Vào Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ tư, 2/5/2012 | 3:07:55 PM
YBĐT - Ngồi lên xe máy, bạn tôi bảo: “Tính từ thành phố Yên Bái đến thị xã Nghĩa Lộ ngót nghét gần chục cái dốc”. Cứ đi rồi em sẽ biết thế nào là đường lên Tây Bắc.
Tôi như bị hút vào giữa cái mênh mông, trùng trùng điệp điệp của núi rừng.
|
Tôi hít một hơi thật sâu để xua đi cái cảm giác hồi hộp – sự hồi hộp của một người vốn đã quen với cái thênh thang, bằng phẳng của đường bằng, sự hồi hộp của một kẻ lười đi và an phận. Chúng tôi thường trêu đùa gọi đường qua cầu Yên Bái là “ngã rẽ cuộc đời”.
Bạn tôi từ Hà Tĩnh ra Yên Bái lập nghiệp, tôi thì ở Trấn Yên. Hai đứa chẳng khác nào hai dòng nước con không chịu chảy xuôi. Lẽ ra, tôi phải theo sông Hồng về với đồng bằng, còn bạn tôi phải tìm ra biển. Thế mà chả biết lớ ngớ thế nào, hai dòng nước ấy lại vắt ngang sông Hồng, vượt bao đèo, bao suối chảy lên tận Mường Lò. Có lẽ đó là cái duyên trời định!
Nói cao thì chưa thật là cao nhưng đường sá loằng ngoằng quá. Quen rồi thì thấy chả có gì chứ đi lần đầu như tôi hoa cả mắt mũi. Con dốc đầu tiên hơi dài và gấp làm tôi bất ngờ. Cứ như một chữ U bị đổ kềnh trên mặt giấy. Ấy thế mà mẹ tôi kể là đã từng đạp xe cà tàng lên đến Mỵ, vào trong Đại Lịch – Văn Chấn mà còn chưa thấm tháp gì so với cái thời điểm dân quân ta tải đạn, kéo pháo lên đến tận trận địa Mường Thanh – Điện Biên Phủ… Đúng là sức người không gì có thể tưởng tượng nổi.
Dọc con đường màu xanh bất tận, tôi như bị hút vào giữa cái mênh mông, trùng trùng điệp điệp của núi rừng. Nhìn những đồi chè tròn trịa, tăm tắp, đầy đặn từ chân lên tận đỉnh đồi mới thấy con người thật phi thường. 1, 2, 3, 4,…bạn tôi bảo đến cái dốc thứ tám dài chừng 2km, lại vừa cao, vừa gấp này chính là đèo Ách. Rồi hắn như hào hứng hẳn lên, quên cả đôi tay đã gần như bị đờ đi vì chạy đường xa, vừa lắc lắc cái đầu, vừa hát: “Chiều mùa thu nắng vàng như mật/ Khi đã nghe đèo Ách, cầu Nhì/ Khi đã từng nghe rừng gió hút/ Em có vào Nghĩa Lộ với anh không…”.
Mùa ban Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thu Trang)
Kia rồi! Mường Lò đã hiện ra trước mắt. Trông xa, cánh đồng Mường Lò như một tấm thảm xanh bị rơi từ trên trời xuống, nằm lọt thỏm giữ những quả đồi, ngọn núi. Xe chúng tôi đang trên đỉnh dốc của đoạn đường thẳng như kẻ chỉ chia cắt cánh đồng. Con đường màu xám đã thôi không uốn lượn như những quãng mà chúng tôi đã bỏ lại phía sau, có lẽ vì đất đã thuần hơn. Đến đây, núi đồi như xô dạt ra tứ phía, hiền lành và ngoan ngoãn. Chỉ có một cánh đồng phẳng lì, đẹp như một bức tranh thôn dã.
Xe chúng tôi lăn bánh ngon lành trên đoạn đường giữa cánh đồng mênh mông lúa. Đúng là cái màu phì nhiêu của đất. Nhìn cho rõ thì tưởng chừng lúa chỉ có mỗi bông không. Những bông lúa chắc mẩy, vàng ươm như xếp vào nhau, chực ngã. Cầu Ngòi Thia như cánh tay chắc chắn của chàng trai bản vắt qua con suối Thia rộng lớn, tươi mát, chảy dài như suối tóc.
Tôi đã được nghe kể về sự tích con suối kỳ diệu này. Và tự dưng, tôi nghĩ đến mái tóc của những người con gái Thái – một nét riêng, một vẻ đẹp đặc trưng và huyền diệu. Trên cánh đồng Mường Lò và trên con đường vào thị xã, tôi đã thấy những người phụ nữ Thái với mái tóc dài búi gọn ghẽ trên đỉnh đầu. Mái tóc ấy mà buông ra thì có khác nào con suối Thia uốn lượn. Dù họ ít mặc áo cỏm như tôi thường mường tượng nhưng vẫn là chiếc váy đen dài đến mắt cá chân tôn lên cái vẻ đẹp dịu dàng và mềm mại. Chả thế mà bạn tôi cứ tấm tắc khen con gái Thái đẹp. Có lẽ vì thế nên hắn kết đất này lắm. Hắn bảo đất lành chim đậu. Rồi hắn cười, vẻ sảng khoái và đắc chí.
Chúng tôi dừng lại bên vỉa hè rộng rãi. Hàng ban xanh non xòe bóng. Những chiếc lá ban xanh lơ lao xao trong gió chiều. Những cụm hoa ban trắng tinh lấp ló trong tán lá. Hóa ra đây là hoa ban. Mang tiếng là người Yên Bái nhưng đã bao giờ tôi thấy một đóa ban nào. Tôi nhớ trên báo Yên Bái có đăng rất nhiều ảnh về Nghĩa Lộ trong đó có một bức làm tôi nhớ mãi. Đó là bức ảnh chụp hai thiếu nữ Thái đi trên vỉa hè, dưới hàng ban xanh, thơ mộng vô cùng.
Nhìn lại thì hình như bức ảnh ấy chụp con đường này, vỉa hè này và hàng ban này. Bạn tôi bảo đây là dốc Đỏ. Ý nghĩa của cái tên này thì hắn chịu nhưng anh chàng lại vô cùng hào hứng với những con số. Hắn nói thích nhất là cái cánh đồng này. Đúng là “nhất Thanh, nhì Lò…”.
Chúng tôi đứng hồi lâu trên cánh đồng Mường Lò, gió dào dạt tràn ra khắp khoảng không mênh mông, phả vào mũi một hương thơm bình dị, quen thuộc, no ấm. Phía sau, dòng Thia róc rách, mềm mại uốn lượn. Dòng suối hiền từ và đầy sức sống như dòng sữa nuôi nấng cánh đồng này.
Nguyễn Thu Phong
Các tin khác
Tôi gọi cái thời của các anh – thời của những chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn ngày ấy là thời hoa lửa. Bởi đó là thời trai trẻ hào hùng nhất, đẹp đẽ, ý nghĩa nhất song cũng đầy gian khổ và hy sinh. >>Trả nghĩa với đồng đội đã khuất / Đoàn 3005 Trường Sơn họp mặt kỷ niệm 40 năm nhập ngũ và đi B
YBĐT - Khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 là khoảnh khắc quý giá nhất bởi nó được đánh đổi bằng cả tinh thần yêu nước và máu xương của dân tộc làm nên một thời kỳ mới: Thống nhất non sông đất nước.
YBĐT - Là lực lượng trẻ, xung kích đi tiên phong trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua thanh niên Văn Yên (Yên Bái) luôn nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo.
YBĐT - Theo dự án di dân của tỉnh Yên Bái, những người dân ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã dời khu đất từng là nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để chuyển sang khu tái định cư cách đó chừng vài cây số. Với địa hình bằng phẳng, các hộ dân chuyển đến định cư tại nơi ở mới đều rất yên tâm bởi họ không còn phải lo nỗi lo sạt lở đất đá và lũ quét mỗi khi mưa về. Cu Vai đang hiện diện một sức sống mới.