Lời giải nào cho công tác đoàn ở Văn Yên?
- Cập nhật: Thứ hai, 30/4/2012 | 8:37:57 AM
YBĐT - Là lực lượng trẻ, xung kích đi tiên phong trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua thanh niên Văn Yên (Yên Bái) luôn nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Trung thiếu khoảng 200 triệu đồng mà không biết xoay xở ở đâu.
|
Tuy nhiên thực tế cho thấy thời gian gần đây, một số thanh niên không mấy mặn mà với công tác Đoàn, không muốn tham gia vào các hoạt động của Đoàn, số còn lại thật sự tâm huyết và gắn bó với đoàn, mong muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình nhưng lại không được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của tổ chức Đoàn, Hội nên phong trào vẫn chưa thu hút được đoàn viên tham gia sinh hoạt. Vì vậy tỷ lệ đoàn viên có mức sống nghèo vẫn khá cao, tỷ lệ tập hợp thu hút thanh niên tham gia vào các hoạt động đoàn còn thấp.
Trăn trở mô hình lập thân lập nghiệp
Được cho là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và là điển hình trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, mô hình nuôi gà đẻ trứng với quy mô 700 con của Bí thư Đoàn xã Yên Hợp - Đinh Xuân Trung được nhiều người tìm đến thăm quan và học tập. Tuy nhiên để có được mô hình như ngày nay, Trung đã phải xoay sở đủ nghề để tích góp vốn liếng.
Sau 3 năm chăn nuôi nhỏ lẻ, từ vài chục đôi gà thịt rồi vay vốn từ chính cậu em trai mình đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, Trung mới có số vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Trung cho biết ý định của mình là trong năm nay sẽ xây lò ấp trứng với quy mô khoảng 1 vạn quả vừa để chủ động con giống phục vụ nhu cầu nuôi gà thịt và gà đẻ trứng của gia đình vừa cung cấp con giống cho nhân dân trong vùng. Song, để thực hiện được ước mơ này, anh Trung thiếu khoảng 200 triệu đồng tiền vốn mà không biết xoay sở ra sao.
Giống như Đinh Xuân Trung, mô hình chăn nuôi lợn thịt và lợn nái của đoàn viên Nguyễn Thị Trang, thôn Quảng Mạc, xã Yên Hợp cũng không khá hơn là mấy. Là người năng nổ, hoạt bát và mơ ước vươn lên làm giàu đã ấp ủ trong Trang từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những năm học ở Trường Đoàn Yên Bái, Trang đã đi thăm quan và tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế của những đoàn viên ở các xã trong và ngoài tỉnh.
Khi trở về địa phương, với trọng trách Phó bí thư Đoàn xã, Trang đã mạnh dạn bắt tay vào làm kinh tế, một mặt là làm giàu cho gia đình, mặt khác từ thành công của mình sẽ thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) toàn xã. Tuy nhiên để thực hiện ước mơ làm giàu của mình, Trang đã phải chạy vạy hết chỗ nọ, chỗ kia mong được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà không được. Năm nay mới là năm thứ 3 trang theo đuổi mô hình chăn nuôi lợn, song cũng là ngần ấy năm trời phải chạy vạy vay vốn khiến cô già đi khá nhiều so với tuổi 25 của mình.
Ước mơ của Trang sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn, bởi hiện tại Trang cũng đã đi học lớp thú y do Trung tâm dạy nghề của huyện Văn Yên mở tại xã để có thêm kiến thức về chăn nuôi cũng như phòng bệnh cho lợn. Trang cho biết, cô đã lập gia đình và theo chồng về tận xã Mậu Đông, Đại hội đoàn xã nhiệm kỳ này, Trang chuyển không sinh hoạt tại xã Yên Hợp mà xin về xã Mậu Đông, ý định làm giàu của Trang vẫn sẽ tiếp tục, trang trại ở dưới này sẽ để lại cho bố mẹ đẻ tiếp quản và chăn nuôi.
Còn trên quê chồng, Trang sẽ đầu tư, xây dựng quy mô chăn nuôi rộng hơn để tiếp tục làm giàu trên mảnh đất mới. Tuy nhiên cái khó nhất hiện nay đối với Trang là mong muốn có được một cơ chế mở để những thanh niên có ước nguyện làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.
Thực tế 3 năm qua theo đuổi ước mơ làm giàu, Trang đã làm hồ sơ nhưng vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nào mà chủ yếu là phải vay với lãi suất cao để chăn nuôi. Nhiều khi lợn đã đến lúc xuất chuồng thì giá thấp, bán đi thì không đành mà để lại thì mỗi ngày mất cả triệu bạc tiền cám, rồi tiền lãi và tiền vốn để quay vòng, dịch bệnh như hiện nay... rất khó để làm kinh tế.
Nhìn đàn lợn đã đến lúc xuất chuồng mà Nguyễn Thị Trang chưa biết phải làm sao khi giá lợn hơi đang giảm mạnh.
Cùng chung cảnh ngộ, đoàn viên Vũ Ngọc Dũng, thôn Vật Dùng, xã Hoàng Thắng cũng vậy. Nhận thấy tiềm năng về gỗ rừng trồng tương đối dồi dào, Dũng cùng với chú ruột của mình đứng ra mở xưởng bóc và xẻ gỗ rừng trồng. Song, càng đi vào sản xuất, Dũng càng thấy là vất vả do nhiều khi hàng không xuất bán được mà lương trả cho công nhân đã đến ngày phải thanh toán, rồi lãi ngân hàng đến hạn thành ra nhiều lúc nhắm mắt vay nóng chỗ này chỗ kia, song cũng không được là bao.
Dũng cho biết, ước mơ của anh là muốn tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong thôn không phải ly hương để kiếm sống, nhưng đúng là làm kinh tế thời buổi này thật khó. Là đoàn viên nhưng kể từ ngày thành lập xưởng đến nay, anh chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nào mà chủ yếu là vay lãi suất cao để kinh doanh.
Đi tìm lời giải
Huyện Văn Yên có 20.500 ĐVTN sinh hoạt tại 53 cơ sở đoàn, những năm qua, phát huy phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, phong trào Đoàn ở Văn Yên đã tạo được nhiều bước đột phá nhất định. Tuy nhiên những mô hình thanh niên lập thân lập nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu như chỉ ở những xã vùng thấp, còn vùng cao gần như không có.
Mặc dù thanh niên có ý chí, có trình độ và có nghị lực để vươn lên thoát nghèo, song cái khó với họ là cơ chế để thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi còn rất hạn hẹp. Do vậy, những mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN trong huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Hầu hết thanh niên vẫn phụ thuộc gia đình, chính bởi vậy mà trong một gia đình, nếu bố được vay vốn từ Hội Nông dân hoặc Cựu Chiến binh, mẹ được vay vốn thông qua chương trình ủy thác của Hội Phụ nữ thì nghiễm nhiêm người con sẽ không được giải quyết vốn vay nữa.
Mặc khác, cũng tùy thuộc theo điều kiện của từng xã mà các hội, đoàn thể có thể giao cho thanh niên quản lý một vài tổ vay vốn, song số vốn để thanh niên lập nghiệp cũng rất hạn hẹp nên thanh niên rất khó có thể làm kinh tế. Chính bởi vậy mà những mô hình kinh tế của thanh niên trong toàn huyện vẫn chỉ dẫm chân tại chỗ mà không nhân rộng thêm được mô hình nào, một số mô hình mới nhen nhúm đã vụt tắt.
Theo anh Hoàng Kim Ninh - Bí thư Huyện Đoàn Văn Yên, trong những năm vừa qua, Huyện Đoàn cũng đã làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tại các cuộc họp, Huyện Đoàn cũng đưa ra vấn đề giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, song cơ chế hiện nay rất khó. Chính bởi vậy mà tổng dư nợ tính đến nay cho ĐVTN toàn huyện được vay mới được trên 7 tỷ, nếu so với Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện thì con số này còn rất khiêm tốn. Còn vốn 120 cho thanh niên thì đến nay mới có 3 đoàn viên thanh niên trong toàn huyện được vay với tổng dư nợ được 100 triệu, song nguồn vốn 120 này thời hạn vay tương đối ngắn, trong 3 năm phải hoàn cả vốn lẫn lãi nên rất khó cho đoàn viên thanh niên làm kinh tế.
Đơn cử nếu để trồng rừng cũng phải mất 5 năm, chăn nuôi cũng rất khó khi mà rủi ro khá cao... vì vậy, hiện nay một số cơ sở đoàn rất khó tập hợp và thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt, bởi lợi ích thiết thực với họ không có, chính bởi vậy mà tỷ lệ thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn mới chí đạt trên 70%, nhiều khi "đốt đuốc" đi tìm nhân sự cho các cơ sở đoàn mà không được bởi thanh niên hiện nay hầu hết đều thoát ly đi làm kinh tế, những người không làm được việc gì, không thể đi xa nên đành chấp nhận ở lại - anh Ninh cho biết thêm.
Để thanh niên bứt phá làm giàu có lẽ cần phải có nhiều những cơ chế mở, thông thoáng hơn là làm sao để thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Theo dự án di dân của tỉnh Yên Bái, những người dân ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã dời khu đất từng là nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để chuyển sang khu tái định cư cách đó chừng vài cây số. Với địa hình bằng phẳng, các hộ dân chuyển đến định cư tại nơi ở mới đều rất yên tâm bởi họ không còn phải lo nỗi lo sạt lở đất đá và lũ quét mỗi khi mưa về. Cu Vai đang hiện diện một sức sống mới.
YBĐT - Trong rất nhiều hình thức kinh doanh vận tải, có lẽ kinh doanh xe lửa được người dân tin dùng hơn cả, bởi nó mang lại tâm lý thoải mái, thuận tiện, an toàn cho hành khách và hàng hoá khi tham gia giao thông. Để mỗi chuyến tàu xuôi ngược an toàn ấy còn có sự đóng góp không nhỏ của những người tuần đường...
YBĐT - Đêm ở Sùng Đô, tôi như lại vào một thế giới hoàn toàn khác: không điện, không ti vi, không cả tiếng động cơ ồn ã..., chỉ có tiếng mưa rừng bất chợt thoảng qua, tiếng ngựa hí gọi đàn... Rối tiếng sáo gọi bạn tình của gái trai trong bản... Gần sáng là tiếng hát í ơ, tiếng hú gọi bạn đi nương...
YBĐT - “Ai chứ anh Hùng thôn 9 thì quá tốt rồi! Đó là một đảng viên có trách nhiệm, một giám đốc giỏi và một chức sắc tôn giáo có trách nhiệm với giáo dân xứ Nghĩa Hưng này”.