Ký ức đêm xoè Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/5/2012 | 9:30:15 AM

YBĐT - Người cựu chiến binh nâng bàn tay thanh xuân của người con gái Thái nối vòng đại xòe trong đêm liên hoan văn nghệ chào mừng các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Bao năm rồi ông mới được sống trong tâm trạng náo nức của vũ điệu xòe cùng những con người chất phác, cần cù và anh dũng.

Điệu xòe Thái Tây Bắc đắm say vào ngày lễ kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Điệu xòe Thái Tây Bắc đắm say vào ngày lễ kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đêm Điện Biên rực hồng ngọn lửa, rộn ràng trống hội, da diết tiếng khèn, pí pặp, pí thiu… Trời đêm se lạnh, cô gái trẻ hồn nhiên nắm chặt tay người cựu chiến binh bước vào vòng xòe. Bàn tay mềm mại, trẻ trung tràn đầy sức sống ấm trong tay ông, người cựu chiến binh bỗng bồi hồi nhớ lại một thời hy sinh, chiến đấu bằng tất cả niềm tin và khát vọng về một ngày mai tươi sáng...

Ông cố tìm ánh mắt người con gái năm xưa, người con gái cùng đội xòe được ông và đồng đội cứu thoát khi giải phóng Điện Biên. Các cô gái xinh đẹp run rẩy, sợ hãi, đi dưới bầu trời tự do mà không tin vào sự thực tưởng chừng chỉ có ở trong mơ.

Chỉ đến khi các cô được bàn tay các anh bộ đội cụ Hồ nắm chặt, dìu qua bộn bề lửa khói và lởm chởm dây thép gai, mảnh đạn bom sắc nhọn, các cô mới thực sự tin vào sự hoàn sinh của một kiếp gái xòe, một đời nô lệ, đồ chơi cho lũ quan lại thống trị, được sống làm người.

Người cựu chiến binh mỉm cười nhớ lại những ngày sau giải phóng, cùng đồng bào bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, giữa bao nhiêu công việc của chính quyền cách mạnh non trẻ, ông cùng các đồng đội và bà con không chỉ gắng sức để Điện Biên có được: Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng mà còn tích cực bắt tay vào việc khôi phục và phát triển văn hóa văn nghệ dân tộc. 

Ông thực sự ngỡ ngàng và khâm phục trước sự phong phú và đặc sắc của nền văn hóa Thái, đặc biệt là các điệu xòe. Người già trong bản kể rằng, người Thái Tây Bắc có tới 36 điệu xòe. Đó là những điệu múa kết tinh từ thực tế cuộc sống; mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu... Triết lý âm dương, quan niệm về vũ trụ: Đất - trời - lửa - nước và ý nghĩa nhân sinh ẩn chứa trong các điệu xòe và trong từng bước vũ.

Trong những đêm liên hoan văn nghệ quân dân, ông cùng đồng đội và dân bản sôi nổi trong bước xòe vòng - điệu xòe của cả cộng đồng, ông thực sự rung động trước sự nhẹ nhàng mà tinh tế của các bài xòe điệu. Các cô gái trong điệu xòe tủi hổ năm xưa hòa cùng trai mường gái bản, cầm tay anh bộ đội Cụ Hồ vui mừng hớn hở trong điệu dân vũ, những bước chân trần tự tin trên mảnh đất quê hương.

Giờ đây khi mỗi người được xem điệu xòe “Tằng xa”, điệu xòe mô tả quá trình sống kiếp nô lệ dưới ách gông cùm và sự đấu tranh giành cuộc sống mới, là trong lòng mỗi người dân Tây Bắc lại thấm thía trân trọng hơn những gì đã có hôm nay.

Các cô gái với đạo cụ là những chiếc khăn piêu vắt qua lưng, đầu cúi gục, hai tay xiết chặt lại như bị trói, hai đầu khăn buông thõng, hai chân rê chậm chạp nặng nề dịch chuyển từ trái qua phải, mô tả kiếp sống nô lệ bị những hủ tục và gông cùm trói buộc, con người không có tự do, không có quyền sống, chỉ tồn tại như bầy thú lẩn lút trong rừng.

Lời hát theo nhịp đàn tính càng thêm ai oán, thực tại phũ phàng, hạnh phúc chỉ là mơ ước xa vời. Nhưng rồi nhịp đàn tính chợt thôi thúc sôi nổi, các cô gái chợt vùng lên thoát khỏi sự trói buộc. Nhịp chân mạnh mẽ vui tươi, những chiếc khăn piêu tung bay trong vũ điệu mừng cuộc sống mới lóng lánh sắc mầu.

Cuộc sống tự do bay nhảy, nảy nụ đơm hoa không trở lực nào ngăn được, qui luật của tự nhiên, thành quả của sự đấu tranh giải phóng được diễn tả vô cùng tinh tế.

Người cựu chiến binh nhớ tới lời người già trong bản vẫn dạy con cháu: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi”. Những điệu xòe thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của  mỗi người dân tộc Thái.

Qua mỗi bước xòe, mỗi người như được gột rửa tinh thần, gần gũi chan hòa với nhau hơn, yêu người yêu đời để rồi bước vào cuộc sống lao động với một niềm tin trong sáng. Cũng chính vì vậy mà bao năm dưới ách kìm kẹp đô hộ của thực dân phong kiến, ngọn lửa hội xòe run rẩy tưởng chừng sẽ tàn lụi nhưng ngọn lửa trong trái tim người Thái Tây Bắc vẫn nồng nàn tỏa sáng.

Trong các gia đình làng bản,các nghệ nhân vẫn âm thầm truyền dạy cho các con các cháu những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, để rồi hôm nay, ngọn lửa hội xòe được ngọn lửa trong trái tim mỗi người con của quê hương Tây Bắc cộng hưởng, thăng hoa, tỏa sáng, ấm giữa non ngàn.

Đêm Điện Biên rực hồng ngọn lửa. Lửa của những chiếc đèn trời tỏa sáng cùng ánh trăng. Lửa lung linh trên búp tay người con gái Thái mê say trong mỗi bước xòe. Lửa rập rờn trên hàng “mắc pém (cúc bạc hình bướm), áo “cóm” đong đưa. Lửa nhảy nhót trên những bước chân nhịp xòe bay nhảy. Lửa rạo rực trong trái tim những người dân của mảnh đất anh hùng đã trở thành huyền thoại, những con người chịu thương chịu khó, anh dũng và cần cù giản dị, yêu đời và làm chủ tương lai. 

Tiếng trống dậy dồn giục giã, cô gái trẻ sôi nổi cầm tay đưa người cựu chiến binh vào khúc vũ cao trào. Trong đôi mắt hồn nhiên của cô gái lấp lánh hai vì sao sáng như ánh mắt người con gái năm xưa nhưng sao mà tự tin đến thế.

Ôi vừa mới năm nào mà mấy mươi năm đã trôi qua! Cuộc sống mới đẹp làm sao và kỳ diệu thay cho sự hồi sinh của cuộc sống, sự hồi sinh của vũ điệu xòe!
Người cựu chiến binh xúc động nghẹn lòng nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống trong những trận đánh chiếm giành giật từng cứ điểm. Đây Hồng Cúm, đây Him Lam, đây đồi A1... Mỗi nắm đất, mỗi thớ cây ngọn cỏ… đều thấm máu của các anh. Các đồng đội của tôi ơi! Sự hy sinh của các anh đã không uổng.

Điện Biên hôm nay đã là một thành phố trù phú, một trung tâm kinh tế văn hóa nơi cửa ngõ miền Tây. Núi ngàn xanh mướt mát căng đầy nhựa sống, ánh non tơ sáng trên đầu cỏ biếc và trong mỗi ánh mắt cười. Những công trình tươi rói mang tầm thời đại.

Những thế hệ con cháu, những chàng trai cô gái của “ải Lậc cậc (Bố khổng lồ - thần thoại dân tộc Thái), hậu duệ của “Nàng Han (một anh hùng dân tộc Thái) thực sự là những chủ nhân xứng đáng của quê hương, đêm nay tay trong tay tưng bừng trong đêm xòe trên mảnh đất của quê hương yêu dấu.

Tiếng hát gọi mời tha thiết: “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về… Người cựu chiến binh như thấy mình trẻ lại, ông lâng lâng bước trong tiếng nhạc.Vòng đại xòe như bông hoa ban huyền thoại bừng nở rực ánh lửa hồng.

Trần Vân Hạc

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục