một năm học đầy bận rộn, căng thẳng đã phải tiếp tục lo đến các lớp học thêm.
Con đường “dùi mài kinh sử” và sự thành đạt sau này của các em được nhiều phụ huynh quan niệm là phải bắt đầu từ những cấp học đầu đời. Do vậy, việc cho con đi học thêm đã trở thành cuộc “chạy đua” giữa các bậc phụ huynh. Nhiều người cho con đi học mà không biết chất lượng ra sao nhưng vẫn phải cố gắng để con bằng chúng bạn. Và có cung ắt có cầu, các lớp dạy thêm theo đó đã dần được mở ra.
Chị Phạm Thị Quỳnh Anh ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái có con đang học lớp 1 tâm sự: “Quả thật mình cũng thấy thương con vì suốt ngày phải đi học nhưng ở lớp cháu, phụ huynh nào cũng cho con đi học thêm nên cũng sốt ruột, lo lắng, không đành để cháu ở nhà”.
Hiện tại, có thể khẳng định việc DTHT đã trở thành một xu hướng, một “phong trào” trong xã hội và khó có thể kiểm soát được chất lượng của hoạt động này. Thay vì dạy một cách công khai như trước đây, để tránh sự chú ý, kiểm tra, giám sát, nhiều giáo viên không dạy ngay tại nhà mà thuê địa điểm hoặc dạy ở nhà học sinh. Cũng theo sự nhận định của chính những giáo viên và học sinh, có những trường số học sinh tham gia học thêm tại nhà giáo viên và các cơ sở dạy thêm chiếm tỷ lệ đến 70 - 80%.
Em Nguyễn Hải Ninh - học sinh lớp 9 cho biết: “100% các bạn lớp cháu đều đi học thêm. Trung bình mỗi tuần chúng cháu học 5 - 6 buổi và mỗi tháng hết khoảng 500 - 600 ngàn đồng”.
Nảy sinh bất cập, tiêu cực
Bản chất của việc DTHT không hề xấu bởi đây cũng là một hình thức bổ sung, bổ trợ kiến thức xuất phát từ nhu cầu của học sinh và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là hoạt động DTHT đang ngày càng bộc lộ những bất cập. Đó là, trong khi Bộ giáo dục & Đào tạo đã ban hành nội dung giảm tải chương trình học ở mọi cấp học để giảm bớt áp lực, gánh nặng, căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh thì ở ngoài nhà trường “phong trào” DTHT lại không hề có chiều hướng giảm.
Điều này không những khiến cho học sinh không có thời gian tự học mà còn trở nên thụ động, lười suy nghĩ và ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo. Thực tế đã chứng minh, có không ít học sinh do học quá nhiều đã lâm vào tình trạng trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay bị cong vẹo cột sống và cận thị…
Đi đôi với việc ban hành nội dung giảm tải, vào đầu tháng 2 năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã công bố Dự thảo quy định về DTHT, trong đó ghi rõ: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống…; không tổ chức dạy thêm ở các cấp học khác đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại trường; giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức DTHT ngoài nhà trường”. Như vậy, nếu chiểu theo các nội dung trong Dự thảo nêu trên, thì hiện tại hầu hết các giáo viên đang tham gia dạy thêm đều đã vi phạm các quy định về DTHT.
Đồng hành cùng với những bất cập, hoạt động DTHT cũng nảy sinh không ít tiêu cực. Có những giáo viên do chạy theo lợi ích vật chất từ việc dạy thêm nên đã gợi ý học sinh phải đi học thêm, chỉ chú trọng đầu tư chất lượng chuyên môn ở các lớp dạy thêm hơn là học chính khóa… Khi được hỏi, có những học sinh cho biết, không thể không đi học thêm vì như vậy sẽ không làm được bài kiểm tra ở lớp, bị điểm kém hơn các bạn đi học thêm hoặc sẽ bị chuyển xuống ngồi phía cuối lớp… Những điều này làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người thầy và gây ra những dư luận xấu trong xã hội.
Thay lời kết
Ngăn chặn hay xóa bỏ hoàn toàn việc DTHT là rất khó bởi đây là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, để hạn chế những tiêu cực của việc DTHT và thực hiện nghiệm Quyết định số 03/2007/QĐ- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về DTHT, chính quyền các cấp và cơ quan quản lý giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc thực hiện các chủ trương của ngành, của địa phương về quản lý DTHT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, kịp thời những sai phạm trong thực hiện các quy định về DTHT; mở rộng công tác tham gia giám sát của các đoàn thể ở địa phương, Hội phụ huynh học sinh đối với việc DTHT.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường phổ thông theo Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/11/2010 của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh.
Chị Nguyễn Thị Anh, công nhân xây dựng tại thành phố Yên Bái: Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo
Anh Nguyễn Văn Tài, nhân viên Công ty vận tải Quang Vinh, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái: Cân nhắc kỹ việc học thêm
Bà Đỗ Thị Lý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 8, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái: Cần siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm
|
H.O
Các tin khác
YBĐT - Không trực tiếp “ra trận” nên ít ai biết đến sự đóng góp không mệt mỏi của họ - những người làm công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí đạn dược. Tôi cũng vậy, chẳng thể biết công việc quan trọng của họ nếu không có những lần tiếp cận với lính kho...
YBĐT - Giữa phố phường đông đúc tấp nập dòng người và xe cộ mải miết như chạy đua với thời gian thì những chiếc gùi chất đầy phong lan trên lưng người đàn ông dân tộc Mông cứ từ từ, chậm rãi lang thang khắp phố như nét chấm phá khác biệt của bức tranh đô thị sầm uất. Vì mưu sinh mà ngày ngày họ vẫn cần mẫn gùi lan rừng xuống núi...
YBĐT - Mặc dù hoạt động quảng cáo trên địa bàn Yên Bái đã từng bước đi vào nề nếp nhưng trên thực tế, công tác quản lý quảng cáo hiện nay cũng đang rất nan giải, nếu không có những giải pháp phù hợp.
YBĐT - Kết hôn sớm và kết hôn cận huyết thống vùng đồng bào Mông vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở vùng cao Yên Bái, để lại những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nòi giống và cuộc sống của người dân...