Kỷ niệm 37 năm chiến thắng 30-4 (30/4/1975 - 30/4/2012):

Mãi không quên những ngày ở "đất lửa"

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/4/2012 | 10:04:12 AM

YBĐT - Khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 là khoảnh khắc quý giá nhất bởi nó được đánh đổi bằng cả tinh thần yêu nước và máu xương của dân tộc làm nên một thời kỳ mới: Thống nhất non sông đất nước.

Đoàn cán bộ Báo Yên Bái dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc.
Đoàn cán bộ Báo Yên Bái dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc.

Vậy là đã 37 năm, sau cái ngày đại thắng mùa xuân đấy, nhân dân ta được thỏa ước mong xum họp một nhà, cùng nhau xây dựng đất nước giàu đẹp. Và chúng ta sẽ mãi không quên những dấu tích của chiến tranh để lại, chúng là bằng chứng sự tàn khốc dã của chiến tranh và sự anh dũng quật cường của dân tộc.

 

Với chúng tôi, khi đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), những địa danh lịch sử ở Quảng Bình càng trân trọng và tự hào về tinh thần bất khuất, kiên cường, anh dũng của lớp lớp người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Và chuyến hành trình về nguồn ngày 23/6/2011 là một kỷ niệm đáng nhớ với chúng tôi.

 

Phóng tầm mắt từ tầng 5, Tòa soạn Báo Quảng Bình, nhìn xa ra bốn phía mới thấy thành phố Đồng Hới bằng phẳng và rất rộng, thành phố như đang khoác cho mình một tấm áo mới, nhiều công trình nhà cao tầng đang được xây dựng như muốn thách thức nắng gió miền Trung. Xen vào đó nhiều con đường nhỏ, với những khu phố nằm khiêm tốn, khuất lẫn trong màu cát trắng Quảng Bình. Những cái nắm tay chặt, nét hồ hởi lộ rõ trên khuôn mặt, các bạn đồng nghiệp quả là hào phóng và mến khách, chúng tôi đều cảm nhận thấy các bạn rất rắn rỏi bởi giọng nói sang sảng và màu da sạm nắng giòn dã.

 

Tối hôm ấy, các bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Bình đưa chúng tôi ra thăm quan tượng đài Mẹ Suốt nằm trên đường mang tên Mẹ bên bờ sông Nhật Lệ - chúng tôi xúc động đứng dưới bức tượng mẹ Suốt. Không ai nói một điều gì nhưng chúng tôi hiểu trong lòng ai cũng nghĩ: Mẹ Suốt vẫn đứng đó, nhìn ra bến đò, nơi ngày xưa mẹ đưa biết bao người con qua dòng sông Nhật Lệ. “Tàu bay hắn bắn sớm trưa / Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”. Có thể nói, đây là điểm đầu tiên chúng tôi được “chạm tay” vào lịch sử của chuyến hành trình Yên Bái  - Quảng Bình - Hà Tĩnh.

 

Sáng 24/6/2011, không hiểu do có ảnh hưởng của áp thấp đang dần hình thành cơn bão số 3 hay không, mà trời Đồng Hới, chợt mưa lại chợt tạnh, hầu như cả buổi sáng không có một chút ánh nắng nào, chỉ còn lại màu trắng nhờ nhờ của mưa và cát hòa vào nhau... Chúng tôi dành nhiều thời gian thắp hương và thăm lại Đường 20 - Quyết Thắng và “Hang Tám Cô”- một địa danh được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia - "địa chỉ đỏ" thu hút bao thế hệ tìm về lịch sử của dân tộc, sống lại chiến trường xưa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Từ bến phá Xuân Sơn đi tiếp là đến ngã rẽ của những tuyến đường mòn xẻ dọc Trường Sơn. Chỉ đi mười mấy cây số trên đường 20 Quyết Thắng mà sao thấy lắm ngã ba, ngã tư là vậy (?)  Các bạn báo Quảng Bình cho biết, chỉ một tuyến đường thôi nhưng nó có thêm rất nhiều nhánh phụ nối với nhau hoặc là đường lánh nạn, thậm chí có cả những ngả đường lừa địch nhưng tựu chung lại nó đều là những con đường máu lửa. Trong đó ác liệt nhất vẫn là con đường 20 Quyết Thắng với những điểm nóng đầy đạn bom như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phú La Nhích… được ví như "lò luyện thép" mà ai đi qua nơi này sẽ trờ thành một “loại thép” tốt. Với chiều dài hơn 120 km mà đã có hơn một nghìn người ngã xuống, chiếm khoảng 1/10 số liệt sỹ đã hy sinh trên toàn bộ các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

 

Đường 20 - Quyết Thắng bắt đầu từ làng Phong Nha bên dòng sông Son đến ngả ba Lùm Phùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9. Với chiều dài 123 km, Đường 20 - Quyết Thắng được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông - vận tải.

Trên đường tới Đền tưởng niệm ghi danh các hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng khi làm hiệm vụ trên tuyến Đường 20 Quyết Thắng và “Hang Tám Cô”(*), chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện tâm linh cùng đôi điều huyền bí kể về Hang 8 TNXP  hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở đây. Không hiểu vì xúc động cùng ngưỡng mộ tinh thần quật cường của các anh chị (xin phép các anh hùng được gọi là anh chị), hay là do sự tình cờ khó hiểu mà khi cả đoàn hướng bước chân về phía Đền tưởng niệm, hàng ngàn ngọn gió “reo lên” rõ tiếng  ô… ô…ô…

 

Hầu hết, cả đoàn đều như nín thở. Xung quanh chỉ còn lại tiếng gió. Tất thảy những dòng nước mắt cứ tự trào ra trên khuôn mặt mỗi người. “Hàng vạn cán bộ, bộ đội, TNXP, công nhân, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã lao động quên mình và chiến đấu kiên cường, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường, thông tuyến, chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường. Những tổn thất, hy sinh của họ không ai tính hết được…”. Đưa mắt tìm kiếm những kỷ vật còn lại nơi đây, chúng tôi nhìn thấy cây rao báng vẫn hiên ngang vươn dáng gầy mỏng của mình ra đón nắng gió ở trước cửa hang tám cô - chứng tích duy nhất còn lại - nơi đó xưa kia các bộ đội Trường Sơn, TNXP đã dùng mảnh bom làm kẻng báo động mỗi khi có máy bay địch …

 

Không chỉ có vậy, xung quanh khu vực này còn có nhiều cây to mang dáng hình lạ kỳ nhưng lại như hàm chứa nhiều điều bí ẩn, điển hình như cây “Mối tình Trường Sơn”, khi quan sát những hình ảnh giống như hai bàn tay ấp vào nhau mà mỗi người đều có nhiều suy nghĩ.

 

Di tích "Hang Tám Cô".

Trước khi thắp hương tại đây, chúng tôi được anh bộ đội làm nhiệm vụ quản lý nhà tưởng niệm hướng dẫn làm thủ tục và kể những chuyện tâm linh của các liệt sỹ ở Đường 20 quyết thắng này. Anh nói, năm nào cũng vậy, sau khi làm lễ chiêu hồn các anh chị xong thì các nhà ngoại cảm đều nói lại rằng, dù đất nước đã toàn thắng, hòa bình và hạnh phúc rồi nhưng các anh chị vẫn mãi nằm đó với tuổi 20 của mình và mong rằng người đời, lớp lớp cháu con đừng quên họ (mặc dù nhiều hài cốt của các anh, các chị đã được đưa về mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà)… Do vậy mà từ mấy chục năm nay, dù là bộ đội, TNXP hay nhân dân, đơn vị nào, cá nhân nào khi có dịp đi qua đây, đều không quên thắp nén hương thơm tưởng niệm 8 TNXP và các liệt sĩ khác nữa đã hy sinh tại nơi này.

 

Có lẽ chỉ có người Việt Nam mới làm nên được những điều thiêng liêng ấy khi tình yêu Tổ quốc đã đạt đến chân thành dâng hiến mà chẳng ngại hy sinh. Sự hy sinh ấy đã cho hôm nay sức sống sinh sôi với bạt ngàn màu xanh trải rộng từ Bắc vào Nam…

 

Tạm biệt Đồng Hới trưa 24/6/2011, chúng tôi trở lại Hà Tĩnh trên quốc lộ 1 với tinh thần trở về nguồn, tất cả trong đoàn nghỉ ngơi chuẩn bị cho hôm sau một hành trình mới về Ngã ba Đồng Lộc.

 

Hôm ấy, 25/6/2011, dường như trời cao thấu hiểu được lòng người mà thời tiết rất đẹp. Từ rất sớm, trời đã rực nắng. Từ thành phố Hà Tĩnh rẽ vào huyện Can Lộc rồi đi tiếp vào tỉnh lộ 2 thêm 8km, chúng tôi tới Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Đây là giao điểm của quốc lộ 15A nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn.

 

Mặc dù đã được đọc, xem và nghe rất nhiều về mảnh đất anh hùng này, nhưng cả đoàn vẫn không cầm nổi nước mắt, khi nghe các cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc giới thiệu qua về quần thể khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ TNXP khi đang làm nhiệm vụ.

 

Xúc động, nghẹn ngào nhất là khi anh cán bộ Ban quản lý đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Cúc ơi…ời…ơi” và câu chuyện về quy tập hài cốt của các chị trở lại cạnh hố bom định mệnh trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968 đã để các chị nằm lại nơi đây (mặc dù trước đó, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã tổ chức đưa hài cốt các chị về quê hương của mình).

 

Trong lời giới thiệu của đồng chí cán bộ ban quản lý khu di tích đã nhấn mạnh: “Sự kiện 10 cô gái TNXP Hà Tĩnh hy sinh vì một quả bom Mỹ trong khi đang làm nhiệm vụ để bảo đảm giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc đã làm rung động trái tim của triệu triệu người; nung nấu thêm quyết tâm đánh thắng quân xâm lược Mỹ và tạo thêm động lực sinh sống, chiến đấu, lao động cho nhiều thế hệ người Việt Nam” thực sự đã khắc sâu thêm vào trong mỗi chúng tôi một bài học lịch sử vĩ đại của lòng yêu nước của người Việt Nam.

 

Cũng trong chuyến đi này, một lần nữa chúng tôi được xem lại hình ảnh chị La Thị Tám một mình băng qua giữa làn bom đạn để cắm tiêu đánh dấu những quả bom chưa nổ chính xác cho các chiến sỹ pháo binh xác định gỡ mìn nhằm an toàn cho mỗi chuyến xe vào trận tuyến - và chúng tôi đã hiểu “đôi mắt xanh tựa ngọc/ đôi giọt nước sông La… em dõi theo từng ngày/ đếm từng loạt bom rơi/ dẫu bom nổ bên tai/ em vẫn đứng giữa trời…” là những lời tri ân xứng đáng mà nhạc sỹ Doãn Nho và nhân dân dành tặng cho chị.

 

Sáng đó, chúng tôi dành nhiều thời gian đi thắp hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và tại 10 ngôi mộ của các chị; đi tham quan Công trình tháp chuông và đền thờ Ngã ba Đồng Lộc có tổng diện tích 12.500m2, gồm Đền thờ, tam quan, tháp chuông cao 7 tầng (37m) được xây dựng trên một ngọn đồi nằm giữa Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Đứng trên tháp chuông 7 tầng, chúng tôi đã ghi lại trong tầm nhìn của mình một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc, nơi đây trong lịch sử 200 ngày đêm, chị La Thị Tám đã cắm tiêu và đếm được 1.205 quả bom.

 

Trở về Yên Bái vào lúc sẩm tối ngày 25/6/2011,  lời bài thơ “Chúng tôi lên đường, tuổi 20, để lại trang thơ viết dở và một tình yêu chớm nở. Xếp bút nghiên chúng tôi lên đường. Tạm biệt nhé ơi thủ đô.” như vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi… Dù chỉ có chút ít thời gian ở bên anh linh các anh chị, nhưng tận đáy lòng mỗi người đều xúc động, tự hào vô cùng về những chiến công và sự hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và để chúng tôi có một cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Thanh Thủy - Tháng 7/2011

(*) Hang đá nơi 8 TNXP hy sinh đã được tôn tạo thành một di tích lịch sử - Một đền thờ nghiêm trang cũng được lập lên tại đó, không lúc nào hết khói hương. Sự hy sinh bi tráng của họ đã góp phần làm nên “huyền thoại” của TNXP anh hùng.

Để ghi nhớ công ơn của các anh chị bộ đội Trường Sơn, TNXP làm nhiệm vụ ở đây, ngày 14/5/2009, Chủ tịch nước có Quyết định số 684/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 8 TNXP thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục