Đi tìm sự sống

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/5/2012 | 3:08:44 PM

YBĐT - Không ồn ào, náo nhiệt như Khoa sản, Khoa nhi, không căng thẳng với từng ca bệnh như Khoa Cấp cứu hay Chấn thương, tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái có những phòng bệnh riêng biệt dành điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Tại khoa Truyền nhiễm có nhiều bệnh nhân điều trị HIV/AIDS là phạm nhân.
Tại khoa Truyền nhiễm có nhiều bệnh nhân điều trị HIV/AIDS là phạm nhân.

Những căn phòng ở cuối hành lang này có mùi thuốc sát trùng đặc trưng lan tỏa trong không gian yên ắng, tĩnh lặng dường như đối lập hẳn với tâm trạng đầy giông bão của những con người đang từng ngày cố gắng giành giật sự sống từ tay thần chết.

Số phận mong manh

Ngoài 80 bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú, những phòng bệnh nội trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS đều được tận dụng “hết công suất”. Bệnh nhân vào đây từ các tuyến huyện, trại giam bao gồm các đối tượng nghiện ma túy, gái mại dâm… Cuộc sống của những con người này không còn dài nhưng trong thời gian điều trị ở đây có lẽ sẽ giúp họ nhận ra nhiều điều đáng quý mà trước kia họ vô tình để mất.

Quãng thời gian nằm trong viện, anh Đ.V.H (thành phố Yên Bái) nghĩ về thời tuổi trẻ trôi hoài trôi phí như xem lại những thước phim quay chậm. Anh ân hận về những ngày tháng nghe bạn bè rủ rê chơi bời, quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm khi làm công nhân ở huyện Văn Chấn. Cho đến một ngày cơ thể ốm yếu, đi khám bệnh, anh mới biết mình đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Thân hình gầy gò vì bệnh tật khiến H. trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 35, độ tuổi sung sức nhất của đời người.

Thật may mắn cho H. là có được cô vợ trẻ chịu thương chịu khó, hàng ngày vừa tất tả chăm chồng, vừa lận đận kiếm sống và lo thuốc thang. Vén áo cho bác sĩ kiểm tra để lộ những nốt mẩn đỏ chi chít trên người, H. nói: “Cháu đỡ nhiều rồi bác sĩ ạ. Điều trị xong đợt này cháu về kiếm việc làm đỡ cho vợ cháu. Cô ấy vất vả quá, nhiều lúc nghĩ thương cô ấy còn trẻ, mới hơn 20 tuổi, cháu muốn chia tay cho cô ấy bớt gánh nặng nhưng cô ấy không chịu”.

Khẽ hé đôi mắt nặng nề trên khuôn mặt vàng ệch vì bệnh gan siêu vi trùng, bệnh nhân N.V.T (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình) dường như vẫn chưa nhận ra người vợ lam lũ đang rơi nước mắt đau xót mỗi khi nhìn chồng và nghĩ đến mấy đứa con thơ nheo nhóc ở nhà. T bị cuốn đi trong cơn lốc tìm đá đỏ mong đổi đời vài năm trước, đá đỏ đâu không thấy, chỉ biết rằng giờ anh đã mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Các “chiến hữu” của anh ngày nào phần nhiều đã về thế giới bên kia.

Với thân hình tiều tụy chỉ còn da bọc xương kia, liệu anh T liệu có thể ở lại bao lâu với vợ con, cha mẹ trên cõi đời này? Bên cạnh những bệnh nhân là người lao động tự do, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn có nhiều bệnh nhân thật đặc biệt khác, đó là những phạm nhân.

Không giống như những bệnh nhân khác, những phạm nhân không có được sự quan tâm chu đáo của gia đình. Ông T.Đ.V năm nay gần 60 tuổi, sóng gió cuộc đời khiến các nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt và mái tóc đã ngả bạc của ông.

Ông là phạm nhân của trại giam Hồng Ca đã 5 năm. Lẽ ra, ở cái tuổi lục tuần này ông phải được hưởng sự an vui tuổi già bên con cháu nhưng mỗi khi nhắc đến hai chữ gia đình là người đàn ông này lại lén lau đi những giọt nước mắt và nói từng tiếng qua hơi thở khó nhọc của người mang trọng bệnh: “Quê tôi ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tôi được đưa từ Trại xuống Viện một tuần nay, cũng đã nhờ người gọi điện cho con cái nhưng chúng không đến, vợ cũng không đến, chỉ có cô cháu gái mới xuống được hai hôm nay chạy đi chạy lại, còn lại đều nhờ vào cán bộ quản giáo và các y bác sỹ mua cho bữa ăn, cốc nước”.

Chặng đường 7 năm cải tạo phía trước đối với người đàn ông này hẳn còn rất dài và không biết ông có về được quê hương sống nốt những ngày cuối đời?

Hầu hết các bệnh nhân vào đây điều trị nội trú đều trong tình trạng  bệnh ở giai đoạn cuối, số phận mong manh như chiếc lá úa sắp lìa cành. Người mắc HIV sẽ bị suy giảm hệ thống miễn dịch, do đó thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: lao, nấm, tiêu chảy, viêm gan siêu vi trùng, viêm phổi, sùi mào gà...

Do hệ thống miễn dịch bị suy giảm nên tình trạng bệnh càng nguy hiểm và cần điều trị phức tạp hơn rất nhiều so với các bệnh nhân khác mới mong kéo dài được sự sống.

Lặng lẽ sẻ chia

Trong những ngày còn lại của cuộc đời, những bệnh nhân AIDS đã nhận được sự quan tâm chăm sóc tận tình của các y bác sỹ Khoa Truyền nhiễm. Sau hơn một tuần điều trị, anh H. đã khỏe hơn, dường như đã có thêm chút hy vọng trong lời nói của người đàn ông này: “Lúc đầu khi biết bệnh tình, tôi không thiết sống nữa, cảm giác mọi con đường đều bị đóng chặt lại. Chính sự động viên của các bác sĩ ở đây đã giúp tôi tin tưởng hơn vào tương lai.

Hàng ngày, ngoài tiêm, uống thuốc, bác sỹ còn trò chuyện thân tình về hoàn cảnh gia đình, chúng tôi thấy được sự ấm áp, thân thiết và có thêm nghị lực sống”. Sự ấm áp ấy được mang lại từ chính cái tâm của từng y bác sĩ. Họ đã đưa bàn tay nhỏ bé của mình cho những con người đang chơi vơi giữa vòng xoáy của cuộc đời nắm lấy như chiếc phao cứu sinh trong lúc cô đơn và tuyệt vọng nhất.

Thấm thoắt đã 20 năm gắn bó với các bệnh nhân HIV/AIDS, mái tóc giờ đã điểm bạc, bác sĩ Phạm Thị Hòa - Trưởng Khoa Truyền nhiễm chia sẻ: “Người dân bây giờ đã hiểu hơn về bệnh AIDS chứ trước kia nhiều người bị gia đình bỏ rơi, lúc chết cũng chẳng có ai thân thiết, tội nghiệp lắm. Khi đó các y bác sĩ lại chính là người phải lo hậu sự cho bệnh nhân. Sau rất nhiều chiến dịch truyền thông, mọi người dần hiểu hơn về HIV/AIDS, chăm sóc và không xa lánh họ. Con người mà, ai cũng cần được yêu thương”.

Hiện nay, Khoa Truyền nhiễm rất thiếu bác sĩ. Cả Khoa chỉ có ba bác sỹ và những bác sĩ trực tiếp điều trị như bác sĩ Hoà đã rất lâu rồi không biết đến ngày nghỉ. Đến với nghề y là mỗi y bác sỹ đã chọn lựa sự vất vả cho mình nhưng đối diện và điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Môi trường làm việc hàng ngày, lấy máu xét nghiệm, truyền dịch, tiêm thuốc... các nhân viên y tế đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV rất cao trong khi đó chế độ đãi ngộ chưa thật tương xứng.

Bỏ lại những lo toan thường nhật, khi khoác chiếc áo bluse trắng lên người họ lại làm việc với tinh thần trách nhiệm cao với một trái tim nhân hậu. Ngày ngày họ vẫn nhẹ nhàng đến bên giường bệnh, tiêm thuốc và tận tình khám cho những bệnh nhân AIDS như những người bình thường không hề có khoảng cách. Bệnh nhân đang điều trị tại đây đa phần có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người trong số họ không có bảo hiểm y tế, cuộc sống chông chênh như đi trên một chiếc cầu thang yếu không có tay vịn.

Vậy là, ngoài việc khám chữa bệnh, các bác sỹ còn sẻ chia với những số phận kém may mắn, xin cho bệnh nhân nghèo khẩu phần ăn, tuyên truyền đến người dân có cái nhìn khác về căn bệnh HIV/AIDS, giới thiệu việc làm để bệnh nhân thấy lạc quan và tin vào cuộc sống.

Có thể ông V., anh T. và rất nhiều bệnh nhân AIDS khác không còn sống được bao lâu nữa nhưng những ngày cuối đời họ đã thấy thanh thản hơn khi nhận được sự quan tâm chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra và ở khoa điều trị đặc biệt này, ngày ngày, những y bác sỹ vẫn làm việc hết mình để giành lại sự sống từ trong cái chết cho những bệnh nhân HIV/AIDS với hy vọng mỗi sớm mai thức dậy, lại được nhìn thấy ánh mặt trời rực sáng ở phía Đông.

Hồng Khanh

Các tin khác
Tôi như bị hút vào giữa cái mênh mông, trùng trùng điệp điệp của núi rừng.

YBĐT - Ngồi lên xe máy, bạn tôi bảo: “Tính từ thành phố Yên Bái đến thị xã Nghĩa Lộ ngót nghét gần chục cái dốc”. Cứ đi rồi em sẽ biết thế nào là đường lên Tây Bắc.

Họ là những chứng nhân của lịch sử.

Tôi gọi cái thời của các anh – thời của những chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn ngày ấy là thời hoa lửa. Bởi đó là thời trai trẻ hào hùng nhất, đẹp đẽ, ý nghĩa nhất song cũng đầy gian khổ và hy sinh. >>Trả nghĩa với đồng đội đã khuất / Đoàn 3005 Trường Sơn họp mặt kỷ niệm 40 năm nhập ngũ và đi B

Đoàn cán bộ Báo Yên Bái dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc.

YBĐT - Khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 là khoảnh khắc quý giá nhất bởi nó được đánh đổi bằng cả tinh thần yêu nước và máu xương của dân tộc làm nên một thời kỳ mới: Thống nhất non sông đất nước.

Để mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Trung thiếu khoảng 200 triệu đồng mà không biết xoay xở ở đâu.

YBĐT - Là lực lượng trẻ, xung kích đi tiên phong trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua thanh niên Văn Yên (Yên Bái) luôn nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục